Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Bếp đất hương nồng

Bếp đất hương nồng

Trên những bước đường khúc khủy và đầy trắc trở của cuộc đời, đôi lúc tôi cảm thấy mình bé nhỏ và yếu đuối, bỗng muốn buông tay cho dòng đời cuốn đi trôi nổi nhưng rồi khi nghĩ về bếp đất năm nào, tôi tự dặn lòng phải mạnh mẽ trở lại bởi nó gợi nhắc về bóng dáng người mẹ tảo tần luôn dõi phía sau tôi…
Nội tôi sinh tất thảy hết mười hai người con. Một người không may đã mất khi mới lọt lòng mẹ. Những cô bác lớn lên mỗi người một nghiệp riêng nên chỉ có ba tôi, vốn là con út trong nhà, phải đảm đương trọng trách chăm nom từ đường hương hỏa cũng như kề cạnh lo lắng cho cha mẹ.
Khi mẹ tôi mới về làm dâu, gia đình bên nội lúc ấy gọi là chẳng mấy khấm khá. Nhà không có bếp, chỉ có một khoảng sân trống phía sau. Ở trên lợp bạt mỏng để xua đi cái nắng gắt mùa hè hay mưa giông mùa đông. Ở dưới, chiếm một phần ba khoảng sân là không gian bếp tạm bợ với một, hai cái lò gạch nung ba chân cũ kĩ. Thế là qua bao nhiêu mùa mưa nắng, tấm bạt ấy cũng không thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Nó dần xỉn màu, rã rời và tàn tạ. Năm ấy khi tôi lên sáu, ba đã cố gắng ky cóp, giành dụm một số tiền còm cõi sau vụ mùa thất bát, xây cho mẹ tôi cái bếp đất nho nhỏ.
Không có xi măng hay gạch ngói, vật liệu làm ra bếp đất là bùn nhão bện với rơm khô. Vì thế mà ba tôi chỉ tốn tiền công thuê thợ về xây. Bếp đất nhanh chóng được dựng lên thành hình trong vỏn vẻn có một buổi sáng. Bé con như tôi, đứng bên ngoài bếp đất mà nhìn vào với ánh mắt khao khát, thèm thuồng. Đối với tôi lúc ấy, chiếc bếp đất trông sang trọng hơn cả một căn biệt thự xa xỉ bởi vì tôi biết đó sẽ là nơi những món ăn chứa đựng tâm huyết lẫn tình yêu thương của mẹ ra đời. Khi hoàng hôn đã ghé ngang bầu trời, cũng là lúc bếp đất hoàn thành công việc của mình là tự hông khô nó dưới cái nắng chói chan để bắt đầu bước vào cuộc hành trình mới mẻ không chỉ với nó mà còn đối với tôi.
Tôi lớn lên trong tình thương của gia đình và bao nỗi vất vả của người mẹ ẩn lấp sau bếp đất cay nồng. Đó là mỗi khi mẹ nhúm lửa thổi cơm, những cụm khói nghi ngút lại có dịp trở mình, trốn khỏi sự giam giữ của cái lò gạch nung ba chân để tự do bay nhảy trên bầu trời rộng lớn. Tôi đã nghĩ rằng chúng vui chơi sướng thật nhưng lại vô tình làm cho mẹ tôi khổ vì khói cứ thi nhau mà chạy xộc vào mũi mẹ. Chúng làm mắt mẹ cay xè. Chúng ám đầy trên quần áo mẹ. Chúng bám lấy đôi mái tóc đen tuyền. Cứ cách hai ba ngày, mẹ lại kêu tôi nhổ tóc sâu một lần. Tôi chú ý thấy mái tóc thời xuân xanh lẫn làn da trắng trẻo tuổi đôi mươi trong những bức ảnh cưới ngày đó đã không còn được nguyên vẹn. Giờ đây, mái tóc ấy bị những làn khói xám xịt của bếp đất làm cho khô rít, héo hon. Giờ đây, làn da ấy đã đầy rẫy những đốm tàn nhàn, sẫm đen đi bởi ngọn lửa thịnh nộ cứ cháy lên mãi để giữ được hạnh phúc và bữa cơm cho gia đình.
