Bông Cúc Huyền
Nước Tàu, như các em đã biết, hay đoán biết, là một nước sản
xuất ra cái gì cũng tàu, cũng hoàn toàn tàu, nghĩa là rất đẹp. Đẹp từ người cho
chí vật, đẹp từ trời cho chí đất, đẹp từ y phục cho chí lâu đài, đẹp từ cử chỉ
khoan thai cho chí ngôn ngữ réo rắt, đẹp từ lời văn hoa lệ cho chí tư tưởng cao
siêu. Hết thảy đều đẹp, đều sáng như ngọc, bóng như vàng, trong như pha lê vậy.
Ngày xưa ở nước Tàu có một ông vua Tàu tên là Thái Hoàng. Đức
vua, tất nhiên, là cái đẹp nhất trong những cái đẹp ở nước Tàu.
Nhưng ngài lại dâng thiên tử tối cao tối đại, vị hoàng đế lẫm
liệt oai nghiêm, nên trong bàn dân thiên hạ ít ai dám ngước mắt để ngắm nghía,
hơn thế, để liếc trộm dung nhan ngài, những khi ngài ngự kiệu vàng chơi phố. Bọn
thần tử thoáng trông thấy bóng cờ vàng, thoáng nghe thấy tiếng nhạc nổi, đã vội
nằm rạp xuống đất hai tay bưng kín mặt mà đợi cho kiệu rước qua rồi mới dám ngửng
đầu lên. Tuy vậy mặc lòng bọn họ vẫn tưởng tượng ra được cái đẹp nguy nga lộng
lẫy của đáng chúa thượng chí tôn, vì ai ai cũng biết dân Tàu là một dân tộc
giàu tưởng tượng.
Mà hoàng đế đẹp nguy nga lộng lẫy thực: Ngài ngự trên chín bệ
vàng, trong cỗ ngai có chín con rồng vàng lượn khúc quân hai bên tay vịn, dưới
chiếc tàn vàng cán bạc có tua minh châu lỏa tỏa rủ chung quanh, lấp lánh như
trăm nghìn ngôi sao rực rỡ. Ngài đội chiếc mũ miện đan bằng tóc các nàng tiên
nga, có dát chín con rồng vàng diệp vờn chín viên ngô công – Số chín là số của
thiên tử cũng như màu vàng là màu của thiên tử, không được ai lạm dụng. Chiếc
áo long bào ngài mặc khi ngự triều là công trình tuyệt sảo của mười tám người
thợ may khéo nhất trong mười tám nước chư hầu. Tơ dùng để dệt nền gấm ấy toàn
là tơ những lứa tằm nuôi riêng trong cung cấm bằng lá dâu châu Hồ do một trăm
con ngựa Xích thố ngày đêm chuyên chở. Chân ngài sỏ trong đôi ủng đan bằng kim
tuyến, mũi đính hạt trân châu, và giẫm lên lưng đôi rùa vàng sống đã ngót hai
nghìn năm trên núi Thái sơn. Tóm lại, cái gì ở trên mình ngài, ở trong cung điện
ngài cũng đều là vật quý và hiếm nhất dưới gầm trời.
Nhưng quý và hiếm hơn cả những vật quý và hiếm nhất dưới gầm
trời, ấy là bà thứ phi họ Quắc. Hoàng đế cho là thê và quá là thê: Chẳng một
viên ngọc thạch nào nước trong bằng mắt thứ phi ; chẳng một giải mây chiều nào
màu huyền ảo bằng tóc thứ phi. Má thứ phi mịn và nhung hơn trái đào tơ phớt hồng
; môi thứ phi thắm hơn son và tươi hơn bông hoa mẫu đơn Giang nam hàm tiêu, giọng
nói thứ phi trong sáng như tiếng dương cầm, trầm trầm như tiếng nhị hồ, khoan
thai, chững chạc như điệu tỳ bà của nàng Chiêu Quân nhà Hán. Vì thế, đứng trước
thứ phi và đối với con mắt thẩm mỹ của hoàng thượng, đôi rùa vàng sống ngót hai
nghìn năm trên núi Thái Sơn chỉ là hai con vật tầm thường không đáng kể. Tầm
thường cả con trĩ vàng đuôi dài hơn một trượng, con họa mi hót đủ một trăm bài
âm nhạc du dương, đôi bạch xà khiêu vũ theo điệu nghê thường trên nguyệt điện,
con anh vũ biết nói chín thứ tiếng, tiếng Mông cổ, tiếng Mãn châu, tiếng Tây tạng,
tiếng Ấn độ, tiếng Diến điện, tiếng Việt Nam, tiếng Triều châu, tiếng Nhật bản
và cả tiếng Tàu nữa.
