Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Camera - Truyện ngắn của Trần Thái Hưng

Camera - Truyện ngắn
của Trần Thái Hưng

Qua trích xuất camera ở gần đấy, người ta thấy một người phụ nữ đeo khẩu trang dắt tay bà từ một chiếc taxi màu đỏ đến cổng trại tế bần. Chú công an bảo đã điều tra được người phụ nữ bí ẩn ấy chính là con dâu bà cụ. Trời ơi, chính là mẹ, mẹ đi siêu thị cố tình không đóng cổng, đợi bà đi ra đầu ngách rồi đưa bà đến thẳng trại tế bần.
Lũ trộm đã trèo qua cổng vào sân lấy đi ba giò lan của bố. Hai giò lan kiều trắng bố mua ở chợ cây cảnh, một giò trầm tím rừng bố được tặng đợt đi công tác Điện Biên. Bố chăm ba giò lan ấy hơn chăm con. Cứ đi làm về bố phải mân mê lan chị lan em của bố xong mới tắm rửa, ăn cơm. Sáng mở mắt ra thấy mất lan bố bực lắm. Bố làu bàu cả buổi, xin nghỉ làm, dẫn hai anh thợ về lắp camera quanh nhà. Năm camera cả thảy. Đặt ở cửa chính, phòng khách, bếp, hành lang tầng hai và trong phòng ngủ của em Tun.
Tất cả camera được kết nối với điện thoại thông minh. Những gì xảy ra trong nhà được thu vào cái màn hình xấp xỉ bàn tay, xoay dọc xoay ngang vẫn xem được.
Người dậy sớm nhất nhà là bà nội. Có hôm hai giờ sáng bà nội đã mò mẫm trong bếp làm đồ đạc rơi loảng xoảng. Tưởng trộm, bố dậy bật đèn thấy bà đứng liêu xiêu sắp đổ cả người xuống đống mảnh vỡ. Bố hoảng hồn chạy đến đỡ lấy bà, hỏi bà ngủ không ngủ, vào bếp tìm cái gì. Hỏi như quát vào tai ba lần bà mới nghe thấy. Bà thều thào bảo dậy nấu cơm cho thằng Út với con Mơ để tụi nó ăn đi làm. Ôi trời! Chú Út với thím Mơ đi lao động tận Hàn Quốc hơn một năm nay. Đây là thành phố chứ có phải ở quê đâu. Bố bảo: “Bà lẩn thẩn rồi!”. Mẹ bảo: “Bà mới hơn bảy mươi đã thành người âm. Nuôi người âm trong nhà có ngày ngủ dậy sờ phải xác chết!”. Bố bảo mẹ mất dạy! Mẹ bảo bố xem lại mình đi rồi hậm hực lên phòng em Tun. Tắt đèn, người nào trùm trong bóng tối phòng của người nấy.
Qua camera, năm rưỡi sáng, bố đã dậy rồi. Bố nhâm nhi cà phê ở phòng khách, chuẩn bị đi làm. Công ty bố ở ngoại thành. Ở công ty bố làm gì Nhi không biết. Chỉ thấy có lần mấy cô chú đến nhà chơi gọi bố là sếp. Danh bạ điện thoại bố còn cả đống sếp nọ sếp kia. Nhiều sếp thế nhỉ? Như ở nhà này, bố là sếp của Nhi, còn Nhi sẽ là sếp của con Milu. Nhi chẳng dám sai sếp bố làm việc gì nhưng con Milu thì khác. Nếu con Milu biết nói cả ngày nó sẽ rống lên: Gâu gâu, sếp Nhi cho tôi ăn đi. Gâu gâu, sếp Nhi cho tôi đi vệ sinh. Gâu gâu, sếp Nhi cho tôi đi dạo. Nghĩ đến cảnh trong một ngôi nhà có quá nhiều Milu và quá nhiều sếp Nhi thì cũng phiền phức phết. Đấy có phải nguyên nhân bố mệt mỏi, chán chường khi ở công ty về. Bố ăn qua loa rồi vào phòng bấm điện thoại, chẳng buồn để ý ai trong nhà nữa.
