Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Sự lựa chọn nghiệt ngã

Sự lựa chọn nghiệt ngã!

Cuộc đời của một con người không phải hoàn toàn suôn sẻ tròn trịa như viên bi mà cũng có khi đứng trước những hoàn cảnh mà bản thân phải có một sự lựa chọn nghiệt ngã mang tính “bi kịch”!
Có một bức tranh sơn dầu của họa sĩ Pháp Joseph Désiré Court (1797-1865) vẽ từ năm 1826 với tên gọi “Une scène du Déluge” (Một cảnh Đại Hồng Thủy) mà khi xem xong và hiểu rõ nội dung bức tranh, chắc có nhiều người sẽ băn khoăn và cảm động khi đứng trước sự lựa chọn – bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?
Bức tranh này miêu tả cảnh một trận lụt lớn (Đại Hồng Thủy) trong đó 4 nạn nhân có lẽ bị dòng nước cuốn trôi dạt và tấp vào một bờ đá…
Trên bờ đá là một người đàn ông trẻ trần truồng và đầy sức khỏe cơ bắp nên có lẽ vì thế mà thoát được trước tiên lên bờ đá đang đưa tay xuống để cố kéo và cứu một ông lão có lẽ là cha của người đàn ông trẻ này đang sắp chìm nghỉm giữa làn nước đục ngầu.
Bên cạnh đó một người đàn bà có lẽ là người vợ một tay đã bấu víu được một cành cây, một tay cố đưa một đứa bé chắc là con của hai người đến gần được với cha nó trên bờ đá…
Tuy nhiên người đàn ông trên bờ đá lại cố đưa tay để cứu ông lão là cha mình mà không cứu đứa bé và vợ mình trước!
Bức tranh gần hai thế kỷ trước chỉ được họa sĩ Joseph Désiré Court thể hiện chừng ấy thôi nhưng khiến hậu thế không ngớt bình luận về hoàn cảnh nghiệt ngã khi đứng trước sự lựa chọn!
Không ai biết số phận của những người gặp nguy hiểm đến tính mạng là ông lão, người đàn bà và đứa trẻ!
Bức tranh này khiến chúng ta nhớ lại một câu chuyện cũng lan truyền với nội dung có ba người: người chồng, người vợ và người mẹ đẻ của anh chồng đi thuyền và bị lật trên một dòng sông đang chảy xiết. Anh chồng biết bơi khá tốt trong khi người mẹ anh ta và người vợ thì không! Anh ta chỉ có thể cứu được một trong hai người thân nhất của mình hoặc là mẹ hoặc là vợ! Đó là một sự lựa chọn nghiệt ngã!
Đã có nhiều ý kiến khác nhau về sự lựa chôn này.
Một số người cho rằng nên cứu người mẹ vì trên đời này chỉ có duy nhất một người mẹ, còn vợ thì có thể lớn hơn một!
Một số người lại cho rằng nên cứu người vợ vì người mẹ dù sao cũng già rồi và đằng nào trước sau cũng chết còn người vợ có thể sống với chồng lâu hơn nếu được cứu!
Trở lại với bức tranh “Une scène du Déluge” của Joseph Désiré Court chúng ta cố tìm “chìa khóa” để “giải mã” ý tưởng của ông và từ đó chúng ta có những suy ngẫm hơn khi chẳng may đứng trước một sự lựa chọn nghiệt ngã này.
- Về phần ông lão thì nhìn ở tư thế ông, tình trạng nguy hiểm hết sức khẩn cấp khi đó là một lão tuổi cao chắc chắn sức đã yếu rồi, đưa hai tay chới với, chỉ còn mặt ngửa lên trời và nhìn người con.
Một số người cho rằng ông lão đưa tay cho con trai kéo lên nhưng một số khác lại cho rằng ông lão đã buông tay ra để cho người đàn ông rãnh tay cứu vợ con mình!
- Về phần người đàn bà thì sự nguy hiểm phần nào ít hơn so với ông lão khi đã bấu víu vào được một cành cây, đưa thân mình lên cao hơn so với dòng nước đồng thời một tay của người đàn bà vẫn giữ chặt tay đứa bé để đưa về cho cha nó kéo lên. Tuy nhiên cha nó vẫn cố cứu ông thằng bé trước!
Trong bức tranh này chưa biết hồi kết như thế nào nhưng đã toát lên một “thông điệp”
- Người đàn ông sẽ chọn cha (mẹ) mình thay vì vợ (con)
- Người đàn bà chấp nhận hy sinh bản thân mình để cứu con.
Các nhân vật trong bức tranh được khắc họa trần truồng, điều này gợi ý về “sự sơ khai, bản nguyên”, tức là ngàn đời nay, đàn ông đàn bà (đa số) luôn có tâm lý như vậy. Qua đó, bức tranh phản ánh đạo lý rõ rệt: Con người chỉ nên sống hết mình vì hai người: người sinh ra mình, hoặc người mình sinh ra!
Tôi không muốn (không dám) luận bình về cái “đúng”, cái “sai” trong sự lựa chọn của người đàn ông trong bức tranh này vì phần này đã có nhiều người “thiên” về cứu người cha là đúng nhưng cũng có người cho rằng là sai vì họ “lý luận” rằng: “Trên đời này ai cũng sẽ phải chết đi, cha mẹ già rồi cũng bỏ ta ra đi. Vậy sao người đàn ông lại chọn cứu cha mình mà bỏ rơi tính mạng con mình. Vậy là sai hay đúng? Còn người phụ nữ thà hy sinh bản thân để cứu lấy con mình. Đó là sự cao cả, là tình yêu của người mẹ. Dù trong tình huống giữa mẹ và con thì chắc chắn người phụ nữ vẫn cứu con mình, không phải họ không yêu cha mẹ mình mà họ biết con họ cần họ hơn. Còn người đàn ông họ luôn nghĩ, không lấy được người này họ sẽ lấy người khác và đứa con này mất đi họ vẫn sẽ có đứa khác, nhưng cha mẹ thì không. Họ không hiểu rằng tìm được người có thể bên họ suốt cả cuộc đời đã khó mà để sinh ra một đứa trẻ còn khó hơn. Cha mẹ chỉ sống với chúng ta nửa cuộc đời nhưng vợ con sẽ là người đi cùng ta cả cuộc đời!”
Tôi chỉ mong mình cũng như các bạn sẽ chẳng bao giờ phải đứng trước sự “lựa chọn nghiệt ngã” này…
Chú thích:
* Bên cạnh bức tranh là tượng của họa sĩ Joseph Désiré Court trên ngôi mộ của mình tại nghĩa trang Monumental của Rouen.
14/1/2018
Hoài Nguyễn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...