Những con vật kỳ dị ấy, cả nước tôn kính và hoàng đế rất mến
yêu. Nhưng nếu thứ phi muốn giết chết để làm một trò chơi tiêu khiển thì chỉ một
hiệu lệnh ở miệng mỹ nhân ban ra, chỉ một cái trỏ ở ngón tay mỹ nhân hạ xuống
là hoàng đế hỏa tốc cho thi hành. Chẳng thế mà một hôm hoàng đế đã sung sướng
được ngắm bàn tay xinh đẹp kia ném vỡ chiếc chén thần của ngài. Chiếc chén ấy
lúc thường chỉ là một chiếc chén ngọc, dù ngọc quý, nhưng mỗi khi hoàng đế thân
rót rượu vào và cầm nâng lên môi, thì hình ảnh hoàng hậu bỗng hiện ra trong nước
rượu, hiện ra với hết cả vẻ yêu kiều, diễm lệ. Vì thế mà thứ phi ghen, dù hoàng
hậu thăng hà đã quá mười năm. Nàng đỡ lấy chén để xin chuốc rượu hầu hoàng đế,
rồi giơ thẳng cánh tay ngà đập chén vỡ ra từng mảnh. Đoạn, nàng quỳ xuống ôm
chân hoàng đế và kêu van xin tha tội. Nhưng hoàng đế không những không tỏ vẻ tức
giận, mà ngài còn cúi đỡ thứ phi dậy và vui tươi báo nàng: ‘‘Trẫm tiếc không có
một cái chén quý thứ hai để được ngắm tay ái khanh đập một lần nữa.’’.
Thứ phi ghen với hoàng hậu đã quá cố. Nàng ghét lây cả thái tử
là con của hòang hậu và sau này sẽ lên ngự ngai vàng trên chín bệ mà nhận lấy sự
tôn thờ của hằng trăm triệu thần dân trong mười tám nước chư hầu.
Thái từ năm nay mười tám tuổi trời. Chàng là một đấng nam nhi
anh tuấn, văn võ khiêm toàn. Chàng đã đọc và hiểu thấu hết các sách kinh, truyện
và sử ký. Chàng lại tinh thông khắp mười tám ban võ nghệ cao cường. Nhưng chàng
gắng công luyện tập các khoa văn võ là chỉ để đẹp lòng vua cha, vì chàng mà một
người con chí hiếu. Chứ cái thú độc nhất của chàng, cái thú nhóm ngay từ thời
thơ ấu của chàng là cái thú chơi hoa, chơi cảnh.
Ở Đông cung, thái tử có một vườn hoa không rộng bằng vườn thượng
uyển của hoàng đế, cũng không bài trí lộng lẫy và có quy tắc như vườn thượng uyển,
nhưng xinh xắn hơn, nhưng thân mật hơn, nhưng nhiều vẻ nên thơ hơn biết mấy:
Trong vườn không thiếu một giống hoa lạ, một loài cây quý. Thái tử đã tốn công
tốn của cho đi lùng khắp bốn phương để tìm mua bằng được hết những thảo mộc kỳ
dị trong thiên hạ. Mùa nào hoa ấy, trăm sắc đua nhau khoe tươi. Một thứ hoa vừa
sắp tàn, một thứ hoa đã chớm nở. Trong vườn không một ngày vắng bóng hoa. Xuân
có lan, có thủy tiên. Hạ có mẫu đơn, có thược dược. Thu có cúc, có phù dung.
Đông có mai và đào và lý. Còn biết bao nhiêu loại khác mà mỗi loại chia ra biết
bao nhiêu giống khác nhau.
Cách chơi hoa của thái tử lại rất công phu, không ai theo kịp.
Chàng chơi không những hoa mà cả lá, không những lá mà cả cành. Không một lá bị
sâu cắn, không một cành bị mọt đục, cây nào cây nấy đều hoàn toàn, không khuyết
điểm. Sớm chiều năm mươi người làm vườn chuyên vào việc quét các cuống hoa, lá
rụng. Năm mươi người khác giữ việc kín nước tưới từng gốc, rửa từng lá. Đó toàn
là nước mưa chứa trong một cái bể chim rất lớn: Thái tử muốn hoa phải thanh khiết
từ sắc cho chí hương, nên không để đọng trên hoa một giọt nước không trong sạch.
Thái tử đối đãi hoa như đối đãi bạn thân, săn sóc, ân cần,
bênh vực, nưng niu, làm giàn thưa che nắng, buông màn lụa ngăn rét. Nếu có mưa
to gió lớn nổi lên thì bất cứ là ngày hay đêm, thái tử vội vã đánh thức bọn làm
vườn dậy lấy tre, pheo, gỗ, lạt để chống đỡ cho hoa, lấy tàn, lọng ra che mưa
gió cho hoa.
Mỗi khi có bông hoa nở, thái tử sai đặt án đem rượu, đem giấy,
bút, mực ra tận gốc cây để chàng nâng chén mừng hoa, đề thơ vịnh hoa, ca tụng
hoa. Nhiều lần chàng ngồi bên hoa suốt từ khi hoa bắt đầu hàm tiếu cho mãi đến
lúc hoa mãn khai, ôn tồn, kính cẩn, thân mật, âu yếm nói chuyện với hoa. Cách
thưởng thức hoa như thế, thái tử cho là rất hợp nhân đạo và hợp với lẽ trời.
Chàng không thể tưởng tượng có người tàn nhẫn cắt hoa đem cắm binh được. Chàng
nói: ‘‘Người có tứ chi ngũ tạng. Hoa có rễ, thân, cành, lá. Sao nỡ lìa hoa ra
khỏi các bộ phận nuôi sống nó! Một mỹ nhân có hai bàn tay đẹp, ai lại điên rồ
chặt ra, như ông vua nước Ngô, đem hiến cho một thằng ngốc? Hoa chỉ đẹp khi hoạt
động trên cành cây, cũng như hai bàn tay ngọc chỉ đẹp khi hoạt động trên cánh
tay người mỹ nữ. Đem cắt hoa ra mà chơi không những tàn ác, còn là lối chơi của
hạng người không biết thẩm mỹ.’’ Vì thế đã một lần chàng đem xử tử một tên nữ tỳ
vào vườn ngắt trộm hoa của chàng. Chàng cho đó là cách xử án rất công bằng.
‘‘Vì, chàng nói, sát nhân giả tử, thì giết hoa sao lại không kết vào án tử
hình?’’
Chẳng may cho thái tử, tên nữ tỳ lại là một đứa hầu cận của
bà thứ phi họ Quắc. Thứ phi đã sẵn thù ghét thái tử vì thái tử có cái vườn quý,
nay lại căm giận thái tử vì thái tử đem giết một tên nữ tỳ của mình.
Và nàng quả quyết báo cừu.
Một hôm nàng gian ác tâu với hòng đế:
Muôn tâu Bệ hạ, muôn muôn tâu đức Hoàng đế tối cao tối đại,
thần thiếp nghe nhân dân tán tụng, những cái đẹp, cái quý, cái lạ ở dưới triều
Bệ hạ mà thần thiếp lấy làm sung sướng. Những cái đẹp, cái quý, cái lạ ấy không
những được nhân dân tán tụng, mà cả các nước láng giềng cũng đều nức nở khen ngợi
là những của báu có một không hai trong thiên hạ. Một nhà vạn vật học Triều
tiên đã khảo cứu rất tinh tường về con Anh vũ biết nói chín thứ tiếng và con Họa
mi hót thạo một trăm điệu ca của Bệ hạ trong bộ sách mới soạn, dầy tới năm mươi
pho và dài tới ba trăm sáu mươi nhăm chương. Trong bảng các con vật sống lâu nhất
thế giới của một nhà bác học Ấn độ, đôi rùa của Bệ hạ được xếp đứng đầu. Cái mũ
miện và cái áo long bào của Bệ hạ đã được nước Tây di sai sứ sang xin vẽ hình để
đem bầy vào tủ gương trong viện bảo ngoài ; sau hết đến cái vườn hoa kỳ dị của
Thái tử. Vườn ấy các nước láng giếng đều cho là đẹp và quý gấp bội vườn thượng
uyển, và vua nước Ba tư vừa cho sứ giả sang xin một vài giống hoa lạ mà Thái tử
gây được. Đó thực là thứ quý nhất trong những thứ quý ở dưới triều Bệ hạ …
Tức thì hoàng đế nổi trận lôi đình:
-Thái tử là một tên tặc tử bất hiếu bất mục. Nó nhờn trẫm, nó
dám lấn trẫm ư? Phải bỏ ngay nó vào ngục tối.
Thứ phi làm ra bộ sợ hãi, vội quỳ xuống tâu:
-Muôn tâu Thánh thượng, xin Thánh thượng hãy dẹp cơn thịnh nộ
để thần thiếp được bầy tỏ hết lời. Muôn tâu Bệ hạ, nếu Bệ hạ bỏ ngục Thái tử
thì tội thần thiếp rất lớn, đã vô tình gây nên cái vạ này. Và dưới trời, cái gì
không là của Bệ hạ. Thái tử là thái tử của Bệ hạ thì cái vườn quý của Thái tử
không là của Bệ hạ, còn là của ai? Vậy, muôn tâu Bệ hạ, sao Bệ hạ không cứ để
Thái tử đứng trông nom chăm chỉ nơi vườn ấy, để thỉnh thoảng Bệ hạ ngự tới thưởng
hoa?
Hoàng đế vui cười:
-Hay! Hay! Nếu ái khanh không tâu bày rõ các lẽ thì suýt nữa
trẫm đã lỡ lầm.
Thứ phi lại tiếp:
-Muôn tâu Bệ hạ, nay gặp tiết thu mát mẻ, chính là thời hoa
cúc thịnh khai. Thái tử có gây được một loại hoa cúc tên gọi ‘‘Cúc Huyền’’, lấy
giống ở tận vùng cao nguyên xứ Tây tạng, hoa vừa to, vừa dày cánh dài và đen và
mịn và mượt như tuyết nhung đen. Thứ hoa quý ấy mỗi năm nở có một lần vào khoảng
trung tuần tháng chín và hiện Thái tử giữ rất bí mật để một mình thưởng lãm. Vậy
sao Thánh thượng không hạ lệnh truyền cho Thái tử đến hôm rằm tháng chín này đặt
tiệc yên ở nơi vườn riêng để rước Thánh giá tới ngự ngoạn cúc?
Hàng đế lại vui cười:
-Hay! Hay! Ái khanh tâu rất hợp ý trẫm.
Bèn tức tốc cho đòi quan ngự tiền thông sự vào cung thảo ngay
một đạo chiếu chỉ truyền cho Thái tử phải đúng đêm hôm rằm tháng chín sửa soạn
một tiệc yên ở nơi vườn riêng để rước Thánh giá tới ngự lãm hoa cúc huyền lấy
giống ở cùng cao nguyên xứ Tây tạng. Lời chiếu thêm rằng: ‘‘Nếu Thái tử cố ý
tàng nặc loài hoa quý, thì cứ chiêu luật Đại Trung quốc mà kết tội, tội khi
quân và tội tàng nặc một thứ quốc báo.’’
Thái tử đương đứng ngắm mây dò bạch cúc hàm tiếu thì quân hầu
vào báo có chiếu chỉ Thánh hoàng. Chàng vội truyền bày hương án, đốt hương trầm
lạy tám lạy rồi quỳ nghe tuyên chiếu.
