Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Cảnh tết nghèo, nhớ các thi sĩ Tùng Linh và Tú Xương

Cảnh tết nghèo, nhớ các
thi sĩ Tùng Linh và Tú Xương

Tác giả Tùng Linh – Bùi Trung Đích, sinh năm 1931 tại xã Nghĩa Hòa – Thị trấn Thu Xà – Quảng Ngãi,
Ông là con một viên quan thời Triều Nguyễn nên thời trẻ có học tại Trường Tàu ở Thu Xà nên rất am tường chữ Hán và thơ Đường.
Năm ông 20 tuổi vì do sông Vạt Hồng bị sạt lở nên gia đình chuyển về quê ngoại ở thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa.
Ông làm thơ từ lúc còn rất trẻ và được thi sĩ Bích Khê rất quý.
Nhà thơ Tùng Linh xuất thân là con nhà quan nên có thể nói là gia cảnh tương đối sung túc, đời sống không phải lo toan gì kể cả trong những ngày Xuân về, Tết đến.
Sau năm 1975, chính quyền mới “đánh” vào những thành phần tư sản, địa chủ, trung lưu, trí thức nhất là dùng biện pháp “đổi tiền” nên lúc đó cả đất nước đã... được “bần cùng hóa” như nhau, đời sống phụ thuộc vào sự "ban phát" tem phiếu của chính quyền mới mà người ta gọi là thời “bao cấp”, kéo dài một thời gian trên mười năm trời.
Cảnh nghèo hầu như bao phủ lên mọi nhà trong đó có cả những người trước kia thường được gọi là “nhà giàu”.

Cảnh này cũng rơi và gia đình thi sĩ Tùng Linh – Bùi Trung Đích. Lúc này chính quyền mới cho ông làm một chức thư ký nho nhỏ chuyên ghi chép công điểm của bà con trong một Hợp tác xã ở nông thôn, tất nhiên cũng lâm vào cảnh nghèo túng như bà con nông dân lúc đó.
Tết đến, nhà thơ chợt nhớ về cái cảnh xưa kia của gia đình vui xuân bình thường với những chậu “lan cúc”, nhà đầy đủ với “chả nem”, thuốc lá, trà ngon, rượu tây … mà cảm thấy tiếc nuối một thời đã qua, nay chỉ còn là những kỷ niệm.
Tùng Linh đã tự trào về một cái tết nhà nghèo của mình và ông đã cảm tác thành bài thơ “Xuân suông” sau đây:
“Năm mới vui xuân chén nước trà,
Thuốc rê giấy súc bập phì phà.
Chả nem muốn gói vườn khô lá,
Lan cúc quên trồng Cải nở hoa.
“Lạp xưởng” “Ca-ri” e chột dạ,
“Huýt ky” “Cô nhát” ngại sần da.
Gà, Heo chuồng trống ao không cá,
Vẫy bút mừng xuân, xuân với ta!”
(Xuân Tỵ & Ngọ - 1977 - Tùng Linh – Bùi Trung Đích)
“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với một thi nhân tiền bối đồng hương, tôi “cảm họa” mấy vần thơ sau để gọi là một lòng thành tưởng niệm với người xưa khi mùa Xuân sắp về với cái cảnh nghèo hiện tại của thi nhân …
*Tết nghèo (Hoài Nguyễn)
Lặng lẽ riêng mình đón tết xa,
Dù nghèo kẻ sĩ chẳng kêu ca.
Vườn mai nở rụng còn vài lá,
Bếp lửa im re chẳng thịt thà.
Pháo đốt hao tiền e xót dạ,
Hoa chưng tốn bạc sợ rầy rà.
Xuân ta trộm ngó quan vui quá,
Nghĩ phận dân tình đẫm lệ sa.
Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới cảnh tết của nhà thơ trào phúng một thời: Tú Xương – Trần Tế Xương, cũng có những bài thơ cảm thán, xót xa cho cái cảnh nghèo của các nhà thơ ngày xưa mà chua chát thành những dòng thơ mang tính trào lộng cao độ:
Nhà thơ trào phúng ấy cũng là người hay tự trào. Tú Xương cười hay nói đúng hơn, thấm thía cái nghèo, cái bất lực, cái không thành đạt của mình Cảm Tết, Sắm Tết. Những câu đùa trong 2 bài thơ này là những câu đùa ra nước mắt:
Cảm Tết
“Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo,
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu.
Bánh đường sắp gói e nồm chảy,
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi đành tết khác,
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.”
(Trần Tế Xương)
Đồng cảm với thi nhân tiền bối Trần Tế Xương, Hoài Nguyễn tôi cũng họa đôi dòng gọi là:
Cảnh Tết.
Tết đến, tôi đây vẫn cảnh nghèo,
Tiền hưu mấy bữa chẳng còn tiêu.
Rượu thiu, bạn bảo thôi đừng uống,
Bánh cứng, răng hư cứ phải kêu.
Thịt có vài cân, toàn sụn mỡ,
Hoa vài nhánh nở, thấy buồn thiu.
Đành lòng, tết vậy mong mau hết,
Xong mấy ngày xuân, chắc hết nghèo!
Đặc biệt, bài Sắm Tết, tiếng cười được nghệ thuật hư cấu phóng đại giúp sức trở nên thành những tiếng cười gằn:
“Tết nhất năm nay khéo thật là,
Một mâm mứt rận mới bày ra.
Xanh đồng thắng lại đen nhưng nhức,
Áo đụp bò ra béo thực thà.
Kẹo chú Sìu Châu đâu đọ được,
Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa.
Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt,
Lại rưới thêm vào tí nước hoa.”
Tác giả giễu mình mà hóa ra chửi đời. Tuy nhiên nỗi ghét đời kia lại chính là hình chiếu ngược của lòng yêu đời.
Tiếng cười cay độc, chua chát của Tú Xương có ý nghĩa phủ định xã hội, cái xã hội của những kẻ giàu sang hãnh tiến. Bài “Năm mới chúc nhau” của ông mà có lẽ nhiều người chúng ta đều biết, là tiếng chửi vào bọn người ấy, chứ không phải là “chửi tùm lum” tất cả.
Cảnh đời ngày nay thì cũng chẳng khác gì ngày xưa mấy và cái cảnh nghèo thì thời nào cũng thế…
… Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo,
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi… (Tú Xương)
Nỗi đau thời nào của thi nhân với vận nước thì có lẽ cũng như nhau, nhưng rồi cũng đành bất lực nhìn đời và chỉ mượn những vần thơ để tự ru ngủ với mình về một cái Tết, một mùa Xuân đẹp chỉ còn ở trong … thơ!.

Hoài Nguyễn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...