Có hôm, trời bỗng sấm chớp liên tục không thôi. Những đợt gió đông kéo nhau ùa về lũ lượt. Đôi tay gậy guộc của mẹ phải nhặt nhạnh liên tục từng cành cuối khô ở trong góc bếp để duy trì cho đốm lửa không bao giờ tắt bởi ngọn gió đông cứ lùa ngang khe cửa. Mỗi khi như vậy, tôi thường nghịch ngơm bày trò, chạy ra sau bếp, nhoài đầu qua cửa sổ để biến mình thành một khách hàng bất đắc dĩ, kề cà tám chuyện với bà chủ quán đang chăm chỉ nấu bếp. Sau những bữa cơm đạm bạc, tôi lại nhìn thấy thân hình nho bé của mẹ ngồi kì cọ mấy chiếc nồi nhôm. Tôi cho là bếp đất đã kết bạn với cái lò gạch nung ba chân tô vẽ lên đít nồi một màu đen huyền bí. Trò chơi khăm này thật không vui tí nào vì phải mất cả buổi trời, mẹ mới cọ sạch xong để chiếc nồi được sáng bóng. Như “dã tràng xe cát biển đông”, đâu lại hoàn đó, sau dăm bữa nửa tháng, chiếc nồi nhanh chóng quay trở về hình dáng xấu xí và đen đúa ban đầu của nó mặc cho bao công sức mẹ tôi đổ ra.
Chiếc bếp đất như một người bạn thuở hàn vi, chứng kiến tuổi thơ tôi với cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Mỗi lần đi học về, phía sau ngôi trường làng và những rặng tre già cằn cỗi, con bé gầy gò chỉ nặng hai mươi kí dù đã học lớp năm, lại chạy ngay ra bờ ruộng, cách nhà có vài bước chân. Tôi xắn quần, ném chiếc dép qua phía bên kia của con ao rồi nhanh chóng lội xuống ruộng để bắt ốc. Chao ôi, cái mùa lúa mới chỉ là những đám mạ non cao chưa bằng mắt cá chân, bọn ốc sinh sôi và nảy nở như nấm mọc sau mưa, đàn đàn lớp lớp. Tôi nghĩ bụng đám ốc ruộng ấy đem về cho mẹ xào xả ớt thì ngon hết sảy. Thế là tôi tha hồ mà bắt đến tận sẫm tối. Khi trở về nhà, cả bộ quần áo lấm tấm bùn đất. Khuôn mặt cũng trở nên nhem nhuốc nhưng mẹ không mắng, chỉ mỉm cười hiền hậu. Mẹ xoa đầu, khen con gái giỏi quá rồi trầm trồ nhìn thành quả của tôi. Mẹ lấy vội túi ốc tôi vừa bắt được, bỏ vào trong thau, chờ cho bọn chúng nhả hết ra cái chất bùn lầy bám dính. Sau đó, mẹ rửa kĩ chúng lại, sơ chế rồi đem phần thịt có được xào qua một lớp xả ớt ngay trong bếp đất lúc bóng đêm đã đổ xuống cảnh vật. Hương thơm của nó cứ gọi là có một sức hút khó cưỡng. Món ăn tuy dân dã nhưng tôi lại thấy nó tuyệt vời hơn bất cứ thứ gì. Tối ấy, cả nhà ngồi xoay quanh cái nồi ốc xào xả ớt, vừa ăn vừa cười nói rối rít.
