Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Tản văn của Bích Hòa: Dì tôi

Tản văn của Bích Hòa: Dì tôi

Dì đến như một mối duyên không dễ gì lìa dứt, chợt nghĩ thầm chân lí để trấn an: Đời người chẳng mấy ai hoàn hảo, mất đi cái nọ ta lại được bù đắp bởi cái kia! Tôi thấy nhẹ lòng khi chính mình đã xua tan định kiến xã hội khắc nghiệt trong câu ca dân gian bao đời ám ảnh: “Mấy đời bánh đúc có xương – Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”…
Ngậm những vui buồn cuộc sống, Dì như khách lữ hành khao khát tìm chốn dừng chân sau bao bôn ba mệt mỏi. Nhân quả tiền kiếp hay duyên nợ bình sinh đẩy đưa Dì đến với gia đình tôi vào một ngày đầu thu se lạnh? Chúng tôi trao nhau những ánh nhìn thân thiện, thấu hiểu phận đời cùng sánh bước đến tương lai.
Tháng Mười năm ấy, gió vẫn thổi, tiết Đông không ngừng thả những cơn rét rú từng hồi trên con đường miền Tây xứ Nghệ quê tôi. Cây xoan đào trong khí trời buốt giá trơ những cành khẳng khiu khô trụi gồng mình chống chọi với cái rét căm căm, mầm non trú mình đợi xuân sang đâm chồi, thức giấc. Vậy mà, lòng tôi tưởng như hồi sinh sau hơn ba năm ủ ê thay bố. Cứ mỗi chiều thứ bảy cuối tuần, chặng đường về ngoại của tôi trở nên ngắn lại… Có nhiều đêm bố vẫn làm thơ, viết những dòng tâm sự vào cuốn sổ mà bố giữ gìn từ thời xa cũ nhưng thay vì bao nỗi niềm nhớ nhung khắc khoải là những hạnh phúc nhỏ nhoi mà đong đầy lấp lánh. Manh áo mỏng cũng đủ sưởi nóng trái tim băng giá bởi tình người ấm áp thân thương. Thật lâu rồi tôi mới nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của bố kể từ ngày Mẹ xa.
Những ngày cuối tháng chạp, ai nấy xúng xính trong bộ cánh tinh tươm còn thơm mùi mới. Những gốc đào trước ngõ như đậm sắc phất phơ nở niềm vui lên từng cánh mỏng, trong làn gió khẽ đung đưa chúng được dịp khoe sáu cánh mừng gia đình đón tin vui. Những hàng mít, nhãn sau hồi rợp tán xum xuê, hương hoa bưởi ngạt ngào trước sân tỏa một vùng quyến rũ. Bố bảo: có vài trái lứa trước sót lại còn đẹp lắm, để dành bày mâm ngũ quả cúng tổ tiên và Mẹ. Sân vườn ngày trước rộng thênh thang giờ cảm như thu hẹp tầm mắt, chim chóc dạo khúc hoan ca hòa chung niềm vui đón Xuân về trên những lô cà phê bạt ngàn tầm ngắm.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bao chứng tích thuở hàn vi ở ngôi nhà cũ cũng dần ngủ yên trong dĩ vãng theo những cuộc bể dâu đời người. Mặc cho hơi ấm thâm tình giữa Mẹ và chị em tôi không thể nào so sánh được nhưng khoảng cách con chồng Mẹ kế giữa Dì đối với chúng tôi dường như không ai người ngoài dễ thể nhận ra. Cuộc sống gia đình tôi cũng như bao gia đình khác không thiếu những cung bậc thăng trầm khi bố ngày càng có tuổi. Người ta thường bảo “Một lần già là hai lần con nít” điều đó phần nào đúng với bản tính vốn đã bị hậu quả của chiến tranh làm tổn thương bố từ trước khi Dì về. Cũng như mẹ ngày xưa, khi nỗi đau của chiến tranh trở về hành hạ tâm tư bố khiến nhiều lúc Dì phải cắn răng ngậm bồ hòn làm ngọt. Có hôm, quá sức chịu đựng Dì cầu cứu đến tôi. Tôi thương bố bao nhiêu lại xót xa cho Dì bấy nhiêu! Là đứa con có cơ hội gần bố nhiều, hơn ai hết tôi hiểu lắm những điểm tốt hay tồn tại trong con người bố. Tôi nhỏ to non nỉ với bố đủ điều chỉ mong bố bớt suy tư không cần thiết mà vui với tuổi già để giữ gìn sức khỏe bản thân. Tôi cố lấy tình thương, sự cảm thông sâu sắc của thân phận người phụ nữ để giãi bày níu kéo, để Dì buông bỏ ý nghĩ rời đi ngôi nhà dù gì cũng gắn bó buồn vui một thuở.
Nể tình tôi, Dì cố nén những tủi hờn, oan ức tiếp tục cuộc mưu sinh bên những buồn vui héo hắt. Tôi thường tranh thủ những khi rảnh rỗi lui tới nhiều hơn để nhỏ to cùng Dì, chăm sóc Dì bằng cái tâm chân tình nhất. Ngược lại, khi chị em tôi cần, Dì cũng không nề hà, toan tính để thay mẹ đỡ đần chúng tôi. Thực tâm tôi hiểu, hơn 10 năm chung sống cùng bố Dì cũng thấm đủ sương gió cuộc đời. Tôi thương những thiệt thòi thân phận mà Dì phải gánh, trong bóng dáng của Dì có bóng dáng Mẹ xưa nên mỗi lần có thức ngon tôi không quên để dành cho những chuyến về ngoại.
