Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Trên chốt mỏm dài

Trên chốt mỏm dài

Hoàng Đình Bường ở Quảng Bình vừa làm thơ vừa viết ký. Ông đã xuất bản một số tác phẩm như “Điểm danh” (thơ), “Hành khất thời gian” (thơ), “Yên Ngựa sau cuộc chiến” (bút ký),… Nhà văn áo lính Nguyễn Thế Tường từng chia sẻ: “Là một sinh viên nhập ngũ và tham chiến những năm cuối của cuộc chiến tranh giải phóng, như nhiều sinh viên văn khoa khác, Hoàng Đình Bường mang theo trong bản thể cái “hội chứng chữ nghĩa” trên mỗi bước hành quân vào chiến trường và trong từng trận đánh, trong mỗi giờ “giải lao” giữa hai đợt phản kích”. Bản thể cái “hội chứng chữ nghĩa” ấy cứ trải dài trong những bút/hồi ký sau này của Hoàng Đình Bường. Vanvn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc hồi ký “Trên chốt mỏm dài” của ông.
HOÀNG THỤY ANH giới thiệu
Đầu năm 1974, từ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, tôi nhận lệnh về Đại đội 2 giữ chức vụ Trung đội phó, rồi Trung đội trưởng trong bối cảnh chiến sự vô cùng ác liệt ở cụm cao điểm Đồi Nón, Đồi Loong, Bạch Đàn A, Bạch Đàn B, Mỏm Đỏ, Mỏm Dài, Mỏ Tàu, Đá Đen (201)… Hết xuân đến hè, hết mưa lại nắng, đạn bom mù mịt, pháo cấp tập như bắn liên thanh. Tết Giáp Dần đến lúc nào chẳng biết. Đất bị cày đi xới lại như đất trồng sắn, đỏ nhức mắt. Chúng tôi chui rúc trong đó, phản công giữ chốt. Hầm kiên cố trên Mỏm Đỏ, công sự, chiến hào bị san phẳng. Đêm nào cũng phải đào bới như con dúi đục xuyên ruột đồi. Bộ đội kiệt sức, không có thời gian nghỉ ngơi. Nổ súng liên tục, pháo địch dội ầm ầm. Đất chiến hào quánh máu tanh nồng nặc.
Anh Sầm Văn Chương (Quỳ Hợp, Nghệ An) phụ trách Trung đội trưởng khoảng hai tháng thì tự nguyện về vị trí cũ, Trung đội phó. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách Trung đội trưởng, rồi Trung đội trưởng Trung đội 3, sau đó ít lâu còn đảm nhận thêm chức vụ phụ trách Đại đội phó Đại đội 2. Chẳng oai phong sung sướng gì đâu. Lên chức vụ, muôn vàn mối lo, cận kề chết chóc, đau thương. Nhiều đêm không chợp mắt nổi. Một số chiến sĩ xin rời chốt vì quá ốm yếu. Tết Giáp Dần pháo bắn kéo dài, cơm không đem được lên chốt, nhịn đói. Rồi hầm và chiến hào sập chôn vùi hàng trăm quả lựu đạn… Cơ man là việc phải làm, phải vắt óc suy nghĩ. Lại phải đến từng vọng gác tâm sự, động viên anh em bám chốt. Không phải tinh thần ý chí bộ đội giảm sút mà do thực tế trên chốt quá nghiệt ngã, ác liệt. Bản thân tôi cũng suy nghĩ không khác gì đồng đội nhưng có điều không thể nói ra, không được phép nói ra giữa lúc này. Con người cả thôi, sắt đá gì đâu. Ai mà không sợ chết, nhiệm vụ tối thượng phải thực thi, sẵn sàng hy sinh. Vậy thôi.
Ít lâu sau, Mỏm Đỏ bị địch tái chiếm. Chúng tôi lại điều nghiên, chuẩn bị đánh vận động tấn công. Tôi cùng chiến sĩ Nguyễn Trường Sơn theo tổ trinh sát bí mật tiếp cận lên gần đỉnh thì quả mìn Claymo nổ tung phía bên trái, bi bay vèo vèo. Sơn bị thương nặng nằm tại chỗ, địch bắt sống nhưng sau đó tử vong. Nguyễn Trường Sơn là lính Nam Hà vừa mới vào chiến trường mấy tháng nhưng chiến đấu rất gan dạ, kiên cường, dũng cảm. Mười tám tuổi đời, chưa tròn tuổi quân đã hy sinh. Xót xa, đau đớn quá, Sơn ơi! Một tuần sau, chúng tôi tổ chức đi lấy xác tử sĩ thì thi thể Sơn đã bắt đầu phân hủy, trương phồng. Địch còn đặt một quả lựu đạn US đã rút chốt dưới lưng Nguyễn Trường Sơn để đánh bẫy ta nhưng không thành. Cái chết luôn rình rập lính chốt mọi lúc mọi nơi.
Đại đội 2 lại nhận nhiệm vụ mới. Trung đội 1 của Hồ Việt Hùng (Thanh Hóa) chốt ở Bạch Đàn B. Trung đội 2 của Long (Hải Phòng) ở lại hậu cứ phục vụ hậu cần, sẵn sàng cơ động chiến đấu. Trung đội 3 của tôi lên chốt Mỏm Dài. Trên đồi Bạch Đàn A, Tiểu đoàn bố trí khẩu đội 12,7 li của Nguyễn Đăng Bằng sẵn sàng chi viện hỏa lực. Không biết có duyên nợ gì, tôi và Bằng hay gặp nhau. Cậu ta học khóa sau và kém tôi 3 tuổi nhưng rất thân tình. Hồi còn là sinh viên, Bằng vẫn qua lại chỗ tôi tâm sự, kể chuyện đói triền miên. Vào chiến trường, tôi vác B41 chạy xô khắp Tiểu đoàn 1, rồi còn phối thuộc chiến đấu với Thành đội Huế và Tiểu đoàn 12 đặc công nhưng vẫn gặp Bằng mấy lần, lúc trên trận địa, khi ở hậu cứ. Tháng 8 năm 1972, tôi đánh địch tại Yên Ngựa suốt một ngày ròng rã, Bằng chốt trên đồi Không Tên chi viện 12,7 li khá kịp thời, góp phần giúp chúng tôi giữ được Yên Ngựa mặc dù thương vong nặng nề. Chuẩn bị kết nạp Đảng, thử thách thọc sâu xuống đồng bằng, Bằng cũng tìm đến tôi “xin ý kiến”.
Tôi tâm sự chân thành với đồng đội, không giấu điều gì. Ở chiến trường mà được kết nạp vào Đảng là sự ghi nhận thành tích chiến đấu, là vinh dự cao cả. Nhưng cái chết có thể đến gần hơn vì phải làm người lính đi đầu. Đó là điều thực tế rõ ràng, không hù dọa ai cả. Không có khả năng tổ chức chiến đấu và chiến thắng giặc, dù là đảng viên cũng không dám nhận chức quyền. Bài học nhãn tiền ở Đại đội 2 của tôi chứ có đâu xa. Cả Đại đội trưởng và Trung đội trưởng đều không muốn nhận chức vụ. Chuyện tưởng như bịa mà rất thật.
Trao đổi với Bằng bấy nhiêu điều khi tôi đã vượt qua rào cản con cháu địa chủ để đứng trong đội ngũ Đảng và đang giữ chức Trung đội trưởng. Tất nhiên, Nguyễn Đăng Bằng có đủ bản lĩnh và sự thông minh để quyết định chấp nhận thử thách vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau cuộc chiến, Bằng trưởng thành là PGS, Tiến sĩ, Chủ nhiệm khoa Triết rồi khoa Kinh tế nhưng không quên tôi, vẫn đi lại, quý mến nhau như thời còn sinh viên hay lúc ở chiến trường.
Trở lại Mỏm Dài, có hai điểm cách nhau chừng 700m, dài khoảng một cây số. Lau, đót và cây giang đã phủ gần kín mặt đồi sau cuộc chiến dịp tết Giáp Dần. Nắng thiêu đốt, vạt cỏ tranh ngả màu vàng như nói rằng mùa xuân đi qua đã khá lâu. Những bông lau trắng phất phơ gợi bao nỗi niềm trắc ẩn, hồn lau, hồn người nơi chiến địa… Dấu vết chiến tranh hằn rõ trên mình Mỏm Dài. Hố bom, pháo nham nhở từ trên đỉnh xuống tận chân đồi. Hầm hào công sự đổ sụp, hư hỏng nặng. Pháo địch vẫn nổ đì đùng nhưng không có tiếng súng bộ binh. Trước mắt, chưa có xung đột, đỡ căng thẳng. Đối phương có vẻ xuống sức. Tôi đoán vậy ở thời điểm hiện tại, sau này thì chưa rõ ra sao. Chốt nào tôi đã trải qua đều gian khổ, ác liệt.
