Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Năm mươi năm trước, tôi gặp ngọn cờ bên sông Vàm Cỏ Tây

Năm mươi năm trước, tôi gặp
ngọn cờ bên sông Vàm Cỏ Tây

Bà con chỉ biết ‘danh tính’ chúng tôi qua cách gọi ‘thứ’ quen thuộc ở đồng bằng Nam Bộ, như anh Bảy, cậu Ba, thằng Út… chứ cũng không biết tên thật của chúng tôi là gì. Vậy mà quý mà thương cứ như người nhà, cứ như con như cháu. Tình cảm ấy chỉ có trong chiến tranh, khi chúng tôi và dân thực sự gần nhau, thương nhau,…
Cuối xuân năm 1973, chính xác là vào tháng Tư, sau Hiệp định Paris ba tháng, đoàn công tác tiền phương của Ban Binh vận Cục R chúng tôi được lệnh “nhổ sào” về chiến khu. Đã nằm quen với địa hình dọc lộ 4 Mỹ Tho, càng quen hơn với bà con mấy xã ven con lộ này, nên mấy anh em chúng tôi quyến luyến không muốn rời. Nhưng “quân lệnh như sơn”, không đi cũng không được. Những ngày chia tay với bà con ở mấy ấp ven lộ 4 thật cảm động. Chúng tôi được bà con đãi đằng liên miên, nghèo thì kiếm mồi “nhà giồng ra”, gồm cả lục bình quơ ngoài mương lẫn cá rô mới bắt dưới rạch còn giãy tươi giãy sống lên như mời gọi rượu đế; kha khá hơn thì bữa nhậu có két bia “Con cọp” kèm thịt cá tinh tươm.
Thật ra, bà con chỉ biết “danh tính” chúng tôi qua cách gọi “thứ” quen thuộc ở đồng bằng Nam Bộ, như anh Bảy, cậu Ba, thằng Út… chứ cũng không biết tên thật của chúng tôi là gì. Vậy mà quý mà thương cứ như người nhà, cứ như con như cháu. Tình cảm ấy chỉ có trong chiến tranh, khi chúng tôi và dân thực sự gần nhau, thương nhau, khi những bất trắc thậm chí hiểm nguy luôn chực chờ.
Trong chiến tranh, vẫn có những phút bình yên thật lạ
Khi đoàn chúng tôi vượt lộ 4 sang Ấp Bắc, thì tiết trời cũng đã “quá nửa chừng xuân”. Bắt đầu vào tháng tư. Tấp vô “địa hình” là một khu vườn vắng chủ (chủ nhà đã bị dồn vô “ấp chiến lược” hay phải bỏ nhà đi tránh bom, tránh pháo), chúng tôi cứ nghĩ là sẽ nhanh chóng lên đường vượt sông Vàm Cỏ Tây. Ngờ đâu, dạo ấy quân Sài Gòn (thiếu quân Mỹ hỗ trợ vì Mỹ đã rút hết về nước) lại bung ra “tái lấn chiếm”, đường giao liên bị tắc, nên không đi được, đành bám trụ với khu vườn vắng chủ.
Vườn vắng chủ, dĩ nhiên không ai cho mình ăn cái gì. Mọi cái ăn, đoàn phải tự kiếm. Thôi thì tìm đường liên hệ với dân để mua gạo, mua cả rượu uống giải sầu, đó gọi là “gạo chợ”, còn “nước sông” thì… cá dưới rạch đó, rau dại trong vườn đó, cứ thả sức. Miễn là phải trang bị được cho mình kỹ năng… bắt cá. Cái này thì đoàn chúng tôi ai cũng đã khá thạo. Riêng tôi, từ chỗ là một thằng lính mới ú ớ chẳng biết gì, nhưng qua hơn nửa năm đi chiến trường đồng bằng, nhất là hơn một tháng rưỡi lội qua Đồng Tháp Mười, tôi đã học được nhiều thứ. Như chèo xuồng này, hái rau dại này, và nhất là bắt cá bằng tay không. Đừng tưởng bắt cá bằng tay không là dễ nhé! Bạn có thể bắt cá trong chậu bằng… tay không, hay bắt cá… trên mâm bằng đũa, nhưng bắt cá đang sống đang bơi lội tung tăng dưới các kênh rạch bằng tay không thì không dễ.
Nằm ở khu vườn hoang Ấp Bắc đúng một tuần, ngày hai bữa cơm cá tự cải thiện, nhưng sốt ruột và buồn. Khi anh cần đi mà phải nằm một chỗ, chẳng biết lúc nào mới đi được, thì làm sao không sốt ruột, không buồn. May mà trong khu vườn vắng chủ, chúng tôi phát hiện được một người bạn. Đó là cây mai chiếu thủy.
Cuối mùa xuân, và cây mai với nhánh cành khô khẳng nhưng không thể không ra hoa. Hoa mai trắng, mỗi buổi sớm lại rụng đầy dưới gốc. Cây mai chiếu thủy này thuộc hàng mai “lão”, nó không được trồng trong chậu, trong ảng, mà trồng ngay trên đất, bên cạnh một con rạch nhỏ. Có buổi sáng bình yên không tiếng bom tiếng pháo, mấy anh em ngồi pha trà nhâm nhi bên cạnh cây mai, chợt nghe rưng rưng một mùi hương thơm ngọt lạ kỳ. Hoa mai chiếu thủy thơm, và những bông hoa nhỏ khiêm nhường nở xuống, soi bóng mình trên con rạch nước đầy. Lúc ấy, mấy anh em chúng tôi chẳng ai nghĩ tới chuyện ngụp lặn bắt cá dưới rạch, mà chỉ ngồi bó gối… ngắm hoa mai. Trong chiến tranh, vẫn có những phút bình yên thật lạ, cứ như trời cho những phút bình yên miễn phí ấy để an ủi con người.
Đoàn chúng tôi chỉ có tôi là trẻ nhất. Các anh còn lại đều đã “hai mùa kháng chiến”. Mấy ngày nằm ở Ấp Bắc tôi được nghe nhiều chuyện, hầu hết là những chuyện từ hồi kháng chiến chống Pháp. Nghe cũng thú ra phết! Vì mấy khi có thời gian rảnh đến sốt cả ruột này để buôn chuyện. Cây mai chiếu thủy vẫn lặng lẽ nở hoa, còn chúng tôi vừa ngắm hoa mai vừa nghĩ, không biết người chủ của khu vườn và cây mai này bây giờ ở đâu? Chiến tranh, mình phải bỏ nhà đi, còn những người xa lạ từ đâu tới lại ở nhà mình, ở mà không biết chủ nhà là ai.
Ấp Bắc là địa danh đã đi vào lịch sử qua những trận đánh khốc liệt từ năm 1962, khi ấy đội quân chủ lực của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN lần đầu tiên khẳng định được sức mạnh và khả năng chọn cách đánh cũng như cách thắng của mình trước một đội quân đông đảo được Mỹ trang bị hùng hậu. Những chiếc trực thăng Mỹ lần đầu tiên bị bắn rơi trên chiến trường miền Nam cũng ở Ấp Bắc này. Lần đầu qua Ấp Bắc hơn 6 tháng trước đó, tôi đã viết được một bài thơ ngắn:
Không ngờ, sáu tháng sau khi viết bài thơ, tôi lại có những một tuần sống ngay trong Ấp Bắc. Những người lính Việt Cộng của năm 1962 ấy, họ đã từng sống trong khu vườn có cây mai chiếu thủy này, trong khi phục kích chờ giặc đến, như chúng tôi giờ đây “phục kích” chờ ngày đường thông để hành quân?
Và các anh có gặp một “cái hên” như chúng tôi, vào cuối mùa xuân năm 1973 không?
“Cái hên” là thế này: Sau một tuần mỏi mệt chờ đường thông, buổi sáng hôm ấy mấy anh em chúng tôi lại lội xuống con rạch trong khu vườn để… mò cá. Bất ngờ, một anh trong nhóm phát hiện một con cua đinh to tổ bố đang nằm dưới bùn. Chắc là đang nằm mơ. Cua đinh là tên gọi một loại ba ba, giống này ở vùng Đồng Tháp Mười hơi bị sẵn. Nhiều con cua đinh to, nặng tới 5 kg. Chúng tôi bắt con cua đinh đang nằm mơ dưới rạch chẳng mấy khó khăn, chỉ lật ngửa nó ra là cứ thế vác lên bờ. Con cua đinh này khá to, nặng gần 3 kg.
Những người chờ xuất hành như chúng tôi, họ nói kỵ nhất là gặp… rùa, hay ba ba, hay cua đinh, vì có câu “chậm như rùa lật ngửa”. Gặp mấy con này đã mệt, ăn chúng có khi còn mệt hơn.
Nhưng chúng tôi không nghĩ vậy. Mấy khi trời cho một con cua đinh béo nhễ nhại thế này, chỉ có điên mới không ăn nó. Cả đoàn hì hục làm thịt con cua đinh, cử người đi mua mấy lít đế. Trưa hôm ấy, chúng tôi được bữa nhậu tưng bừng. Thịt cua đinh ngọt lừ, thơm ngầy ngậy và béo thực thà, ăn miếng nào biết miếng ấy. Lại thêm mấy xị rượu đế đưa cay, thôi thì… quá đã!
Cả đoàn sau bữa nhậu cua đinh, đã sẵn sàng để… nằm lại khu vườn này thêm một tuần nữa, nếu vì ăn thịt cua đinh mà không xuất hành được.
Kỳ lạ sao, ngay buổi chiều ấy, giao liên tới báo chúng tôi biết đường đã thông. Phải gấp rút hành quân. Chúng tôi lên đường, và chẳng bao lâu, sông Vàm Cỏ Tây đã hiện ra trước mặt. Ai bảo “Ăn cua đinh là… khổ” nào?
Sắp vượt sông Vàm Cỏ Tây thì phát hiện hai chiếc tàu tuần duyên của địch đang chạy trên sông. Chúng tôi núp kín trong đám đế, lát sau tàu giặc đã qua. Nhìn sang bờ bên kia, trên một ngọn cây trâm cao ngất, một lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng của Mặt trận giải phóng đang bay phần phật. Những tràng đại liên từ hai chiếc tàu giặc bắn xối xả lên ngọn trâm, nhưng ngọn cờ vẫn đứng vững. Nhìn lá cờ của mình đĩnh đạc tung bay trên ngọn cây trâm, chúng tôi thấy tự tin hẳn. Và đúng là chúng tôi đã gặp may. Gặp mai chiếu thủy đã may, gặp… cua đinh còn hên hơn.
Đúng 50 năm rồi, tháng tư năm 1973 – tháng tư năm 2023, tôi vẫn không sao quên được hình ảnh lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng bay phần phật trên ngọn cây trâm cao ngất, bất chấp những tràng đại liên vãi như mưa hòng hạ gục ngọn cờ.
Đêm ấy, chúng tôi tiếp cận Đồng Tháp Mười đang mùa khô. Lại lội bộ, nhưng không còn phải lội nước nữa.
1/4/2023
Thanh Thảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Véo Von Tiếng Địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, c...