Cái Ấm Đất
- I -
Khái Hưng tên thật là Trần Dư, hoặc Trần Giư, Trần Khánh Dư.Từ
các âm chính của tên Khánh Dư ông dùng một phép “nói lái vui” thành Khái Hưng.
Ông còn có bút hiệu khác là Nhị Linh, KH, Nhát Dao Cạo, Hàn Đãi Đậu, Bán Than.
Khái Hưng sinh năm 1896, trong một gia đình quan lại tại Cổ
Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng bố ông có năm bà vợ nên nhiều dòng
con cháu. Thuở nhỏ ông bị bà dì ghẻ ác nghiệt hành hạ tàn nhẫn. Ông được đi học
chữ nho với thày đồ. Lớn lên, học chữ Pháp tại trường trung học tây Albert
Saraut, Hà Nội. Sau khi đỗ tú tài I, ông không đi học tiếp, về mở đại lý bán dầu
hỏa ở Ninh Giang. Được ít lâu, Khái Hưng lên Hà Nội đi dạy cho trường tư thục
Thăng Long của ông Phạm Hữu Ninh. Khái Hưng gập Nhất Linh tại đây. Hai người
cùng lý tưởng văn học và xã hội đã trở thành một đôi bạn tri kỷ, dù rằng Nhất
Linh kém Khái Hưng 10 tuổi.
Năm 1932 Nhất Linh mua lại tờ Phong Hóa, thành lập ban biên tập
mới, có Khái Hưng, Tứ Ly và Tú Mỡ tham gia. Tờ báo Phong Hóa số 14, là số báo đầu
tiên của nhóm, ra ngày 22-9-1932. Khi Nhất Linh chính thức thành lập Tự Lực Văn
Đoàn (Phong Hóa số 87, 1934). Khái Hưng và Nhất Linh trở thành hai cột trụ của
báo. Các tác phẩm của ông từ1932 tới 1940 thường đăng trên Phong Hóa và Ngày
Nay, sau đó một phần được nhà xuất bản Đời Nay của Văn Đoàn in thành sách. Những
sách truyên của ông rất được công chúng hâm mộ.
Tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng là Hồn bướm mơ tiên (1933),
cũng là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn đăng trên báo Phong Hóa, đã
gây tiếng vang lớn. Sau đó Khái Hưng viết đều tay, nhanh, dễ dàng, văn phong giản
dị nhưng thanh thoát của một tâm hồn thi sĩ. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn,
truyện dài, kịch, văn vui, phê bình văn học, phê bình kich…Với một bề dầy tác
phẩm ít ai bì kịp, nhà văn Khái Hưng được biết đến như một tiểu thuyết gia được
tuổi trẻ yêu mến nhất thời đó. Ông cũng viết chung với Nhất Linh hai tiểu thuyết
Gánh hàng hoa,và Đời mưa gió cùng tập truyện ngắn họp chung Anh phải sống.Tiểu
thuyết cuối cùng của ông là Băn Khoăn (Thanh Đức) (1943) và cũng là tiểu thuyết
cuối cùng của văn đoàn Tự Lực trước khi tự tan rã.
Khái Hưng là người giầu tình cảm, hay đùa vui, rất khăng khít
và yêu mến các bạn đồng nghiệp. Ông đối xử hòa nhã, thân kính với mọi người,
nên được nhiều người yêu quý, kính trọng. Trong tác phẩm, ông thường đề cao
tình yêu trong sáng, tự do, mang tính cách lý tưởng, ít nhiều chống lại các hủ
tục trong xã hội. Những tiểu thuyết phong tục của ông rất đặc sắc, về sau ông
thiên về tiểu thuyết tâm lý. Khái Hưng cũng viết một số vở kịch ngắn, thường chỉ
một hồi, để đăng báo hơn là để công diễn. Tuy nhiên vài vở kịch dài của ông đã
nổi tiếng một thời như Tục Tụy, Đồng Bệnh… Ngoài ra Khái Hưng còn có một số
tranh vẽ, thường để minh họa tiểu thuyêt của ông trên báo, ông có một vài bức
tranh rất đẹp.
Sau khi báo Ngày Nay bị thực dân Pháp đóng cửa 1940, Khái
Hưng và Thạch Lam ra tờ Chủ Nhật, nhưng bị rút giấy phép sớm. Sách Xuân Đời Nay
cũng chỉ ra được một số. Năm 1941, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí và một
số bạn đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại Hà Nội, sau bị đưa đi
an trí ở Vụ Bản, Hòa Bình, tới năm 1943 mới được tha. Trong khi đó Thạch Lam bị
bệnh lao qua đời 1942. Nhà xuất bản Đời Nay còn in khá nhiều sách, và dòng sách
Hồng nhi đồng, rồi nghỉ. Năm 1945, Khái Hưng cùng Hoàng Đạo, và Nguyễn Tường
Bách cho ra tờ Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, được 16 số thì đình bản. Khái Hưng còn
viết một số truyện ngắn, kịch ngắn trên các báo thời đó. Về gia đình - Bà Khái
Hưng tên là Lê thị Hòa, hiệu là Nhã Khanh, hiểu biết chữ nho sâu rộng, người
làng Dịch Diệp, Trực Ninh, Nam Định. Bố là một vị Thượng Thư triều Nguyễn, gia
đình rất khá giả, nên bà có ruộng nương kế tự, lại khéo léo thu vén nên đã giúp
nhiều cho kinh tế gia đình. Ông bà sống rất thuận hòa, không bao giờ ông làm bà
phật ý, tuy hai người hiếm muộn, không con. Nhất Linh đã cho bạn một đứa con
trai của mình: Nguyễn Tường Triệu thành Trần Khánh Triệu.
