Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Một đời đơn lẻ

Một đời đơn lẻ

Chiến tranh kết thúc hơn một năm, tôi cùng nhiều anh em khác từ miền xuôi lên đây dạy học. Đến trình diện tại Ty Giáo dục Darlac, các anh bên tổ chức giới thiệu về Gia Nghĩa mặc dù xa nhất tỉnh nhưng khí hậu mát mẻ, ôn hòa, phong cảnh rất giống Đà Lạt! Thế là bùi tai, tôi thuyết phục bốn thằng bạn khác lên đấy dạy. Trong thâm tâm, tôi muốn lên đấy vì nghe nói qua bên Đà Lạt rất gần mà tôi lại có một “cô bạn” đang học sư phạm bên ấy. Đến nơi bọn chúng tôi mới biết mình bị cho ăn quả “ lừa”.
Bắt đầu những ngày đi dạy xa nhà, xa người thân ở cái xứ sở “giống Đà Lạt” này, bọn chúng tôi cảm nhận mình đã trở thành những tay lãng tử bất đắc dĩ.
Cái Thị xã bé như lòng bàn tay này vừa xong cuộc chiến, vẫn còn những dấu tích của chiến tranh để lại. Một cái Thị xã tỉnh lẻ ngày xưa chỉ dành cho những sắc lính. Nhà không số, phố không đèn. Đi dăm phút đã nhừ chân mỏi gối… Trường chúng tôi nằm trên ngọn đồi phía sau lưng cái chợ của Thị xã, nhìn xuống xung quanh chỉ thấy toàn cảnh rừng núi, nhà cửa lụp xụp. Buổi sáng la đà những đám sương trắng bàng bạc từ trong những cánh rừng già vây quanh cái “phố núi” này! So với Pleiku “đi dăm phút đã về chốn cũ” thì có lẽ ở đây chưa đầy một phút đã về nơi xuất phát!
Buổi tối chúng tôi đi loanh quanh dãy phố với những ánh đèn vàng vọt, vào uống trong cái quán café Biên Thùy của cô nàng Tường Vi, để nghe vài bản nhạc cổ điển không lời hoặc nhạc Trịnh…
Cuộc đời vẫn cứ êm đềm lặng lẽ trôi một cách … đáng sợ! Sáng đi dạy, trưa xuống bếp ăn tập thể, tối tranh thủ thăm gia đình học sinh, soạn bài và đi ngủ… Cứ như một điệp khúc lặp đi lặp lại đến phát chán.
Một công việc không thể thiếu với bọn chúng tôi là viết thư. Thư cho gia đình, cho bạn bè, người thân, người tình …
Cái nơi để “tải” những lá thư là bưu điện của Thị xã. Nó bé và liêu xiêu trông rất tội nghiệp. Thường thì chúng tôi viết rồi phân công nhau xuống dưới đó để mua tem và gửi thư đi… rồi chờ thư hồi âm.
Một hôm thằng Thanh, cùng nhóm bọn tôi, nhà ở Huế đi gửi thư của cả bọn. Khi về hắn ta bi bô:
- Tau mới phát hiện … mới lắm…
- Bộ mầy phát hiện ra … châu Mỹ chắc? Bọn chúng tôi trêu.
- Còn… hơn châu Mỹ ấy chứ! Một… giai nhân miền sơn cước…
- Mầy nói cái gì? Giai nhân gì cái xứ này! Trước đây là xứ đày lính còn bây giờ là … đày bọn “ngu” như chúng mình! Mà có hơn cái cô nàng Tường Vi – Biên Thùy không?
- Bảo đảm… ăn đứt! Tường Vi chỉ được cái dáng thon thon chứ… cái … mặt làm sao “ăn” con bé này!
- Còn trẻ không? Bọn tôi nhao nhao! Đúng là một lũ… tham lam. Mới vừa gửi thư cho “ bồ”xong, mới vừa nghe có gái đẹp là đã quên bén những lá thư … chưa kịp “bay” đi!
Rồi Thanh kể, bọn mình đâu để ý! Mấy hôm trước gửi thư có một ông già ngồi bán tem, ghi sổ, bỏ thùng thư. Tưởng cái bưu điện này chỉ có thế. Ai dè hôm nay mới xuất hiện người đẹp. Mà cũng đúng thôi! Bọn chúng tôi chân ướt chân ráo mới đến hơn một tháng chứ mấy, đã kịp biết gì đâu! Có thể mấy hôm trước cô ta ốm hoặc bận hoặc … hôm nay lại đi làm. Thế thôi… Thanh kể là cô nàng gốc Huế nên tao đã nhận “đồng hương” rồi. Hôm nào xuống rủ cô nàng đi… uống café làm quen. Thế là bọn tôi chưng hửng và cảm thấy ghen tị với Thanh vì nó chiếm thế thượng phong. Bọn tôi đứa Ban Mê Thuột, đứa Quảng Ngãi và có thằng nào Huế đâu! Nhưng rồi chúng tôi cũng xuống bưu điện để lân la… làm quen với “người đẹp” của thằng Thanh! Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng mà! Cái “đồng hương” của thằng Thanh là cái chi chi nếu không có cái … miệng!
Rồi bọn tôi cũng vờ xuống bưu điện hỏi thăm có thư hồi âm của lần trước chưa nhưng cái chính là chỉ diện kiến “dung nhan” nàng!
Quả thật, thằng Thanh nói không sạo tí nào! Nàng quá đẹp. Cứ như tranh vẽ một gương mặt nữ thần nào đó trong thần thoại Hy Lạp! Rất thánh thiện, không chút tì vết và rất … tự nhiên! Bọn chúng tôi đâm ra “ngọng nghịu” chỉ trừ thằng Thanh vì nó là … đồng hương với cô nàng và cũng đã “đi trước” bọn chúng tôi mà! Hỏi thăm vài chuyện bâng quơ, Thanh “gạ” nàng tối cuối tuần đến quán Biên Thùy uống café. Chúng tôi biết tên cô nàng là Tâm - Băng Tâm, ôi một trái tim băng giá!, ngại ngùng nhận lời… Tâm ngồi sau ghế sau quầy ghi-sê nên bọn chúng tôi cũng chưa hình dung ra vóc dáng của nàng, nhưng khuôn mặt thì tuyệt đẹp…
Ở cái phố núi bé tí xíu này dường như ai gặp nhau cũng rất dễ làm quen và thân với nhau. Bọn chúng tôi dạy học nên càng có nhiều người biết vì ai chả có con đi học, ai chẳng đi họp phụ huynh. Khi Băng Tâm nghe bọn tôi là những ông thầy thì có vẻ thiện cảm. Bọn tôi hí hửng, mỗi thằng có một … “ý đồ” riêng!
Buổi chiều thứ bảy cuối tuần, chị nhà bếp cho chúng tôi ăn sớm để nghỉ sớm. Bọn chúng tôi nằm chờ điện lên đèn mới xuống quán. Nơi đây điện chỉ lên đèn lúc tù mù sớm và cúp lúc gần 10 giờ khuya. Cả trường chỉ có anh Thái hiệu trưởng là có chiếc đài bán dẫn National “chạy pin” mà anh quý như cục vàng, cứ ôm khư khư để nghe tin tức thời sự. Còn bọn chúng tôi không quan tâm chuyện này. Cứ hai ba ngày là thấy anh tháo ra lau lau chùi chùi bên trong máy, bọn tôi chỉ cười tủm tỉm. Anh ấy người Bắc được đưa vô “chi viện” làm cái chức này và “chỉ huy” bọn thầy giáo trẻ miền Nam chúng tôi. Cả trường cấp hai lúc đó chỉ có bảy lớp với học trò lớn tồng ngồng có đứa chỉ kém tuổi thầy hai ba tuổi và cũng chỉ có sáu thầy một cô, trong đó một thầy một cô là “lưu dung”. Cô giáo duy nhất có gia đình và ở dưới chân đồi bên hông trường dạy Anh văn. Còn lại bọn tôi phụ trách tất tần tật các môn, phụ trách thiết bị, thư viện và còn kiêm cả quản lý nhà bếp…
Bọn tôi chỉ ba đứa tham gia “cái chuyện này”. Thanh, Tôi và Hữu. Mấy đứa kia, bọn tôi dấu nhẹm… Càng đỡ đối thủ, càng tốt mà!
Chúng tôi tìm góc khuất trong quán với ngọn đèn vàng leo lắt để tránh gặp người quen và … học trò.
Nhìn cái kim đồng hồ Seiko Five trên tay nhích dần nhích dần đến số 7, tôi và cả bọn nóng ruột, sợ cô nàng bận hoặc là … quỵt lời hứa.
Rồi cô nàng Băng Tâm của chúng tôi cũng đến…
Hữu là người phát hiện cô nàng đầu tiên và thảng thốt: - Chết mẹ rồi! Một cô nàng cà thọt … chúng mày ơi!!!
Bọn chúng tôi cùng nhìn ra ngoài cửa quán và quả thật, Băng Tâm đang đi nghiêng đi ngửa bước chân vào quán. Vẫn khuôn mặt thiên thần ấy nhưng sao … kỳ vậy! Không lẽ cô nàng là phù thủy “thử” chúng tôi. Thấy chúng tôi, thằng nào thằng nấy như Từ Hải chết đứng, cô nàng chắc hiểu ý nghĩ trong đầu bọn chúng tôi. Cả ba đứa đều hụt hẫng kể cả cái thằng Thanh tự xưng là “đồng hương” của cô nàng! Nhưng trong cái cảnh… tiến thoái lưỡng nan này, chúng tôi cố gắng lấy lại tinh thần. Cũng may mà chưa thằng nào sỗ sàng tán tỉnh cô nàng …
Dù sao chúng tôi cũng phải cố tỏ ra … lịch sự, mời cô nàng ngồi rồi gọi café. Trong đầu chúng tôi, đứa nào chắc cũng tan vỡ một … giấc mơ hoa!
Rồi chúng tôi cũng nói chuyện một cách tự nhiên với nhau sau phút giây… thảng thốt. Cô nàng ngồi xuống chiếc ghế thì chúng tôi chỉ còn thấy một gương mặt thiên thần. Ai lại nhìn chân cẳng người ta mà nói chuyện chứ!
- Chắc các anh … thất vọng khi gặp … em? Cô nàng lên tiếng trước, như muốn đánh tan cái không khi nặng nề.
- Thất vọng gì cơ chứ! Bọn chúng tôi mới lên đây chưa lâu, chưa có bạn bè nhiều nên muốn … làm bạn với cô và những người khác cho đỡ buồn thôi! Cô yên tâm đi! Cứ nói chuyện vui vẻ… Tôi trấn an cô nàng…
Sau vài câu chuyện xã giao tự giới thiệu về chúng tôi, Băng Tâm mới giới thiệu về mình.
- Em có thằng em trai cũng học trường của mấy anh. Nó có kể là có mấy thầy giáo mới về. Nhà em bên phải ngọn đồi của trường mấy anh. Hằng ngày em vẫn đi làm qua về, chắc mấy anh … không để ý!
Quả thật, bọn chúng tôi đâu có để ý người đi kẻ về dưới chân đồi làm gì. Dạy xong, ăn xong là lăn ra chiếc giường cá nhân mà nằm, mà suy tưởng mỗi thằng mỗi kiểu. Có đâu đứng bên hàng rào mà nhìn thiên hạ! Họp phụ huynh thì họp ban đêm, mỗi thằng phụ trách một thôn. Làm sao mà biết được tường tận những ai. Vả lại bọn chúng tôi cũng chỉ đến nơi này hơn tháng trời, làm sao biết được những chuyện … như thế này!
Rồi Băng Tâm, với giọng Huế dịu dàng kể về cuộc đời của cô ấy, một cuộc đời bất hạnh và với tôi … ám ảnh để thành cái truyện này!
Băng Tâm là một người gốc Huế, trước 75 cùng mẹ theo cha là một công chức ngành công chánh làm việc ở cái tỉnh lẻ heo hút này. Năm lên mười hai, sau một trận bệnh, hai chân của cô bị tê liệt, teo lại và không phát triển nữa. Ba mẹ cô buồn khổ, chạy thầy chạy thuốc khắp nơi, từ Huế đến Sài Gòn để chữa trị nhưng chỉ hạn chế phần liệt, còn đi lại hết sức khó khăn. Rồi cô cũng vượt qua được cái khó khăn của mình và đỗ Tú tài toàn phần. Sau đó ở nhà trông nom nhà cửa, đọc báo chí. Một dịp buồn quá, đọc trên báo thấy có cuộc thi “Ảnh hậu”, cô thử tham gia cho vui vì cô biết mình đẹp… Kết quả cũng bất ngờ, cô đạt giải nhất cuộc thi và phần thưởng hơn triệu đồng hồi đó! Ban tổ chức cuộc thi viết thư mời cô về Sài Gòn nhận thưởng nhưng mặc cảm hình hài mình như vậy nên khước từ lời mời. Họ đã gửi tiền về theo địa chỉ của cô. Ảnh của cô được đăng trên một số tuần san của báo chí Sài Gòn… Rồi qua mục “Tìm bạn bốn phương”, nhiều và rất nhiều người đa phần là nam giới gửi thư đến kết bạn với cô. Cũng rất nhiều người đàn ông tỏ tình qua thư gửi, thậm chí muốn sau này kết hôn với cô… sau khi tìm hiểu.
Nhàn rỗi, cô cũng viết thư hồi âm cho một số người bạn bốn phương thân thiết, trong đó anh chàng Đức, một trung úy của quân đội miền Nam. Chưa một lần gặp mặt nhưng qua những cánh thư đi thư về, Băng Tâm và Đức yêu nhau, thề thốt với nhau và hẹn sẽ gặp nhau.
Thời chiến tranh, anh ấy đóng quân ở một đơn vị hậu cứ tận Tây Ninh thỉnh thoảng về thăm nhà ở Sài Gòn. Con đường từ Sài Gòn và Ban Mê Thuột lên Gia Nghĩa cách trở vì an ninh, vì chiến sự, vì bom mìn…
Cái Thị xã miền núi này hầu như bị cô lập với bên ngoài. Chỉ những đoàn công-voa quân đội có hộ tống đi hành quân mới lên được. Còn hàng hóa thực phẩm lương thực mới lên được bằng đường bộ, hầu hết là bằng máy bay quân sự cũng như dân sự. Đường 14 bị cày xới bởi bom mìn nên ít ai dám một mình đi trên nó. Thế mà, có lần vì nhớ và nóng lòng muốn tận mắt nhìn thấy người mình yêu, Đức cùng với một tài xế đã lái xe Jeep từ Tây Ninh để gặp nàng! Đức tìm đến nhà nàng một cách bất ngờ như cơn lốc khi chiếc xe Jeep lùn bụi đường bám đầy, trên xe toàn là súng ống lựu đạn… dừng trước cửa.
Băng Tâm kể khi Đức gặp nàng cũng giống như mấy anh hôm nay, cũng lặng người đứng nhìn. Trong bộ quân phục đầy bụi đường bẩn thỉu, Đức như chết đứng khi sự thật về người yêu trong mộng quá phủ phàng. Rồi họ ôm nhau khóc, khóc cho số phận và ông tạo trớ trêu… Nhưng sau đó mấy ngày ở lại chơi với gia đình, Đức dõng dạc thưa với Ba Mẹ nàng là anh xin cầu hôn, dù Băng Tâm có là gì đi nữa… Anh nói với gia đình Băng Tâm là sẽ báo cho Ba Mẹ ở Sài Gòn thu xếp trong một thời gian sớm nhất lên trên này cầu hôn và xin cưới nàng cho anh. Anh kể gia đình mình là thương gia buôn bán lương thực, khi về làm dâu, nàng chỉ giúp gia đình trong việc quản lý sổ sách … Băng Tâm cảm động, xóa đi mặc cảm tật nguyền của mình và… nhận lời cầu hôn của anh. Trước khi trở lại đơn vị, Đức tháo chiếc thẻ bài trên cổ của người lính và gửi cho nàng như là một kỷ vật làm tin…
Rồi họ chia tay với những hy vọng.
Một thời gian sau, Đức im lặng và không liên lạc. Nàng buồn lo lắng không biết người yêu mình ra sao!
Bất chợt một ngày, Băng Tâm nhận được một lá thư viết rất dài. Thư viết mà nàng đọc tới đâu thì khóc tới đó. Trong thư, Đức kể bây giờ anh đã xin ra một đơn vị bộ binh tác chiến và chắc có lẽ lên trên này để giải tỏa Chi khu Kiến Đức đang bị VC vây hãm. Chuyện anh với nàng, anh kể với gia đình nhưng bà mẹ anh quá khắc khe, kiên quyết phản đối không đồng ý. Đó cũng chính là lý do anh “dọa” mẹ và xin đi tác chiến! Nếu mẹ chuyển ý thì anh xin trở lại đơn vị cũ… Thế nhưng bà mẹ vẫn chưa chịu!
Băng Tâm buồn tủi cho số phận trớ trêu của mình. Ngày ngày mang chiếc thẻ bài trong đó có tên của người yêu, số quân và loại máu ra ngắm cứ như là có anh bên mình…
Tình hình chiến sự ngày càng gay cấn. Đơn vị của Đức được điều lên tăng viện giải vây bị thương vong khá nhiều. Một ngày kia hung tin đến với nàng – Đức bị tử trận khi đơn vị rơi vào một trận phục kích bằng pháo trận địa. Nàng như không tin vào tờ giấy báo tử của đơn vị gửi về cho nàng… Nàng như cấm khẩu cả một thời gian dài và hàng ngày lặng lẽ bên chiếc thẻ bài…
Không một tấm chân dung của Đức cho nàng thờ phụng ngoài di vật cuối cùng. Nàng nói với chiếc thẻ bài như nói với anh, thề sẽ ở vậy suốt đời…
Chúng tôi ngồi lặng lẽ nghe Băng Tâm kể một câu chuyện buồn của cô. Một chuyện tình buồn thời chiến tranh và số phận nghiệt ngã đã tròng lên cuộc đời cô! Tạo hóa thật bất công, quả đúng là “ hồng nhan bạc phận” như người xưa thường nói…
Băng Tâm đã giữ đúng lời thề xưa với người mình yêu. Cô vẫn vậy, vẫn lặng lẽ đi về, liêu xiêu trong những ngày buồn bã ảm đạm. Chúng tôi sau đó từ trên đồi thỉnh thoảng vẫn lặng nhìn cô đi đi về chỉ để mà … xót thương.
Mới đây tôi cũng được nghe tin cô đã qua đời sau những ngày đơn lẻ. Băng Tâm đã đi về nơi vĩnh hằng, nơi ấy có người nàng yêu và ra đi với một hình hài “con gái trinh nguyên”…
6/6/2013
Hoài Nguyễn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...