Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Khúc ca Phạm Thái - Thơ Nguyễn Đình Toàn

Khúc ca Phạm Thái
Thơ Nguyễn Đình Toàn

Nguyễn Đình Toàn còn có bài thơ Khúc Ca Phạm Thái cũng rất nổi tiếng. Bài thơ ghi lại hình ảnh chàng tráng sĩ Phạm Thái yêu Trương Quỳnh Như, em ruột của người bạn thân là Trương Quang Ngọc, mối tình đó đã trở thành tình sử trong văn học Việt Nam mà Khái Hưng đã viết thành tiểu thuyết Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Bài thơ với ngôn ngữ mang mang hào sảng, nói lên chí khí của người tráng sĩ mang gươm đi cứu nước, nhưng thất bại, phải dẹp bỏ cuộc tình riêng, giọng thơ hào khí ngất trời.
Phạm Thái (1777-1813) là một danh sĩ vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, còn có tên là Phạm Đan Phượng (hay Phạm Phượng Sinh, Phạm Phụng), quê gốc ở Từ Sơn, Bắc Ninh (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). Năm 20 tuổi, Phạm Thái cùng Trương Quang Ngọc (Phổ Tỉnh thiền sư) và Nguyễn Đoàn tổ chức phong trào ‘phục Lê’, nhưng thất bại, bị truy nã, Phạm Thái phải trốn vào tu ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) và có đạo hiệu là Phổ Chiếu thiền sư (hay Chiêu Lỳ). Vài năm sau, Phạm Thái được một vị quan ‘bảo lãnh’ đón về và rồi làm gia sư ở nhà một vị quan khác.
Ở đấy, Phạm Thái quen một người em gái của bạn mình, nàng tên là Trương Quỳnh Như – một nữ sĩ có tài sắc vẹn toàn. Thế là Phạm Thái và Trương Quỳnh Như bị ‘sa lưới tình’, cùng thư từ qua lại và hẹn hò yêu đương. Cha của Trương Quỳnh Như đồng ý, nhưng mẹ của nàng không đồng ý. Rồi trong khi Phạm Thái về quê để tìm người mai mối thì một công tử nhà giàu là Trịnh Nhị đến đòi lấy Trương Quỳnh Như. Bị ép gả, Trương Quỳnh Như tự tử, còn Phạm Thái đi lang thang làm thơ văn thất tình rồi mất năm 36 tuổi, tại Thanh Hóa.
Khúc Ca Phạm Thái của Nguyễn Đình Toàn hơi thơ giống bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác. Cho nên trong những cuộc vui chơi với bằng hữu, những người thích thơ, biết làm thơ hay cảm thơ, mỗi khi ngồi uống rượu với nhau thường ngâm bài thơ này:
Ta, tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm
Ta, anh hùng hề, sự nghiệp có đẫy đôi mắt Trương Quỳnh Như
Chí nhỏ lòng kiêu, đổ thừa vận rủi
Tài sơ sức mỏi, trách vấy thời cơ
Lòng chua cay, uống mãi rượu giang hồ
Nâng chén lửa đốt tàn dần năm tháng
Hồn đau thương, những đêm trường bốc cháy
Ngựa ngông cuồng khua gót nhớ quan san
Trời mưa buồn hay nhỏ lệ nhân gian
Men ứa lạnh trên đầu tay giá buốt
Chợp năm canh gà chừ, tóc hồ điểm bạc
Thù nhà chưa trả chừ, nợ nước vai mang
Thẹn mặt làm ngơ chừ, tủi thân hồ hải
Gục đầu lên gươm chừ, máu đỏ chứa chan
Ta là sao tinh đẩu
Cao vút trời cô đơn
Sáng không đủ soi đường cho người chừ, đêm chưa đành tắt
Một minh` ta với lòng ta chừ, bão táp khôn nguôi
Biển động bốn phương chừ, sóng đau gào thét
Giấc mơ thù hận chừ, máu đỏ tay người
Cơn say dở khóc dở cười
Thành nghiêng núi lở đất trời là đâu
Chuông rung đã lọt tiếng cầu
Em ơi, tỉnh dậy, nghe sầu vào thơ
Ta yêu nàng ư?
Ta giết nàng ư
Ta thương nàng ư?
Ta khóc rồi ư?
Tóc nàng thơm chừ hồn ta ngây ngất
Mắt nàng là đèn hoa soi đêm tối hồn ta
Gót hương trầm dáng kiều thơm dịu ngọt
Xiêm y nồng nàn ngón nhỏ búp tiên nga
Nàng là thơ, ta là rượu mê hoa
Trời nâng giấc, ban ơn dày xuân mới
Ta nhớ nàng điên cuồng lên tiếng gọi
Quỳnh Như ơi!
Quỳnh Như ơi!
Ai đội mồ nàng lên
Thơ nàng buồn thành những chiếc gai êm
Mọc lên giữa linh hồn ta sầu tủi
Mây ngũ sắc kết nên lầu ngóng đợi
Sao Ngân Hà mở hội đón em đi
Thuyền trăng đây, ta xin chở em về
Trong lưng chén long lanh chừ, đau lạnh môi tê
Ta ôm nàng trong đôi tay xưng húp
Ta cắn xiêm nàng, vỡ nát chén si mê
Quynh` Như ơi
Hồn ta đây, mời em về ngự trị
Rồi thơ thần, ta giáng bút cho nhau
Rồi trải thơ làm gấm nệm tân hôn
Ta sẽ cưới nhau dưới muôn nghìn tinh tú
Xin đừng bạn bè
Xin đừng chí cả
Ta sắp gặp nàng
Ta sắp gặp nàng đây
Gió đã mách nàng đang về trên đài kiêu khai nụ
Ta nghe bước chân nàng vừa thoắt nở thành hoa
Rượu còn đầy vò, trăng còn sáng trên thơ
Xin đừng để ngai hồn ta trống vắng
Nào Tiêu Sơn, chuông chùa nào nín lặng
Hãy chiêu hồn cho đội mộ nàng lên
Nàng chết rồi ư?
Ta khóc rồi ư?
Em ơi, tám hướng sông hồ
Mười năm ngang dọc bây giờ là đây
Sự đời chừ đã trắng tay
Ngủ vùi một giấc cho đầy gối tham
Ta say hay ta tỉnh?
Nàng buồn hay nàng vui?
Ngọc châu pha vỡ tiếng cười
Lược gương xin chải ngậm ngùi cho nhau
Môi nàng là mật đắng
Tóc nàng là bão đau
Mắt nàng thành mộ tối
Hồn ta là đêm sâu
Áo bào hiên ngang hề, bụi đường mốc thếch
Chuông kinh cầu nguyện hề, lời đầy tên nàng
Trời rộng thênh thang hề, chim thiêng rã cánh
Canh khuya mòn mỏi hề đối bóng sầu tương
Tinh đẩu lu mờ hề thơ run hồn thép
Ngựa ghê đá sắc hề xa lắc biên cương
Rát mặt anh hùng hề nàng là gió mát
Xin tạ tình nàng hề lệ đau một hàng
Heo may đã nổi lá vàng
Buồn xưa chừng cũng động ngàn bay xa
Mộ nàng bao cỏ úa
Lòng ta mấy xót xa
Rưng rưng chén nhỏ trào tâm sự
Ta thương nàng hay ta thương ta?.
Nguyễn Đình Toàn
Hoài Nguyễn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...