Khái Hưng mất tích sau Tết Ðinh Hợi 1947. Khi biết ông đã qua
đời, bà Khái Hưng trở bệnh tim nặng, và từ trần năm 1954.
Khái Hưng tin tưởng nơi đạo Phật, thuở nhỏ mỗi khi bị uất ức
chuyện gia đình, thường vào chùa niệm Phật, tụng kinh cứu khổ. Khi mẹ ông mất
năm 1944, ông thức khuya tụng kinh Địa Tạng và A di đà cầu siêu cho mẹ. Trong
các tác phẩm của ông thường có điều gì phảng phát những ý tưởng siêu thoát của
đạo Phật (Theo Ba Tôi, N T Triệu). Cách hành sử hòa ái, cung cách tương kính
trong gia đình, trong xã hội, cũng như lòng tin người, không hận thù của ông phải
chăng là lý tưởng sống nhẹ nhàng thanh thoát của một Phật tử? Các tác phẩm của
Khái Hưng thường được xuất bản nhiều lần, do nhu cầu người đọc, có khi lên tới
10.000 cuốn.
Những sách đã được Nhà xuất bản Đời Nay in là: Hồn bướm mơ
Tiên, Gánh hàng hoa, Nửa chừng xuân, Đời mưa gió, Trống mái, Dọc đường gió bụi,
Anh phải sống, Tục lụy, Tiếng suối reo, Gia đình, Thoát Ly, Đọi chờ, Thừa tự,
Tiêu sơn tráng sĩ, Hạnh, Đẹp, Đội mũ lệch, Những ngày vui, Đồng bệnh, Băn khoăn
( Thanh đức), Số đào hoa, (Cái Ve, Đồng xu:chưa thấy in).
Những truyên nhi đồng trong loại Sách Hồng, gồm có: Ông đồ bể,
Cái ấm đất, Thày đội nhất, Quyển sách ước, Cắm trại, Cây tre trăm đốt, Thế giới
tí hon, Cóc tía, Bông cúc huyền, Lưu bình-Dương lễ...
Ngày xưa có một người cự phú xứ quê ốm nặng và biết mình thế
nào cũng sẽ từ trần liền gọi ba con trai đến bên giường mà bảo rằng:
- Cha sinh được ba con, nhờ trời cùng khỏe mạnh và nết na. Đó
là sự quý báu nhất và sung sướng nhất trong đời cha. Trong đời cha, cha đã làm
nhiều điều ác, nhiều sự bất công, cha xin thú thực thế trước khi nhắm mắt vĩnh
biệt các con. Nhưng đối với các con thì cha chỉ có một lòng thương mến, chiều
chuộng. Có lẽ cũng vì quá thương mến chiều chuộng các con, và quá nghĩ đến
tương lai tốt đẹp của các con mà cha đã ác nghiệt, bất công đối với kẻ khác.
Trong khoảng bao nhiêu năm cha đã bòn chắt làm giàu, cha đã hà hiếp bóp hầu bóp
họng người ta để có được cái tài sản ngày nay mà cha sắp đem chia cho ba con,
chia một cách thực công bằng, nghĩa là chia ra ba phần thực ngang nhau.
Người ốm mỉm cười chua chat nói tiếp:
- Sự công bằng, cha vẫn yêu quý sự công bằng, khốn nỗi cha lại
yêu quý các con hơn sự công bằng, vì thế mà dù bản tâm công bằng cha đã nhiều lần
trở nên thiên lệch. Thôi thì không công bằng với người đời, ít ra hôm nay cha
cũng công bằng được với các con. Cha muốn rằng sau khi cha từ trần, các con sẽ
không kêu ca một điều gì về sự bất công của cha, và sẽ hoàn toàn ưng thích phần
gia tài mà cha sắp chia cho.
‘‘ Đây, ba phần tài sản ấy đây, cha đã chia từ lâu (vừa nói
người cha vừa đưa ra một bản chúc thư). Nay chỉ việc điền tên các con vào phần
các con ưng thuận. Ba phần ấy là: Phần thứ nhất, cái dinh cơ này và ao vườn bao
bọc chung quanh, có tới dăm chục mẫu; Phần thứ hai, hai trăm mẫu ruộng và năm
chục con trâu; Phần thứ ba, một cái ấm đất …’’
Người con cả và người con thứ hai cùng ngắt lời, kêu:
- Một cái ấm đất?
- Ừ, một cái ấm đất. cái ấm đất ấy hiện cha chôn ở dưới một
chân giường cha đương nằm đây. Cha yêu quý nó lắm. Ở đời nếu có vật gì cha yêu
quý hơn cả các con thì vật ấy là cái ấm đất của cha. Chính nhờ nó mà ngày nay
cha có nhà cửa nguy nga và vườn ruộng hằng trăm mẫu. Các con hãy để cha kể lịch
sử nó cho các con nghe.
‘‘Hẳn các con cũng biết mang máng rằng ngày xưa cha nghèo lắm.