Tạm yên bình, im ắng một chút là bắt đầu suy tư, tôi nhớ lại chặng đường chiến đấu đã qua mà lạnh cả người. Gian khổ, ác liệt, tổn thất mất mát kinh hoàng mà mình vẫn còn sống! Đồng đội lính sinh viên mỗi Đại đội còn vài người. Bị thương ra Bắc khá nhiều, có người đã trở về nhập học tại trường ĐHSP Vinh. Khoa nào, lớp nào cũng có bạn bè hy sinh. Quê hương, gia đình, người thân bên kia sông Bến Hải giờ ra sao… Nhớ quá! Giá như lúc này mà ở miền Bắc thì sướng biết mấy. Hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã chấm dứt, hòa bình rồi. Dẫu rằng người Bắc vẫn luôn nhớ người Nam: “Súng vẫn thức, vui mới giành một nửa/ Nên bâng khuâng sương biếc nhớ người đi/ Miền Nam ơi! Tiền tuyến ước mơ gì/ Mà đất nước xôn xao lời Bác gọi” (Tố Hữu). Chúng tôi ở trong này thì dài cổ ngóng trông ra ngoài đó. Nỗi niềm khắc khoải như tâm trạng của Huỳnh Văn Nghệ trong bài thơ Nhớ Bắc: “Ai về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long /… Vẫn nghe tiếng hát miền Quan họ/ Xen nhịp từng câu Vọng cổ buồn/ Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ/ Mỗi lần man mác hương sầu riêng…”
Trở lại với hiện tại, thương cho tôi, thương cuốn Nhật kí – thơ, chẳng cầm súng bắn ai nhưng cũng đã “hi sinh”. Bị thương, vào viện 94 và Trạm xá Nam, tôi vắt óc cố gắng “tái sinh” nó nhưng chỉ được một phần thơ, văn xuôi thì bó tay. Lần này tôi quyết tâm bổ sung, tái tạo tiếp nhưng không dễ chút nào. Hôm nay đỡ bom đạn ác liệt còn ngày mai sẽ ra sao chưa biết. Những ngày qua, đặc biệt là trên chốt Sơn Na, Mỏm Đỏ ám ảnh tôi mãi. Ở Mỏm Dài, địch cũng đang dòm ngó, lăm le… Việc củng cố công sự hầm hào triển khai gấp rút và đúng kế hoạch là một tuần. Bộ đội xoay trần đào bới, cưa gỗ chuyển gỗ lên đồi, mồ hôi đổ ròng ròng, lấm lem đất đỏ. Các vọng gác luôn có chiến sĩ cảnh giới. Ở điểm phụ tôi bố trí Tiểu đội của cậu Thúc (Hải Hưng) gồm 7 chiến sĩ cắm chốt. Anh Sầm Văn Chương ở lại đây luôn. Điểm chính, trung tâm Mỏm Dài, tôi phụ trách có Tiểu đội của Hoàng Xuân Diệu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) và Tiểu đội của Ngô (Quảng Ninh). Hỏa lực B40 bên tôi có Tỵ, chỗ anh Chương là chiến sĩ Trình. Khu trung tâm còn có khẩu B41 của Quí (Bắc Thái). Bài học phi pháo địch bắn như mưa, đào tung các chốt nhắc nhở mọi người “làm nhà” cho mình, không cần nói nhiều. Chủ quan, sơ suất là chết. Sinh mạng hơn 20 cán bộ chiến sĩ buộc tôi phải suy tính kỹ, kiểm tra cụ thể trận địa. Cuối ngày thứ 6, tôi cùng anh Chương đi một vòng cả hai điểm chốt. Tới đâu cũng thấy anh em vui vì hoàn thành trước kế hoạch. Hầm chữ A, vọng gác, chiến hào thông tuyến, vượt thời gian. Dưới gầm hào, vọng gác, lựu đạn được xếp gọn gàng theo cơ số, hướng về phía địch. Tôi yên tâm, tin tưởng vào các chiến sĩ. Việc kiểm tra, thăm hỏi động viên bộ đội ít nhất mỗi ngày một lần vào mờ sáng. Đột xuất, có thể kiểm tra bất cứ lúc nào kể cả lúc nửa đêm.
Đêm sập cửa, quả đồi tràn ngập bóng tối tĩnh mịch, tôi tranh thủ đốt nhựa vỏ đạn cối, B40, B41… trong hầm sâu, không cho ánh sáng lọt ra ngoài, sao lục, bổ sung vào tập nhật ký – thơ. Khốn khổ, cuốn sổ thứ hai mới sử dụng cuối tháng 8 năm 1972 nay cũng đã bê bết đất, máu, nhàu nát. Đó là hậu quả của những trận đánh và chốt ở các cao điểm 303, đồi Sọ – đồi Ngụy, đồi Mồ Côi, 310, 312, Hạt Gạo, Mỏm Đỏ… Tôi chỉnh sửa, bổ sung những chỗ không đọc được, ghi thêm trang mới, chủ yếu là văn vần ngắn gọn. Bao nỗi niềm trong đó, tôi quý mến vô cùng đứa con tinh thần sinh ra trong lửa đạn, lớn theo năm tháng ở chiến trường. Sức sống mãnh liệt của nó góp phần cho tôi xuất bản 4 tập thơ và tập Bút ký. Suy nghĩ và viết được trên chốt, hy hữu chỉ ở Mỏm Dài và cũng chẳng có nhiều thời gian. Lại lo phòng thủ, chuẩn bị đánh nhau. Biết bao việc phải làm… Viết lách chả được bao nhiêu, chủ yếu là lược ký những sự kiện xẩy ra trong tuần bằng văn vần, na ná như thơ, cũng có bài thơ thật.
Đùng, đùng, đùng… Đoàng, đoàng, đoàng… Tiếng nổ xé óc. Hầm hào, công sự rung lắc chao đảo. Đất đá, cây giang, cây đót tung bay lên trời, rơi rào rào. Khói bụi mù mịt. Chân đồi, đỉnh đồi, bên trái, bên phải đều dính pháo. Hai chiến sĩ cùng tên là Trình ngồi bên tôi, bưng tai, im thin thít. Ngày thường, Trình xạ thủ B40 quê Thái Bình và Trình, Nam Hà luôn đấu khẩu, giờ chỉ tập trung vào tiếng nổ để đoán định mệnh mình …
Pháo bắn lần này không phải cầm canh mà tập kích rõ ràng. Sớm muộn gì Mỏm Dài cũng xẩy ra trận quyết chiến ác liệt như ở Mỏm Đỏ.
Sau đợt pháo kích, chốt chỗ tôi vẫn an toàn chỉ sập vài đoạn chiến hào và ụ súng cảnh giới. Tôi sang chốt của Tiểu đội Thúc do anh Chương phụ trách. Bộ đội vẫn lạc quan, tin tưởng, mọi hoạt động bình thường, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, không có biểu hiện gì về tư tưởng. Tôi yên tâm, chào anh Chương và các chiến sĩ rồi trở về khu vực chốt trung tâm.
Mỏm Dài không cao lắm, nhìn về biển Đông bị các đỉnh núi khác che khuất. Vậy mà tôi vẫn cứ vọng về Hoàng Sa. Giá như lúc này mà ở Vọng Hải Đài trên dãy Bạch Mã – Hải Vân cao 1444 mét thì thích biết mấy. Đứng đó, qua ống nhòm phóng xa có thể quan sát một phần lãnh thổ, tưởng tượng Hoàng Sa giờ sẽ ra sao. Ôi! Tổ quốc bao giờ mới được vẹn toàn?
Đạn vẫn nằm im trong nồng súng, chưa có đụng độ trực tiếp. Pháo địch cầm canh bắn vu vơ dựng nên nhiều cột khói ở phía sau, hình như có chạm đồi Bạch Đàn A của Nguyễn Đăng Bằng. Các chiến sĩ trên chốt vẫn vững tin, nêu cao cảnh giác, cảnh giới thường xuyên ở các vọng gác bên chiến hào. Hai tuần rồi không nổ súng đánh nhau, đỡ căng thẳng. Tôi nghĩ suy nhiều về cuộc chiến và thế sự đang diễn ra nhưng cuối cùng cũng chỉ trông ngóng đến ngày hòa bình. Ngày đó dù khổ mấy cũng hơn trăm lần chiến tranh. Chấp nhận tất cả, làm lại từ đầu. Và sẽ làm thầy giáo… Chớp thời cơ, tôi viết ngay bài thơ Trên chốt Mỏm Dài, lưu lại khoảnh khắc không thể nào quên trên chiến trường:
Ngó lên trời: mây đen chen mây bạc
Nhìn xuống đất: xơ xước vết thương
Biên cương: sôi sục
Mỏm Dài vừa giành từ tay giặc
Máu, đất vón cục
Tổ quốc vài trăm mét nhỏ nhoi
Tổ quốc rộng dài … thao thức!
Hoàng Sa … chớp giật
Trên chốt Mỏm Dài
(Chốt Mỏm Dài, 1974)
Tôi lên chốt Mỏm Dài, rồi rời Mỏm Dài tới Đồi Nón, Đồi Loong, Đá Đen (201)… trấn giữ đất, chiến đấu đến tận ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xuân 1975. Những dòng này viết ra khi đã qua nửa thế kỉ sống trong hòa bình hạnh phúc yên vui. Đổi thay lớn lao kỳ diệu trên mảnh đất vô cùng cao giá, tính bằng xương máu. Đất Mỏm Đỏ, Mỏm Dài… và cả Hoàng Sa nữa đều là đất Âu Lạc, kết dựng hình hài từ thuở hồng hoang. Đất nước hình chữ S. Đất nước vươn mình biển khơi nơi Trường Sa, Hoàng Sa cắm mốc biên cương.
30/4/2023
Hoàng Thụy Anh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Véo Von Tiếng Địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, c...