Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Ước mẹ có thể bắt đầu sống cho mình

Ước mẹ có thể
bắt đầu sống cho mình

Mẹ - tôi ước mẹ có thể bắt đầu sống cho mình. Ở tuổi 55 mới bắt đầu sống cho mình có lẽ là quá trễ nhưng tôi không có năng lực để thay đổi tuổi thơ khốn khó, thời thanh xuân vất vả của mẹ…
Mẹ tôi sinh ra ở Vĩnh Long nhưng không thực sự lớn lên tại mảnh đất này. Qua lời kể của mẹ, tôi biết tuổi thơ mẹ không bằng phẳng như tôi, hay đúng hơn hết là nhiều mảnh chắp vá lại. Đôi lúc mẹ ngẩn ra khi tôi hỏi một câu nào đó mà phải một lúc sau mới nhớ ra được chi tiết nào đó mà con gái nhắc.
Khi mẹ còn nhỏ, ông ngoại của tôi đã có một người đàn bà mới. Ông bỏ theo nhân tình, lôi cả đàn con nheo nhóc của mình xuống tuốt miệt Cà Mau xa xôi. Mẹ tôi lúc ấy còn chưa vào được lớp 1. Những ngày sống tại mảnh đất heo hút, không một người quen, mẹ tôi phải tập cuộc sống tự mình gánh vác mọi thứ, để còn lo cho các em nhỏ hơn và đối diện với người mẹ ghẻ không thật sự dễ chịu. Mẹ kể với tôi một cách nhẹ nhàng nhưng đâu đó tôi thấy sự sợ hãi vẫn còn trong đôi mắt.
Mẹ ghẻ buôn bán nên mỗi lần có gánh hát về, mẹ tôi cùng các anh chị em ra phụ giúp. Dù muốn dù không, lúc nào bà cũng bị mắng mỏ trước chốn đông người và luôn thường trực nỗi sợ, mong người mẹ này không “nổi cơn” bất chợt. Nói rồi bà vạch một bên quần lên cho tôi xem vết rạch ngay đùi vì bị dao chém khi mẹ ghẻ tức giận. Đã gần 50 năm trôi qua nhưng nó vẫn ở ngay đó, không thể nào tẩy xoá đi.
Lớn thêm chút, bà mẹ ghẻ bỏ đi vì gây lộn với ông ngoại nên lại lần thứ hai, ông vác đàn con 5 đứa, giờ thêm 2 đứa con riêng của ông với vợ kế để vào lại Vĩnh Long tìm bà sau trận cãi vã lớn. Lúc này, mẹ không còn ở cạnh kề với ông nữa mà được đưa sang cho ông Năm, tức anh của ông ngoại tôi giữ giùm.
Cuộc sống tuy có cải thiện hơn nhưng nhìn chung, tôi nghĩ chắc mẹ chỉ là chuyển từ cái khổ này sang cái khổ khác. Mẹ chưa bao giờ được ló mặt ra ngoài đường và suốt cả ngày đều phải làm việc nhà vất vả. Nhưng với mẹ thì cuộc sống này đã đỡ áp lực tâm lý hơn khi không phải lo sợ những trận đòn roi bất thình lình, những lần nổi cơn lôi đình của ông ngoại khi cãi nhau với bà nhỏ. Rồi theo đó, mẹ tiếp tục được đưa sang nhà bà cô, một người chị khác của ông ngoại và cứ thế tiếp tục cuộc sống.
Nhắc đến chuyện cũ, mẹ tôi không hờn trách, không giận gia đình của mình vì “cái phúc phần của mỗi người phải chịu”. Mẹ tôi tin nhân – quả và chỉ cố trả cho hết cái nợ đời để hy vọng đời sau, nếu có duyên tiếp tục, mẹ sẽ có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Cái phúc phần này là gì, tôi chưa thể thấm nhuần nổi hết nhưng nghe sao mà chua chát. Một con người được sinh ra, hình như đã được ấn định một cuộc đời, bởi mẹ tôi đã làm hại gì ai đâu hay đã có làm điều xấu xa nào. Khổ từ nhỏ cơ mà! Tôi đã nghĩ như vậy.
Rồi mẹ gặp ba tôi, người cũng chẳng sướng hơn mẹ là bao, nhưng mẹ tin nếu theo người đàn ông này, có lẽ cuộc đời mẹ sẽ sang một trang mới. Mẹ lập gia đình tuổi 24 nhưng phải tới 29 mới dám đẻ anh của tôi. Cái nghèo khiến mẹ không dám sinh sớm, vì sợ không đủ tiền nuôi con, nhưng rồi một thời gian muốn trong nhà có trẻ nên mới quyết thử.
 