Vào cuối vụ mùa thu hoạch táo, mấy chủ vườn táo trong vùng cũng chăm lo tỉa tót cho cành lá trong vườn. Mẹ lại liên hệ mấy người chủ vườn đó để xin đám củi táo còn sót lại. Mẹ con tôi và một bác nữa cạnh nhà cùng nhau đạp xe đến vườn nhặt củi. Củi táo có dăm ba loại, có cành thì nhỏ nhắn, dài vừa cánh tay. Có cành thì thân trải đầy gai lớn, to tướng bằng bắp đùi người, nhánh con chĩa ra chi chít. Mẹ tôi phải gắng sức mà chặt chúng thành nhiều đốt để dễ bó thành từng cụm nhỏ, chở về nhà. Cả một buổi chiều, khi ông trời còn đổ nắng chang chang đến khi hoàng hôn buông thõng xuống hiên nhà, mẹ con tôi cũng thu hoạch được sáu bảy bó củi táo tươi. Tôi với mẹ mỗi người một chiếc xe đạp, phụ nhau đặt bó củi lên gác baga sau xe. Về đến nhà, tôi hổn ha hổn hê, dắt xe vào bên góc, bưng đám cũi tươi, xếp gọn ở khoảnh sân trước và đặt đống củi khô đã phơi dăm tháng trước vào ngay góc trong cùng của bếp đất, để chuẩn bị cho mẹ nhúm lửa thổi cơm.
Những tháng cuối đông giá rét, chẳng tìm đâu ra củi táo, mẹ và tôi lại đạp xe ra bờ sông ở cuối làng để tìm kiếm củi khô, dùng dữ trữ đến hết mùa đông. Trên miền sông chiều buồn hiu quạnh ấy, gió thổi cô liêu và lạnh lẽo, chẳng có lấy một bóng người qua lại. Tôi cùng mẹ đi lang thang dọc quanh những rặng cây già, không biết chúng được trồng tự bao giờ. Rồi có cành củi khô nào, mẹ cố mà nhặt cho bằng sạch, đem gom lại thành một chồng rõ to. Lúc đó, tôi thẩn thơ, nhìn theo bóng dáng mẹ gầy gò, chợt đọng lại trong tim một nỗi buồn sâu thẳm, nỗi buồn về sự nghèo khó. Trong khoảnh khắc ấy, tôi ước mình lớn lên nhanh chóng kiếm thật nhiều tiền, xây cho mẹ một căn bếp khang trang hơn để mẹ hết khổ và chẳng còn có những ngày rong ruổi nắng mưa chỉ để nhặt nhạnh vài nhánh củi khô.
Sau này, tôi lên đại học. Cái bếp đất hơn mười năm hoạt động, đã trở nên già nua, ốm yếu bởi mưa nắng, gió sương. Thế là ba tôi cũng dỡ bỏ nó. Những cái lò gạch ba chân cũ kĩ bị vứt vào trong xó xỉnh, để nhường chỗ cho cái bếp điện từ hiện đại với nhiều chức năng hơn. Lòng tôi vui hơn vì từ nay, mẹ sẽ không bị những làn khói trêu chọc và đuổi bám, tóc mẹ thôi khô rít và vầng trán cũng chẳng còn những giọt mồ hôi ướt đẫm vì sức nóng tỏa ra từ chiếc lò nung ba chân. Tuy vậy, trái tim tôi lại có đôi chút gì đó hụt hẫng, bởi người bạn năm xưa, dù vẻ ngoài xấu xí, dù trái tim nóng nảy và đôi chút ẩm ương, nó vẫn là nơi lưu giữ cả một miền kí ức tuổi thơ không thể xóa nhòa.
Trên những bước đường khúc khủy và đầy trắc trở của cuộc đời, đôi lúc tôi cảm thấy mình bé nhỏ và yếu đuối, bỗng muốn buông tay cho dòng đời cuốn đi trôi nổi nhưng rồi khi nghĩ về bếp đất năm nào, tôi tự dặn lòng phải mạnh mẽ trở lại bởi nó gợi nhắc về bóng dáng người mẹ tảo tần luôn dõi phía sau tôi.
30/11/2021
Trần Thị Hồng Duyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 3333333 mười ba Ba Choát đi lang thang, khắp cả các ngả đường đều có Cảnh sát chiến đấu gác. Những cuộn dây thép gai đặt bên đường sẵn sàng...