Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Đọc Phạm Công Trứ qua những câu thơ hay

Đọc Phạm Công Trứ
qua những câu thơ hay

Đọc thơ Phạm Công Trứ, phần lớn các bài thơ hoặc công khai hoặc bàng bạc cái sắc điệu buồn, cô độc (không phải cô đơn, thơ Trứ ít cô đơn), nhiều tự tình, ít hướng ngoại…
1. Khi đặt vấn đề như nhan đề của bài viết này, người viết phải làm hai công việc: i, chọn ra những câu thơ được coi là hay (theo cảm nhận/quan niệm riêng), và ii, qua đó trả lời cho câu hỏi: liệu có hình dung được và hình dung như thế nào về thơ Phạm Công Trứ, dĩ nhiên, trên những nét chính.
Trong truyền thống, nhất là với thơ trung đại, người đọc thơ thường hay chú ý đến những câu chữ được coi là tuyệt bút trong bài: những “nhãn tự”, “thần cú”… Cách nhìn này, khi bước sang văn học hiện đại, vẫn được chú ý, tuy không còn là duy nhất, cuối cùng. Giờ đây, đối với mỗi tác phẩm, cái nhìn chỉnh thể, toàn khối, như một sinh thể nghệ thuật toàn vẹn, sống động được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, lý thuyết về thi pháp học đòi hỏi mỗi phương thức, phương tiện biểu hiện, các tín hiệu thẩm mỹ, ngôn từ…đều được nhìn một cách có hệ thống trên cấp độ quan niệm nghệ thuật. Như vậy, trong khám phá thi pháp học, những nhãn tự, thần cú đó, vẫn được xem là những tín hiệu nghệ thuật không thể bỏ qua với những lưu ý cần thiết.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận được là, có những bài được gọi là hay nhờ vào câu thơ hay, và có những bài được coi là hay nhờ vào chỉnh thể toàn bài. Ở trường hợp thứ nhất, cái hay của bài tựa vào những câu thơ hay; còn trường hợp thứ hai, cái hay của bài tựa vào toàn khối, phân bố trên tất cả các khổ/câu/dòng/chữ thơ một cách không đồng đều. Trường hợp sau, phần lớn gồm những bài thơ có tứ thơ độc đáo, được triển khai tinh, sắc, gọn, tạo nên hiệu quả tổng lực. Ở đây có một lưu ý, vẫn có những bài thơ đỉnh cao vừa hay cấp độ chỉnh thể và vừa hay cấp độ câu/từ. Trường hợp đặc biệt này được coi là vượt trội, và trên thực tế hẳn không có nhiều. Đời một người làm thơ có được một hoặc hơn một bài chói sáng như thế đã là may mắn. Tôi cho rằng, thơ của Phạm Công Trứ nghiêng về trường hợp thứ nhất, tức phần lớn những bài thơ hay nhờ tựa hẳn vào những câu thơ hay.
Tập thơ “Cỏ may thi tập” của Phạm Công Trứ
Nếu nhìn kỹ vào đơn vị câu thơ hay, thấy có hiện tượng song trùng: i, một mặt, nó bị giới hạn, bị “quy chiếu” vào tác phẩm mà nó thuộc về; ii, mặt khác, một số câu thơ hay (không phải tất cả) có đủ năng lượng để tách ra tồn tại tương đối độc lập, tự đủ, tự trị, đến nỗi người đọc chỉ nhớ chúng mà quên phần còn lại của cả bài; theo đó, câu thơ hay có khả năng lớn/rộng hơn chính nó khi đang ở bài thơ gốc. Điều này chưa thấy có ai bàn đến. Một số câu thơ Kiều trác tuyệt được tách ra khỏi văn cảnh cụ thể của văn bản để gia nhập vào đời sống tinh thần, văn hóa của dân tộc bao giờ cũng lớn/rộng hơn nghĩa nguyên khởi.
Trong trường hợp ở những bài thơ ngắn, các câu thơ hay không chỉ rộng/lớn hơn chính nó mà còn có thể rộng/lớn hơn cả toàn bộ tác phẩm gốc vốn sinh ra nó. Câu thơ hay luôn có khả năng bay ra khỏi từ trường của toàn bài để trở nên độc lập. Những câu thơ hay của Phạm Công Trứ về cơ bản thuộc dạng này. Câu thơ “Tình tôi là một mũi tên / Đã ra khỏi nỏ là quên đường về” giờ đây không còn cần tựa vào cả bài “Tình tôi I”, nơi mà nó sinh ra nữa, nó có đời sống của riêng nó, mang dáng dấp của một châm ngôn, cứ thế đi thẳng vào đời sống tinh thần của cộng đồng.