Nhưng chắc các con chưa rõ, chắc các con không thể tưởng tượng được cha nghèo đến
bực nào. Ông bà sớm mất, cha phải mang thân đi tha phương cầu thực, trong hầu
bao chỉ vỏn vẹn có hơn quan tiền? Đó là tất cả gia tài mà ông để lại cho cha,
và túp nhà tre lợp rạ làm nhờ trên một miếng đất công của làng đã sụp sau một
trận bão lớn. Nhưng dù nghèo và mới mười hai tuổi đầu cha vẫn không lo chết
đói, cha vẫn tin ở sức cha, ở lòng can đảm của cha và hy vọng ở tương lai, tuy
tương lai chỉ lờ mờ xa lắc.
‘‘ Buổi đầu bỡ ngỡ, và không có chủ kiến, không có mục đích,
cha đi lang thang trên đường cái, định bụng hễ gặp việc gì thì làm việc ấy.
Nhưng chả gặp việc gì. Vì thế, khi tới một tỉnh lỵ, cha đã ăn lấn vào cái vốn
liếng nhỏ mọn mất gần một nửa. May sao, Trời Phật dun dủi, một hôm cha gặp một
thằng bé tay xách cái ấm đất, tay cầm cái bát sành, miệng cất tiếng rao lanh lảnh:
‘‘Có ai nước vối nóng, hai đồng một bát không nào?’’
‘‘ Cha như chợt trông thấy con đường đi của mình. Thế là cha
làm thân với thằng bé, hỏi nó cách thức bán hàng và ngày hôm sau cha trở nên một
bạn đồng nghiệp của nó …’’
‘‘ Câu chuyện dài lắm, mà cha lại sợ mệt không đủ sức kể hết
đầu đuôi, ngành ngọn cho các con nghe được. Các con chỉ nên biết rằng cha xuất
thân với nghề bán nước vối rong, và cái đồ vật nuôi sống cha lúc buổi đầu, hơn
thế, cái đồ vật đã gây cho cha cái lưng vốn thứ nhất nó sinh sôi nẩy nở mãi ra
cho tới ngày nay là cái ấm đất quý báu, là cái ấm đất linh thiêng giấu ở trong
một bí mật dị kỳ, cái ấm đất mà cha sắp đem chia cho một trong ba con yêu mến của
cha. Nó là người bạn hàn vi của cha. Nó là người bạn thân mật của một quãng đời
trong sạch của cha, vì ngày còn phải kiếm ăn với cái ấm đất, cha rất hiền lành,
ngay thẳng, thành thực. Rồi sau, một ngày một thêm giàu có, cha cũng một ngày một
thêm lừa lọc, gian trá, ác nghiệt, tàn nhẫn. Nhà cửa đồ sộ, cha đựng lên bằng mồ
hôi nước mắt của người đời; vườn, ruộng mênh mang, đó là những giọt máu đào của
người đời mà cha đã khôn khéo, gian ngoan, chiếm đoạt. Đến như cái ấm đất nuôi
sống cha thì nó hoàn toàn trong trắng, không hề nhuộm máu, đựng mồ hôi nước mắt
của một ai.’’
Ngừng một lát, yên lặng nhìn đỉnh màn nghĩ ngợi, rồi người cự
phú lại nói: ‘‘Cái ấm đất chứa một bí thuật sung sướng, và cha đã tha thiết muốn
sung sướng… nhưng cha đã dại dột chỉ muốn giàu có … Nhưng đó là một điều bí mật
mà cái ấm đất sẽ giúp một trong ba con khám phá ra. Vì thế cái ấm đất của cha sẽ
là cái ấm đất yêu quý, cái ấm đất đạo đức, phần gia tài mà cha dành cho con nào
xứng đáng nhất. Vậy các con thử mỗi đứa trả lời một câu xem đứa nào sẽ có hân hạnh,
sẽ có diễm phúc được chia phần gia tài trong sạch và thiêng liêng ấy’’.
Người con cả vội đáp:
- Thưa cha, đời cha thực là một cái gương kiên nhẫn, cần lao,
đạo đức cho chúng con và cho khắp mọi người soi. Cái cơ nghiệp hằng vạn của
cha, cha đã tay trắng làm nên…
Người cha giơ bàn tay ra vội gạt:
- Không, cha khởi cơ nghiệp bằng cái ấm đất vậy con phải nói:
Cha đã được ấm đất dựng lên nhà gạch mới đúng.
- Dạ, con cũng biết thế. Nhưng xây nhà xây cửa, tậu vườn tậu
ruộng, há không phải do hai bàn tay trắng với lòng kiên nhẫn, với cái thông
minh mẫn tiệp của cha? Trên đời có biết bao nhiêu đứa trẻ bán nước vối, vậy thử
hỏi ngoài cha ra đã một ai làm nên trăm nên nghìn chứ đừng nói làm nên vạn như
cha vậy. Vậy thì cái ấm đất chỉ là một vật, một khí cụ mà cha đã dùng để trước
là kiếm ăn, sau là làm giàu, cũng như cái cầy, cái bừa, chẳng hạn. Vâng, thưa
cha, cái cầy, cái bừa, con trâu đã giúp cha gây dựng cơ nghiệp to tát, con thiết
tưởng ít ra ba thứ ấy cũng phải được xếp ngang hàng với cái ấm đất chứ; Cớ sao
cha lại nỡ bên trọng, bên khinh…
Người cha mỉm cười ngắt lời:
- Thôi, con không nên dài lời vô ích, cũng không nên bắt bẻ
cha, tội nghiệp. Cha hiểu ý con rồi. Con muốn được chia phần trăm mẫu ruộng và
năm chục con trâu chứ gì?
