Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Ký túc xá giáo viên

Ký túc xá giáo viên

Đã hơn 10 năm rồi, tôi gắn bó với nơi đây, với ngôi trường cấp 3 nằm giữa cánh đồng xanh mướt, hiền hòa và những ngôi nhà bình dị, thân thiện của nhân dân cụm Bích Hào, với dãy nhà cấp 4 ngói đã thẫm màu thời gian – nơi cập bến “sinh cơ lập nghiệp” của những giáo viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau – được gọi bằng cái tên thân thuộc: ký túc xá giáo viên.
Tôi còn nhớ lắm cái cảm giác lần đầu tiên được thầy giáo chủ tịch công đoàn đưa đến khu ký túc xá để phân chỗ ở ngay sau khi tôi nhận giấy quyết định công tác từ hiệu trưởng nhà trường. Vui mừng có. Bỡ ngỡ có. Lo lắng, hồi hộp cũng có. Trước mắt tôi hiện lên những dãy nhà cấp 4 thâm thấp, mái ngói đã chuyển nâu trầm, nổi bật với những bức tường hình như vừa được quét vôi lại, một màu xanh tươi mát, dìu dịu như hòa điệu cùng sắc lá của hàng xà cừ sừng sững dọc theo lối đi từ sân thể dục dẫn về dãy ký túc.
“Đây vốn là những dãy phòng học cũ của trường mấy năm trước, được ngăn, sửa lại thành các phòng để ở và sinh hoạt cho những giáo viên ở xa trường. Ba dãy nhà có đến hơn 20 phòng với diện tích mỗi phòng khoảng 25 mét vuông…” – thầy chủ tịch công đoàn mái tóc ngả màu, ánh mắt trìu mến, chất giọng Thanh Chương trầm ấm vừa dẫn tôi đi vừa giới thiệu. Rồi thầy dừng chân trước một căn phòng gần cuối dãy, nơi có một khuôn cửa sổ nho nhỏ, cửa ra vào được sơn đỏ tuy màu gỗ đã cũ nhưng vẫn rất nổi bật. Thầy bảo: “Đây là phòng trọ mới nhé, tân giáo viên. Sáng mai sẽ có một cô giáo từ Thanh Hóa đến. Hai em sẽ ở cùng nhau. Thu xếp ăn ở sớm để dạy tốt nhé!” Tôi khẽ “dạ” và cảm ơn thầy. Không hiểu sao ngay từ giây phút ấy, tôi như đã biết đây là nhà mới của mình.
Ký túc xá giáo viên là nơi tôi lắng nghe được đủ đầy những âm thanh cuộc sống: tiếng cười, tiếng khóc, tiếng la hét đùa nghịch của lũ trẻ “con thầy, con cô”; tiếng chuyện trò, hát hò, trêu ghẹo… của những giáo viên trẻ tuổi cập kê chưa lập gia đình; tiếng “gọi chồng”, “quát con” về tắm rửa, ăn cơm của những cô giáo đang trong vai bà nội trợ; tiếng ơi ới của hội chị em, anh em rủ nhau “họp” ở bậc thềm kí túc, ở dãy ghế đá trước mặt nhà để uống chè xanh, ăn lạc luộc… rồi cả tiếng còi xe máy ra vào cổng ký túc… có lúc có khi rộn ràng, không ngớt. Nhịp sống náo nức, nhộn nhịp của ký túc đã hội tụ trong những âm thanh rất đỗi đời thường và thân quen ấy, để rồi khi mấy tháng hè đến, được trở về với vòng tay mẹ giữa lòng thành Vinh, tôi lại thấy cồn cào nhớ. Nhớ tiếng, nhớ người nơi ký túc…
Tôi không thấy mình là “khách trọ” ở ký túc xá bởi dường như ở nơi đây mọi nỗi buồn đều được san ra, mọi niềm vui được dồn góp lại. Một bữa tiệc sinh nhật các con – các cháu cũng là cơ hội để các mẹ – các dì, các bố – các chú, các bác tụ tập, hàn huyên sau một ngày miệt mài với bục giảng, phấn trắng. Một người có tang gia hay chuyện buồn thì anh chị em kí túc đều tự cho mình “cái quyền” của người nhà, mỗi người một việc, thăm nom, hỏi han, động viên, giúp đỡ việc nhà… Nếu ai đó có việc đột xuất đi vắng thì cũng chẳng cần phải lo lắng gì bởi có thể nhờ hàng xóm đón con ở trường hay thậm chí gửi con sang hàng xóm ăn cơm. Và lũ trẻ con ở kí túc cứ thế lớn lên tinh nghịch, hồn nhiên, vô tư, đáng yêu trong vòng tay bao bọc, yêu thương của bố mẹ, của rất nhiều các bác, các chú, các dì – đều là giáo viên như bố, như mẹ chúng, để rồi nếu một ngày rời xa nơi đây, tôi tin chắc rằng kí túc xá đã là một miền kí ức tuổi thơ đặc biệt và êm đềm mà chúng không thể nào quên.
Với tôi, ký túc xá giáo viên là nơi tình yêu đâm chồi nảy lộc: tình yêu với nghề giáo; tình yêu với mảnh đất Thanh Chương mằn mặn vị nhút, bùi bùi vị trám, tro, thơm thơm vị canh cải nấu thính và chân chất tình người; và đặc biệt hơn cả là tình yêu với anh – một thầy giáo hiền lành, vui tính, dạy cùng trường. Ký túc xá cũng là nơi tôi bắt đầu bước ngoặt của cuộc đời mình: bắt đầu sống tự lập, xa nhà, xa mẹ để tự thân lập nghiệp; bắt đầu làm vợ, làm mẹ và học cách xây đắp cuộc sống cho gia đình nhỏ; bắt đầu biết mở rộng lòng mình bên những đồng nghiệp mà không biết tự bao giờ, đã trở thành người anh, người chị, người em và người bạn gần gũi, thân thiết với tôi. Mọi “khởi sự” thiêng liêng ấy đều chính tự nơi đây – ký túc xá thân thương của tôi.
Không biết đã bao lần bước chân trên con đường láng xi măng đôi chỗ đã gồ ghề, xù xì nấp dưới tán xà cừ cổ thụ rậm rạp, xanh mát sau mỗi giờ tan trường, tôi thấy lòng háo hức, rộn ràng, mong chờ. Bởi phía cuối con đường rợp bóng cây ấy là nơi chốn thanh bình, yêu thương, nơi tôi trở về với bộn bề những lo toan và cả những hạnh phúc giản dị đời thường. Thầm cảm ơn cuộc sống đã đưa tôi đến nơi đây, đến với mảnh đất Thanh Chương mến người quý bạn để tôi được sống trong không khí thân tình, ấm áp của gia đình đặc biệt – ký túc xá giáo viên để rồi được trở thành một phần của nó. Và không cần chờ đến “khi ta đi”, ký túc xá đã “hóa tâm hồn” tôi tự bao giờ.
13/9/2021
Trần Thanh Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kinh nước đen 1 một Chiếc xe lô đổ bộ ba Tuyển, Thạnh, Hợp xuống đầu Phú Nhuận. Lúc đó vào khoảng sáu giờ chiều ngày thứ bẩy, xe cộ đông đảo...