Đời người lắm nỗi truân chuyên, niềm hạnh phúc ngắn ngủi chẳng tày gang. Một ngày đầu tháng Ba năm ấy, đột ngột bố thấy trong người khó ở, và chúng tôi bất ngờ nghe tin bố mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối. Bỏ hết những ruộng vườn, ao cá, Dì cùng chị em tôi thay nhau chăm bố được hơn hai tháng thì bố đi.
Những chiều hoàng hôn mây bảng lảng buồn, ánh mắt hốt hoảng của một kiếp phù du chợt trào lên nghẹn ngào trong câu nói. Dì than thở: rồi đây cuộc sống sẽ ra sao? Còn ai mà bấu víu, đứa trẻ dại khờ biết dựa dẫm vào đâu? Ngôi nhà trở nên lạnh lẽo đến tê lòng, đồng không mông quạnh chỉ có hai cái bóng lẻ loi ra vào hôm tối. Dì buồn não nuột, tôi biết Dì nén đau thương tủi phận đời mình. Tôi cảm nỗi niềm trăn trở của Dì khi nghĩ đến tương lai. Tôi thủ thỉ: Dì ạ, Dì mát tay thả gà, nuôi cá, rau trong vườn tứ mùa tốt xanh, không ăn lương nhà nước mình cũng có cớ sinh nhai. Còn cậu em, học hành khó khăn vợ chồng con sẽ sẻ chia trách nhiệm. Dì hãy thanh thản tâm tình, sống vui sống khỏe con cái đỡ sầu lo. Thực lòng tôi chỉ mong có vậy. Họ hàng Dì đều xa xứ cả, chỉ mỗi đứa con chung – thằng em 10 tuổi và tôi là người thân cận nhất. Không thương mẹ con Dì thì còn ai trên mảnh đất lớn lên từ thời thơ ấu? Mỗi bận thấy Dì đau mà lòng đầy lo lắng, tôi sợ Dì vì cô đơn quá mà bỏ chị em tôi. Hằng tuần, tôi thu xếp thời gian cho các cháu được về ngoại nhiều hơn, tiếng nói cười con trẻ xua đi bao trống vắng, nỗi niềm. Có những đêm mùa đông, cả mấy mẹ con, bà cháu xếp chung một giường nằm trong ấm cúng, chúng tôi hàn huyên chuyện trên trời dưới biển hòng mong Dì quên nỗi đau thương. Có không ít những ánh mắt ngạc nhiên khi thấy cảnh mẹ ghẻ con chồng diễn ra trong gia đình nhỏ. Dần dà, Dì quen hơn với sinh hoạt vắng bố, hòa nhập với bạn bè, nhặt tìm niềm vui trong tình làng nghĩa xóm…
Kể từ đó, Dì trở nên khác, nghĩ lành mạnh, sống giản đơn và nụ cười lan trên ánh mắt. Cảm ơn đời, cảm ơn Mẹ kế của chúng tôi! Mong gửi đến Dì lời cầu an trong mọi hoàn cảnh. Hạnh phúc của chúng con là được nhìn thấy Dì vui, khỏe hằng chiều mỗi bước con lên. Hai bên bờ ngõ nhỏ, những bông hoa cúc cánh bướm đua nhau khoe sắc, những nụ mười giờ tim tím hé cười trong nắng đón thu sang. Đàn ong của bố trước đây sợ chủ đi xa mà rời tổ ấm, nay có người chăm chỉ ngắm trông đã gây đàn trở lại, tôi vui trào nước mắt. Buổi nhá nhem tôi tranh thủ đưa cho em ít quà như thường lệ, Dì lại nhanh nhảu dúi vào tay tôi chai mật ong vàng ruộm còn thơm mùi nhụy ngọt vấn vương…
Tự đáy lòng tôi thầm biết ơn cuộc đời đã không đối xử bất công với chị em tôi. Nỗi thương cha nhớ mẹ không bao giờ vơi cạn nhưng niềm hạnh phúc vô bờ còn nguyên nỗi rưng rưng mà không phải ai trong hoàn cảnh chúng tôi cũng đều may mắn. Dì đến như một mối duyên không dễ gì lìa dứt, chợt nghĩ thầm chân lí để trấn an: Đời người chẳng mấy ai hoàn hảo, mất đi cái nọ ta lại được bù đắp bởi cái kia! Tôi thấy nhẹ lòng khi chính mình đã xua tan định kiến xã hội khắc nghiệt trong câu ca dân gian bao đời ám ảnh: “Mấy đời bánh đúc có xương – Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng” (Ca dao). Cuộc sống đã đi vào trang văn một cách ngẫu nhiên nhưng đôi khi những trang thơ không phải lúc nào cũng hoàn toàn là thực tế. Những mong xã hội này ai cũng lấy yêu thương để đối xử với cuộc đời, với mọi kiếp người và hạnh phúc sẽ mỉm cười sau bất cứ một nỗi đau.
12/8/2021
Bích Hòa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chị tôi

Chị tôi Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buộc miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đ...