Người con yên lặng cúi đầu không đáp. Người cha lại nói:
- Quả thực con không xứng đáng được cha chia cho cái ấm đất
trong sạch và thiêng liêng của cha. Vậy đem bút mực đây để cha điền tên con vào
chỗ phần thứ hai.
Người con Cả, sung sướng chạy vội đi lấy cái bút và nghiên mực
đặt ở bên mình cha, rồi đưa tay ra sau gáy nâng cha ngồi dậy. Người ốm vừa viết
vừa nói:
- Đáng lẽ cha phải chia cho con phần dinh cơ trong đó có nhà
thờ ông cha, mà con lại là con trưởng. Nhưng con đã thích ruộng, thích trâu,
thì cha cũng chia ruộng trâu cho con. Cha không muốn làm phật lòng các con trước
khi cha nhắm mắt. Bây giờ đến lượt anh Hai. Anh nghĩ sao? Anh thử trả lời để
cha xem anh có xứng đáng được hưởng cái phần gia tài quý giá nhất của cha
không?
Người con thứ Hai lễ phép cúi đầu thưa:
- Cha đã hỏi, con xin thành thực trình bày. Cái ấm đất mà cha
vừa kể cho chúng con biết rõ lịch sự, thực là một cái ấm đất quý, một cái ấm đất
phi thường, một cái ấm đất thiêng liêng nữa, như lời cha dạy. Nó là người bạn
buổi thiếu thời của cha, nó là người bạn trong sạch nhất của cha. Bây giờ cha lại
muốn để nó làm bạn với một trong ba anh em chúng con, thì con thiết tưởng kẻ
nào được phần danh dự ấy phải là người có tài cao, có đức lớn mới xứng đáng.
Nay con tự xét mình còn tài hèn, đức mỏng…
Người cha vội cướp lời:
- Nghĩa là con không ưng lấy cái ấm đất chứ gì!
- Dạ, xin cha cho phép con nói hết ý nghĩ của con đã. Cha là
người có đại tài, đại đức nên đã tay trắng làm nên cơ nghiệp to tát ngày nay.
Con nói tay trắng, tuy con vẫn nhớ công cái ấm đất kia. Con nói thế là vì con
cho rằng có tài, đức như cha dù xuất thân làm nghề gì cha cũng tới được cái
đích giàu có hằng vạn. Cái ấm đất chỉ may mắn được lọt vào tay cha lúc ban đầu.
Nếu cha xuất thân làm thợ ngõa thì
Chắc cái bay, cái thước nay cũng được cha quý trọng như cái ấm
đất. Tóm lại, làm nên giàu có là chỉ nhờ về tài về đức của cha. Nếu con cũng có
tài cao, có đức dầy thì với cái ấm đất cha để cho con, con sẽ cũng làm nổi cơ đồ
như cha ngày nay. Nhưng tiếc rằng tài con hèn, đức con mỏng nên không dám cáng
đáng lấy cái công việc khó khan mà chỉ những người phi thường như cha mới làm nổi.
Người cha cười:
- Khéo! Khéo! Khéo! Con khéo nói lắm. Như thế kể con cũng có
tài đấy, cái tài ngôn ngữ. Nhưng đức của con thì quả còn mỏng mảnh như con nói.
Vậy con chưa xứng đáng để cha chia cho cái ấm đất của cha. Còn anh Ba, anh Ba
nghĩ sao? Thử nói cho cha nghe nào.
Người con thứ Ba đáp:
- Thưa cha, cái ấm đất của cha thực là một gia bảo của nhà
ta, nếu cha giao nó cho con, thì con xin cam đoan với cha rằng con sẽ chăm nom
giữ gìn nó, con sẽ là người bạn suốt đời của nó.
Người cha kinh ngạc hỏi:
- Con có đủ tài đức để giữ nó không, để giữ nó mãi mãi không?
- Thưa cha, con không dám tự cao cho rằng con có đủ tài, đủ đức,
và con cũng không biết con có xứng đáng được cha giao cho thứ bảo vật yêu quý của
cha không, nhưng nếu cha xét thấy con xứng đáng mà ban cho thì con xin vui lòng
nhận.
- Con vui lòng?
- Vâng, con vui lòng.
- Nhưng con phải biết phần gia tài ấy chỉ có một cái ấm đất với
mười quan tiền để mua nồi, mua vối, mua củi…
- Thưa cha, ngày xưa cha xuất thân chỉ có một cái ấm đất với
ngót một quan tiền.
- Con sẽ phải đi bán vối rong, con sẽ phải cất cao giọng rao
suốt ngày nầy sang ngày khác: ‘‘Có ai uống nước vối nóng không?’’.
- Cha làm được thì con cũng xin cố làm được.
- Con sẽ ngủ nhiều đêm ở vệ hè, ở trong quán chợ.
- Người ta ngủ như thế được thì con cũng ngủ như thế được.
- Hai anh con được một người hai trăm mẫu ruộng, và một người
cái dinh cơ đồ sộ này, mà con chỉ được mỗi một cái ấm đất, con không suy bì?
