Người anh hùng
Nơi ba nhân vật ấy tụ họp để sống với nhau cũng đã là một cảnh
quái đản, một cảnh ma ám rồi. Một khu đất rộng tới bốn, năm mẫu, bao vây trong
một luỹ tre dày kín, và một lần tường cao trên cắm mảnh chai vỡ. Hai cái cổng
vòm kiên cố, nối liền nhau bằng một con đường nhỏ hẹp, hai bên có tường và ăn
thông với ngõ xóm, một cái ngõ sâu hẹp giữa hai hàng dậu tre cao vút. Trong khu
đất bao la ấy, cây cối um tùm như rừng, một cái rừng hoang đối với con mắt người
thường. Nhưng kì thực cái rừng ấy đã được chăm nom, bài trí theo ý muốn của chủ
nó. Ta có thể nói không thiếu một loài cây gì, từ cây to như cây sến, cây lim,
cây chò, cho chí những cây nhỏ như cây lan, cây lưỡi hổ, cây tóc tiên, từ những
cây tầm thường như cây khế, cây sung, cây ổi cho chí những cây rất hiếm như cây
hà lan, cây bạch mộc, cây bách tán, cây giồng đất, cây giồng chậu, cây leo, cây
gửi, cây chơi hoa, cây chơi lá, một nhà thảo mộc học cũng khó lòng tìm ra được
một loại nào không có trong cái vườn bách thảo ấy. Nhà ở làm xế về phía Bắc khu
vườn và mặt quay về đằng Đông, nghĩa là xây lưng ra cổng. Đó là kiểu nhà cổ
quái chẳng ra Tây, chẳng ra Tàu cũng chẳng ra Việt Nam. Hai từng trên một nền
cao, về góc phía Tây nhô lên một cái chòi “lô cốt”. Cửa sổ cuốn, cái cao cái thấp
không theo hàng. Toàn thể, cái nhà ấy giống như một tòa lâu đài cổ bỏ hoang, nhất
là nó lại rêu phong tứ phía và bị lá cây luôn luôn che khuất ánh mặt trời. Đó
là nơi ba người lạ lùng chung sống không rõ từ bao giờ, ba người mà ngay buổi đầu
gặp gỡ, tôi cho là ba người điên, nhất ngắm tòa lâu đài hình thù cổ quái, tôi
càng yên trí rằng nó phải là công trình của bọn người loạn óc. Mà hiện giờ, sau
mười mấy năm chơi bời với nhau, tôi vẫn chưa rõ hẳn rằng cái ông kiến trúc sư
kì dị ấy là một người điên hay là một người phi thường. Thời tôi mới quen biết
ông ta thì Tiên vào trạc ngoài ba mươi. Một cái trán cao rộng, hai con mắt sắc
ném tia sáng, cặp môi đỏ và tươi dưới bộ ria cụp, và trên bộ râu thưa, dài, màu
hung hung. Tóc cắt ngắn nhưng đầu chỉ cạo ở phía gáy, còn tóc mai để nguyên vẹn,
khiến đứng đằng trước mặt mà ngắm y, ai cũng tưởng y búi tóc. Quần áo y thì rất
là lôi thôi lốc thốc, một cái quần cháo lòng, một cái áo cánh nâu, một cái áo
lương bã, một đôi guốc gỗ mũ da lộn. Vả Tiên cũng không có thời giờ mà nghĩ tới
sự trang sức. Bà Tiên lại là một người nhà quê, chỉ nghĩ tới việc đồng áng làm
ăn và hầu như không ngắm nghía chồng bao giờ. Mà có lẽ hai người cũng ít khi gặp
nhau. Tiên có mấy khi rời cái phòng sách và phòng thí nghiệm đâu. Trong phòng
sách rộng chừng hai mươi thước vuông, chỉ bày có một cái bàn, hai cái ghế gỗ,
và một bộ ghế ngựa quang dầu. Còn bao nhiêu chỗ thừa bị các tủ và giá sách chiếm
hết. Đó là một kho toàn một thứ sách chữ Hán. Sách khảo cứu các ngành khoa học
Âu Mỹ, các tôn giáo, triết học Đông Tây. Những từ điển, đủ các loại, cũng đã chứa
chật một cái tủ lớn rồi. Còn gian phòng thí nghiệm của Tiên thì ngoài y và nhà
“kĩ sư”, cái danh từ y đặt cho người thư kí của y, ngoài hai người ấy ra thì
không một ai được bước chân vào. Chính tôi cũng chỉ thoáng nhìn thấy một lần,
khi Tiên ở trong đó mở cửa đi ra phòng sách. Đại khái nó cũng như những phòng
