Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Tản văn Phan Hồng Cẩm: Miễn dịch

Tản văn Phan
Hồng Cẩm: Miễn dịch!

Mọi hành động đẹp đều được xuất phát từ những ý nghĩ và xúc cảm tích cực. Sống bao lâu chẳng còn quan trọng mà hãy nghĩ về cách mình sống. Hãy hướng về mặt trời để bóng tối lùi xa phía sau bạn…
Mải miết tìm cái video Tập làm MC nhí của Doremon trong máy tính suốt cả buổi chiều mà vẫn không thấy, tôi bần thần cả người. Thế là bao nhiêu công sức, tâm huyết trong sản phẩm đầu tay của cô con gái nhỏ đã bay vèo không dấu vết. Chắc mẩm là mình đã lưu kĩ lắm rồi nhưng sao vẫn bị virut làm hỏng được nhỉ?
Ngẩn người, tôi chậc lưỡi liên tục như vừa đánh rơi chính mình. Tôi thấy mình có lỗi với con, rồi cào đi cào lại cái bàn phím trong sự áy náy mà không để ý từ phía sau có một vòng tay ôm chặt tự lúc nào. Vòng tay ấy bé nhỏ nhưng rất mạnh mẽ đang cuộn chặt lấy vòng eo của mẹ để gây sự chú ý. Và tôi đã gắt:
– Để mẹ tìm video cho con, nó mất tiêu rồi, tiếc lắm!
Con bé giận dỗi:
– Hóa ra mẹ chỉ vì yêu cái video chứ mẹ có yêu gì con đâu, con đây mà!
Giật mình trước thái độ quyết liệt của bé con 8 tuổi thường ngày vẫn phụng phịu, mè nheo. Tôi bỗng giật mình vì những yêu thương của tôi không bao giờ đủ mà một chút hững hờ đã làm vỡ òa trái tim non nớt vô cùng nhạy cảm ấy. Giật mình khi mình đã làm tổn thương chính con yêu của mình bởi những thứ vô tâm mà trong đời có khi mình không ý thức được. Tôi đã làm tổn thương tôi!
Vụt tắt máy tính, tôi liền ôm con vào lòng: Xin lỗi con nhé! Mẹ sẽ chơi cùng con… Tiếng cười vang rộn trong ngôi nhà nhỏ khi hai mẹ con tôi chơi trò đuổi bắt, cô chị lớn đang nấu cơm tối, ông bố ngồi đánh đàn ghi ta điệu mới cổ vũ cho cô chị…
Không hẳn là Feze, Moderna hay Astra… mà vắc xin chống Covid-19 của chúng tôi được chưng cất trong đại dịch là những ngày yêu thương, chắt chiu yêu thương, nâng niu kỉ niệm và hi vọng màu nắng ngày mới…
Đã qua rồi những cái giật mình hoảng hốt khi nghe tin có F0, đã nếm trải cảm giác đớn đau khi tưởng tượng ra cảnh những giàn hỏa thiêu quá tải các bệnh nhân covid không qua khỏi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đã rơi bao nhiêu nước mắt khi chứng kiến cơn thập tử nhất sinh của con người từ những thước phim không cần đạo diễn mà các “diễn viên” trong Ranh giới bóp nghẹt bao con tim vì thương đau.
Sau những rung động mãnh liệt như thế, ý nghĩ chế ngự trong đầu tôi là hãy thử đặt mình vào trong nghịch cảnh? Khi chính mình, ruột thịt của mình, người thân, làng xóm, đồng nghiệp, học sinh của mình… cũng có thể trở thành F0 trong tích tắc. Và nếu phải chết đi, hãy nghĩ mình sẽ ra đi như một chiếc lá về cội, như loài cá hồi đẻ trứng rồi chết giữa đại dương bao la chấp nhận vòng tuần hoàn đau đớn mà hạnh phúc. Ý nghĩ: Hãy sống như thể ngày mai tôi sẽ chết khiến tôi mạnh mẽ dần lên. Tôi cảm thấy cái châm ngôn: Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn đúng với thực tế hơn bao giờ hết.
Đại dịch dạy tôi tập sống bao dung, điềm đạm và thành thật với trái tim mình trong tấp nập ngược xuôi của dòng đời. Bởi vì, có thể một lúc nào đó, không kịp nói lời yêu thương hay lời tha thứ cho một ai đó thì mình đã lìa xa cuộc đời. Và biết đâu đó, ý nghĩ sợ những ngôi mộ lạnh lẽo đã trở bỗng trở nên dư thừa mà thay vào đó là sợ sự tồn tại vô nghĩa, nhạt nhẽo, tàn ác và giả dối.
Ý nghĩ chấp nhận sống chung với đại dịch buộc tôi phải thích nghi. Là khi tôi phải quen với cặp kính cận dày cộp của con, phải cổ vũ con khi khi thấy chúng nói – cười – hát – nhảy một mình trước màn hình vi tính. Bởi vì, cả xã hội đang phải thích nghi với công nghệ…
Tôi đã mỉm cười nhiều hơn với học trò của mình, chứng minh cho chúng thấy nhiều hơn về yêu thương và nhân nghĩa ở đời. Dạy chúng biết cách biến ước mơ xa xôi trở thành những hành động giản dị và đúng nghĩa. Cô trò tôi đã không còn bực dọc với những chiếc khẩu trang làm vã mồ hôi mỗi khi đến lớp. Học trò tôi giờ đã không còn thói quen đến trễ và hạn chế được câu nói của miệng: “Xin lỗi! Tôi rút kinh nghiệm…”
Phải quen với Yêu xa! Khi nỗi nhớ đong đầy trong tim, hãy hạnh phúc vì vẫn có một nửa kia cùng chung nhịp đập. Khi nghẹn ngào giận dỗi tôi đã để nước mắt mình rơi thay vì chịu đựng để thể hiện sự cang cường và hiếu chiến.
Tôi đã thấy nhẹ lòng hơn với việc phải xa con một vài tuần. Hoặc là để cho chúng tự xoay xở với những bữa cơm vắng mẹ, những buổi chiều đi học về tự mở cổng và tự phân thắng bại khi xảy ra những cuộc “đụng đầu lịch sử”… Tôi buộc phải để con tưởng tượng cảnh một ngày kia khi không còn mẹ trên đời dù chúng nghe xong rất sợ hãi. Cứ sợ hãi, sợ hãi nhưng nhất định sự sợ hãi ấy sẽ dạy con biết yêu thương và trưởng thành. Nhất định con lớn lên sẽ mạnh mẽ hơn mẹ bây giờ.
Tôi sợ thời gian lấy đi Bố Mẹ nên tôi đã biết chắt chiu thời gian. Tôi nhất định cùng ngồi ăn thêm một bữa cơm đạm bạc khi ngoài kia có bao nhiêu cuộc hẹn khó chối từ. Sống đơn giản, tiết kiệm từ trong ý nghĩ nhưng cũng sẵn sàng chiều chuộng bản thân bằng những lần spa thư giãn để tự tiếp năng lượng cho hành trình mới.
Cứ thế tôi đã Thích Nghi với việc Thích Nghi. Dù ngoài kia, ngoài cuộc đời kia bao nhiêu sóng gió. Trong không khí con virut vẫn đang hoành hành thì trong tôi cũng sẵn sàng chấp nhận mọi nghịch cảnh. Hãy tự miễn dịch cho mình bằng những ý nghĩ tốt đẹp. Mọi hành động đẹp đều được xuất phát từ những ý nghĩ và xúc cảm tích cực. Sống bao lâu chẳng còn quan trọng mà hãy nghĩ về cách mình sống. Hãy hướng về mặt trời để bóng tối lùi xa phía sau bạn! Tôi đã sống chung với đại dịch như thế! Đã miễn dịch như thế! Còn bạn thì sao???.
27/10/2021
Phan Hồng Cẩm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chị tôi

Chị tôi Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buộc miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đ...