Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Cốt tủy văn hóa của vần trong thơ

Cốt tủy văn hóa
của vần trong thơ

Trong cái nhìn bao quát, truyền thống của thơ Việt Nam là thơ có vần. Vần thơ là câu chuyện rất lớn của sinh hoạt thơ ca, sáng tác và nghiên cứu – phê bình, từ xưa đến nay. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Nền tảng văn hóa nào trở thành cốt tủy để duy trì vần thơ? Tại sao nhiều người vẫn làm thơ có vần, dù ở thời điểm hiện tại, vần không còn là yếu tố bắt buộc của thơ?
Nhớ lại, từ trong lịch sử, thơ trữ tình đã dung chứa yếu tố vần như là cơ chế bắt buộc, để phân biệt với văn xuôi. Vần trở thành đặc tính quan trọng, hiện hình ở bề mặt câu chữ, tạo nên nhịp điệu, nhạc tính cho thơ. Trong “Truyện Kiều“, khi Thúy Kiều gặp mộ Đạm Tiên, Nguyễn Du tả rằng: “Rút trâm sẵn giắt mái đầu/ Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần”. Bốn câu ba vần ấy là hình thức của một bài cận thể – tứ tuyệt (hoặc bát cú) vốn là mẫu thức của thơ ca trung đại. Chẳng hạn, Nguyễn Khuyến viết: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo/ Sóng biếc theo làn hơi gợn tí/ Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” (Thu điếu) – Bốn câu, có ba vần (eo) hòa kết với nhau, tạo nên sự hô ứng của thanh âm và nhịp điệu, đồng thời biểu đạt trạng thái của thiên nhiên và lòng người.
Đến thời cận – hiện đại, vần vẫn giữ vị thế là yếu tố chủ chốt, dù khuôn khổ bài thơ đã được tháo tung theo tinh thần mới của con người cá nhân. Các thi sĩ thời Thơ mới vẫn nương vào vần như là một di sản quan trọng của thơ, dù họ đả kích mạnh mẽ những hình thức cũ kĩ cũng như tâm tình ràng buộc của thơ trung đại: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý bóng xuân sang” (“Mùa xuân chín” – Hàn Mặc Tử); “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/ Đem chi xuân lại gợi thêm sầu/ Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau” (“Xuân” – Chế Lan Viên). Không đòi hỏi bắt buộc về số câu, số chữ, nhưng vần vẫn hiện diện tạo nên sự nhịp nhàng trong cấu trúc vận hành của thơ.
Thơ Việt Nam “lỡ một nhịp tiến vào hiện đại” với việc từ chối những hành động cách tân của Nguyễn Đình Thi. Câu chuyện về thơ không vần đã rộ lên một quãng ngắn rồi dần chìm xuống, ngay cả với người tiên phong khởi xướng là Nguyễn Đình Thi. Dù những biến động của lịch sử xã hội và thơ ca sau đó có như thế nào, vần vẫn hiện diện trong thơ một cách bền bỉ: “Anh viết cho em tự đảo này/ Cu Ba hòn Đảo Lửa, Đảo Say/ Ở đây say thật say trời đất/ Sóng biển say cùng rượu mật say” (“Từ Cu Ba” – Tố Hữu); “Từ nơi em gửi đến nơi anh/ Những đoàn quân trùng trùng ra trận/ Như tình yêu nối lời vô tận/ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn” (“Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” – Phạm Tiến Duật).
Chiến tranh đi qua, đất nước thống nhất, thơ ca cùng cả nước bước vào những chặng đổi mới đầy hứa hẹn. Những cách tân nghệ thuật ngày càng được chú ý hơn, tuy vậy, vần thơ vẫn có sức sống bền bỉ, làm thành một dòng chảy khá lớn trong thơ Việt Nam đương đại: “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/ Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái/ Áo em ướt để anh buồn khóc mãi/ Ngày mai chúng mình ra sao em ơi” (“Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa” – Lưu Quang Vũ); “Ở bên kia thành phố có sương mù/ ai hát đấy: ta buồn như cỏ dại/ dậy thôi em, mùa thu không trở lại/ giấc mơ nào trên cỏ hãy còn xanh”… (“Mùa thu không trở lại” – Nguyễn Việt Chiến). Trong không khí của thời đại mới, những trăn trở về cuộc đời, thân phận dẫu có ngặt nghèo bao nhiêu, thơ vẫn tìm thấy trong vần một sự kết liên mật thiết. Hiện trạng này cho thấy điệu tâm tình của thi sĩ hướng về phía những du dương, hài hòa vốn là kinh nghiệm có tính truyền thống trong mỹ cảm thơ Việt.
Bìa tập thơ “Mấy vần thơ” của Thế Lữ, NXB Đời nay, 1935.
Từ cái nhìn thật nhanh về thơ Việt Nam, chúng ta nhận ra sức sống mãnh liệt của vần trong thơ, dù như đã nói, nó không còn là yếu tố bắt buộc nữa (Ở một dòng chảy khác, thơ Việt Nam đương đại đã rũ bỏ vần, khổ, để tiến tới những hình thái tự do của nhịp điệu, tâm tình). Trở lại với những câu hỏi đã nêu lên ở đầu bài viết, nền tảng văn hóa nào duy trì sức sống của vần trong thơ? Sẽ có nhiều lý do thuộc về tâm lý sáng tạo, hệ giá trị của người sáng tác và người thưởng thức cũng như thị hiếu chung của thời đại. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa có lẽ nằm ở “vô thức tập thể”, “mẫu gốc” (C.G. Jung) của cộng đồng thẩm mĩ thơ Việt. Chính vần điệu đã nuôi dưỡng con người trên xứ sở này từ khi chưa lọt lòng. Những bài ca dao, dân ca, lời ru, điệu hát… đã tự nhiên thấm thía vào hồn người từ bao đời, ngưng đọng và cố kết thành cấu trúc thẩm mĩ, thành điệu sống.
Mặt khác, cư trú trong không gian văn hóa nông nghiệp gắn với tiết nhịp của mùa màng – thời gian và cảnh quan đã hình thành cảm niệm về quy luật tuần tự – lặp lại, có thể là cơ sở cho những thực hành nghệ thuật, từ văn học dân gian đến văn học viết: “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/ Ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng” (Ca dao); “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con” (“Tự tình” – Hồ Xuân Hương); “Có cánh phượng nở giữa đông/ Hay là tôi lạc ở trong lòng mình/ Tìm giọt nước mắt đồng trinh/ Vẹn tuyền sau những chuyến tình em xa/ Tìm nỗi buồn của bông hoa/ Trong niềm vui nở thơm qua cuộc đời/ Tìm gần gụi nơi xa xôi/ Hạnh phúc trong cõi lòng tôi rất buồn” (“Bao nhiêu buồn một dung nhan” – Miên Di).
Một khía cạnh khác nữa, có lẽ, những khó khăn cực nhọc khi phải đối diện với nghèo đói, thiên tai, giặc giã và bao vết thương của đời sống từ xửa xưa tới nay, đã kích hoạt nhu cầu cần được vỗ về của con người nơi đây. Vần thơ, với tính chất nhịp nhàng, hài hòa của nó đã tỏ ra hiệu quả trong việc vỗ về tâm hồn con người, xoa dịu những tất bật lo toan thường nhật: “Thôi đừng dỗ cỏ lên trời/ Khi tan mộng mị biết ngồi với ai/ Dấu chân đừng hóa chông gai/ Nép vào bóng xế dũa mài hoàng hôn/ Ta về đổ bóng xuống vườn/ Cho xanh tươi lại từng cơn úa vàng/ Ghé môi vào miệng thời gian/ Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non” (“Tản mạn về cỏ” – Mai Văn Phấn).
Gần hơn, từ khi đến trường, học sinh đã thuộc lòng những bài thơ trong sách giáo khoa (không phải là các thể loại khác), vốn đa phần là những bài thơ có vần. Ký ức đó rất có thể đã chi phối, hỗ trợ rất nhiều cho việc thưởng thức và sáng tạo sau này, ít ra là tạo nên mối liên hệ thân thuộc của người đọc, người viết với những tổ chức ngôn từ có vần. Điều đó, cho đến hiện tại vẫn đang tiếp tục hiện diện, và dĩ nhiên, có thể các bạn nhỏ sẽ bắt đầu tác phẩm đầu tay của mình là một bài thơ có vần như những gì đã thuộc nằm lòng: “Tre xanh, xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi” (“Tre Việt Nam” – Nguyễn Duy); “Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói/ Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi/ Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy/ Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu/ Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!” (“Bếp lửa” – Bằng Việt)…
Một hiện tượng xã hội, thẩm mỹ nào đó khi tồn tại một cách bền bỉ, mạnh mẽ, ắt hẳn có cơ sở văn hóa sâu dày của nó. Vần thơ chính là một hiện tượng như vậy. Nhiều người làm thơ có vần, điều đó cho thấy ký ức vần điệu đã hằn sâu trong tâm tưởng, vô thức của cộng đồng. Những gì đi chệch, phá vỡ cấu trúc vần nhịp này đều không phải là thơ hay, hoặc hay với người khác. Nhưng, cũng từ chính sự vững chắc của ký ức này, những hành động cách tân đã chú ý đến việc xóa bỏ vần để giải phóng các khả năng của tư duy và mĩ cảm thơ ca. Cùng với cảm thức mới, điệu sống mới là hình thức nghệ thuật mới, trong đó vần bị triệt tiêu như là một phương thức bày tỏ sự tự do. Và quả thực, với những bài thơ không vần, dường như chân trời mĩ cảm, suy tưởng được nới rộng thêm ra. Dẫu vậy, mỗi khi bắt gặp những bài thơ có vần, ta vẫn thấy thân thuộc như gặp lại cố nhân, với vẻ hài hòa, nhịp nhàng đã bước qua cả ngàn năm thơ Việt.
7/5/2023
Nguyễn Thanh Tâm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

tương tri Tôi ở Sầm Sơn đã hăm tám năm, ngay từ thời tôi tậu cái nhà nghỉ mát này. Năm ấy tôi vừa bốn mươi và đương làm ký lục tòa án tâ...