Không như bố, mẹ không đi làm, dậy sớm hay muộn tùy vào em Tun và tâm trạng của mẹ. Có hôm mẹ dậy từ sáu giờ pha sữa cho em Tun, nấu đồ ăn sáng, dọn phòng bà, lau nhà… vừa làm vừa nghe nhạc, nghêu ngao hát. Nhìn mẹ như mấy chị mười bảy mười tám mới được ngỏ lời yêu. Nhưng nhiều hôm đến tám giờ, Nhi học xong một tiết, mẹ mới uể oải thò mặt ra khỏi phòng, chế một bát cháo ăn liền mang vào cho bà, rồi lại lên phòng ngủ tiếp. Trưa mới dậy. Chẳng buồn nấu cơm. Lếch thếch ra ngoài mua cơm hàng về bày ra mâm. Mẹ nấu mẹ mua cơm canh vẫn đủ một mâm bốn món. Ai ý kiến? Ý kiến đi mà nấu! Trong nhà này, kể cả bố, có ai ho he phàn nàn mẹ về bữa cơm đâu.
Người đang phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ là em Tun. Em Tun mười ba tháng tuổi, đang bi bô tập nói. Em ngủ dậy thì thường vẫn ở trong cũi, thỉnh thoảng mới được mẹ bế xuống nhà chơi.
Còn Nhi, mười bốn tuổi, có thời gian biểu chủ yếu đi học. Sáng học chính khóa, chiều và tối học thêm. Những lúc buồn tẻ nhất là ngày nghỉ ở nhà, ru rú trong phòng, hoặc ngồi đâu đó soi camera thấy nhà mình càng ngày càng lạnh lẽo.
Lớp học thêm tiếng Anh của cô Mừng đông và láo nháo như cái chợ. Trên xì xà xì xồ, dưới rôm rả nói đủ thứ chuyện. Tuổi mười bốn mười lăm lũ con trai hăm hở nói về game, Facebook và Tiktok. Anh Thắng Bảnh quẩy dẻo như kẹo kéo mới đi tù. Anh Bình Bướng Bỉnh xăm kín người chuyên livestream kể chuyện xin tí tiết… Lũ con gái còn nhiều chuyện hơn. Đứa cười lích rích như khỉ khi thần tượng ra bài hát mới, đứa kể chuyện tình yêu chán quá quay sang chủ đề son môi, đứa oang oang khoe tăng size áo nịt ngực… Nhi ngồi giữa, học không vào. Ít ra tuần trước còn có bạn Tuấn đẹp trai hơi một tí là đỏ mặt lớp A2 làm Nhi thấy hứng thú. Bạn Tuấn không chịu được không khí tạp nham khủng khiếp này nên đã chuyển lớp rồi. Nhi cố ngồi thêm mấy buổi nữa để tháng sau sang lớp mới với bạn Tuấn.
Qua camera, mẹ đang ngồi trên giường em Tun. Mẹ chăm chú xem điện thoại. Màn hình sáng lóa. Tóc mẹ xõa ra. Lúc mẹ phá lên cười, lúc mẹ ôm gối khóc rấm rứt. Mẹ đang lướt Facebook, xem phim, hay đang đọc truyện ngôn tình? Bộ “hãy để anh chết vì em lần nữa” khiến mẹ ngẩn ngơ và quằn quại bảy ngày vẫn chưa hết. Em Tun đang ngồi trong cũi xếp hình ngôi nhà, tất nhiên xếp một mình, xếp xong phá, rồi quăng tứ tung. Chỉ trong cũi nhưng những mảnh ghép cứ biến mất một cách kì lạ. Bộ xếp hình ngôi nhà năm mươi hai miếng giờ còn ba mươi sáu miếng, mất cả cửa lẫn nguyên phần nóc.
Bố đi làm chưa về. Hôm nay là thứ bảy, chắc bố lại cùng đồng nghiệp tạt quán nhậu lai rai đến tối muộn. Những ngày như thế bố mang đủ các thứ mùi khó chịu về nhà. Mùi rượu bia, mùi thuốc lá và… mùi nước hoa lạ. Mẹ bảo bố: “Đồ tồi! Đi luôn đi về làm gì!”. Bố bảo: “Ăn uống như này là vì công việc.”. Mẹ bảo: “Một lũ nát rượu rúc vào máy con quán hát chứ công việc cái quái gì?”. Bố bảo: “Cô lướt facebook, xem phim và truyện nhảm ít thôi. Suy diễn nhiều điên đấy!”. Mẹ gào lên rồi xông vào cào cấu bố. Sau lần đánh nhau tơi bời ấy, mẹ thay đổi nhiều. Nhi có hỏi sao bố chưa về, mẹ cười lạnh lùng: “Kệ! Giờ bố mày chết ở đâu thì chết”!
Còn bà nội, không biết lúc này bà đang làm gì trong phòng. Ngủ phập phù hay thức và sống trong một đoạn ký ức vừa mới lóe lên? Thế giới của bà camera không hoàn toàn thấy được.
Phòng của bà không tiện lắp camera vì vốn là phòng để đồ. Bố mất hai ngày để xử lí căn phòng lỉnh kỉnh đồ cũ có cả chuột và gián ấy trước khi đón bà ở dưới quê lên, đưa bà vào trong không gian chật chội chỉ đủ kê một cái giường, một cái kệ gỗ hẹp ngang để giỏ quần áo với mấy thứ lặt vặt. Ở tạm thôi, bố nói. Chú Út hẹn đi lao động Hàn Quốc ba năm kiếm ít vốn rồi sẽ đón bà về quê.
Chỉ ba năm… Nhưng không ai lường trước được chuyện xảy ra với bà. Ở tạm chưa đầy nửa năm bà bị tai biến, nằm liệt giường gần một tháng. Trở về từ cõi chết, bà chậm chạp đi nhiều, lúc nhớ lúc quên, trở thành “người âm”- như mẹ nói.
Qua camera, chỉ có con Milu bầu bạn với bà, dụi dụi vào chân bà, để bà xoa đầu trong những buổi chiều âm u bà ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, lúc Nhi đi học, bố đi làm, và mẹ có thể là đang đắm đuối trong thế giới tình yêu ảo não từ một bộ phim trên màn hình điện thoại. Tất nhiên, lúc đó cổng đã được khóa chặt. Vì có một quy tắc được bố đặt ra: “Phải khóa cổng không là bà đi lạc!”. Không là bà sẽ ra ngoài với lý do về quê. Về với chú Út và thím Mơ. Phải về không thì vườn rau của bà ở quê sẽ mất ăn, mọc đầy cỏ dại.
Mẹ từng trồng mấy khay rau ngoài ban công tầng hai. Bây giờ khay chỉ còn trơ lại đất. Đất để lâu ngày phơi mưa phơi nắng cứng như bê tông, cỏ không mọc được. Từ ngày bố đón bà lên ở, đã hơn một năm mẹ không đoái hoài đến mấy khay rau trên ban công ấy nữa.
Thời gian này mẹ rất ít ra ngoài. Hai tuần mẹ dắt xe đi siêu thị một lần. Mang về từ siêu thị túi lớn túi bé đồ ăn nhét chật cứng tủ lạnh. Đồ ăn vặt mẹ còn mang lên phòng em Tun. Có hai giỏ lớn đựng toàn bim bim, bò khô, bánh quy, nước ngọt… để mẹ nhấm nháp mỗi lần dán mắt vào điện thoại.
Mười hai giờ đêm. Qua camera, em Tun đang ngủ say như mèo con trong cũi. Mẹ vẫn chưa ngủ và có hành động kì quặc. Điện thoại mẹ để đầu giường, màn hình chớp sáng chớp tối. Trong bộ quần áo ngủ mỏng tang, mẹ quặp chặt lấy chiếc gối ôm hình con sâu lăn qua lăn lại. Mẹ đang bị mộng du? Drap giường nhăn rúm. Mẹ phát ra âm thanh như tiếng khóc nấc, trước khi nằm ngửa, nhắm chặt mắt, dạng chân và thở hổn hển.
Bên ngoài phòng khách vẫn sáng đèn. Bố đang nằm chỏng chơ trên ghế sofa. Người bố đỏ như phát ban, nồng nặc mùi rượu. Cuộc rượu cuối tuần hôm nay bố đã quá chén. Sáng nay thấy bố dậy sớm hơn, ngồi cà phê và thở dài rất lâu mới đi làm.
Bố đang buồn chuyện gì sao?
Càng buồn khiến người lớn càng trở nên bê tha thế này sao?
Mẹ nghi ngờ bố ngoại tình trong thời gian đầu mang thai em Tun, lúc bà nội vẫn ở dưới quê. Bố ngoại tình với đồng nghiệp? Ai đó đã nhìn thấy bố chở chị đồng nghiệp về tận nhà. Ai đó nói chị đồng nghiệp nhờ ngoại hình xinh xắn nên được bố ưu ái hơn những người khác. Ai đó còn báo mẹ việc chị đồng nghiệp thường mua cà phê và cơm hộp cho bố vào giờ nghỉ trưa. Những ai đó làm nghi ngờ chất chồng thêm, châm ngòi lần bố mẹ cãi nhau tanh bành ngay trong ngày đầu năm mới. Những cơn ghen của mẹ chỉ tạm lắng lại khi chị đồng nghiệp của bố xin nghỉ làm để theo gia đình ra nước ngoài.
Sau chuyện ấy, những vết nứt chưa bao giờ được hàn gắn. Bố mẹ mỗi người ở một phòng. Bố cứ đi làm về là tìm đến mấy giò lan. Còn mẹ bầu bì chỉ quanh quẩn giữa bốn bức tường và đắm chìm trong những bộ ngôn tình trên mạng.
Thời gian tua nhanh. Đến quãng bà nội ở dưới quê lên rồi trở thành “người âm”, những giò lan yêu quý của bố bị trộm mất, và camera hàng ngày chứng kiến không khí lạnh lẽo xâm chiếm ngôi nhà này.
Ba giờ chiều chủ nhật. Mẹ đang xối xả mắng nhiếc bố ở phòng khách. Bố mới phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khiến mẹ nổi điên.
“Tôi hỏi anh lần nữa, lương tháng này đâu?”. Mẹ nói, mắt mẹ đỏ ngầu.
“Không có!”
“Không có cái mặt anh đấy! Anh nghe thằng Tuấn chồng cái Thanh chơi chứng khoán phải không?”. Giọng mẹ đanh lại.
Bố lặng thinh.
“Đồ khốn! Tôi đã nói trước rồi, lúc có cả mẹ anh ở đấy, anh muốn nhậu nhẹt hay chơi gái kệ xác anh, nhưng hàng tháng anh phải đưa lương cho tôi. Giờ hết rồi hả? Anh là cái giống gì vậy?”. Mẹ gằn giọng đay nghiến.
“Tôi sai nhưng cô đừng hơi một tí lôi mẹ tôi vào!”
“Anh không đủ tư cách bênh mẹ anh! Anh làm được trò trống gì? Tôi sai lầm khi nghỉ việc để chửa đẻ thằng Tun, chăm mẹ anh. Tôi tàn tạ như này cũng vì anh… Anh tưởng mình to lắm hả?  Nhà này của tôi, bố mẹ tôi cho tôi, anh có giỏi thì biến đi! Các người có giỏi thì biến hết đi…”. Mẹ gào lên.
Bố im lặng trước cơn lôi đình của mẹ. Bây giờ bố chỉ đáp lại mẹ một câu có thể nhà sẽ quay cuồng, tan hoang hết.
Nhi làm được gì trong hoàn cảnh này ngoài việc ôm điện thoại khóc.
Con Milu đang run rẩy, co rúm lại dưới gầm ghế.
Bà nội vẫn ở trong phòng. Bà sẽ không nghe thấy chứ? Bà ơi!
Ngay hôm sau, bà nội mất tích!
Một giờ trưa, mẹ chạy vào phòng đánh thức Nhi dậy bảo bà biến mất rồi. Trong phòng ngủ không thấy, trong bếp không thấy, ngoài hiên cũng không. Con Milu ngồi trước hiên ngơ ngác nhìn ra cổng. Có phải bà đã ra khỏi nhà? Cổng đã không khóa? Mẹ vừa đi siêu thị về.
Xem lại camera. Mười hai giờ trưa, ăn cơm xong, bà ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế mây ngoài hiên. Con Milu nằm cuộn tròn ngủ dưới chân bà. Mẹ xuất hiện ngay cửa, đứng mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang. Mẹ cầm chìa khóa ra mở cổng. Lạch cạch. Lạch cạch. Chợt nhớ ra gì đó, mẹ lật đật chạy vào nhà. Sau năm phút, mẹ xuất hiện trở lại, tay cầm điện thoại. Màn hình vẫn sáng đèn. Mẹ đờ người nhìn điện thoại một lúc trước khi dắt xe một mạch ra cổng và không ngoái đầu lại.