Hồi đó, mẹ cực lắm khi nuôi anh. Hồi đó, còn chưa hiểu biết nhiều nên dù mang bầu, mẹ cũng hết sức tiết kiệm, không dám bồi bổ gì nhiều. Anh tôi cũng vì lẽ đó mà lúc nhỏ hay bệnh lặt vặt, đặc biệt là ở đường mũi. Tôi rùng mình khi mẹ kể phải dùng miệng để trực tiếp hút nước mũi ra cho con trai vì thấy nó thở khó mà thương. Tôi hỏi sao mẹ dám, mẹ chỉ đáp với tôi khi nào làm mẹ con sẽ hiểu.
Đúng, tôi vẫn nghĩ từ “mẹ” thật thiêng liêng và cũng khó ai có thể hy sinh được như mẹ. Dù tôi chưa một lần là mẹ, song cuộc sống bức bối của một người trưởng thành, suốt ngày vùi đầu vào công việc tôi đã trải qua. Mẹ tôi thường thức vào 4-5 giờ sáng, thời gian mà trước đây tôi vẫn đang “phiêu du” cùng những giấc mơ. Tôi tự hỏi sao lúc nào mẹ cũng thức sớm thế hay đúng hơn là động lực đâu để mẹ làm điều đó. Đến khi tôi mang gánh nặng kiếm tiền trên vai, tôi biết người ta buộc phải thức dù còn đang rất buồn ngủ. Huống hồ chi tôi kiếm tiền chỉ đang để lo cho thân tôi, còn mẹ tôi thì còn có hai đứa trẻ bé bỏng ở nhà. Mẹ phải sống cuộc đời là một người mẹ, ngay khi mẹ chưa từng biết cảm giác sung sướng của một đứa con là như thế nào. Nghĩ như vậy nên tôi càng thương và cả ngưỡng mộ.
Đến bây giờ mẹ tôi vẫn vậy, gia đình tôi đã khá giả hơn nhiều nhưng mẹ vẫn thói quen đó. Chén cơm của mẹ ít khi có thịt, vì mẹ muốn dành phần ngon cho anh em tôi. Để lựa chọn mua một món đồ nào đó cho mình, mẹ nghĩ tới nghĩ lui, hỏi bàn với tôi cả buổi nhưng rồi lại bảo: “Thôi thấy cũng không cần lắm. Để tiền khi nào cần hơn thì còn có mà dùng”. Cái áo của mẹ cùng lắm là vài chục, chưa bao giờ có giá hàng trăm nghìn. Có lẽ mẹ luôn thường trực những nỗi lo, tuổi thơ nghèo khó đã dạy cho mẹ đức tính đặc biệt đó. Dù vậy nhưng chưa bao giờ mẹ tiếc tiền với anh em tôi, nhất là khi đụng tới chi phí học hành. Đời mẹ đã khổ, mẹ luôn mong chúng tôi thành tài, không phải để nuôi mẹ, mà để đừng khổ như mẹ.
Trong bài thơ Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên có câu: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ./ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.” Triết lý thâm sâu này của ông, tôi được học từ khi còn ở bậc Trung học cơ sở nhưng phải đến những năm sau này mới thấm thía. Nhất là khi nhìn thấy sự bảo bọc của mẹ dành cho anh em tôi. Mỗi khi tôi hay anh gặp điều gì không vui, mẹ buồn lòng hơn cả. Nỗi trăn trở về tôi đối với mẹ, hẳn tôi không biết vì mẹ ít khi thể hiện, nhưng với anh tôi thì khác. Tôi có dịp được chứng kiến mẹ lo lắng cho anh nhường nào. Thấy mẹ lo quá độ, tôi cứ sốt ruột trách: “Anh lớn rồi thì phải tự có trách nhiệm với cuộc sống của mình thôi, mẹ chắc có theo mãi được không mà rầu rĩ?” Nói xong rồi tôi mới thấy mình quá lời, có khi làm mẹ tổn thương nhưng thành thật, đó cũng là điều tôi luôn trăn trở.
Mẹ – tôi ước mẹ có thể bắt đầu sống cho mình. Ở tuổi 55 mới bắt đầu sống cho mình có lẽ là quá trễ nhưng tôi không có năng lực để thay đổi tuổi thơ khốn khó, thời thanh xuân vất vả của mẹ. Nhưng tôi sẽ không bắt mẹ phải làm theo ý tôi khi đó không phải là cuộc đời của tôi. Tôi sẽ tự thay đổi mình để mẹ vơi phần lo lắng. Tôi tự dặn chính mình như thế, rồi mẹ sẽ được sống cho đời của mẹ.
6/11/2021
Vương Ngọc Minh Châu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chị tôi

Chị tôi Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buộc miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đ...