Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Hương lúa và nét đẹp cao quý

Hương lúa và nét đẹp cao quý

Cánh đồng đã ngả hẳn vàng ươm nhờ sự hòa quyện của màu hoàng hôn và màu lúa chín. Chiều trên đồng quê biết bao âm thanh nhưng ngỡ như bình yên đến lạ.
Những ngày này là thời điểm đang vào mùa gặt lúa. Mặt trời sắp sửa gác lưng núi nhưng cái nóng vẫn cứ hiện hữu, lũ chuồn chuồn từng đám bay lượn khắp nơi, chiếc xe bò đã đầy lúa trên thửa ruộng mới gặt, đang chuẩn bị kéo về nhà để tiếp tục công đoạn tuốt lúa. Rồi những ụn khói là là bốc lên từ một nhà nào đó đang đốt mấy cọng rơm rơi vãi sau khi chiếc máy tuốt lúa đã làm xong nhiệm vụ và đi khỏi… Cảnh vật, con người cứ thế thực hiện những công việc của mình, chẳng biết đằng sau đó hiện hữu một ánh mắt khẽ nhìn.
Nào ai biết, để có được bát cơm trắng tinh, thơm mùi lúa mới, những người trồng lúa đã phải trải qua bao nhiêu giai đoạn kì công. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Từ khâu chọn giống, ngâm giống, cày, bừa…, đến ngày gặt hái, mỗi khâu đều đòi hỏi kĩ thuật riêng và hơn hết là tấm lòng cùng với những niềm hy vọng lớn lao về năng suất mà người dân đã gửi trọn vào đó. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết:
“… Lúa trĩu hạt bao nhiêu công sức
Của mẹ cha thao thức bao ngày
Cấy cày vất vả mê say
Thức khuya, dậy sớm lòng đầy niềm vui…”
Mặc khó khăn vất vả, mặc dãi nắng dầm sương, chỉ cần những mong mỏi cây lúa nặng bông, trĩu hạt được đền đáp là bao nhọc nhằn dường như tan biến. Tôi có thể nhìn rõ từng giọt mồ hôi rơi trên má của những người mẹ đang bó lúa, có thể thấm nổi cái nóng chuyển mùa đè trên vai những người cha đánh từng chiếc xe bò kéo lúa về nhà… Dẫu mệt nhưng tất cả đều nở những nụ cười, đều trao cho nhau những lời hỏi han về “sản phẩm mới”: “Lúa vụ này đạt hông?”, “Hơn vụ trước chứ?” hay đơn giản là những câu nói đùa: “Lúa về rồi, tối nay yên giấc!”. Yên giấc là bởi, mỗi khi lúa được cắt xong, trong thời gian phơi khô – có thể là nửa hoặc một ngày, người ta phải trông trời, sợ mưa xuống sẽ làm rụng những hạt lúa, ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa hoặc lúa bị ướt dễ khiến rạ sau khi tuốt sẽ chẳng được khô, mất thêm mấy ngày nữa để “hong” trong nắng…
Ngày trước khi máy móc còn thiếu thốn, người ta phải gặt tay rồi dùng chân để tuốt lúa tốn thời gian và công sức hơn nhiều. Nhưng nay, khi mà công nghiệp đang từng ngày phát triển, bao nhiêu máy móc ra đời, trong đó có máy cắt lúa và máy tuốt lúa, những nơi có điều kiện hơn người ta còn mua cả máy gặt đập liên hợp thì sức lực của những “Nhà” làm lúa đã được đỡ đần phần nào.
Lúa gặt xong, phơi khô sẽ được đổ vào phi, nhiều nhà còn sử dụng bồ đựng lúa làm từ những thanh lạc mò o chẻ vuốt tỉ mỉ. Những hạt lúa căng mọng, mang vị quê hương, mang nắng sương dãi dầu sẽ được “xay, giã, dần, sàng” để trở thành hạt gạo tinh khôi, đưa mùi hương gạo mới phảng phất, làm ấm bao bữa cơm gia đình.
Giữa khung cảnh đang hiện ra lòng tôi như chần chừ, chẳng muốn rời xa ánh hoàng hôn mang màu bình yên này một giây một phút. Nhìn những cây lúa trĩu hạt, căng mọng trên mấy thửa ruộng sắp sửa đến ngày ngã lúa, tự dưng tôi chợt nhớ đến mấy lời trong ca khúc Hát về cây lúa hôm nay của cố nhạc sĩ Hoàng Vân:“Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa/ Và người trồng lúa cho quê hương/ Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế/ Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt/ Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt/ Ngày mai bắt đầu từ hôm nay”.
Cây lúa là người bạn trung thành cùng người nông dân đi qua bao thời kì, nuôi lớn bao lớp thế hệ, từ lâu đã mang trên mình nền văn minh không chỉ của dân tộc Việt Nam mà rộng khắp các dân tộc Đông Nam Á và hơn hết loài cây ấy như ẩn chứa bao nét đẹp cao quý của những con người lao động chân chính.
4/9/2021
Lê Trương Thúy Diễm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

5555555 hai mươi hai Út thấy người mình bải hoải, mệt mỏi và đầu váng vất khó chịu. Nàng trở dậy, nhưng không xuống khỏi giường. Út nhìn đồn...