2. Nhìn chung, các câu thơ hay mà Phạm Công Trứ có được chụm vào hai chủ đề chính: cảnh tượng và tâm tình cá nhân.
Trứ là người gốc gác thôn quê. Anh cũng luôn nhận mình là “người quê”, “gã quê”, “nhà quê”…, và người như thế thì có “thơ quê”. Cái hay của nhà thơ họ Phạm này không chỉ có vốn sống, tri thức địa – sinh thái – xã hội – văn hóa quê, mà trong thẳm sâu tâm hồn, anh đã nuôi nấng, gìn giữ được một đứa trẻ con nhà quê, để mỗi khi được phát động, nó cất tiếng về quê hương một cách bất ngờ, hồn nhiên, thú vị. Đây là chất thơ của đứa trẻ quê tinh tế:
– Cánh chuồn lặn xuống đáy ao
Quả chuông tím phía bờ rào còn run
(Nhặt ở bờ rào)
– Đom đóm chong đèn đêm đêm
Hạt vừng đội đất mọc lên…cây vừng
(Tháng Ba)
Câu lục bát thứ hai đọc lên tưởng không có gì, một cách nói có vẻ trẻ con, hiển nhiên (hạt vừng đội đất chả mọc lên cây vừng thì là cây gì?). Người lớn thấy hiển nhiên, nhưng trong cái nhìn của trẻ thơ, chúng thấy ngạc nhiên, bỡ ngỡ, như một phát hiện. Những câu thơ như thế khiến người đọc là người lớn nhận ra cái già cỗi của mình. Câu thơ giản dị tận đáy mà không hẳn dễ làm, không dễ gì có được.
Những câu thơ dựng lên một cảnh tượng về đời sống của Phạm Công Trứ thường được khởi từ một cái nhìn rất đỗi trẻ thơ, anh nhi, của xúc cảm thuần túy, đột ngột. Đây là một câu thơ thật xuất sắc:
Từng đàn con trẻ lăn trên cỏ
Chân đạp vào trời, miệng hét vang
(Nắng mới)
Một đám đông trẻ con đang nô đùa. Tư thế của chúng mới hồn nhiên, tinh nghịch làm sao. “Chân đạp vào trời” khiến ta nghĩ đến vóc dáng, động thái của những đứa trẻ. Chúng là những thiên thần trên mặt đất. Chúng dường như không thuộc về thế giới lấm láp của chúng sinh. Chúng thuộc Thiên nhiên, Vũ trụ này. Chúng là chủ nhân ông của sự sống, cùng vũ trụ làm ra sự sống. Câu thơ đầy thi tính, có khả năng tồn tại độc lập, tự trị. Câu thơ đã mang sức vóc rộng/lớn hơn chính nó khi còn ở toàn bài.
Trong một khung cảnh hiền lành hơn, những đứa trẻ quê làm nên một bức tranh, một cảnh quan thân thuộc, khỏe khoắn, thanh bình, no đủ:
Đường làng bề bộn rơm phơi
Trong rơm có cả tiếng cười trẻ con
(Mùa màng).
Bạn có nghe thấy âm vọng rất sâu của làng quê Bắc bộ này không: “Ai “ời” một tiếng cuối làng / Bao nhiêu tiếng “ợi” âm vang đáp lời (Đường làng)? Một nắm bắt tinh tế đã chạm thật sâu vào hồn vía của làng. Những câu thơ hồi ức về làng quê của Trứ thường mang cái âm hưởng tự tin, khỏe khoắn, trẻ thơ và xuất thần như thế.
Dường như Trứ rất giỏi nắm bắt âm thanh của sự sống. Ở chỗ này là tiếng con trẻ “khúc khích” bờ rào, ở chỗ kia là tiếng “tụng nhau” của những kẻ đang yêu, ở chỗ khác, buồn bã hơn, lại là tiếng “Dế giun chờ mở hội hè/ Gió đưa kẽo kẹt thân tre bóng người” (Về). Trong ngũ quan của giống người, mùi và tiếng là thuộc về nguyên thủy nhất, dễ gợi nhớ nhất về cuộc sống và cuộc chết…
Trở về với tâm tình cá nhân, nhà thơ sống với nhiều quan hệ. Khi nói lời ân tình với mẹ. Khi tâm tình với người đẹp. Khi lại quay ngược vào trong như tự thủ thỉ với chính mình.