Lời chiếu vừa ngứt thì suýt nữa Thái tử ngứt theo. Chơi hoa
trong bao năm nay, chàng chưa từng biết có loại nào cánh lại đen và mịn và mượt
như nhung đen? Chàng mong rằng vua cha lầm màu huyền với màu tím thẫm; nhưng
không, lời chiếu đã cắt rõ nghĩa chữ ‘‘màu huyền’’ là màu đen và mịn và mượt
như nhung đen. Thực là minh bạch, không còn lầm lẫn gì nữa, không còn ngờ vực
gì nữa.
Song Thái tử cũng cố gượng phủ phục xuống thảm vàng và tung
hô: ‘‘Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, đứa con bất hiếu này xin khâm mạng’’.
Vì Thái tử là một người con chí hiếu, không dám trái lệnh vua
cha một lần nào, dù công việc vua cha giao phó cho khó khăn và nguy hiểm đến
đâu mặc lòng.
Nhưng lần này công việc vua cha giao phó cho lại không còn là
khó khăn và nguy hiểm nữa. Đó hình như là một công việc không làm nổi, không thể
làm được.
Dầu sao, Thái tử cũng bình tĩnh cho đòi quan coi vườn đến mà
báo rằng:
-Phụ hoàng vừa xuống chiếu truyền cho ta đến rằm tháng chín
này đặt tiệc yên ở nơi vườn riêng để rước Thánh giá tới ngự lãm loại cúc huyền
của ta, loại cúc cánh đen và mịn và mượt như tuyết nhung đen.
Quan coi vườn vội kêu:
-Tâu Điện hạ, trong vườn không có loại cúc huyền mà kẻ hạ thần
thiết tưởng trong thiên hạ làm gì lại có được một loại cúc huyền?
Thái tử thản nhiên nói:
-Phụ hoàng đã truyền có thì phải có, Phụ hoàng đã muốn coi
thì phải tìm ra cho bằng được, dù trong sự tìm kiếm phải hi sinh đến tánh mạng.
Vậy kẻ hạ thần xin đem đầu dâng lên Thánh thượng để chịu tội
thay cho Thái tử, chứ quả thực kẻ hạ thần đã đọc hết các sách đông, tây khảo cứu
về khoa thảo mộc học, mà chưa từng thấy có bản chép đến, đá động đến một loại
cúc huyền chỉ là một loại cúc ‘‘huyền ảo’’ do khối óc tưởng tượng loài người
phác họa ra.
Thái tử chau mày, gắt:
-Người cứ nói loanh quanh mãi. Phụ hoàng đã nói ở vườn ta có
loại cúc huyền thì vườn ta phải có. Mà nếu chưa có thì phải tìm kiếm xem ở đâu
có để mua … Hay ta thử sang tận vùng cao nguyên xứ tây tạng là nơi sản xuất giống
cúc huyền, như lời chiếu chỉ đã dạy?
Tức thì Thái tử kén đủ một trăm kỵ sĩ giỏi nhất nước cho cưỡi
một trăm tuấn mã nhanh nhất nước, cùng viên quan coi vườn ngay hôm ấy khởi hành
sang Tây tạng để mua cúc huyền.
Giòng giã hơn tháng trời, quan coi vườn và một trăm kỵ sĩ giỏi
nhất nước vẫn chưa trở về. Mà hôm nay đã là mười ba tháng chín. Hai hôm nữa
Hoàng đế sẽ ngự giá đến xem cúc huyền.
Thái tử mong ngóng tin tức và lo sợ mất ngủ mất ăn. Ngày ngày
chàng ra thăm những khóm cúc trong vườn. Các hoa đều đã hàm tiếu. Thái tử đi từ
gốc nọ sang gốc kia, nhận xét từng hoa một: bông thì vàng, bông thì trắng, bông
thì tím, bông thì hồng. Tịnh không một bông nào có chớm sắc đen. ‘‘Mà đen sao
được!’’ Thái tử mủm mỉm nghĩ thầm.
Hy vọng Thái tử chỉ đặt vào đoàn phái bộ sang Tây tạng. Hy vọng
mong manh nhưng vẫn còn là hi vọng. Biết đâu, phải, biết đâu Trời, Phật lại
không phù hộ, độ trì, lại không đoái tưởng tới tấm lòng hiếu thảo của Thái tử
mà khiến cho đoàn phái bộ thành công.
Đêm hôm ấy quan coi vườn và một trăm kỵ sĩ giỏi nhất nước cưỡi
một trăm tuấn mã nhanh nhất nước vẫn chưa về. Suốt năm canh Thái tử đứng trên lầu
cao đăm đăm trông về hướng Tây ; lắng hết tinh thần để đợi nghe một tiếng nhạc
ngựa.
Bình minh hôm sau, quan coi vườn và ba viên kỵ sĩ phi tuấn mã
về tới đông cung. Chín mươi bảy người và ngựa ; hoặc ốm, hoặc chết, rải rác ở
giọc đường.
Thái tử vội chạy xuống lầu và cất tiếng hỏi:
-Bông cúc huyền…?
-Muôn tâu Điện hạ không có cúc huyền!
Rứt lời, quan coi vườn nằm vựt ra, ngất đi vì mệt.
‘‘Còn có đêm nay nữa. Đêm mai …’’ Thái tử không dám nghĩ trọn
tư tưởng. Chàng thong thả, buồn rầu, đi tản bộ trong vườn, bên những khóm mẫu
đơn, khóm cúc đã bán khai, và rung rinh dưới ánh trăng vàng.
Chàng ngừng nhìn trời, trời không một gợn mây nhỏ. Bóng Hằng
Nga lấp ló sau mành tơ liễu thướt tha, như còn e lệ thẹn thùng. Thái tử thầm
nghĩ: Chị Hằng ơi, chị có mưu kế gì cứu ta ra khỏi nỗi khó khăn này không? Đêm
mai, nếu ta không có bông cúc huyền để tiến dâng Hoàng phụ thì ta sẽ bị khép
vào tội tàng nặc, và chị sẽ không còn được thấy bóng ta ẩn hiện trong bóng lá,
bóng hoa…’’
Bỗng, kinh ngạc xiết bao: trong tia ánh trăng, một thiếu nữ
hiện ra, một thiếu nữ vận xiêm áo màu xanh, vén màn liễu bước tới trước mặt
Thái tử vái chào và lễ phép hỏi:
-Thưa, tiện tỳ xin vào hầu đấng Đông cung Thái tử.
Thái tử ngây người đứng lặng.
‘‘Lạ! Đêm khuya…Người con gái này từ đâu lọt được vào trong
cung điện, trong vườn riêng …’’À thanh y nhắc lại.
-Thưa ngài, tiện tỳ muốn xin vào yết kiến đức Đông cung Thái
tử.
Thái tử quát hỏi:
-Ngươi là ai? Ở đâu đến đây?
-Thưa, các cô chú của tiện tỳ ở ngay gần đây. Các cô chú sai
tiện tỳ sang xin Thái tử một việc…
-Chính ta là Thái tử. Các cô chú ngươi muốn xin điều gì?
Ả thanh y thụp xuống lạy:
-Đông cung Thái tử thiên tuế, thiên thiên tuế! Các cô chú tiện
tỳ muốn xin Điện hạ rộng phép cho mượn đình Khán Hoa của Điện hạ để hợp mặt đêm
nay.
Thái tử nghĩ thầm: ‘‘Các cô chú …hợp mặt.’’
Rồi tò mò hỏi:
-Hợp mặt để làm gì? Mà các cô chú ngươi là ai đó?
-Tâu Điện hạ, các cô chú tiện tỳ là những cô láng giềng của
Điện hạ. Đêm nay các cô chú hợp kỳ hội đồng bất thường để bàn về một việc tối
quan trọng.
Thái tử càng kinh ngạc: ‘‘Các cô láng giềng… Cạnh Đông cung
có thấy bóng thiếu nữ nào đâu.? … Mà sao lời lẽ đứa nữ tỳ này chải chuốt là như
thế?’’ Chàng mỉm cười đáp:
-Được, ngươi về nói các cô chú cứ tới Khán hoa đình mà hợp
phiên hội đồng bất thường. Ta cho phép, nghe!
- Giạ!
Ả thanh y mừng rỡ vái chào lui gót.
Thái tử đứng chờ xem những cô láng giềng là những thiếu nữ
nào mà xưa nay chàng chưa từng gặp mặt. Chỉ một lát sau, một luồng gió nhẹ thoảng
đưa hương trầm. Tơ liễu se sẽ rung động, cành lá se sẽ dãn ra. Từ bốn phía các
thiếu nữ khoan thai bước tới, Thái tử ngơ ngác nhìn: Toàn những giai nhân không
quen biết và toàn những nhan sắc tuyệt vời. Mỗi người mỗi vẻ, không thể cho được
ai hơn ai: Có những tấm thân mảnh rẻ nhưng nở nang cân đối. Có những tấm thân đầy
đặn nhưng không to béo nặng nề. Nước da mịn và mát, khuôn mặt hoặc bầu dục, hoặc
trái xoan, hoặc tròn trĩnh đều có những nét nhịp nhàng và linh động. Vẻ mặt hoặc
thùy mị, hoặc sắc sảo, hoặc nhanh nhẹn đều nhuộm một tinh thần trang nhã nên
thơ. Y phục thì hầu đủ hết các màu tươi sáng: màu hồng, màu đỏ, màu vàng, màu
xanh, màu trắng, màu tím, màu nâu hoặc đậm hoặc nhạt, hoặc nổi, hoặc chìm, và
luôn luôn biến sắc dưới ánh trăng thu, thướt tha uyển chuyển như những cánh hoa
hoạt động trong làm gió sớm.
Thái tử hoa cả mắt. Và chàng nhẩm đếm: Có tới linh một trăm
thiếu nữ.
Một nàng y phục màu nguyệt bạch, tiến lên trước, nói:
-Kính tâu Điện hạ, em xin thay mặt tất cả các chị em đông đúc
ở đây mà cúi chúc Điện hạ thiên tuế, thiên tuế. Sau nữa xin dâng lời cảm tạ Điện
hạ đã rộng lượng cho mượn nơi cung điện thâm nghiêm để họp mặt tối hôm nay.
Thái tử ngây ngất nghe những lời nói dịu dàng, thảnh thót như
tiếng ca chim hoàng oanh trong khóm hoa thơm ngát. Và chàng lẳng lặng giơ tay mời
các thiếu nữ bước lên đình Khán hoa.
Trong đình Khán hoa cao rộng, tường cột sơn một sắc thiên
thanh, các thiếu nữ nghiêng mình ngồi trên đôn sứ. Nàng mặc áo màu nguyệt bạch
đứng lên nói:
-Kính tâu Điện hạ, trước khi khai hội đồng, em … mà các chị
em đây đã yêu mến bầu vào ghế chủ tịch, em xin giới các chị em với Điện hạ đã.