thí nghiệm ở các trường trung học, với những lọ, những phễu, những ống thuỷ
tinh bày la liệt trên những cái bàn sơn màu xanh xám. Trong buổi mới quen biết
con người lạ lùng ấy tôi khỏi tức cười sao được! Một nhà nho khoa học? Một nhà
nho bác học? Tôi không sao tin được điều ấy! Nhưng ông “kĩ sư” thì phục y lắm,
và thân mật bảo cho tôi biết rằng về khoa học, trình độ y ít ra cũng ngang
trình độ một bực tiến sĩ. “Kĩ sư” cũng biết tôi không tin lời ca tụng ấy nhưng
y thấy đó là chuyện không đáng kể. Vả lại y vốn ít lời lại không thích tranh luận
với ai về một vấn đề gì bao giờ. “Kĩ sư” vào khoảng hăm nhăm tuổi, đã đậu bằng
thành chung và tốt nghiệp trường canh nông Tuyên Quang. Tuy vào trường này người
ta chỉ cần có bằng cơ thuỷ, nhưng vì thích khoa canh nông thực hành, y cũng cứ
đệ đơn xin học. Vừa ở trường ra y gặp ông cả Tiên và nhận lời đến trông coi cái
vườn bách thảo cho ông ta, dù phải hoàn lại cho Chính phủ bảo hộ Pháp số tiền
túc phí trong mấy năm tòng học. Lương, tên người thiếu niên ấy, rất hiền lành
và khiêm tốn. Không bao giờ y nói chuyện đến công việc của y, một công việc vĩ
đại mà không ai ngờ tới. Đó là việc khảo cứu tên và tính chất cây cối trong vườn
ở những pho sách Tàu mà y cho ngoài ông Tiên ra không một người Việt Nam nào có
thể có được: những pho sách ấy cũng như phần nhiều các sách khác, ông Tiên đã gửi
mua tận Thượng-hải và Bắc-bình. Thực là giời sinh ra hai người ấy để mà kết bạn
với nhau, để mà sống gần nhau. Họ giống nhau về đủ mọi phương diện. Cùng ít
nói, cùng làm việc nhiều mà cũng làm những việc vô hại nhưng rất vô ích cho đời.
Tôi đã được theo đuổi một cuộc tra cứu của hai người trong các sách toán pháp
đông tây giòng giã ba bốn tháng trời để tìm ra “cái luật vạn nhất” của sự may rủi
về cờ bạc, về cái số chẵn lẻ của xóc đĩa chẳng hạn. Họ hì hục trong bao lâu như
thế mục đích không phải là để lợi dụng cuộc khảo cứu mà làm giàu về đổ bác. Họ
rất ghét cờ bạc vả bận bịu như họ thì còn thời giờ đâu mà đánh bạc? Việc thiết
thực, họ không cần để bận lòng. Đã có bà Tiên nghĩ đến cho họ. Một mình bà
trông coi gia sản của tiền nhân để lại, chừng vài ba trăm mẫu ruộng rải rác
trong khắp một vùng. Quý hồ, họ có tiền mua sách và các dụng cụ, nguyên liệu khảo
cứu khoa học là được rồi. Người đàn bà ấy rất có tính phục tòng, thế mà một lần
đã phải kêu van hai người tiêu pha vừa vừa chứ, không thì đến sạt nghiệp mất. Hồi
ấy hai người khảo cứu phân chất các thứ hoàng đồng thời Hạ, thời Chu, thời Hán
và công việc ấy đã làm hại cho quỹ của bà Tiên một món chừng bốn năm vạn tiền
mua lò, máy móc đúc đồng và các dụng cụ, các chất hoá học. Kết quả cuộc thí
nghiệm khoa học ấy là một cái đỉnh đời Chu, một đôi ống bương đời Hạ, một con
ngựa đời Hán giống hình và giống chất. Hai người sung sướng ngắm nghía cái công
trình của mình trong ít lâu, rồi bỏ lò, bỏ máy để quay sang một công việc khảo
cứu khác, cũng vĩ đại và vô ích như việc trước. Thế giới hai người ấy sống sẽ
là một thế giới im lìm, một thế giới chết, nếu không có một nhân vật thứ ba. Đó
là một người bếp khố đỏ mãn khóa về xin làm vệ sĩ cho nhà Tiên. Chính vì thế mà
người ta gọi bác là bác Vệ, tuy tên bác là Quýnh. Tiên và Lương yên lặng bao
nhiêu thì bác Vệ ồn ào bấy nhiêu, nhất khi bác đã chuếnh choáng vài ba chén rượu.
Nhưng sự ồn ào của bác cũng không làm ngăn trở gì cho công việc khoa học của
hai người kia vì bác sống riêng biệt hẳn trong cái chòi và ba gian “trại” phía
trước, cách cái lâu đài khảo cứu có tới hơn trăm thước. Bác ở đấy với hai người
lực điền và thường hay giao thiệp với bà chủ hơn là với ông chủ và ông “kĩ sư”.
Đó là một người trạc ngoại tứ tuần, cao lớn, lực lưỡng, ngực nở bắp tay to, tiếng
nói sang sảng. Ngoài công việc ban đêm giữ nhà, bác còn đi tuần trông coi cả mấy
cánh đồng lúa khi sắp tới vụ gặt. Vì cái trách nhiệm năng nề ấy mà bác rất
siêng năng tập tành võ nghệ, và dạy hai tay điền tốt của bác học đủ các lối
công, thủ bằng súng, một cây súng bắn chim, bằng gậy, bằng dáo và bằng đao.
Nhưng thực ra, bác dạy thì ít mà bác khoe khoang và nói chuyện về bác thì nhiều.
Cứ lời bác thì nhờ về môn bắn tài, bác đã mấy lần lên cai rồi lại bị lột lon xuống
làm lính vì cái tính bướng bỉnh cãi lại quan trên của bác. Kể cái tài bắn của
bác quả thực đáng sợ nếu cứ tin ở lời bác: Đặt đồng xu lên đầu cây mút-cơ-tông,
mổ cò, đồng xu nhảy lên ở nguyên chỗ mà không rơi xuống đất. Lại một hôm ở một
đồn binh, viên quan ba đương ngủ trưa, thì một con quạ đến đậu trên cây xoan
bên đầu nhà kêu um lên và đánh thức y dậy. Y cáu kỉnh gọi: “Quýnh! Giết chết nó
đi cho tao!” Quýnh cầm súng ra và hỏi: “Ông muốn tôi bắn chết nó hay chỉ bắn
què thôi?” “Bắn què”. Viên quan ba đáp. “Què chân trái, hay chân phải” – “Chân
phải” – “Được”. Tức thì phát súng nổ và con quạ từ trên cây lộn cổ xuống què
chân phải và giãy đành đạch. Câu chuyện ấy Lương cũng được nghe. Và y tin lắm,
vì y không bao giờ ngờ vực một lời nói của một người nào dù lời nói ấy vô lí đến
đâu. Thế là y thấy thích khảo cứu về khoa bắn, rồi từ khoa bắn đến các thế trận,
mưu lược trong các sách binh thư của cổ nhân Trung Quốc. Cái việc khảo cứu quân
sự ấy đã làm cho y mất đến hai ba tháng cặm cụi và đã gây một trò cười trong
cái “trại lính” bên cổng chòi. Hôm nào cũng vậy, chưa cạn chén rượu thứ nhất,
bác Vệ đã đem ông “kĩ sư vườn” ra làm đầu đề câu chuyện vui! Bác kéo dài giọng,
mỉa mai nói với hai người điền tốt: - Ô chào! Tưởng việc binh cũng như việc tìm
tên cho những cây lạ hoa kì sao? Tưởng đâm chết tên cướp cũng dễ như chiết
cành, chắp cây chăng? Ngữ ấy thì cầm cây dáo không nổi, còn bắn với biếc gì!
Câu khôi hài ấy thốt ra trước mặt bà Tiên làm bà ta thích chí cười rú lên. Rồi
vì cũng chẳng ưa gì ông kĩ sư, bà ta đem thuật lại với ông ta. Bà tưởng trêu tức
y, nhưng trái lại, y thấy câu bình phẩm ấy rất hợp lý. Bắt đầu ngay từ hôm sau
y khảo cứu về khoa thể thao; và sáng sáng dậy sớm ra vườn vận động thân thể. Quả
nhiên người y nở nang ra trông thấy.