Một câu thơ thật giản dị mà nói được những tâm sự thầm kín, cảm động của người con đối với mẹ già:
Mỗi năm mẹ một thêm già
Lưng mẹ còng xuống hiên nhà cao thêm
(Quê)
Thơ Phạm Công Trứ ít nói về mẹ, nhưng chỉ một câu thơ trên cũng đã có sức nặng đủ gợi lên nhiều cảm xúc ân tình, hiếu đễ của những đứa con trên mặt đất này… Có thể nói, đây là một câu thơ hay trong bảng xếp hạng những câu thơ hay viết về mẹ trong nền thơ Việt.
Thơ Trứ cũng như thường lệ, nói nhiều về tình yêu với nhiều cung bậc, trạng huống. Có tỏ tình. Có nhớ nhung. Có hạnh phúc. Có đổ vỡ… Nhiều câu thơ thật thông minh, thú vị. Những người trẻ hôm nay nhiều khi vẫn mượn thơ Trứ để bày tỏ nỗi niềm. Có không ít những câu thơ cất cánh bay ra khỏi chỉnh thể gốc để đi vào đời sống theo cách của những châm ngôn. Đây chính là niềm mơ ước của tất thảy những người làm thơ. Phạm Công Trứ là một thi sĩ thực sự có được niềm hạnh phúc theo nghĩa ấy:
– Mắt em trong suốt thời con gái
Trời ơi con mắt của tháng Giêng
(Mùa xuân nói gì)
– Em đi để lại tiếng cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may
(Lời thề cỏ may)
– Con sông không ốm mà gầy
Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn
(Thu cảm)
– Người như nước chảy vào thành phố
Ta nắm tay mình ngược ngoại ô
(Chiều)
Các câu thơ trên kia tại sao được gọi là hay? Thì vẫn cất lên những tâm tình muôn thuở vậy thôi, thật quen. Nhưng cái muôn thuở, quen thuộc ấy được nói bởi cách nói mới, chưa từng có nhờ phép lạ hóa, khiến các câu thơ trở nên bỡ ngỡ, khinh khoái trong lòng người đọc. Trong thơ, cái được nói không quan trọng bằng cách nói. Một câu thơ hay nhất thiết phải tạo ra được nỗi ngạc nhiên cho người tiếp nhận. Tài năng và cống hiến của mỗi nhà thơ chính là ở chỗ đó.
Trong mạch thơ tâm tình cá nhân, Phạm Công Trứ  có không ít các câu thơ đột xuất, thường mang màu sắc chiêm nghiệm, buồn, nặng chất suy tư:
– Có người với ấm nhân – trần
Ngồi Quan – Hoa – Các ngâm vần – thơ – quê
(Hôm nay)
– Người đi kiếm cái giầu sang
Ta về gảy khúc TRĂNG VÀNG NGÕ QUÊ
(Độc huyền tự khúc).
Câu thơ dưới đây có tính tổng kết một đời thi sĩ, thoạt nghe thấy vui, thanh thoát, ngẫm ra, cũng không giấu nổi hương vị ngậm ngùi:
Cuối cùng thì đất lên ngôi
Tôi hóa thành cỏ hát lời hư vô!
(Cỏ và tôi)
Cuộc sống vừa thế này vừa thế khác, và thế khác nữa…Đa chiều, nhiều mặt, bất định, vô thường. Đó cũng chính là sự thức nhận từng trải, một thứ lịch duyệt đã chi phối sâu sắc cái nhìn cái cảm của nhà thơ về cuộc đời.
3.Sinh thời, nhà nghiên cứu phê bình Chu Văn Sơn và tôi hay có nhiều dịp trò chuyện cùng nhau, phần nhiều là chuyện văn chương. Tôi nhớ, có lần họ Chu nói với tôi cái ý: Mỗi nhà văn suy đến cùng phải có được cái giọng của riêng mình; có nhà văn có vẻ nổi tiếng, nhưng bảo cái giọng riêng thế nào, không thấy!…
Tôi cho là họ Chu có lý. Giọng điệu chính là cái “vân chữ” (như cách nói của nhà thơ Lê Đạt), là cái hơi cái khí, cái tông cái tạng của mỗi tác giả. Bàn luận về giọng không dễ. Người ta thường hay dừng ở các nhận định khái quát với những đại lượng lớn: trữ tình, cảm thương, trào phúng, châm biếm, mỉa mai, ngợi ca, suy tưởng…Nếu chỉ như vậy thôi sẽ rất khó khu biệt giọng người này với giọng người khác. Nương theo cách gọi truyền thống, khi nói về thơ lục bát, cũng có khi chia ra các giọng: giọng than, giọng kể, giọng ghẹo, giọng châm…Có lần chính nhà thơ Phạm Công Trứ tự nhận thơ mình mang cái “giọng đùa” (Thơ đùa từ thuở sinh viên/Mười năm có lẻ còn nguyên giọng đùa – Tự sự). Nếu giọng đùa là giọng chính, giọng chủ của thơ Trứ, tại sao trong các câu thơ hay nhất của anh lại thấy ít chất đùa vậy nhỉ? Tôi chỉ tìm thấy cái giọng đùa trong mấy câu thơ ít ỏi xuất sắc dưới đây:
– Trên đò các cụ tụng kinh
Chúng mình trẻ quá, chúng mình “tụng” nhau!
(Đường vào chùa Hương)
– Gái làng môi đỏ như son
Già làng mắt sáng như còn trai tân
(Tam khúc cửa đình)
Một cái nhìn đời sống thật hóm (câu trên), và vừa hóm vừa có cả cái quái quái nữa (câu dưới).
Khi bàn về giọng riêng của một nhà thơ, người ta thường đi tìm nguyên nhân chủ yếu ở nguồn cảm hứng nghệ thuật. Mỗi một nhà thơ, theo ý của Xuân Diệu, bằng thứ anten cực nhạy nào đó, chỉ có thể bắt sóng về một vùng đời sống nhất định  để làm nên cái vùng thẩm mỹ của riêng mình. Có nhà thơ hướng về cái cảm thương. Có nhà thơ hướng về cái hùng, cái cao cả. Có nhà thơ lại hướng về cái vui vẻ, hài hước… Ở Phạm Công Trứ, cũng có những câu thơ mang chất đùa, hài hước như đã dẫn ra ở trên nhưng vẫn chưa đủ thuyết phục để nói rằng nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ Trứ là cảm hứng trào tiếu.
Đọc thơ Phạm Công Trứ, phần lớn các bài thơ hoặc công khai hoặc bàng bạc cái sắc điệu buồn, cô độc (không phải cô đơn, thơ Trứ ít cô đơn), nhiều tự tình, ít hướng ngoại. Một số bài thơ mang giọng đùa vui, thậm chí có lúc hơi tếu táo cũng không lấn được cái sắc điệu này. Tôi gọi đó là cái giọng tự cảm ngùi ngùi, làm thành một âm điệu bao trùm trong thơ Trứ. “Tự cảm” nên lặng lẽ, âm thầm, không ồn ào, ít nói to; “ngùi ngùi” như thầm thương bản thân mình, cái thương không đến mức than buồn, tự thán. Nó cũng không ngả về bi lụy. Người thơ này rất biết thương mình nhưng cũng rất biết tự trọng (lắm lúc tự trào), kiêu ngầm, thương mình nhưng giấu không muốn cho ai thấy… Thì ra trong thơ Trứ, cái đùa đùa chỉ là vỏ ngoài, cái tự cảm ngùi ngùi mới là cái ruột bên trong.
Một cái giọng như thế tất sinh ra câu thơ vừa có nét đùa (nói ngoa nói phóng) vừa có cái tư thế vượt lên một cách đầy tự trọng này:
Nhà quê khí huyết tràn trề
Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân
(Ra phố).
Nhưng cũng chả giấu được cái giọng tự cảm ngùi ngùi của một thi sĩ “nửa phố nửa quê” Phạm Công Trứ…
Điều vừa nói ở trên, khiến tôi liên tưởng đến một nhà thơ tiền bối đồng hương của Phạm Công Trứ, đó là nhà thơ Tú Xương. Trong một tiểu luận xuất sắc (tuy có phần rườm rà) của Nguyễn Tuân, ông cho rằng thơ Tú Xương, thi pháp Tú Xương “phối hợp cả hiện thực cả trữ tình, lấy cái hơi trữ tình mà làm sống động lên những đồ vật thường dùng và sự việc hàng ngày”*. Nghĩ theo hướng đó, tôi cho rằng, ở Tú Xương, cả hai nội lực hiện thực và trữ tình (tương ứng với trào phúng và lãng mạn) đều ngang ngửa, hòa phối và tạo thành nhất thể, và tùy từng trường hợp, chỉ nghiêng về phía nào thôi chứ không thuộc hẳn dứt khoát về bên nào.
Thơ Phạm Công Trứ có dáng dấp tình thế lưỡng diện này: vừa hóm hỉnh, tinh quái trong cái nhìn về sinh hoạt đời thường, thế sự lại cũng vừa cảm thương thân thế (về mình) và nhân thế (về người). Nhưng riêng tôi vẫn cứ cho rằng Phạm Công Trứ nghiêng về phía trữ tình nội tâm. Chứng cứ là những câu thơ hay nhất của nhà thơ vẫn cất lên ngùi ngùi trong cái tâm thế trữ tình đó. Đấy mới chính là Trứ. Xét về mặt tâm lý tiếp nhận, những câu chở buồn thường hay tụ về, ở lại, kết tủa trong lòng bạn đọc hơn là những câu thơ vui, hóm dễ tán đi, dễ bốc hơi. Câu thơ vui hóm thường là kết quả ngả về của sự thông minh, lý tính. Câu thơ buồn thường là kết quả của cái tình, của cảm xúc cảm giác cụ thể lại cũng vương vít phấn hương vô thức. Ở đâu không biết, chứ trong sáng tạo thơ, vô thức có khả năng làm nên những bài/câu thơ hay hơn là ý thức.
Gần đây, Phạm Công Trứ có thổ lộ với tôi sắp tới anh định ra một Tuyển thơ với cái ý như tổng kết một đời thơ của mình. Anh gọi tuyển này là “Thơ chùm”, hình dung đời thơ như một cái cây thơ đẻ ra 12 chùm quả, được đặt tên: chùm “Cỏ”, chùm “Tình”, chùm “Phồn, chùm “Linh”, chùm “Nghệ”, chùm “Luật”, chùm “Triết”, chùm “Sự”, chùm “Xưa”, chùm “Nhi”, chùm “Lão” với những giải thích có vẻ tâm đắc lắm. Tôi thì lại nghĩ khác. Nếu san định tập thơ theo hành trình thơ của tác giả thì người đọc có điều kiện thuận lợi hơn khi thâm nhập vào thế giới nghệ thuật mà tác giả kiến tạo. Nếu sắp đặt, chẻ ra theo các “chùm” (chủ đề) như thế, vô hình trung lại là một cách “gợi ý”, “cò mồi” cho người đọc, mất đi cái thụ cảm vô tư của chủ thể đọc. Thêm nữa, mỗi bài thơ tự nó là một không gian thi tính. Cả tập thơ làm thành một không gian thi tính rộng mở, lan tỏa, chan hòa vào nhau. Khi sắp xếp theo các chùm như vậy, không gian thi tính lập tức bị chia cắt, hạn định, có thể lại tự giới hạn khả năng gợi nghĩa của mỗi bài thơ…Nhưng thôi, đã là nhà thơ, họ được quyền làm tất cả!
Về thơ Phạm Công Trứ, có nhiều hướng tiếp cận. Chọn vỉa. Chọn “chùm”. Chọn cái nhìn văn hóa. Chọn thể thơ lục bát…chẳng hạn. Tôi rất tiếc chưa nói được điều gì về lục bát của Trứ (có lẽ cần một tiểu luận khác thích hợp hơn). Về điểm này cũng đã có không ít nhận xét rồi, có cả những khen chê khác nhau. Tôi chỉ nói một ý thôi, rằng trong khi Nguyễn Duy có một lục bát của “chúng sinh” lấm láp pha chút chơi giỡn, Đồng Đức Bốn là một thứ lục bát thậm xưng, thì Phạm Công Trứ tạo ra một thứ lục bát của cái hóm- hỉnh – ngùi -ngùi. Trên hành trình lục bát đương đại Việt Nam, có ghi tên Phạm Công Trứ.
Đôi khi, vẫn thường nghe nói như một cách tự an ủi, nhưng cũng có phần thật bên trong, rằng một đời làm thơ có được một bài thơ hay, thậm chí một câu thơ hay (chưa dám nói để đời) đã được coi là thành công. Theo tinh thần đó, Phạm Công Trứ đã thật sự thành công trong thi nghiệp của mình!.
Chú thích:
* Xem bài “Thời và thơ Tú Xương”, in trong Chuyện nghề của Nguyễn Tuân, Nxb Tác phẩm mới, 1986, tr.163.
15/5/2023
Văn Giá
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...