Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Mùa gió ở lầu Ông Hoàng

Mùa gió ở lầu Ông Hoàng

Lầu Ông Hoàng đã mất dấu, chỉ còn tên gọi!
Gần đấy có tháp cổ Pôshanư…
Ở đó, hình như cứ mỗi chiều là gió từ biển thổi vun vút, vi vu, lùa qua những cội sứ già làm rất nhiều bông hoa trắng rụng rơi lả tả theo lối đi lên đồi. Có nhiều bậc tam cấp lưa thưa cỏ dại. Những ngày mưa bão, “am” trở nên vắng vẻ, chìm khuất giữa rừng cây u tĩnh. Mây như sương, bay la đà, lướt thướt, vật vờ trên tháp Poshanư và lầu Ông Hoàng*. Biển mênh mông thăm thẳm, đầy sóng gió.
An dẫn tôi lên am. Rải rác theo lối mòn là rừng cây bụi, xen lẫn với nhiều sim, mua trỗ hoa tím ngát. Những cánh hoa nhỏ nhoi rung rinh trong gió. Lên đến lưng chừng đồi, hai đứa thấy biển phía xa  nhấp nhô, hàng hàng lớp lớp, muôn trùng lượn sóng bạc… Có tiếng khánh leng keng trong một cái am nhỏ tựa lưng vào vách núi, phía trước am là một gờ đá lớn hình trứng ô-van, che khuất lối vào: một hang động thiên nhiên hẻo lánh nhưng vẫn có người ở đó. Hoang vu và tĩnh mịch. Thơ mộng mà hoang dã. Chẳng nơi nào trên mặt đất mà không có dấu chân con người!
“Mẹ ơi!” –  An gọi.
“Con mới về à?” – có tiếng khàn khàn đáp lại. Một người phụ nữ vận áo nâu sòng, đầu trùm khăn bước ra từ hẻm đá nhỏ. Đó là một ni sư dáng mảnh khảnh, có khuôn mặt hơi khắc khổ, hai mắt bà sáng với đôi gò má hơi cao và cặp môi đầy đặn, dờn dợt. “Bà nầy khi xưa chắc đẹp lắm, nhưng vận số chẳng sung sướng gì!”- Tôi có đọc sách chiêm tinh, bói  toán, và những lúc rỗi hơi hay luận với bạn bè về tướng số, nhất là tướng của phụ nữ! – An thuộc loại gái “eo lưng thắt đáy”, từ vòng một đến vòng ba tương xứng với những đường cong thanh thoát, đầy đặn như hình cây đàn ghi-ta. Số của nàng sẽ sung sướng, hạnh phúc, về sau sinh quý tử! Tuy nhiên, tôi vẫn ít hay tin vào những điều sách tử vi nói – “Bói ra ma, quét nhà ra rác!”
“Đây là anh Thuận, bạn con!”
Tôi lễ phép chào ni sư. Bà ấy thoáng nhìn tôi rồi gật đầu chào lại. An choàng tay mẹ: “Trông mẹ hơi ốm đó!”. Ni sư xoa đầu con gái: “Mẹ ít xuống chợ. Trên nầy có trồng được mớ rau quả cũng đắp đỗi qua ngày”. Tôi thấy mắt An long lanh, ngân ngấn! An biết mẹ nhín ăn, để dành tiền gởi cho nàng ăn học nơi chốn thị thành. Thường những người mẹ bao giờ cũng vậy. Đó là sự vĩ đại nhất ở con người và một số đông các loài sinh vật. Hồi còn ở nhà, tôi có nuôi dê. Con dê cái “Bắc Thảo”nhà tôi đẻ ra một chú dê con kháu khỉnh. Nó bú rất mạnh khiến con dê cái kia gầy rộc ra. Lúc dê có giá, ba tôi bán đi con dê con. Con dê mẹ nhớ con chiều nào cũng rống la thảm thiết. Cuối cùng, chịu không nỗi tình cảnh của nó, tôi phải đi mượn một con dê con khác thả vào chuồng. Mẹ và con nhà dê mấy ngày đầu lạ nhau, rồi mấy hôm sau trở nên thân mật. Dê cái mẹ không còn thê thiết nữa… Nó đã có một nguồn an ủi!
An hồn nhiên vui đùa trong làn nước biển trong xanh. Da nàng trắng mịn, những hạt nước long lanh chảy lăn trên đôi gò tuyết lê phập phồng, căng ứ…Đôi chân trần rám nhẹ chút nắng…
“Sắp tối rồi, em phải về!”
“Ở lại với anh thêm vài phút thôi…” – Tôi vén mái tóc dài đen phơn phớt mùi thơm ngây ngất, lạ lùng của An, tôi hôn vào cái cổ thon tròn, trắng ngần, trong như ngọc của nàng. An ngữa mặt lên trời, đôi mắt lim dim, mơ màng đẩy nhẹ tôi ra: “Em phải về…Ngày mai, ngày mai mình gặp lại…”
Gió biển  những chiều cuối đông thổi ào ào, lồng lộng vào bờ. Sóng bạc đầu trắng xóa cuồn cuộn đùa đuổi nhau, trào tan trong lòng biển xanh sẩm, âm âm. An dựa đầu vào vai tôi. Tôi và An nép mình bên gành đá trốn gió. An chỉ  cho tôi một lối mòn nhỏ quanh co theo triền núi lên hai cái  tháp cổ, cận đấy là  ngôi cổ tự, gần cổ tự có một đồn binh cũ với những hầm hố, lô cốt hoang tàn, sụp đổ chỉ còn trơ lại vài mảng tường rêu ám với dây leo, cỏ dại chằn chịt chen đầy! – Chùa trên kia là chùa “Sư”, còn am của mẹ  ở lưng đồi người ta gọi là chùa “Ni”. Xứ nầy chùa đông như ở Vũng Tàu, nhưng nhỏ và nghèo hơn rất nhiều! – An giải thích cho tôi nghe.
“Ngày xưa…có hơn nửa thế kỷ, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng dắt  bà Mộng Cầm lên chơi trên đó!” – Giọng An nhẹ nhàng thanh thoát.
“Kể tiếp cho anh nghe đi!” – Tôi cảm thấy tò mò, thú vị – An mơ màng. Gió thổi đùa tung mái tóc thơm tho của nàng hất vào mặt tôi. Tôi khẽ hít  cái mùi hương dễ chịu ấy sâu vào trong lồng ngực, thấm thấu đến tận tâm hồn!
“À…à… Người ta kể lại rằng: hai người thề non hẹn biển, có ánh trăng vằng vặc trên trời và hai ngôi tháp cổ  làm chứng!”… Tôi cầm  bàn tay đẹp có những ngón dài suông, mềm mại của An đặt vào ngực mình.
“À… Rồi Hàn Mặc Tử đưa Mộng Cầm về khi trời chuyển mưa. Vầng trăng sáng trong, huyền hoặc đêm ấy bị che khuất bởi những đám mây đen u ám. Mưa đầu mùa bất chợt trút xuống. Hai người vội vả tìm nơi trú ẩn. Họ vô tình lạc vào khu nghĩa địa của người Hời. Họ trú mưa trong một nhà mồ mới dựng… Dân gian kháu nhau rằng, về sau thi sĩ họ Hàn mắc bệnh phong là do nhiễm phải khí độc bốc lên từ ngôi mộ của một người bị bệnh “cùi” mới chết cách đó không lâu?!”
“Đó có thể chỉ là một giả thuyết nhằm giải thích về căn bệnh hiểm nghèo của Hàn Mặc Tử…” – An nói nho nhỏ, giọng nàng thánh thót – “Nhà em trước đây ở gần nhà bà Mộng Cầm, bà ngoại em có quen bà ấy, nhưng bà Mộng Cầm rất kín tiếng. Cải lương có lúc hát diễn liên miên về chuyện tình của bà ấy với ông Hàn, nhưng bà vẫn lặng thinh không ý kiến. Thỉnh thoảng, hiếm hoi lắm, bà có kể lại chuyện mình với thi sĩ họ Hàn  – một chuyện tình đẹp, trong sáng và lãng mạn như thơ!”
“Em có thuộc bài thơ nào của Hàn Mặc Tử nói về Lầu Ông Hoàng hoặc Phan Thiết không? Anh nhớ mang máng là có… nhưng anh không thuộc!”
“Bài “Phan Thiết! Phan Thiết”… Nhưng không biết là em có nhớ hết không!” - An đọc nhẹ nhàng, giọng man mác chút xa xăm:
“Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ơi! Trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết
Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi 
Ta đến nơi, Nàng ấy vắng lâu rồi 
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng…”                        
Tôi bỗng nghe lòng mình chùng xuống, đau đáu tiếc thương cho chàng trai tài hoa và người thiếu nữ năm xưa – những nhân vật đã trở thành huyền thoại trong tình sử văn chương – họ đã đi về cõi vĩnh hằng, mang vào lòng đất những buồn vui quá khứ. Còn lại đây gió biển, trăng ngàn, núi non, cồn cát, cỏ cây, sông suối… ngàn năm chớp bể mưa nguồn, trăm năm ngắn ngủi kiếp nhân sinh, một cõi đi về!
Biển, núi, mây, trăng, thơ… và chuyện tình lãng mạn, nhiều nghiệt ngã của Hàn làm cho lòng tôi bâng khuâng, xao xuyến, trái tim non của như An mềm ra, rung lên, thổn thức một tình yêu lai láng…Chúng tôi ôm chặt nhau, hôn nhau, thề yêu thương nhau suốt đời!… Tôi ngước nhìn lên Lầu Ông Hoàng lờ mờ bóng trăng sương như trong chuyện cổ tích. Tháp Pôshanư huyền bí, sừng sững, trơ gan cùng tuế nguyệt, giống như một bóng người, đứng cô đơn, trông ngóng, u trầm, lắng nghe tiếng chuông mõ công phu như từ cõi xa xăm vọng về.
Một  buổi chiều nắng đẹp, An dẫn tôi lên lầu Ông Hoàng, ghé  chùa “Sư”để “xin xăm”. Gia đình tôi đã có đến nói chuyện cưới xin với bà ngoại và mẹ của An. An thành kính chấp tay trước ngực, lâm râm khấn vái rồi cặm cây nhang vào lư hương trên bệ thờ. Khói bay nhàn nhạt, u ẩn. Tôi đứng bên An và làm theo nàng. Hai tay An cầm cái ống tre có những thẻ “xăm”  dài như những chiếc đũa, dẹp ở đầu. An xốc nhè nhẹ, liên hồi. Những thẻ xăm nhảy lưng tưng, bần bật trong ống. Có một thẻ trào ộc, rớt ra! “Xăm số 23, ứng vào tuổi em”! – An trịnh trọng cầm thẻ xăm, níu tay tôi đi lại cái bàn nhỏ nơi góc chùa. Một vị sư lông mày bạc trắng như tiên ông, mang kính râm đang ngồi giải xăm cho khách… Hình như ông bị khiếm thị. Vị sư lần  bàn tay lấy hai miếng gỗ, mỗi miếng chừng ba ngón tay hình nửa hạt đậu đưa cho An và bảo An hãy “xin keo”! An thảy tâng lên cho hai thanh keo rơi xuống đất, hai lần đầu “hỏng keo”, đến lần thứ ba thì “đậu keo”, nghĩa là hai thanh keo phải ở tình thế – miếng xấp, miếng ngữa- tức âm dương hòa hợp- hai miếng giống nhau là thuần âm, hoặc thuần dương, biểu hiện dấu hiệu quẻ xăm không linh ứng! Tôi có ý đứng dang xa cho một mình An được nghe sư thầy giải xăm…Không biết quẻ xăm nói gì mà khuôn mặt An lúc sáng lên phấn khởi, lúc thoáng trầm ngâm xa vắng!
“Xăm tốt hở em?”
“Ừ tốt!”
“Có nói chuyện hai đứa mình… thành vợ chồng không?”
“… Cái anh nầy… anh nầy…” – An sượng sùng, ửng hồng đôi má, phơn phớt đỏ bầm như màu trái bồ quân trông rất đẹp. Mắt nàng long lanh, ướt át. An nhoẻn miệng cười tươi tắn…Gió xuân bay về hay hảy qua những triền cát mênh mông, qua dải đồi đá có những nhánh mai cằn cỗi hé nở mấy nụ hoa vàng lẻ loi, cô quạnh.
“Em còn nhớ… đồi tháp cổ không?”
“Đồi tháp cổ nào?” – Cô gái  ngơ ngác.
“Đồi tháp cổ có Lầu Ông Hoàng và…”
“Ông Hàn Mặc Tử với bà Mộng Cầm phải không?”- Cô gái bỗng bật cười lên khanh khách, mặt cô ngây ngơ và cô hát: “Đường lên dốc đá… đường lên dốc đá… đường lên dốc đá…”
“Em có nhớ biển không?”
“Biển nào?”
“Chỗ có cái am!”
“Ở biển, ở núi có nhiều am cốc lắm…và có ni cô nữa! Có chuông chiều, có khánh mõ, có…”
“Em không còn nhớ chút gì nữa sao?” – Chàng trai xót xa, đau đớn.
“À. An nhớ rồi…Người ta…Có nhiều  người  mặc áo trắng trói  em chặt lắm! Ôi em đau quá…Em nhức đầu quá!”- Đôi mắt người con gái đờ đẫn. Cô ngóng  ra khoảng trời mông lung phía biển.
Chàng trai, vị ni sư xót xao thở vắn dài.