Em và hai hiền muội (trỏ hai thiếu nữ cùng một khuôn mặt, và vận áo màu hồng,
màu tía) họ Ngưu, tiểu tự Bạch mẫu đơn, Hồng Mẫu đơn, Tử Mẫu Đơn. Tám chị đây
cùng một vẻ mềm mại, phong nhã là tám chị em họ Giản, tiểu tự Tố Tâm, Bạch Ngọc,
Nhất điểm, Triết Đông, Hoắc Lan, Cẩm Lan, Phong Lan, Diệp Lan. Chị Lệ Đường. Chị
mặc áo màu hồng ngồi bên là chị Hải Đường. Ba chị quàng khăn lụa mỏng, màu phơn
phớt trắng, hồng và tía là ba chị em họ Triệu tiểu tự Bạch Đào, Hồng Đào và Tử
Đào. Ngồi đối diện là hai cô em ngoại thích của các chị Đào. Một chị họ Mai, một
chị họ Lý, cả hai đều cốt cách thanh tao, dáng dấp già dặn. Chị ngồi sau lưng
da mịn như bạch ngọc, tóc sáng như mây chiều, đầu đội mũ vàng, mình mặc áo đoạn
trắng, cổ choàng khăn lụa xanh là chị Tiên Nga họ Thúy. Bốn chị đội mũ cánh sẻ
màu vàng màu trắng, màu tím, màu đỏ đều họ Kim tên Tước. Còn năm chị mặc áo màu
rực rỡ kia thì họ Quỳ, tên Cẩm, tên Phù, tên Thục, tên Thu, tên Hướng nhật.
Chị mặc áo hồng nhạt, tay cầm chiếc quạt lông cánh trà là chị
Phù Dung họ Thu. Chị đội mũ đuôi phượng ngồi cuối hàng ghế thứ hai là chị Phượng
Vỹ họ Kim tinh. Chị có tấm thân mảnh rẻ và nước da như tuyết là chị Huệ họ Bội
Lan. Chị mặc áo màu lá mạ đứng tựa cột bên hàng hiên kia tục danh là chị Thiên
lý. Vận áo nhung tơ và ngồi đầu hàng đôn thứ ba là chị em chị Mai Khôi họ Nguyệt
quý tiểu tự Lê Dương, Hoàng Yên, Hồng Nhung, Hồng Quế.
Đứng vịn vai chị Hoàng Yên là cô em họ chị, tiểu tự Tầm Xuân.
Thấy nàng Mẫu Đơn kéo dài cuộc giới thiệu, nàng Bạch Cúc sốt
ruột và tức tối, vì mãi chưa thấy nàng chủ tịch đếm sỉa đến họ Cúc nhà mình, một
họ lớn vào bực nhất, danh giá vào bực nhất. Nàng liền đứng lên mỉa mai ngắt lời:
-Em xin phép bàn chen một câu, một câu thôi. Em thiết tưởng
ông Hoàng tử đáng tôn kính của chị em chúng ta hẳn đã lễ nhận từng nét, từng
màu trong nhan sắc và y phục của chị em chúng ta rồi, lọ là chị chủ tịch họ
Ngưu còn phải tả tỉ mỉ cho mất thời giờ.
Nàng Mẫu Đơn mỉm cười mỉa mai đáp lại:
-Cũng cần nói thêm qua loa để Thái tử biết rõ cỗi rễ từng họ
từng chi một chứ. Chẳng hạn nếu không tả minh bạch – Minh bạch chứ không phải tỉ
mỉ - thì Thái tử biết đâu rằng chị với các chị Thược Dược cùng ở trong một họ
Bao.
Nàng Bạch Cúc trở nên ranh mãnh:
-Còn ai hiểu họ hàng tung tích chị Thược Dược được bằng chị!
Các thiếu nữ che miệng khúc khích cười vì đều biết rằng nàng
Mẫu Đơn tuy được bầu lên địa vị hoa khôi, mà vẫn có máu Thược Dược trong huyết
quản, và họ Ngưu chỉ là một chi nhánh của đại tộc Bao. Thấy được chị em khuyên
khích, nàng Bạch Cúc càng tàn nhẫn:
-Nếu cần phải nói minh bạch thì sao chị không thuật lại cả
cái lai lịch vẻ vang của chị?
Cử tọa cười càng to, vì ai cũng còn nhớ năm xưa họ Mẫu Đơn bị
Hoàng hậu Võ tắc Thiên đầy xuống Giang Nam một dạo.
Từ nãy Thái tử vẫn ngồi im, âm thầm nhận xét từng thiếu nữ.
bây giờ thấy có sự xích mích giữa hai nàng Mẫu Đơn và Bạch Cúc, chàng liền đứng
đứng lên nói:
-Thưa các tiểu thư, đáng lẽ trong phiên hội hợp của các tiểu
thư, kẻ dự thính này không được phép bàn chen một câu. Nhưng vì sau một cơn
bàng hoàng – mà đứng trước những tấm nhan sắc như kia, ai là không bàng hoàng?
– Tôi đã nhận ra rằng các tiểu thư và tôi quả là chỗ lân cận, quen biết, vì thế
tôi mới dám cùng các tiểu thư bàn một câu này: Tôi thiết tưởng đã quen biết
nhau thì lọ là còn phải giới thiệu. Vâng, chẳng rõ các cô thế nào chứ tôi chứ
tôi thì tôi đã nhận ra từng cô. Thực vậy, cô Mộc Lan ạ. Cô đừng ngờ vực mà thì
thầm với em là cô Mộc Liên nữa. Đứng bên cô há chẳng phải các cô Mộc Quế, Mộc Cẩn,
Mộc Hương? Trong họ Mộc, ai nấy vẫn được bình yên cả đấy chứ? Còn ba cô Tiễn
Xuân la, Tiễn hồng la, Tiễn thu la chẳng hay lâu nay có cắt được bộ y phục kiểu
mới nào không? Cô Thụy Hương thì tôi chắc vẫn tự chế lấy các thứ nước thơm sức
tóc mà dùng …Ồ! Suýt nữa tôi quên cô Bạch Liên và cô Hồng Liên họ Hà. Hai cô vẫn
cứ bẽn lẽn như thường.
Các thiếu nữ vui cười quay nhìn cả về phía hai nàng Bạch Liên
và Hồng Liên đang cầm chiếc quạt xanh hình tròn che khuất của mặt hoa.
Một thiếu nữ mặc áo màu thiên lý đứng lên. Cử tọa thì thào:
‘Chị Hoàng Lan’’ Nàng nói:
- Chị chủ tịch họ Ngưu cho mời chị em ta đến hợp tối hôm nay
tại Khán hoa đình, có việc gì quan trọng không hay chỉ có một mục đích đem
chúng ta ra giới thiệu với Hoàng tử?
Nàng Mẫu Đơn vội đáp:
- Có chứ! Bây giờ giới thiệu xong rồi, em xin tuyên bố khai mạc
hội đồng. Hôm nay chúng ta đem ra bàn có một việc, nhưng việc ấy rất quan trọng.
Nguyên ít lâu nay tất cả chị em ta đều nhận thấy sự thay đổi của Thái tử. Ngài
không vui tươi như trước nữa. Lúc nào ngài cũng ủ rột, âu sầu, và có vẻ tư lự.
Sáng hôm nay em lại nghe thấy hai thi sĩ Hoàng Oang và Bạch Yến xướng họa với
nhau, trong thơ ca đầy những lời cảm động, đầy những tứ oán trách. Chúng ta ngờ
rằng ở Đông cung sắp xảy ra một điều gì dữ dội. Hôm nay chị em chúng ta hợp mặt
tại đây, đáng lẽ để cử một đại sứ đến thăm Thái tử và hỏi ngài xem duyên cớ vì
đâu ngài buồn phiền, sầu não, xem duyên cớ vì đâu lại có những bài ca như than
như khóc ở khu vườn này, là nơi bao giờ cũng chỉ có những màu trong sáng và những
lời ca êm ấm, vui tươi. Nhưng, may thay, ngài lại có mặt tại nơi hội hợp, vậy
chúng ta có nên đem điều ấy ra hỏi thẳng ngài không, và làm như thế, có khỏi đường
đột không?
Thái tử không đợi lời đáp của cử tọa, vội đứng lên nói:
-Làm như thế không có gì là đường đột cả. Thưa các tiểu thư,
quả thực tôi buồn phiền lắm. Mà có lẽ chỉ một hôm nữa là tôi sẽ phải rời bỏ nơi
vườn này và xa hẳn các cô láng giềng xinh đẹp của tôi.
Ở khắp các hàng đôn, xôn xao những câu kinh hoàng:
-Rời cái vườn này? Rời cung điện này?
Thái tử buồn nói tiếp:
-Có khi bị kết vào án tử hình nữa là khác.
Tiếng kêu rú lên:
-Trời ơi! Tử hình!
-Có thể lắm. Vì tôi đã phạm một tội rất nặng, tôi tàng nặc một
thứ quốc báo, mà tôi chưa từng biết rằng có ở dưới trời này. Quốc báo đó là …
là bông Cúc Huyền.
-Cúc Huyền!
Ai nấy nhao nhao lên và nhìn dồn cả về phía các nàng Cúc rực
rỡ trong các bộ y phục mới, màu trắng, màu vàng, màu hồng, màu tím, màu nâu.
Thái tử nói tiếp:
-Hoàng đế xuống chiếu truyền đêm mai là rằm tháng chín, Ngài
sẽ ngự giá đến thưởng ngoạn Cúc huyền của tôi ở nơi vườn này. Mà Cúc huyền quả
tôi không có, và tôi thiết tưởng cũng chẳng đâu có.
Nàng Nhất Điểm đứng lên hỏi:
-Thưa các chị Bạch Cúc, Đại Đóa, Kim Cúc, Hồng Cúc, Tử Cúc,
trong họ Cúc, họ Bao có ngành nào là ngành Cúc Huyền không?
Nàng Mẫu Đơn thay lời đáp:
-Nói gì trong bọ Bao, đến cả trong Hoa quốc chúng ta, tìm đâu
cho ra một màu đen, một màu huyền?
Nàng Bạch Đào thỏ thẻ:
-Nhưng nay Hoàng thượng bắt phải có Cúc Huyền, thì biết làm
thế nào?
Thái tử cúi nhìn đáp:
-Thì Thái tử này đành chịu tội, chứ biết sao?
Nàng Mẫu Đơn tiếp luôn:
-Và vườn này sẽ bị tàn phá hay lọt vào tay một người khác, một
người không thương yêu hoa. Không, không thể thế được. Chị em chúng ta phải bày
mưu lập mẹo giúp Thái tử ra khỏi bước khó khăn.
Nàng Hoàng Cúc buồn rầu hỏi lại:
-Bày mưu, lập mẹo! Mưu gì? Mẹo gì?
Nàng Kim Tước đứng lên nói:
-Nhưng các chị có biết màu đen hay màu huyền thế nào không
đã?
Tiếng thì thào ở khắp các ghế: ‘‘Ừ, màu huyền là màu gì nhỉ?
Màu đen như thế nào nhỉ? Chị có trông thấy màu đen bao giờ không?
-Em biết màu huyền là màu gì rồi?
Mọi người quay lại nhìn xem ai thì đó là nàng Tiễn Xuân La.
Liền tranh nhau hỏi:
-Màu huyền là màu gì? Màu huyền như thế nào?
-Màu huyền là màu không trắng, không xanh, không lam, không hồng,
không tím, không vàng, không đỏ, không nâu.
-Rồi gì nữa? Hình dạng nó như thế nào?
-Nó thế;
Cử tọa cười vang? Nàng Tiễn Xuân La xấu hổ ngồi xuống. Nàng Mẫu
đơn nói:
-Màu huyền là một màu không có trong loài hoa. Nhưng biết đâu
lại không có trong loài người. Chi bằng đem hỏi Thái tử xem màu ấy thế nào.
Thái tử mỉm cười đáp:
-Màu huyền, như cô Tiễn Xuân La đã nói, không phải là màu đỏ
hay màu tím, hay màu lam, hay màu lục. Nhưng nếu đem những màu ấy trộn lẫn nhau
và trộn cho khéo, cho đúng phân ly thì chúng ta sẽ có một màu mà người ta gọi
là màu huyền.
Một vài thiếu nữ khúc khích cười:
-Thái tử giảng như thế, chúng ta vẫn không thể mường tượng ra
được màu huyền.
Thái tử như chợt nghĩ ra:
-À được! Tôi xin đi lấy màu huyền cho các cô xem.
Chàng liền vào nội cung, mở rương lấy chiếc áo khoác nhung tơ
màu đen, cầm ra Khán hoa đình bảo các thiếu nữ:
-Đây, màu huyền đây. Cái áo khoác này tôi vừa may xong, định
để sang xuân đem tặng công chúa nước Nam -chiêu mà tôi muốn tới du lịch. Đây,
các cô coi, tuyệt mịn và mượt, các cô xét kỹ đến đâu cũng không tìm ra được một
sợi tơ không huyền lẫn ở trong. Vì thế mà chiếc áo khoác này rất quý.
Các thiếu nữ chạy xô cả lại gần chỗ Thái tử đứng:
-Đó là màu huyền? Ồ! Màu huyền lạ nhỉ!
Thái tử mỉm cười bảo Bạch Cúc:
-Vậy Bạch Cúc tiểu thư ướm thử chiếc áo vào người xem có nổi
không nào?
-Phải đấy! Phải đấy. Chị Bạch Cúc mặc thử xem. Ra! Ra mau!
Các thiếu nữ xúm nhau lôi, đẩy nàng Bạch Cúc ra giữa phòng, rồi
khoác chiếc áo màu huyền lên người.
-Không! Mặc vào kia! Mặc hẳn hoi vào đã.
Bạch Cúc bẽn lẽn và lúng túng làm theo, xỏ tay, thắt giải, vuốt
tà. Tiếng vỗ tay trong những tiếng mừng reo:
-Bông Cúc Huyền! Bông Cúc Huyền đẹp lắm! Có bông Cúc huyền rồi!
Thái tử ngắm nghía nói:
-Cúc Huyền đẹp thực.
Nàng Bạch Mẫu Đơn giọng ghen tị:
-Tâu Điện hạ, thế Mẫu Đơn huyền có đẹp không?
Thái tử vội chữa:
-Đẹp lắm chứ. Cô nào mặc màu huyền cũng nổi, cũng đẹp.
Bỗng có tiếng gà gáy sáng. Các thiên nữ vội vàng chạy cả ra
vườn:
-Thôi, kính chào Điện hạ. Sẽ có buổi tái ngộ.
Thái tử buồn rầu, mơ mộng nhìn theo bầy thiếu nữ rẽ lá, tản
mát đi vào trong hoa.
Sáng hôm sau, Thái tử tỉnh giấc, thấy mình nằm ngủ trong một
gian phòng ở đỉnh Khán hoa. Chàng bỡ ngỡ nhìn quanh phòng một lượt, rồi đứng dậy
sang bên khách sảnh là nơi chàng nhớ có cuộc hội hợp tối hôm qua. Các đôn sứ vẫn
còn bày thành hàng rất có trật tự. Và phảng phất chàng còn ngửi thấy mùi hương,
trong đó chàng nhận ra được hương từng mỗi thứ hoa.
Vậy mộng hay thực? Thái tử thầm hỏi.
Chàng bước xuống vườn. Ngoài vườn hoa phù dung, hoa cúc đua nở,
hớn hở trong gió thu lạnh, trong sương thu lam.
Thái tử lại gần:
Trong đám cúc đủ các màu, màu trắng, màu hồng, màu nâu, màu
tía, màu tím, màu vàng, giữa những màu tươi sáng ấy, kỳ dị thay! Đứng khép nép
như thẹn thùng trong y phục mới, một bông cúc đẹp nhất, có dáng dấp nhất, một
bông Cúc Huyền, cánh đen và mịn và muột như nhung tơ.
Thái tử mỉm cười nhìn bông hoa mới.
Rồi thản nhiên hạ lệnh sửa soạn tiệc yên để nghênh thánh giá tối hôm nay.
10/1/1943
Khái Hưng
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét