Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Niềm hạnh phúc và quan niệm hạnh phúc của "Than đỏ dưới tro tàn"

Niềm hạnh phúc và quan niệm
hạnh phúc của "Than đỏ dưới tro tàn"

“Than đỏ dưới tro tàn” vừa là tên tác phẩm vừa là hình ảnh ẩn dụ về tác giả. Đỗ Bích Thúy có vẻ hài lòng với cách ví von ấy. Cô từng viết: “Và tôi thích, mình là viên than đỏ vùi sâu dưới lớp tro tàn, khi cần sẽ nhóm lên một ngọn lửa”.
Ngọn lửa là trái tim ngôi nhà của người miền núi, họ không bao giờ để bếp bị tắt lửa. Thúy là người phụ nữ sinh ra từ núi cao, viết thành công về miền núi cho nên hình ảnh ẩn dụ này chính xác biết bao. Những câu chữ trong tác phẩm chính là cảm xúc chân thật từ đáy lòng, người viết không cố làm xiếc hay làm dáng cho chúng nhưng lại rất giàu tính thẩm mĩ. Đọc tản văn của Thúy, người đọc được truyền một năng lượng tích cực để yêu lắm đời này.
1. Hạnh phúc khi được trải nghiệm đủ đầy cảm xúc
Thúy hạnh phúc bởi cảm nhận được quá nhiều vẻ đẹp tế vi của cuộc sống qua những thanh âm và sắc màu của thiên nhiên vạn vật trong đủ mọi thời khắc: dù ngày hay đêm, bình minh hay hoàng hôn, mùa xuân hay mùa thu, mùa hạ hay mùa đông. Cô hạnh phúc vì nhận ra các cung bậc tình cảm của chính mình trong những khoảnh khắc khác nhau.“Dưới vòm trời đầy mây” hay một “Đêm đầy sao” cũng làm Thúy quan tâm đặc biệt; bắt gặp những giọt nước mắt đau khổ của đứa bé người Mông khi phải làm thịt bạn thân của nó là con gà trống cũng khiến Thúy “mất khả năng năng ăn uống trong hai ngày”. Thúy luôn bị ám ảnh bởi đôi mắt: có thể đó là đôi mắt to quá khổ trên khuôn mặt gầy guộc của thiếu phụ người Chăm hay một đôi mắt buồn của đứa cháu sớm bị ung thư rồi từ giã cõi đời…
Thúy có năng lực làm bạn với thiên nhiên bởi nghĩ rằng vạn vật đều có linh hồn như tư duy của người vùng cao: “Tôi rời ngọn núi và mang theo linh hồn của ngọn núi, hoặc là ngược lại, nó giữ linh hồn tôi ở lại.” (tr.102). Cỏ cây dưới sự quan sát của cô “cũng có linh hồn, biết yêu thương và biết giận dỗi” (tr.54). Cây cam trong vườn nhà từ bao giờ đã trở thành một người bạn tri âm để cô bé Thúy 12 tuổi có thể chia sẻ bí mật khi nhận được một bức thư tỏ tình. Nhìn bông hoa dại nhỏ li ti màu vàng đang vươn ra, Thúy cũng nghĩ là “chúng muốn nói một lời chào thật là tươi tắn vui vẻ”…
Thật hạnh phúc khi ai đó có thể cảm nhận được những điều mà người bình thường không thể cảm nhận được. Những người không biết xem tranh làm sao có thể suy tư trước đường nét sắc màu. Những người không biết thưởng thức âm nhạc làm sao có thể xúc động trước giai điệu du dương của một bản xô nát. Thế nên, Thúy quả là hạnh phúc khi cảm nhận được những thứ đặc biệt như “mùi của rừng”, mùi hương của những giọt sương hay “mùi thơm của nước mắt đang khô” hay khi được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc tuyệt đẹp của ánh hoàng hôn với “những cái vân ánh sáng đẹp một cách kỳ ảo. Không họa sĩ thiên tài nào có thể tạo ra thứ ánh sáng ấy bằng sơn hay bột màu” (tr.48). Thúy quả là hạnh phúc khi có một gia tài cảm xúc: “Tôi đi qua mỗi ngày, vui buồn đều có cả. Tôi có những ước mơ nhỏ, có những niềm vui nhỏ, có những yêu thương lớn, có những run rẩy tận tâm can, có những bí mật được giấu kín, có những say mê để đắm chìm, cũng có cả những món tài sản mà tôi trân quý, có đầy lòng biết ơn nữa. Sống một cuộc đời như thế, chẳng phải đáng lắm sao.” (tr.10)
Bìa tập Than đỏ dưới tro tàn
2. Những quan niệm về hạnh phúc
Đỗ Bích Thúy tâm niệm: Hạnh phúc là trao yêu thương để nhận được yêu thương:“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng đủ rộng mở để yêu thương, để quan sát và suy nghĩ, để rung động trước cái đẹp, để trân quý những giá trị” (tr.224). “Thương yêu thật nhiều để ôm vào tất cả hạnh phúc trên thế gian” (tr. 213). Thúy tâm đắc với câu châm ngôn: “Người tặng hoa hồng luôn còn lại hương thơm trên bàn tay” (tr.217) nên cô tiếp tục truyền đi thông điệp: hãy sống hết lòng, cho đi là còn mãi.
Hạnh phúc vì luôn có cảm giác biết ơn cuộc đời, biết ơn người thân, bè bạn: “hạnh phúc vì được sống suốt đời trong cảm giác biết ơn” (tr. 87). Hạnh phúc còn là có khả năng tha thứ những lỗi lầm cho người khác cũng như của chính mình và biết buông bỏ: “Nỗi đau chỉ tồn tại khi ta cảm thấy nó mà thôi. Nó không tồn tại nếu ta không cho nó một chỗ đứng trong tâm trí mình. Hiểu được điều này khiến tôi đã bước qua mọi tổn thương” (220). Đấy là một triết lí sống của đạo Phật: sướng khổ tại tâm. Cô biết giá trị của cuộc sống, còn thở là còn hạnh phúc. Vì thế cô luôn sống tích cực, có ý thức buông bỏ muộn phiền.
Hạnh phúc với Đỗ Bích Thúy còn là được làm những điều có ý nghĩa, có ích: “Tôi thích sống như tôi nghĩ, thật đích đáng, từng ngày một. Tiêu dùng cái thời gian mà mình có cho những việc mình muốn làm nhất, có ích và có ý nghĩa nhất, không phí phạm một giây nào.” (tr. 72). Hạnh phúc là được sống hồn nhiên, đơn giản. Người phụ nữ Mông thật hạnh phúc với nụ cười “không biết”. Hỏi gì cũng trả lời “Chi pâu!” (Không biết!). Thúy chợt hiểu: “Hạnh phúc đôi khi chỉ là không biết, không hiểu, đơn giản thế thôi” (tr.61). Tại sao “chúng ta lại cứ lí giải mọi điều xảy ra trong cuộc đời mình mà phần lớn chẳng giải quyết được gì” (tr.61).
Đôi lúc, Thúy đã nghĩ còn gì sướng hơn cái anh chàng người Mông “ngày ngày dậy sớm, đi nương, chiều về ăn cơm với vợ con. Cơm no lên giường đánh một giấc thẳng cẳng. Đơn giản thế thôi”. Thúy đã tự rút ra nhận xét: Người sung sướng là người có “cái cách sống hồn nhiên như cỏ cây trong cuộc đời này, ở thập niên này của thế kỉ 21” (tr.58). Tuy trân quý quá khứ và lạc quan vào tương lai nhưng Thúy cũng có quan niệm hết sức hiện sinh, một kiểu thiền tâm như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hướng dẫn: “Hạnh phúc là ở trong hiện tại. Say mê cũng ở trong hiện tại” (tr.21), “Trân trọng hiện tại, sống hết mình cho hiện tại, chẳng phải là điều tuyệt vời nhất sao?” (tr.24),“hạnh phúc chỉ đơn giản là tôi đang ở đây, cảm thấy thiên nhiên tươi đẹp đang được thở hơi thở của nó trong khi tôi tự do thở hơi thở của tôi” (tr.123).
Bên cạnh những quan niệm chung về hạnh phúc, Đỗ Bích Thúy còn có những quan niệm riêng rất đặc biệt mà một số người có thể đồng cảm. Chẳng hạn, hạnh phúc không nhất thiết phải bao gồm với việc có tình yêu đôi lứa. “Nghĩa là người ta hoàn toàn có thể hạnh phúc khi đang không yêu một ai đó, trái tim không hề thuộc về một ai đó, mỗi ngày trôi qua hoàn toàn không nhớ nhung một ai đó. Nhưng để nhận ra điều đó, phải đi qua rất nhiều tháng năm” (tr.128). Tôi nghĩ Thúy không hề dối lòng khi viết ra những dòng chữ này. Bởi đôi khi cái thứ mà “người ta mong đợi nhất là tình yêu thì nó đã trôi theo dòng sông mất rồi. Còn trên bờ thì người nọ cứ mải miết đuổi theo người kia” và “sai lầm của người nọ làm suy kiệt tâm trí của người kia, gây ra những đau đớn liên hoàn và triền miên” (tr.69).
Sự cô đơn đôi khi cũng là hạnh phúc. Bởi cô đơn có phần đồng nghĩa với tự do. Mà tự do là một khái niệm thường đi kèm hạnh phúc. Thúy đã từng nhiều lần tự hỏi và tự trả lời: “Cô đơn có đồng nghĩa với tự do không? Không hẳn, nhưng cũng không phải là tuyệt đối không” (…).“Cô đơn thì có liên quan gì đến bất hạnh đâu. Tôi chưa từng nghĩ cô đơn mang lại bất hạnh” (tr.49).
Hạnh phúc của Đỗ Bích Thúy là được viết văn, là được sống cuộc sống của mình, như mình có. Mỗi cuốn sách là một đứa con, càng nhiều con càng hạnh phúc. Vì cô “luôn nghĩ rằng các con là món quà mà số phận đã ban cho mình. Một món quà khiến tôi nghẹt thở vì hạnh phúc và biết ơn” (tr. 161) “Văn chương quả là mang tới một nguồn năng lượng kì diệu. Nếu không thì người ta cứ đổ xô đi viết văn để làm gì khi mà có thể suốt đời chẳng trông chờ được gì vào nhuận bút” (tr. 130). “Văn chương là nơi an toàn vô hại, không bao giờ mang tới muộn phiền…” (tr.96 – 97). Thúy hạnh phúc vì được làm công việc yêu thích: “Ta phải yêu một điều gì đó thì mới hết lòng với nó, hạnh phúc với nó” (tr.225). Vâng, Đỗ Bích Thúy đã hết lòng với văn chương nên đã nhận được sự mến yêu của bạn đọc.
3. Năng lượng sống tích cực từ một viên “Than đỏ dưới tro tàn”
Văn chương đẹp thường được toát ra từ một tâm hồn đẹp. Đọc tản văn của Đỗ Bích Thúy, tôi không thấy những câu chữ thô thiển, không thấy kiểu lên lớp, dạy dỗ người đọc, không thấy hằn học, ám chỉ ai, chỉ thấy một năng lượng tích cực. Và tôi thấy Thúy có ý thức lao động chữ nghĩa thật kĩ lưỡng.
Tôi thích cách diễn đạt của “Than đỏ dưới tro tàn” như: làm rơi kí ức, ăn kí ức tuổi thơ ngọt ngào (tr.193),“nỗi nhớ bốc khói” (tr.226), “buồn xuyên chiều muộn” (tr.223)… Nó khiến những cái trừu tượng bỗng trở nên cụ thể, thật dễ hình dung.
Thiên nhiên dưới ngòi bút của cô cũng có những phẩm chất của con người qua biện pháp nhân hóa: “…, những ngọn núi vẫn mặc nhiên đứng đó, nhìn sông suối gió mây. Kiên định, bất khuất, tĩnh tại, nhiệt thành” (tr.21); “Tháng Giêng, tôi nhớ những hạt cây vừa nẩy mầm trên mặt đất. Chúng luôn xanh tươi non bấy, run rẩy yếu đuối nhưng cũng kiêu hãnh vô tận” (tr.16)…
Tôi thích những hình ảnh được đem ra so sánh gần gũi với hiện thực và tư duy của người vùng cao (tôi yêu mến tất cả những nhà văn tạo được phong cách riêng về đề tài hay cách diễn đạt):“Nước mắt nó tuôn ra như suối, y như thể tôi vừa cầm cái kim khêu vào túi đựng nước mắt của nó” (tr.67); “Tiếng khóc của mẹ như mảnh cỏ lá tranh cứa vào tim tôi” (tr. 215)…
Tôi thích cái cách nói láy lại chữ theo kiểu người dân tộc thiểu số: “Cây tre cao lêu nghêu có cái vòng kết tròn tròn ở trên ngọn” (tr. 14);“…, các anh ấy chỉ ham ánh mắt ngưỡng mộ của mấy chị xinh xinh thôi” (tr.14); “Anh tôi nhìn mấy cái áo đã xếp sang phía các em, mặt ngẩn ra, mắt đỏ đỏ lên, mũi cũng đỏ đỏ lên, tôi đoán là anh sắp khóc òa đến nơi” (tr.175)…
Tôi cũng thích cái cảm xúc dâng trào khiến cho Thúy nhiều khi phải sử dụng cả phó từ chỉ mức độ lẫn từ dùng để nhấn mạnh. Chẳng hạn: “Tôi thích tháng Giêng. Có phải thích nhất hay không thì cần suy nghĩ thêm một chút, nhưng tôi thực sự thích lắm” (tr.12); “Tôi nhớ bố. Thật là tôi nhớ bố tôi quá”. (tr.183)…
Đọc tản văn của Đỗ Bích Thúy, độc giả không chỉ được kích hoạt nguồn năng lượng tích cực mà còn tri nhận được những nét phong tục tập quán độc đáo của dân tộc Việt Bắc một cách tự giác (chắc chắn sẽ nhớ lâu hơn so với việc bắt buộc phải đọc một cuốn sách để tìm kiếm thông tin). Những hình ảnh chi tiết có trong tản văn này luôn làm tôi xúc động bởi bản thân mình cũng được sinh ra từ rừng. Tôi nhớ cái ống nứa dài dùng thổi bếp, tôi nhớ cái mảng tre khi đi qua sông, tôi nhớ cây màng tang có vỏ màu xanh rất thơm và rất thẳng, tôi nhớ mảnh vườn nhỏ mà tôi xin bố mẹ để làm “kế hoạch nhỏ”; tôi nhớ bó củi nặng tôi vác xuống dốc (Thúy vác lên dốc còn tôi vác xuống dốc); tôi nhớ những “người Mán khi đi làm nương lại chặt theo một tàu lá cọ. Họ cắm tàu lá cọ để che nắng”.
Tôi nhớ lễ hội lùng tùng, các gia đình buộc vải đỏ vào nông cụ cho chúng cũng được nghỉ ngơi. Nhưng không phải cứ ở miền núi là hiểu biết tường tận về văn hóa dân tộc, vì thế tôi cảm ơn Thúy đã cho tôi biết một cách sâu sắc về hành động tôn thờ kính cẩn với đàn ong rừng của người Dao. Họ làm lễ tạ ơn ong bởi chúng đã cho những tảng sáp để vẽ những họa tiết lên bộ váy áo cầu kì đắt tiền mà “nếu tính cả xà tích và vòng bạc … thì có thể lên đến 60 – 70 triệu đồng” (tr.191). Thúy còn cho tôi thấu cảm với nỗi vất vả của những giáo viên cắm bản, cũng như thấm thía cảnh thiếu nước của đồng bào Hà Giang trước kia trong mùa khô bằng những hình ảnh miêu tả cụ thể và chân thực…
Và bây giờ, tôi cũng đang thực sự hạnh phúc vì được thụ hưởng những trang văn đẹp, thổi bùng lên năng lượng sống tích cực từ một viên “Than đỏ dưới tro tàn”.
Hà Nội, 17/4/2023
Hoàng Kim Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...