- Thưa cha, hai trăm mẫu ruộng, một nơi dinh cơ rộng rãi với
một cái ấm đất, hơn kém nhau thế nào khó lòng mà so sánh được. Nhưng có một điều
con tin chắc, là cha đã chia ra làm ba phần bằng nhau, thì tất ba phần ấy phải
bằng nhau, không hơn không kém. Nhận phần hai trăm mẫu ruộng, hay phần dinh cơ,
hay phần một cái ấm đất, con tin chắc rằng cũng thế mà thôi, nhất con lại được
nghe cha ca tụng cái quãng đời bán nước vối của cha là trong sạch, là sung sướng,
và mạt sát cái đời làm chủ nhân mấy tòa nhà và hai trăm mẫu ruộng mà cha cho là
một đời lừa lọc, gian trá, ác nghiệt, tàn nhẫn. Thưa cha, nếu kiếm ăn với một ấm
nước vối là sống và tiêu pha phung phí trong tòa nhà này cũng chỉ là sống thì
can gì không chọn lấy cái sống trong sạch và sung sướng kia mà lại đi chuốc lấy
cái sống ô trọc, khổ sở này. Thưa cha, con quả quyết xin cha ban cho con cái ấm
đất, nếu cha xét con thực xứng đáng được lĩnh phần gia tài quý báu ấy.
Người cha vui cười:
- Xứng đáng thì con xứng đáng lắm rồi! Ngày xưa, lúc lâm
chung, mẹ con có căn dặn cha rằng thằng Ba khá hơn hai anh nó, vậy khi chia gia
tài, phải nghĩ đến nó hơn hai anh nó một chút. Quả thực ngày nay cha thấy rõ rằng
con khá hơn hai anh con, và quả thực ngày nay con được cha chia cho phần gia
tài đích đáng nhất. Cha cứ tưởng phần gia tài ấy không ai được nhận và cha sẽ
phải làm lại chúc thư. Nhưng bây giờ thì sẽ yên tâm mà nhắm mắt từ biệt các
con.
- II -
Năm hôm sau người cha chết giữa lúc tâm trí còn sáng suốt, vì
lời cuối cùng của nhà cự phú là lời dặn các con nên giản dị trong việc ma chay.
Dẫu có lời trối trăn ấy, anh Cả và anh Hai cũng cứ làm ma linh đình để được tỏ
lòng hiếu, không phải hiếu đối với cha mà đối với làng, xóm họ hàng. Vì đối với
người cha đã đời, họ không cần lấy lòng lấy bề như xưa để hòng được hưởng phần
gia tài lớn nữa.
Riêng người con thứ Ba là thành thực đau đớn. Xưa nay anh vẫn
yêu cha, vì yêu cha là một tính tình tự nhiên trong lòng anh. Nhưng từ lúc được
nghe mấy lời tâm huyết của cha, tình yêu của anh lại tăng lên bội phần, tình
yêu lẫn trong tình thương. Ban ngày ngồi một mình, anh tưởng tượng cái đời vất
vả, nghèo đói, khổ sở của cha thửa trước. Anh thấy hiện ra trước mắt một thằng
bè rách rưới, gầy còm, xách ấm nước vối chạy rong, miệng luôn luôn rao hàng:
‘‘Có ai uống nước vối nóng không nào!’’ Thằng bé ấy là cha anh, và vài hôm nữa
sẽ là anh. Đã có đêm Ba chiêm bao thấy chính Ba xách ấm đi thất tha thất thểu
ngoài đường, dưới mưa phùn gió lạnh. Tỉnh dậy Ba lại càng thương cha. Và Ba muốn
sống ngay cái đời rét mướt ấy để được biết ngày xưa cha khổ sở đến bực nào.
Anh Cả và anh Hai thương hại em và muốn chia của cho em để em
được cùng mình hưởng giàu có. Nhưng Ba nhất định từ chối, nói cha đã chia cho một
cái ấm đất và một chục quan tiền để làm vốn mua vối nấu nước bán, thì anh chỉ
nhận phần gia tài ấy thôi. Hai anh dọa Ba rằng Ba sẽ chết đói. Ba cười đáp:
- Thế thầy ngày xưa thì sao? Không những thầy không chết đói
mà thầy còn làm nên nhà cửa, tậu được ruộng vườn để ngày nay chia cho anh em
ta.
Và Ba lại cười. Hai anh cho rằng Ba nói mỉa mai, tức giận im
lặng. Vì sự thực những nhà cửa, ruộng vườn ấy chỉ hai anh được hưởng, chứ Ba có
dự phần nào đâu. Nhưng cái cười của Ba là cái cười tự nhiên, chứ không có ngụ ý
mỉa mai hay oán trách hai anh. Vả lại chính Ba đã bằng lòng và xin nhận cái phần
gia tài mà cha cho là trong sạch ấy. Anh nghĩ thầm: ‘‘Có lẽ cái trong sạch đã
làm cho cha sung sướng, khi cha còn bần hàn, vì trong cái đời giàu có của cha,
ta chưa từng thấy cha sung sướng bao giờ: lúc nào cha cũng phàn nàn, lo nghĩ,
xoay xở, có khi mất ngủ mất ăn. Ta chỉ mong được sung sướng, vậy thì có cái ấm
đất mà sung sướng còn hơn có cửa nhà, vườn rộng mà khổ sở.’’
Thế là Ba quả quyết với cái chí tự lập lấy thân.
Vừa xong việc tang ma, anh bắt đầu bước vào nghề mới, cái nghề
bán nước vối rong.