Bà đi khỏi nhà lúc con Milu vẫn đang say ngủ.
Nhi gọi điện cho bố báo tin bà mất tích. Hơn nửa tiếng sau bố có mặt ở nhà. Không hỏi nhiều, để mẹ trông em Tun, bố vội vàng chở Nhi đi tìm bà. Nhà hàng xóm, ngoài phố, công viên, bến xe… đều không thấy. Bà ra ngoài lúc trưa vắng nên hỏi ai cũng không biết. Sau ba tiếng tìm kiếm vô vọng, bố và Nhi tạt vào đồn công an phường báo người mất tích.
Tối, bố đi tìm bà đến mười một giờ đêm mới về. Về một mình. Hoang mang. Thất thần. Bố bảo vừa gặp một vụ nhảy cầu tự tử. Là phụ nữ. Đám đông cả trăm người đứng trên cầu nhớn nhác nhòm xuống sông bất lực… Sáng mai bố sẽ ra đồn công an xem có thông tin gì về bà không, nếu không sẽ phóng xe về quê. Bà muốn về quê, biết đâu phép màu đã xảy ra, bà đang ở quê thật?
Công an phường gọi điện báo tin đã tìm thấy bà nội, mời cả gia đình lên trụ sở nói chuyện. Đúng hôm ấy, mẹ bị đau đầu chóng mặt phải nằm viện theo dõi. Em Tun phải gửi bà ngoại. Chú công an bảo hai hôm rồi bà nội ở trong một trại tế bần ở một quận cuối thành phố. Bà vẫn ổn. Người ta hỏi nhà bà ở đâu, con cái bà đâu, bà chỉ đứng ngồi tượng thỉnh thoảng rưng rưng nước mắt nhìn họ, không nói gì. Qua trích xuất camera ở gần đấy, người ta thấy một người phụ nữ đeo khẩu trang dắt tay bà từ một chiếc taxi màu đỏ đến cổng trại tế bần. Chú công an bảo đã điều tra được người phụ nữ bí ẩn ấy chính là con dâu bà cụ. Trời ơi, chính là mẹ, mẹ đi siêu thị cố tình không đóng cổng, đợi bà đi ra đầu ngách rồi đưa bà đến thẳng trại tế bần. Bố bàng hoàng, tím tái mặt mày khi được nghe sự thật. Một tay bố nắm lại, tay kia run lên, lạnh toát. Bố lắp bắp giải thích với chú công an chuyện xấu hổ của gia đình… Nhi và bố được đón bà nội ở trại tế bần về trong một buổi chiều lành lạnh, đi qua vỉa hè gạch đỏ của một con phố không nhớ tên. Có lẽ bà nội đã nhận ra bố và Nhi. Mắt bà sáng hơn. Tay bà vẫn ấm. Nhưng bà đã gần giống những cây bàng khẳng khiu buồn thảm bên đường kia, không muốn nghe, không muốn nói bất cứ điều gì.
Những hôm sau, mẹ vẫn phải ở bệnh viện truyền nước. Bác sĩ bảo mẹ bị trầm cảm, suy nhược thần kinh, nếu uống thuốc an thần không đỡ phải chuyển khoa để điều trị.
Cuối tuần ấy, bố có vào viện thăm mẹ nhưng cả hai không nói với nhau câu nào. Bố cho lắp thêm camera ở phòng bà nội, chạy đi chạy lại, tất bật hơn để lo việc công ty và gia đình.
Hôm Nhi và bố vào bệnh viện, chú thím từ Hàn Quốc gọi video hỏi thăm cả nhà. Chú thím không biết và chắc chắn không ai muốn kể cho chú thím biết câu chuyện đau đớn bà nội từng phải vào trại tế bần. Thím bảo định hết hợp đồng lao động mới về nhưng chú cứ nóng ruột, nhớ nhà, nên Tết sẽ về chơi hai tuần… Điện thoại đứng hình, camera dừng lại ở một nửa khuôn mặt chú. Chỉ còn tiếng nói. Chú bảo hơn một năm nữa mới về thì sợ bà không còn… không còn nhận ra ai nữa.
9/5/2023
Trần Thái Hưng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...