Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Những hình ảnh biết nói đằng sau một cuộn phim

Những hình ảnh biết
nói đằng sau một cuộn phim

Lướt qua số ảnh mới được trả về từ phòng tráng phim, tôi rùng mình nhìn lại cuộc sống của mình đã thay đổi nhiều thế nào sau cú đánh úp của dịch bệnh. Ba mươi sáu tấm ảnh, sáu tháng và những xáo trộn lớn nối tiếp gói gọn trong cuộn phim Kodak bé xíu.
Cuộn phim kéo tôi về Đà Lạt tháng tư với không khí ẩm sương cùng mùi thông quấn quít những đồi dốc. Đó là một chuyến đi ngắn dễ chịu và không có chủ đích ngoài cảm giác muốn thoát khỏi khói bụi Sài Gòn. Sau một lúc suy nghĩ, tôi đã thấy mình ngồi trên xe rồi tỉnh giấc vài giờ sau đó giữa cái se lạnh tinh mơ.
Quá nửa cuộn phim nhuộm một màu vàng dịu dàng đầu hạ. Dải nắng vắt ngang qua cành dâu tằm chi chít quả mọng trong nông trại, phủ lên dàn dây leo trước nhà, lấp lánh ẩn hiện trên mặt hồ. Sau lớp vàng ấm áp đó, những người tôi có cơ hội nói chuyện cùng, những nơi đã đi qua hiện lên, sáng bừng, trở thành những mẩu kỉ niệm mà tôi vừa muốn giữ hết, vừa thấp thỏm vì sợ hết phim. Tôi đã quyết để dành một phần cuộn Kodak cho những ngày trở về Sài Gòn. Những ngày đó sẽ chứa đầy kế hoạch, dự định quan trọng tôi đã lên kế hoạch, và chúng xứng đáng được lưu lại trong cuộn phim này.
Tôi không biết rằng, quay về Sài Gòn, ngày tháng trên tấm ảnh cũng thưa ra dần. Bấy giờ, những tin bài đầu tiên về dịch bệnh xuất hiện, rồi nhanh chóng chiếm toàn bộ trang nhất. Cả thành phố bắt đầu nóng lên bởi cụm từ “dịch Covid-19”, “chủng Delta”, thống kê số ca nhiễm, truy vết F0,… Một đứa không thể ở yên trong nhà quá nửa ngày như tôi giờ lại phải dè chừng mỗi khi cần đi làm, đi học. Màu nắng vẫn vàng nhưng rời rạc. Những cuộc hẹn, những cái nắm tay cũng theo đó mà ngắt quãng. Khuôn mặt tôi đã quen nhìn ngắm hàng ngày lại phải che bằng lớp khẩu trang khi lên hình. Sự hồ hởi với kế hoạch tương lai tụt dốc trước đà tăng của con số F0 qua từng ngày. Thế giới trong cuộn Kodak bé lại, quanh quẩn ở con hẻm vào nhà, quán cà phê quen. Những tấm ảnh không còn vô tư, háo hức như ở Đà Lạt, mà vội vã níu lại những tương tác hiếm hoi, như đoán trước chuỗi ngày khó khăn hơn đang kéo tới.
Dải nắng bị cắt ngang thô bạo bởi ánh sáng trắng từ đèn tuýp. Tôi chính thức chôn chân trong nhà cho đợt giãn cách thứ nhất. Những ngày đầu tiên, vài góc nhỏ ở phòng ngủ, nụ hồng mới nở ban sáng được tôi nhặt nhạnh cất vào tấm hình. Dường như những nỗ lực thích nghi với hoàn cảnh mới đã thất bại, chiếc máy ảnh bị lãng quên luôn sau đó. Tôi bị hất văng ra khỏi dòng chảy cuộn xiết của đời sống thường nhật, rơi vào một dòng chảy khác mà vây quanh là lớp sương mù của tương lai và sự im lặng của Sài Gòn hiện tại. Mọi dự định bị ngưng lại, kế hoạch học tập xáo trộn, mọi thứ vuột ra khỏi tầm kiểm soát của tôi. Gượng gạo kết nối qua các ứng dụng làm việc online, tôi và lũ bạn trao nhau lời thăm hỏi, động viên mà ai cũng biết khó thành hiện thực trước những gì đang diễn ra. Hoàng hôn vẫn rực rỡ mỗi ngày, nhưng tôi đã chán ngấy hướng nhìn từ ban công cùng cảm giác không biết có gì đáng mong chờ ở ngày mai. Chưa bao giờ Sài Gòn yên ắng và đáng sợ đến thế. Vẳng lên lầu cao chỉ có tiếng còi xe cứu thương chói gắt, tiếng kèn tây từ con hẻm cạnh tòa nhà tiến ra đường lớn. Bốn tháng ở nhà, chỉ có hai tấm ảnh được chụp, đều là tôi và em đang nhìn nhau qua màn hình, và tôi rùng mình ớn lạnh khi lướt qua chúng. Với tôi, những tấm ảnh nên là khoảnh khắc của các cuộc hạnh ngộ, sự đổi thay, chuyển động của muôn vật, vậy có nghĩa lý gì khi cuộn phim chỉ ghi một cuộc sống lặp đi lặp lại, không có biến chuyển và chẳng đoán được ngày mai?
Cũng trong lúc nhìn cái máy ảnh đang nằm im lìm trên đầu tủ ấy, tôi nhận ra con người cần được tương tác đến thế nào. Chúng ta cố gắng xây dựng nền tảng kết nối trực tuyến, văn phòng ảo, đủ các phương thức nhắn tin, gọi điện cũng chỉ để tái tạo những tương tác vật lý, trực tiếp giữa người với người, người với vạn vật. Nhưng liệu những dòng tin nhắn đầy mỹ từ có đủ sức mạnh như một cái chạm khẽ vào vai đầy cảm thông? Sự long lanh hùng vĩ của cảnh tượng xa lạ phía bên kia màn hình có làm ta lay động như khi đứng trước biển sớm ở quê nhà thân thuộc?
Sắc vàng cuối cùng cũng trở lại. Sau hơn bốn tháng giãn cách, tấm ảnh đầu tiên tôi chụp là ngã tư quen thuộc tôi đã đi qua suốt mấy năm ở thành phố này. Tôi thấy mình đứng ở ngay góc ngã tư đó, hít một hơi thật sâu. Cỏ, lá cây, đất ẩm, nhựa đường, khói bô xe quện vào nhau. Tôi lắng tai nghe. Những chiếc xe rồ ga, bấm còi, giọng oang oang nói chuyện điện thoại, tiếng lanh canh của xe bún riêu, những đế giày gõ xuống hối hả, giọng hát Khánh Ly vọng ra từ quán cà phê góc đường tạo thành một hợp xướng trật nhịp, chồng chéo và dồn dập. Tôi ngắm nhìn và hòa vào chuyển động hỗn loạn với một niềm hạnh phúc chưa từng có trước đây. Tôi đã muốn ghi lại thêm những hình ảnh mà tôi bỏ quên khi hối hả lao đi trên đường những lúc trước, nhưng đã đến tấm thứ ba mươi sáu, tấm cuối cùng của cuộn Kodak.
Tôi đã luôn chụp hình như một người thợ chụp ảnh sự kiện, chỉ lựa những lúc nổi bật nhất để ghi lại. Nhưng sau chuỗi ngày dài mất kết nối với thế giới bên ngoài vì Covid-19, tôi mới nhận ra rằng những sự kiện đó chỉ như pháo bông, rực rỡ rồi vụt tắt, chỉ còn những chi tiết nhỏ nhặt ít được chú ý mới là những phần làm cuộc sống của chúng tròn đầy hàng ngày. Đó là những hình ảnh biết nói còn lại sau những trắc trở thương đau!.
21/11/2021
Nguyễn Thị Ngọc Mỹ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chị tôi

Chị tôi Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buộc miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đ...