° ° °
Trong cái thế giới li kì của những nhân vật li kì ấy, một lần đã xảy ra một việc bất thường, làm ngừng trệ công việc đều đều của họ trong ít lâu, chỉ trong ít lâu thôi: Một hôm bọn cướp nhờ có một trong hai tên điền tốt làm nội ứng đã vào lọt trong cái vườn Bách thảo và cái lâu đài khoa học ấy. Thấy động bác Vệ vội lấy súng chống cự, nhưng các thứ khí giới lợi hại của bác đều đã bị tên đầy tớ bất lương giấu đi một nơi. Bác không vì thế mà chịu đầu hàng, hăng hái kháng chiến với bọn cướp bằng gạch, bằng gậy, bằng bất cứ khí giới gì vớ được. Và bác chống cự mãi cho tới khi bị thương và bị bắt. Sự can đảm của bác đã giúp được bà Tiên và hai con, một giai, một gái sống riêng biệt trong bảy gian nhà ngang, trốn thoát được ra ngoài do một cái cửa bí mật ở sau vườn. Còn ông “kĩ sư” thì vừa nghe có động y đã biến mất: Người ta cũng không rõ y chạy đằng nào hay ẩn núp ở đâu. Duy có Tiên thì vẫn bình tĩnh như thường và nhất định không chịu rời hai cái phòng sách và thí nghiệm ra, y ở đó chờ cho bọn cướp lên để kính cẩn nói với họ: - Thưa các ngài, các ngài muốn lấy vật quý gì cứ việc, chỉ xin các ngài đừng đụng chạm, phá phách hai cái phòng này mà thôi. Những thứ này các ngài không dùng làm gì được đâu: “Toàn sách với chai với ống với lọ cả”. Y có ngờ đâu rằng câu nói của y đã gợi lòng tò mò và nghi hoặc của quân cướp: sau khi đã trói y lại chúng lục lọi, vất tung toé hết các sách, đập vỡ bừa bãi một số chai lọ để tìm vàng bạc châu báu mà chúng chắc y giấu giếm trong hai gian phòng. Mãi khi không thấy gì chúng mới chịu phá rương phá tủ ra vơ vét của cải quần áo. Một giờ sau, bọn cướp kẻ vác, người gánh theo tên tướng dẫn đường ung dung kéo đi. Bỗng có tiếng kêu ồn ào ở con đường ngõ xóm. Đuốc vội dập tắt, rồi mạnh ai nấy chạy, bọn cướp vất đồ đạc lại nhốn nháo tẩu tán. Khi tuần làng kéo đến thì chúng đi đã xa. Trong ngõ xóm còn lại một tên tử thương ở bụng và còn quằn quại trên vũng máu. Nồi, mâm, xanh, chảo, quần áo thì rải rác suốt từ đầu cho tới cuối xóm. Sau khổ chủ ra thu nhặt về, nhận thấy rằng bốn phần của bị cướp, bọn cường đạo bỏ lại tới hơn ba phần. “Nhưng ai đã đâm chết tên tướng cướp, khiến bọn quân mất đầu tan rã bỏ chạy như thế?” Người ta kinh ngạc hỏi nhau. Giữa lúc ấy ông kĩ sư vác cây dáo dài từ trong vườn bên đi ra và ôn tồn giảng giải: - Trong khi khảo cứu về chiến lược của Tôn Vũ, tôi đã chú ý đến câu “đánh bất thình lình”. Đánh bất thình lình thì một người có thể hạ nổi trăm người, nhất khi mình lại chiếm được địa lợi. Khảo cứu về địa lợi tôi đã ra đây xem xét kĩ lưỡng cái ngõ hẹp này, và thấy nó rất có lợi cho trận đánh mai phục mà ngày nay người ta gọi là du kích. Đấy, các ông coi, Tôn Vũ đã thắng một cách dễ dàng. Mọi người phá lên cười. Và từ đấy ông “kĩ sư” lại có thêm được hai tên mới: Tôn Vũ và Người Anh Hùng.
Khái Hưng
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét