Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

"Trái mù u" trong những thi phẩm Nguyễn Đình Chiểu

"Trái mù u" trong những
thi phẩm Nguyễn Đình Chiểu

Những ngày trước kia từng bơi xuồng đi vớt trái mù u trở về tâm trí… Bà bèn hiến kế: dùng trái mù u rải trên đường, sau đó cho nghĩa quân chia thành từng tốp nhỏ mai phục sẵn ở hai bên đường, chờ khi quân Pháp đi vào, đạp lên trái mù u té nhào, thì nghĩa quân sẽ nhảy ra, dùng gậy tầm vông vạt nhọn mà lụi tới.
Trong chiến công đánh đồn Tây dương tại khu chợ Trường Bình, làng Đa Phước ở Cần Giuộc do Bùi Quang Diệu (tức Quản Là) chỉ huy vào đêm 16.12.1861 có sự đóng góp rất đặc biệt của bà Lê Thị Điền, vợ nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Trận đánh ấy, nghĩa quân ở 3 nơi phối hợp gồm Cần Giuộc, Tân An và Gò Công nhất tề tấn công quân Pháp, quyết hạ đồn Tây dương do Đốc binh Là trực tiếp chỉ huy. Nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm ở khu vực Trường Bình, đốt được nhà dạy đạo và nơi xưng tội của quân Pháp, bắn bị thương viên trung úy giám đốc bổn xứ sự vụ và diệt một số lính Chà Và, Ma Ní. Về phía ta cũng không ít tổn thất. Đỗ Trình Thoại, người bạn cùng khoa của Nguyễn Đình Chiểu hy sinh cùng 27 nghĩa quân. Đau xót vì tổn thất này, Nguyễn Đình Chiểu lúc bấy giờ đang sống trong ngôi nhà cách nơi xảy ra chiến trận chỉ khoảng 2 cây số đường chim bay đã sáng tác nên bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Đốc binh Là đã đọc bài văn tế này trong buổi lễ truy điệu để tỏ lòng thương tiếc các liệt sĩ và khích lệ nhân dân. Bà Lê Thị Điền trong lúc giúp cụ Đồ chép lại bài văn tế đã hòa nước mắt cùng chồng trên trang giấy với nỗi đau vô cùng sâu sắc, bởi chính bà cũng là người trong cuộc đã tham gia trận đánh…
Trước ngày xảy ra trận đánh, Đốc binh Là đến nhà hỏi ý kiến cụ Đồ Chiểu. Trong khi cụ Đồ và Đốc binh Là đang nghĩ cách công đồn, bà Lê Thị Điền nhân lúc pha trà nghe được, không khỏi băn khoăn. Bà nghĩ Tây có vũ khí hiện đại, còn nghĩa quân đánh giặc thiếu thốn mọi bề, chỉ có “dao sắc”, “bầu ngòi”, dao phay… Nhưng ta vẫn có thể đánh được quân Pháp bằng mưu trí. Những ngày trước kia từng bơi xuồng đi vớt trái mù u trở về tâm trí… Bà bèn hiến kế: dùng trái mù u rải trên đường, sau đó cho nghĩa quân chia thành từng tốp nhỏ mai phục sẵn ở hai bên đường, chờ khi quân Pháp đi vào, đạp lên trái mù u té nhào, thì nghĩa quân sẽ nhảy ra, dùng gậy tầm vông vạt nhọn mà lụi tới. Được Nguyễn Đình Chiểu đồng ý, Đốc binh Là làm theo kế hoạch của bà. Đúng như dự tính, khi quân Pháp từ chợ Trường Bình hùng hổ tiến vào định ăn tươi nuốt sống quân ta, thì những trái mù u mộc mạc, bé nhỏ đã đánh gãy kế hoạch tấn công của chúng. Để kỷ niệm chiến thắng này và tưởng nhớ công ơn của bà Lê Thị Điền, Đốc binh Là cho đổi tên đồn Tây dương thành đồn Mù U cho đến nay…
Bà Lê Thị Điền sinh năm 1853 (Kỷ Dậu) tại ấp Thanh Ba, làng Mỹ Lộc, Cần Giuộc. Cha mẹ mất sớm, bà sống với người anh ruột là Lê Tăng Quýnh, từng theo học với ông “Tú Mù” Nguyễn Đình Chiểu. Cảm kích tài năng và đức độ của người thầy dạy học, ông Quýnh đã gả em gái mình cho Nguyễn Đình Chiểu. Trước lời đề nghị của anh, là người con gái vẹn toàn tài sắc, bà có quyền khước từ để nhận lời cầu hôn từ những gia đình quyền thế. Nhưng bà đã chọn Nguyễn Đình Chiểu và mối hôn nhân ấy đã đem lại cho bà niềm hạnh phúc là sinh ra đàn con tài năng và những tác phẩm văn học giá trị. Bà là người phụ nữ rất mực yêu chồng, vừa đảm đang việc nhà, nuôi 6 con thơ, vừa giúp chồng đắc lực. Bà chính là đôi mắt sáng của tạo hóa bù lại cho cụ Đồ Chiểu. Bà không những mài mực, xếp giấy cho chồng, mà còn tự tay ghi chép nên những áng văn bất tử do chồng sáng tác. Những thi phẩm nổi tiếng, sống mãi với thời gian của Nguyễn Đình Chiểu có sự đóng góp thầm lặng của bà. Khi giặc Pháp chiếm Gia Định, quyết không sống cùng quân “lang sa”, Nguyễn Đình Chiểu đưa gia đình về sống ở quê vợ. Tác phẩm “Lục Vân Tiên” đã hoàn thành trong những ngày vợ chồng bà trở về Cần Giuộc. Cũng chính tay bà đã chép nên áng văn bất tử “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Là người phụ nữ vốn xuất thân từ tầng lớp lao động, bà Lê Thị Điền có được sự hiểu biết và cảm thông sâu sắc cuộc sống những người dân mộ nghĩa. Nên khi Nguyễn Đình Chiểu đọc cho bà chép đến đoạn: “Côi cút làm ăn”, thì bà bàn với chồng nên thêm vào “toan lo nghèo khó”. Cũng như những câu khác trong bài “Hồ Cáo Thị”, “Hịch con chuột”…, bà cũng có những đóng góp để văn chương của chồng gần gũi với nhân dân hơn. Không chỉ đảm đang việc nhà, bà còn quan tâm đến công việc xã hội. Bà đôn đốc chuyện đào ao cho dân làng Tôn Thạnh có nguồn nước ngọt dùng, không phải khổ cực đi xa gánh nước. Cảm kích tấm lòng nhân hậu của bà, dân làng lấy tên bà đặt cho tên ao, gọi là ao Lê Thị Điền…
Bà Lê Thị Điền luôn dạy con sống trọn đạo nghĩa, yêu nước, thương dân. Con gái đầu lòng của bà là Nguyễn Thị Hương, nữ thi sĩ nổi tiếng của đất Ba Tri. Con trai thứ là Nguyễn Đình Chức và kế là cô Nguyễn Thị Xuyến, cũng là những nhà thơ. Cô con gái thứ tư là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, bút hiệu Sương Nguyệt Anh là chủ bút tờ báo Nữ giới chung. Đó là một phụ nữ tài hoa, thừa hưởng ở cha mẹ lòng yêu nước, khiêm tốn, dịu dàng. Tuy là gái nhưng trong cách sống, Ngọc Khuê đã bộc lộ tính cách “trọng nghĩa khinh tài”, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, xem thường của cải… Ngọc Khuê đã bán cả ruộng vườn, quyên góp tiền gửi nuôi những người được cụ Phan Bội Châu đưa ra nước ngoài đào tạo nhân tài cứu nước thoát khỏi kiếp nô lệ. Góa chồng lúc mới 21 tuổi, Ngọc Khuê làm bài văn tế chồng bằng cách ghép tên các vị thuốc (bởi chồng bà là lương y), diễn tả nỗi đau vô hạn trước sự chia ly vĩnh viễn với người bạn trăm năm. Quyết chung thủy với người đã mất, Ngọc Khuê đổi tên thành Sương Nguyệt Anh. Là người phụ nữ có nhan sắc, có khiếu văn chương, sau khi chồng qua đời, Ngọc Khuê có rất nhiều người theo đuổi. Khi ông cử Phạm Đình Chi ngấp nghé, Sương Nguyệt Anh ra câu đối: “Đình làng tôi không phạm, thưa ông, ông Phạm Đình Chi”. Ông Cử buồn lòng bỏ cuộc, ôm mãi mối tình si. Cuộc đời của Sương Nguyệt Anh phảng phất hình ảnh Nguyệt Nga tiết hạnh nhưng vô cùng mạnh mẽ, dũng cảm. Sương Nguyệt Anh ở vậy nuôi con, vừa dũng cảm vượt qua mọi rào cản để dấn thân vào “trường văn trận bút”. Nghề báo lúc ấy còn rất mới mẻ, nhất là đối với phụ nữ nhưng Sương Nguyệt Anh không ngần ngại nhận làm chủ bút tờ báo Nữ giới chung. Bà có công lao trong việc khéo léo gieo vào giới phụ nữ ý thức mới về nữ quyền nhưng không được vượt ra khỏi nền lễ giáo phương Đông. Bà không chống tam tòng nhưng bà cho tam tòng một nội dung mới: dẫu còn theo chân cha mẹ, phải phụ lực với cha mẹ, khi theo chồng phải phụ lực cho chồng, và khi theo con phụ lực với con. Sương Nguyệt Anh mất năm 1921. Con trai kế của bà Lê Thị Điền là Nguyễn Đình Chiêm, tác giả của tuồng truyện Phấn Trang Lầu và Nam Tống Thanh truyện…
Tấm lòng cao đẹp của bà Lê Thị Điền cũng chính là tác nhân giúp Nguyễn Đình Chiểu dựng lên hình tượng Kiều Nguyệt Nga trung hậu, thủy chung trong thi phẩm “Lục Vân Tiên”. Hình ảnh người vợ thương khó, hết mực yêu chồng, thương con chắc chắn góp phần không nhỏ trong sự nghiệp của cụ Đồ. Từ tư tưởng trung quân sang tư tưởng yêu nước, cụ Đồ Chiểu đứng hẳn về phía nhân dân lao động, chống lại quân Pháp xâm lược bằng những áng văn thơ yêu nước bất hủ…
29/10/2021
Trầm Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chị tôi

Chị tôi Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buộc miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đ...