Chuyến xe định mệnh! Chuyến xe buổi ấy đưa tôi và An lên cao nguyên. Những ngày vui qua nhanh. Chuyến xe trở về miền biển theo con đường quanh co uốn lượn men sườn núi. Xe đổ dốc xuống đồng bằng. Qua một khúc quanh gắt như tay áo. Bỗng vực thẳm mở ra trước mắt người tài xế. “Ôi! đèo lở!”. Một mảng đường lõm, bong lớp nhựa mới rơi xuống vực trong cơn mưa giông đầu mùa vừa mới đi qua Người tài xế đạp lút chân thắng theo phản xạ! Bánh xe rít lên, kêu ken két kinh hoàng như con thú bị trúng thương. Xe khựng lại, chao nghiêng rồi rơi lộn nhiều vòng xuống vực như một cái hộp lon. Khói từ đầu xe bốc lên nghi ngút. Động cơ gầm rú rù rụ vang động cả núi rừng, một lúc sau mới tắt! Vẫn còn nhiều người sống sót bò ra từ cái “hộp lon” méo mó ấy như những con kiến. Có những tiếng la thất thanh  hòa lẫn tiếng rên khóc thảm thiết! Tôi chỉ bị thương nhẹ. Trong cơn hoảng loạn, tôi đớn đau gào khóc bên thi thể đầm đìa, nhòe nhẹt máu của An…
“Nó là con của ông! Nhưng bây giờ nó đã bị bệnh… Phải chi ông về sớm hơn!”
Người đàn ông có dáng khắc khổ ôm đầu. Mấy mươi năm trôi qua mà ngỡ như một giấc mơ. Không còn tiếng đạn pháo của kẻ thù đêm đêm gào hú, xé gió bay qua đồi tháp cổ, nơi có cái am nhỏ cheo leo dựa lưng vào vách núi ngóng ra biển của ni sư Diệu Ngân nữa – cô gái đẹp làng biển ngày ấy giả dạng tu hành trên đồi đá để hoạt động – Cô là  người dẫn đường cho những bóng đen bí mật từ trong những trảng cát khô cằn, lưa thưa ô rô, bồn bồn, dứa dại… băng qua đồi đá, xuyên qua vạt rừng sim đi về phía thành phố – nơi có vầng sáng mơ hồ ánh lên như từ trong xa xăm hư ảo. Người chiến sĩ và “ni nữ” yêu nhau! Những đêm trăng biển huyền hoặc. Những đêm gió mưa trên đồi… đã sinh ra An!
Ông Chí giã biệt Phú Hài một thời gian rất dài – dài hơn cả cuộc chiến tranh sau cùng trên mảnh đất nầy! - Ngày hòa bình, ông  theo đoàn quân chiến thắng về tiếp thu thành phố. Có đôi lần ông trở lại  làng biển xưa vội vội, vàng vàng. Chốn phồn hoa đô hội và những công việc bề bộn đã nuốt chửng chàng trai trẻ ngày ấy. Mấy chục năm sau, chàng trở về- Mái tóc ông Chí đã bạc trắng màu thời gian cùng với chuyện đời nhiều dang dở! - Người con gái ngày xưa vẫn giữ chùa, ngày tháng đánh cắp mất đi tuổi xuân của cô! “Ni sư bất đắc dĩ” như bỗng ngộ ra lẽ đời. Cô cam lòng, an phận với đứa con gái nhỏ nơi đồi hoang, am vắng, mặc thời gian trôi!
… Thùy An ngồi trên gành đá cười ngây ngây. An đội một vòng hoa sứ  kết bằng dây chuối trông giống như vương miện nữ hoàng! Bên cạnh nàng có một chai nước suối với mấy ổ bánh mì đã cứng khô. Tôi đớn đau, bùi ngùi, xót xa bước đi, dây dây ngóng lại! Người đàn ông luống tuổi rơi những giọt nước mắt muộn màng. Ni sư Diệu Ngân lần tràng hạt trong am với tiếng khánh, mõ leng keng, lốc cốc lan tỏa trong không gian tĩnh mịch. Và. Sương, tự bao giờ, đặc quánh lại như dải lụa trắng tinh khôi, bàng bạc giăng mịt mùng trên đồi tháp cổ. Có lúc sương bay rất nhanh, la đà rồi vỡ tan ra như muôn ngàn sợi khói – Mùa gió chướng đã trở về trên lầu Ông Hoàng.
Chú thích:
* Lầu Ông Hoàng: một thắng cảnh cách TP Phan Thiết, Bình Thuận chừng 6km về hướng Đông Bắc.
11/5/2023
Đặng Hoàng Thám
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...