Anh bỏ ra ba quan thuê một cái quán tranh ở bên chợ. Với năm
quan anh mua lá vối và các đồ dung để nấu nước. Rồi sáng sáng dậy thực sớm, dậy
trước cả tiếng gà gáy thứ nhất, anh nấu nước rót vào cái ấm đất ra đi và cất tiếng
ra lanh lảnh:
- Nước vối nóng ngon, có ai uống không? Có ai uống nước vối
nóng ngon không nào?
Mà nước vối của Ba vừa nóng vừa ngon thực. Lá vối trước khi nấu
Ba đã ủ kỹ nhiều ngày. Ba lại nấu với nước mưa trong sạch và tra vào một ít nụ
vối. Vì thế nước vối của Ba ngọt và thơm. Các bà đi chợ xa nghe tiếng rao, vui
mừng bảo nhau:
‘‘Chúng ta hãy đặt gánh nghỉ chân uống một bát nước vối của
anh Ba đã! – Nước vối anh Ba uống vào là hết nhọc mệt liền!’’ Rồi gọi lại mỗi
người uống một bát. Uống xong, các bà khen lấy khen để: ‘‘Nước vối anh Ba nấu
khéo quá! Ai đã uống một lần thì không sao quên được nữa, không sao bỏ được nữa,
người ta nghiện nước vối anh Ba như nghiện rượu,’’ “Nước vối anh Ba” câu ấy đã
thành như một câu ngạn ngữ.
Đi khỏi một quãng, các bà đem chuyện anh Ba ra kể với nhau
cho vui trên con đường xa. Một bà bảo:
- Anh Ba là con cụ Bá làng tôi. Cụ giàu nứt đá đổ vách mà sao
cụ vừa mất được mươi hôm anh ấy đã phải đi bán nước rong.
Bà khác đáp:
- Hai người anh cũng tệ! Nào nhà cửa linh đình, nào ruộng
nương hằng trăm mẫu mà nỡ để em đi bán nước vối.
Bà thứ ba nói:
- Nghe đâu hai người anh có xin chia của cho em, nhưng anh Ba
anh ấy nhất định không nhận. Anh ấy bảo ngày xưa cụ Bá xuất thân với cái nghề
bán nước vối rong thì nay anh ấy cũng cứ theo cái nghề ấy.
- Dễ thường anh ấy điên?
- Chẳng điên thì cũng lẩn thẩn. Thiên hạ lại có người chê của
thì cũng lạ!
Trong khi các bà khác kháo chuyện anh thì Ba đương rẽ xuống
ruộng bán nước vối cho một bọn thợ gặt. Nghe tiếng rao trong trẻo, họ đã ngừng
tay cắt lúa và cất tiếng gọi:
- Anh Ba, đem nước xuống đây bán cho chúng tôi, nước vối của
anh chúng tôi uống hôm qua,hôm nay vẫn còn nhớ vị thơm ngọt. Chúng tôi đương
mong ngóng anh đây!
Chẳng mấy lúc ấm nước đã cạn. Ba chạy về nhà rót đầy ấm khác
rồi lại đi bán rong cho khách qua đường, mãi xế chiều mới trở về nơi quán tranh
thổi cơm ăn. Cơm xong, Ba nghêu ngao hát chèo, hát trống quân chơi rồi đi ngủ để
sáng hôm sau lại dậy sớm nấu nước vối đi bán.
Và anh tự cho là sung sướng, tự cho là đời anh đầy đủ. Phải,
anh còn thiếu một thứ gì? Anh có nhà để ở. Có một nghề ‘‘trong sạch’’ để kiếm
ăn. Anh không lo nghĩ, không phiền muộn, băn khoăn. Ngày ngày anh kiếm không những
đủ ăn, mà còn để ra được chút đỉnh. Số tiền ấy anh sẽ dùng vào việc thuốc thang
khi không may anh xảy ra đau ốm. Nhưng anh chắc chắn rằng không khi nào anh sẽ
đau ốm được. Anh ăn uống có điều độ, ngủ thức có điều độ. Công việc làm không
những anh cho là không vất vả mà lại còn có hứng thú nữa. Khi xưa ở nhà với
cha, không bao giờ anh để ý ngắm cảnh đẹp, không bao giờ anh để tai nghe chim
hót. Ngày nay thì anh coi như đó là những vật sở hữu của anh. Buổi sáng tiếng
chim chích chòe làm cho lòng anh thư thái ; Buổi chiều tiếng chim sơn ca vừa
hót vừa bay thẳng vút lên trời xanh làm cho trí anh cao rộng.
Rồi thân thể anh nở nang ra dưới gió mát, dưới nắng trong, dưới
làm không khí thênh thang nơi đồng áng. Cả mưa dầm gió lạnh cũng không làm cho
thân anh hao tổn, trái lại nhờ thế mà bắp thịt anh rắn chắc lại, mà lòng can đảm,
chí phấn đấu của anh tăng mãi lên. Và anh càng thấy anh sung sướng.
Một buổi sáng, Ba dậy sớm nấu nước vối xong rót vào ấm đất ra
đường rao bán. Nhưng hôm ấy không phải là ngày phiên chợ nên anh phải đi một
quãng đường dài để đến bán nước cho bọn thợ cấy ở các thửa ruộng xa. Gần tới
nơi, anh gặp một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi mệt lả ở bên vệ đường. Ông lão uể
oải giơ tay vẫy anh, như không còn đủ sức để cất tiếng gọi. Ba lại gần hỏi:
- Cụ xơi nước?
Ông lão gật đầu. Rồi Ba chưa kịp rót nước ra bát, ông lão đã
giựt lấy cái ấm đất và ngậm vòi uống ừng ực. Ba vội kêu:
- Ấy nước nóng, khéo không cụ bỏng mồm đấy.
