Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Mùa thả càn bên sông

Mùa thả càn bên sông

Cũng nhờ chăn bò, cắt cỏ, thả lưới bên sông Đà Rằng trong mùa thả càn mà nhiều mối tình đã nên duyên tốt đẹp. Nhiều người dân ở hai vùng đất bên sông cách trở đã về làm dâu, làm rể phía bên này. Vì vậy, tình nghĩa càng thêm gắn kết, nối giao giữa đôi bờ…
Làng Vĩnh Phú xã Hòa An quê tôi nằm bên cạnh sông Đà Rằng, cách phố thị Tuy Hòa khoảng 5 cây số. Nếu ra bờ sông sẽ nhìn thấy rất rõ chiếc cầu sắt bắc ngang mà người dân quê thường gọi là cầu 21 nhịp, tên gọi thân thương của chiếc cầu Đà Rằng. Cùng với Đá Bia, Chóp Chài, Núi Nhạn, sông Đà Rằng trở thành một biểu tượng văn hóa của con người và vùng đất Phú Yên. Tuổi thơ của tôi gắn liền với dòng sông quê hiền hòa, thơ mộng, với bờ bãi ngút ngàn xanh mướt của tre, cỏ và hoa màu được trồng trên bãi bồi ở ven sông. Mỗi chúng ta, ai cũng có những kỉ niệm ngọt ngào với dòng sông quê hương xứ sở. Riêng tôi, trong tâm trí vẫn còn nhiều vấn vương, thương nhớ về những mùa thả càn ở bên sông, dù đã xa hơn 30 năm trước!
Hằng năm, có thể sớm hoặc muộn hơn một chút, tùy vào điều kiện thời tiết, cứ tầm độ đầu tháng 8 âm lịch là bắt đầu mùa thả càn. Lúc này những trận gió Nam cồ không còn giận dữ nữa, mưa bắt đầu dịu nhẹ rơi rơi, hương thị chín thơm nồng trong gió thoảng, cũng là lúc lúa trên đồng nặng hạt vàng bông chờ mong đáp đền công khó nhọc. Sắp đến cắt lúa vụ Hè Thu cho nên bà con đều tranh thủ thu hoạch hoa màu ngoài bãi soi để còn lo lúa. Hồi đó còn làm thủ công, cắt lúa nhọc nhằn cả tháng trời mới xong chứ không có máy móc như bây giờ. Sông Ba ngày ấy chưa có đập thủy điện nào, nước sông lớn nhỏ chẳng lường, cứ theo kinh nghiệm thì tháng 9 và 10 âm lịch là mùa lũ lụt. Vì vậy, bà con phải thu hoạch hoa màu ở ven sông trước, rồi còn lo cắt lúa ngoài đồng. Thế là mùa thả càn đã đến với lũ nhỏ chúng tôi!
Gọi là mùa vì nó diễn ra trong một quãng thời gian nhất định, ở đây chỉ trên dưới một tháng thôi. Còn thả càn là được tự do thả bò, hái mót hoa màu còn sót lại sau khi bà con đã thu hoạch xong. Hơn 30 năm trước, làng quê vẫn còn thưa vắng lắm. Người dân vừa trồng lúa trên đồng rồi tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng hoa màu phụ ven bãi bồi sông Ba như bí, mướp, bắp, đỗ hoặc khoai lang… Sông Ba quê tôi là con sông dài nhất miền Trung bắt nguồn từ Kon Tum, chảy qua Gia Lai, Đắk Lắk rồi đi qua Phú Yên trước khi đổ ra biển. Từ thượng nguồn cho đến đập Đồng Cam, dòng sông ấy có tên gọi là Sông Ba. Nhưng khi nước tràn qua con đập thủy lợi được coi là lớn nhất Đông Dương ở thời điểm hoàn công năm 1932 xuôi về cửa biển, nó mang tên sông Đà Rằng, đã bồi lắng phù sa tưới mát cho cả một vùng đất Tuy Hòa – Phú Yên trù phú. Hồi đó, bọn trẻ con chúng tôi chỉ đi học buổi sáng, cả buổi chiều còn lại được nghỉ ngơi vui chơi với ruộng đồng sông bãi. Ngoài giờ học, những đứa trẻ phải phụ giúp gia đình rất nhiều việc như hái rau cho heo, hái củi, bắt cua hoặc chăn bò, cắt cỏ… Tôi chưa bao giờ cảm thấy đó là những công việc vất vả, trái lại là rất thích thú, đặc biệt là đến mùa thả càn bên sông!
Mới đầu giờ chiều đã nghe tiếng í ới gọi nhau lùa bò ra sông của đám bạn. Đứa nào cũng nôn nao như sợ mất phần vui của mình ngoài đó. Người lớn mang theo bao, câu liêm, rựa, đôi chàng gióng để chiều còn gánh cỏ, gánh rau về. Có người mang theo giỏ la, rổ xúc để xúc cá bống, xúc tép… Bãi sông chẳng mấy chốc đã rất đông người, và gần như bò trong thôn cũng  tập trung hết ở đây rồi. Làng quê tôi chẳng có trâu, chỉ toàn là bò thôi. Lúc này, giữa bãi sông lồng lộng gió, lảnh lói tiếng chim, râm ran tiếng dế. Nắng vẫn nhiều nhưng là cái nắng thu dịu nhẹ, vàng ươm. Bọn trẻ như tôi đã quen với nắng, lại ham vui nên quên mất chuyện nắng mưa của trời và lời căn dặn của mẹ. Hoa màu đã thu hoạch nhưng còn sót lại những trái mướp non, ngọn rau bí vàng, những trái dưa gang, dưa hấu chưa kịp lớn. Người trồng đã cho phép bọn trẻ hái ăn hoặc đem về, cho phép bò được tha hồ thả. Phải tranh thủ kẻo con nước sông Ba đổ về mùa lụt. Lúc này, tôi hiểu được “ thả càn” là như thế! Cậu Mười của tôi thì giải thích: thả càn là thả chộ! Tôi yêu cách giải thích này lắm và chẳng biết có nơi nào như ở quê mình hay không? Tôi cởi quần dài, túm ống để đựng những trái mướp non, đọt bí…đem về cho mẹ luộc để ăn cơm chiều. Các bạn cũng vậy, chỉ hái vừa đủ thôi, còn cứ để dành đó cho bữa sau hái tiếp. Người lớn như mấy cậu, mấy anh vừa thả bò vừa tranh thủ chẻ tre đan giỏ gà, đan rổ. Lũy tre xanh ngút ngàn chạy dọc bờ Bắc sông Đà Rằng vừa bao bọc che chắn cho làng khỏi cơn nước dữ, vừa cho nguyên liệu để bà con đan rổ và hình thành làng rổ Vĩnh Phú nổi tiếng trước đây. Tre gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân quê tôi. Tre còn cho cả bóng mát bên sông để những đứa trẻ vui chơi thỏa thích lúc thả bò. Tôi đặc biệt yêu thích chăn bò, thậm chí còn mơ tưởng mình ngồi vắt vẻo trên lưng bò, rong ruổi khắp các cánh đồng, đi dọc triền sông lộng gió, lùa chúng nó xuống sông để tắm mát. Lúc ấy, những đứa trẻ cũng đã biết ước mơ rồi. Riêng tôi, tôi luôn mơ giấc mơ của kẻ mục đồng rong ruổi, giấc mơ của người nông phu gắn bó với ruộng đồng.
Sông Đà Rằng, tức hạ nguồn sông Ba, đoạn chảy qua tỉnh Phú Yên
Dòng sông êm đềm, bãi cát mênh mông, bầu trời cao vợi, râm ran tiếng chim, tiếng dế, còn cả tiếng cuốc và bìm bịp nữa. Chuồn chuồn, bươm bướm nhiều vô kể. Từng đàn se sẻ, éc le cứ sà xuống như vui đùa với lũ trẻ chúng tôi. Vì thả càn, chẳng lo lắng bò đi lạc, giẫm đạp hoa màu của ai nên chúng tôi tha hồ vui chơi. Hết bẫy chim rồi bắt dế, hết thả diều rồi mót khoai lang, hết đá banh rồi nhảy ùm xuống sông tắm, bắt ốc – những con ốc hút đen mun bằng đầu đũa ở sông rất ngọt. Có hôm còn rủ nhau nhóm lửa lùi khoai nữa. Cỏ khô rất nhiều, gom lại thành đống, khoai lang ruột trắng được trồng và thu hoạch xong nhưng vẫn còn sót, bọn trẻ hái mót rồi nướng lùi ngay trên bãi cát. Có khi còn nướng cá tôm, nướng chim nữa. Hồi đó cá tôm chim cò nhiều và rất dễ bắt. Hương vị của tuổi thơ cơ cực không dễ phai mờ trong tâm trí! Sau này tôi được đọc bài thơ Chăn trâu đốt lửa của Đồng Đức Bốn và nhận thấy nỗi niềm đồng cảm với tuổi thơ của chính mình: “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.
Suốt mùa thả càn, ngày nào cũng vậy, niềm vui kéo dài miên man trong lòng tôi và chúng bạn. Dù chỉ có bao nhiêu trò chơi ấy nhưng sự lặp lại này chẳng bao giờ chán. Vào vụ cắt lúa, người lớn lo ra đồng, còn cả một bãi sông mênh mông rộng lớn dành cho bọn trẻ. Tít tắp phía bờ Nam con sông Đà Rằng là Cồn1, cách gọi thân thương của người dân quê tôi dùng để chỉ vùng ven sông Tuy Hòa 1, theo tên gọi hành chính xưa. Nay là các xã Hòa Thành, Hòa Bình, Hòa Phong thuộc Đông Hoà và Tây Hòa của Phú Yên. Cũng nhờ chăn bò, cắt cỏ, thả lưới bên sông trong mùa thả càn mà nhiều mối tình đã nên duyên tốt đẹp. Nhiều người dân ở hai vùng đất bên sông cách trở đã về làm dâu, làm rể phía bên này. Vì vậy, tình nghĩa càng thêm gắn kết, nối giao giữa đôi bờ.
Tuổi thơ đã dần lùi xa theo năm tháng, chuyện học hành rồi công việc cuốn tôi rời làng quê cũng khá lâu rồi. Tuy nhiên, ký ức về tuổi thơ, về quê nhà vẫn vẹn nguyên không thay đổi. Thu đã sang mùa, trong lúc chúng ta vẫn còn giãn cách vì dịch bệnh Côvid-19, tôi bỗng nhớ đến Mùa thả càn ở sông quê khi xưa. Tôi mong ước cho quê hương được an toàn, hết dịch, được tự do đi lại và chẳng cần đến khẩu trang hay giãn cách, cách li nữa!.
15/9/2021
Phan Huy Thùy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chị tôi

Chị tôi Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buộc miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đ...