Nhưng lạ chưa. Không những ông lão không bỏng mồm mà ông còn
có vẻ khoan khoái nữa. Một lát, ông đưa cái ấm đất trả lại Ba. Anh cầm thấy nhẹ
bỗng, ghé mắt nhòm vào trong thấy ấm ráo hoảnh. Ông lão mỉm cười nói:
- Lão uống mất nhiều phải không? Lão khát quá đi mất thôi.
Không có ấm nước vối của anh thì không khéo lão đã chết rồi. cám ơn anh nhé.
Thôi, lão đi đây, bây giờ khỏi khát rồi thì lão đi xa đến đâu cũng được.
Dứt lới, ông lão đứng lên đi thẳng.
Ba không nói gì, chỉ vội vàng chạy một mạch về nhà rót đầy ấm
nước khác đem đi bán.
Hôm sau cũng vào lúc ấy và ở chỗ ấy. Ba gặp một bà lão nằm
rên khừ khừ. Ba ghé lại hỏi thăm:
- Cụ làm sao thế?
Bà lão đáp:
- Già khát lắm mà không có tiền uống nước. Không khéo già chết
khát mất thôi.
- Thưa cụ, có nước vối nóng đây, xin mời cụ xơi, Bao giờ cụ
có tiền cụ trả cũng được.
- Nhưng già làm gì có tiền, già nghèo lắm.
- Mời cụ cứ xơi, cháu xin biếu không cụ một bát.
- Một bát thì thấm thía vào đâu!
- Vậy mời cụ muốn uống bao nhiêu tùy ý.
- Thế à?
Bà lão vui sướng vồ lấy cái ấm đất, nhưng tay bà run lẩy bẩy
đánh rơi ấm xuống cỏ, nước đổ lênh láng.
- Thôi, thế này thì khổ già rồi. Đổ không còn lại một giọt
nào nữa.
Ba không lộ vẻ thất vọng, không thốt một lời gắt gỏng hay
phàn nàn. Anh chỉ ôn tồn bảo bà lão:
- Cụ chịu khó ngồi đấy chờ cháu một lát, cháu về nhà lấy ấm
nước khác đem đến mời cụ xơi.
Rồi anh xách cái ấm đất cắm đầu chạy thực mau về nơi quán
tranh, trong lòng chỉ áy náy lo rằng nếu mình chậm trễ thì bà lão kia sẽ chết
khát mất. Lúc ra tới chỗ cũ thì quả bà lão, mệt lả vì khát, đương nằm phục bên
đường. Anh vừa thở hổn hển vừa gọi:
- Cụ ơi, nước đây rồi, cụ dậy mà uống.
Bà lão vội vàng ngồi dậy nói:
- Ồ! Thế thì tốt quá!
Rồi choàng tay ra vồ lấy cái ấm đất. Nhưng trong lúc hấp tấp,
bà ta lại đánh đổ hết nước trong ấm.
Lần thứ hai, Ba xách ấm chạy về nhà. Không những anh không bực
tức và oán trách bà lão, mà anh còn cố chạy mau hơn lần trước, vì sợ bà lão đã
khát quá không khéo lần này anh sẽ không kịp cứu sống.
Nhưng Ba cứu sống được bà lão, vì lần cuối cùng này anh rất cẩn
thận, cầm ấm và bát rót nước cho bà lão. Bà uống luôn ba bát, và mặt bà tỉnh
táo hẳn lên. Bà mỉm cười nói:
- Anh tốt bụng lắm, vừa thương người vừa nhẫn nại. Thương người
già yếu thì có người bằng anh đấy, nhưng nhẫn nại như anh thì có lẽ không một
ai nữa. Nước của anh đổ, anh đã không tức giận, không tỏ lòng tiếc, lại còn hấp
tấp chạy về nhà lấy ấm nước khác để cho người đánh đổ nước của anh uống; anh thực
là một người hiếm có và giống hệt cha anh thửa còn hàn vi….
Ba kinh ngạc hỏi:
- Thưa cụ, cụ biết cha cháu từ thời cha cháu hàn vi?
Bà lão cười đáp:
- Phải, tôi biết lắm. Vì chính tôi đã giúp cha anh trở nên
giàu có. Tôi thấy cha anh là người phúc hậu nên tôi thương, - tôi nói ngày xưa
cơ, chứ về sau cha anh đã thay đổi hẳn, không còn dễ dàng và có lòng tốt thương
người nữa. Cho hay đó vẫn là lẽ tự nhiên, khi người ta giàu có thì người ta dễ
thay đổi tính tình…
- Vậy thưa cụ, cụ là ai?
- Tôi là linh hồn cái ấm đất này. Tôi là thần Ấm Đất, và cũng
như cha anh ngày xưa, nhờ phép tôi, anh sẽ trở nên giàu có ngay lập tức. Anh đã
hiểu vì sao cha anh chia cho anh cái ấm đất này chưa? Anh đã hiểu vì sao thương
yêu anh nhất trong ba con, cha anh đã chia cho anh phần gia tài quý báu này
chưa? Trong ba phần gia tài thì phần này to hơn nhất, mà to hơn nhất là vì tôi
sẽ có phép làm cho anh giàu có hơn cả hai người anh không tốt của anh? Anh thì
anh tốt lắm. Hôm qua tôi đã thử anh một lần, hôm nay tôi lại thử anh hai lần nữa,
đều thấy anh vẫn không thay lòng đổi dạ.
Ba ngây người đứng nghe, tưởng mình đương chiêm bao. Bà lão lại
tiếp:
- Cha anh chia cho anh phần gia tài này còn vì một lẽ nữa. Là
nếu cái ấm đất có lọt vào tay hai người con lớn của cha anh thì họ cũng chẳng
biết, chẳng thèm dùng đến. Mà có dùng đến thì cũng chẳng được tôi hóa phép giúp
đỡ, vì tôi rất ghét cái tính ngạo mạn và huênh hoang của chúng. Cha anh biết chỉ
có anh mới cảm động nổi tôi. Quả thực anh đã được lòng tôi, vì tôi đã hiện lên
đây để giúp đỡ anh.
Ba vẫn ngây người không hiểu. Anh nhắc lại:
- Giúp đỡ cháu?
- Phải, giúp đỡ anh. Nhưng trước khi hóa phép, tôi hỏi anh
câu này: ‘‘Anh muốn giàu có như cha anh và suốt đời lo nghĩ, băn khoăn, cặm cụi,
mong ước mỗi ngày một giàu có mãi hơn lên, phải, anh thích cái đời giàu có và
không bình tĩnh một chút nào ấy hay cái đời đủ ăn và luôn luôn thư thái, không
làm phiền ai và không bị ai làm phiền mình. Tóm lại, anh thích một đời giàu có
hay một đời sung sướng?’’
Hai tiếng ‘‘sung sướng’’ như đánh thức Ba.
Anh không ngần ngừ nữa, quả quyết trả lời:
- Cháu chỉ ao ước được sung sướng, suốt đời sung sướng.
- Nghĩa là anh không ham giàu?
- Không.
- Anh không thích sang?
- Không.
- Anh không thích ở nhà lầu? Anh phải biết ở nhà lầu, cao
ráo, sạch sẽ, mát mẻ.
- Thưa cụ ở nhà tranh cũng có thể cao ráo, sạch sẽ, mát mẻ được.
- Anh không thích ăn sơn hào, hải vị? Sơn hào, hải vị ngon lắm
chứ?
- Thưa cụ, rau muống, đậu phụ chấm tương cũng ngon lắm mà lại
lành?
- Anh không thích được ngắm những thửa ruộng thẳng cánh cò
bay của mình.
- Thưa cụ, cháu thường được ngắm nhiều hơn thế, cháu thường
được ngắm những cánh đồng lúa chạy thẳng tắp đến tận chân trời.
- Nhưng đó không phải ruộng của anh.
- Thưa cụ như thế càng hay, vì cháu được ngắm cái đẹp mà
không phải chăm nom săn sóc tới.
- Nhưng thóc sẽ về tay người khác.
- Nhưng người ấy có ăn được hết số thóc đâu? Cháu không có một
tấc ruộng nào mà hằng ngày vẫn đủ no. Tiền bán nước vối cũng đủ nuôi sống cháu
rồi.
- Vậy anh muốn gì? Anh muốn tôi giúp anh như thế nào, vì thế
nào tôi cũng phải giúp anh. Tôi là bạn thân của cha anh thửa xưa, cha anh đã
phó thác anh cho tôi, chẳng lẽ tôi lại để anh nghèo đói, khổ sở, chẳng hóa ra
tôi phụ lòng tin cậy của cha anh lắm ư?
- Thưa cụ, quả cháu không khổ sở. Nếu cụ làm cho cháu cứ được
vui vẻ, sung sướng suốt đời như ngày hôm nay thì cháu cám ơn cụ lắm.
Bà lão đứng dậy nói:
- Anh sẽ vui vẻ, sung sướng suốt đời.
Rồi bà biến đi.
Sáng hôm sau Ba dậy sớm để nấu nước, nhưng lạ quá! Cái ấm đất
ai đem để ngay trong nồi, và lạ hơn nữa! Cái ấm đất ấy đựng đầy nước vối nóng.
Ba rót ra bát nếm thử thì thấy nước ngọt và thơm hơn mọi ngày nhiều. Anh vui mừng
xách ấm đi bán rong. Và mãi chiều anh mới về nhà thổi cơm ăn vì cái ấm đất kỳ dị
của anh không bao giờ nước vơi, nên anh không cần về lấy thêm. Hàng anh bán lại
chạy gấp năm, gấp mười trước: Hình như tiếng rao của anh có phép thiêng lôi cuốn
khách lại.
Đó là pháp thuật của thần Ấm Đất. Thần đã chuẩn lời mong ước
của Ba: Suốt đời sung sướng.
Và Ba sẽ suốt đời sung sướng với cái ấm đất linh thiêng bao
giờ cũng đầy nước vối thơm ngọt.
Ba sẽ sung sướng được sống một đời trong sạch.
Ba sẽ sung sướng với sự giúp đỡ kẻ nghèo, vì không cần giàu
có, Ba cũng có thể giúp đỡ được kẻ nghèo bằng một bát nước vối nóng thơm, ngọt.
Ba sẽ sung sướng vì một đời bình dị sẽ không bao giờ thay đổi
lòng Ba như một đời giàu có: Ba sẽ mãi mãi giữ được nguyên vẹn lòng tốt của
mình.
Không có lòng tốt thì người ta sung sướng sao được.
Ba sẽ suốt đời sung sướng.
Khái Hưng
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét