Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Đợi - Truyện ngắn của Ngọc Thuận

Đợi - Truyện ngắn của Ngọc Thuận

Bà bác vẫn đợi. Chẳng còn nước mắt để chảy. Tôi nghĩ, giá như có một việc gì cần đến nước mắt không biết liệu bác còn giọt nào không? Chiến tranh đã vắt đi những giọt nước mắt cuối cùng của bác. Hòa bình rồi, cả hai bác hy vọng tìm kiếm được mộ con để đưa về quê. Bác trai đã nằm xuống mà không thực hiện được mơ ước đó. Bác gái cứ trông chờ, bà chưa chết, có lẽ chỉ mong đến một ngày nào đó, bà sẽ thực hiện được mong ước đưa con về quê. Bà vẫn đợi như bao bà mẹ Việt Nam khác và hy vọng một ngày nào đó…!
Một bóng người đổ dài trên nền gạch. Giờ đã là 4 giờ chiều. Mùa xuân đã qua, những tháng đầu hè của miền Bắc vẫn còn thoảng mùi lạnh, ẩm mốc. Con về đấy hả Hồng. Tiếng hỏi cất lên từ cái bóng đang di chuyển trông giống một con đười ươi già chậm chạm lê bước. Tôi nhận ra bác và chạy lại dìu bác lên nhà. Nhà ở nông thôn trước không làm thềm cao, mục đích là để những đứa trẻ có thể trèo từ sân lên nhà bởi chẳng có ai có thể chăm ẵm chúng. Nhà thấp cũng là để người già leo lên leo xuống những lúc muốn ra sân phơi nắng, xuống bếp để vừa sưởi ấm vừa giúp con cháu thổi cơm. Bây giờ người ta làm nền nhà và bậc tam cấp cao hơn.
Tôi không nhớ năm nay tuổi bác bao nhiêu? Đồ chừng gần 90 gì đó. Hồi còn nhỏ, tôi nhớ mãi cảnh ăn cỗ nhà bác. Cỗ đám ma. Đám ma bố chồng bác. Những năm đầu thập niên 60, nhiều nhà đã vào hợp tác xã, nhà bác chưa vào. Giữa vùng nông thôn miền Bắc, chồng lại là thương binh thời chống Pháp mà chưa vào hợp tác mới lạ. Sau này lớn lên tôi mới biết bác chậm vào hợp tác bởi còn tiếc vừa được chia ruộng, chưa được tận hưởng sự sung sướng của người làm chủ bao lâu thì đã phải góp lại thành của chung. Chủ nghĩa xã hội hồi đó được nhiều cán bộ địa phương hiểu là của chung, cứ góp mọi thứ lại thì chủ nghĩa xã hội sẽ đến.
Đám ma to lắm. Từ bé đến giờ tôi mới thấy đám ma to như thế. Ông bác mất từ sáng hôm trước, tôi nghe tiếng gọi hồn “hú… ba hồn bảy vía ông… ở đâu thì về”. Ở nông thôn, khi có người khuất bóng, người nhà thường mang áo cũ ra hươ hươ lên trời, vừa hú vừa gọi tên người khuất. Gọi vậy để hồn người chết nhập vào xác, nếu không sẽ thành kẻ chết không hồn. Tôi không hiểu tại sao lại gọi ba hồn bảy vía khi đàn ông mất, đàn bà thì người ta kêu ba hồn chín vía. Chẳng biết có phải vía đàn bà nhiều hơn không mà khi đã vào việc gì thì xem ra đàn bà bất chấp hơn đàn ông.
Nghe tiếng gọi hồn thì là ông bác đã hai năm mươi về chầu tiên tổ. Hàng xóm kháo nhau ông cụ đã mất, nhưng chẳng ai nói to vì ai cũng biết tính bác tôi, nếu bác tôi chưa phát tang thì có nghĩa là cụ chưa mất. Bác tôi còn phải coi ngày. Thời ấy mà chọn ngày để làm tang lễ thì là việc ghê gớm lắm, mọi thứ gọi là mê tín, dị đoan cấm tiệt. Đình làng trở thành kho chứa lúa, nhà ngang nơi chuẩn bị đồ tế lễ thành nhà trẻ.
Tôi vẫn còn nhớ cảnh cõng em gửi trẻ. Nhà trẻ ở đình. Hồi ấy người ta thích gửi trẻ. Dù sao thì cũng đỡ bữa ăn trưa và đỡ luôn cái cảnh lẽo đẽo theo sau của con trẻ, mà sơ ý một chút, là chúng có thể sẩy chân rơi xuống ao, chẳng thiếu những đứa trẻ chết đuối nơi ao làng như thế. Ông bác đang toan tính việc tang ma cho cha. Ông xuống tận xóm dưới, nơi có người xem ngày lành tháng tốt. Vùng nông thôn nào cũng có người làm nghề ấy, thông thường họ kiêm luôn thấy cúng. Công việc may sao cũng hanh thông. Ngọ ngày hôm sau là giờ tốt cho việc tế lễ. Thế là khoảng 9 giờ sáng, tiếng khóc bắt đầu vang lên từ ngôi nhà tranh ọp ẹp. Không biết có phải vì là thương binh không, mà nhà bác tôi trông “đẹp” hơn các nhà khác: nửa bên dưới bằng gạch, nhưng xây bằng vữa bùn, không phải vôi tôi. Tiếng là hơn các nhà khác nhưng trông cũng tạm bợ lắm, mái lợp rạ. Tiếng khóc to dần, hàng xóm kháo nhau: cụ nhà ông Thiệu về chầu tiên tổ.
Buổi trưa đó, liệm cụ xong thì phát tang. Thời đó mua vải cũng khó. Chuẩn bị cho một đám tang, nhà có đám phải gom vải từ vài năm trước. Cỗ quan tài cũng được sắm từ khi nhà có người trên sáu mươi. Chết cũng là một việc quan trọng nên người ta chuẩn bị kỹ lắm. Cái quan tài nằm chình ình dưới bàn thờ gian giữa, nhà giàu thì quan tài bằng gỗ vàng tâm, mùi gỗ lan tỏa mỗi khi mở nắp. Cụ nhà ông bác tôi cũng có một cái như thế. Xem ra người nhà quê nghèo, tích trữ đủ thứ, không chỉ cho khi sống mà cả khi chết. Sau này nghe bác tôi nói, khi có cái quan tài trong nhà, các cụ sống thọ hơn, đến cái chết mà còn dám đón chờ thì thần chết nào muốn đón – tôi mới hiểu thêm một phần triết lý sống của người Việt. Con cháu trong nhà đông, bác tôi phải ghi tên theo chi khi phát khăn tang: chi Ông Giàng, chi Ông Đắc, Chi Ông Giới, Chi Ông Phương… các chi có bao nhiêu người chịu tang, chuẩn bị cho đủ. Không cho khăn tang thì người ta trách, không phải vì mảnh vải mà vì quên con, quên cháu. Ở nông thôn chuyện này quan trọng lắm.
Tôi cũng được phát khăn tang và phải nhờ các anh chị lớn tuổi vấn giúp. Tôi nhớ rõ chuyện này, bởi có lẽ đây là lần đầu tiên, một đứa trẻ như tôi được xem công việc của một đám tang. Và còn một điều nữa khiến tôi nhớ đến đám tang ông bác bởi bữa đó tôi bị con chó nhà bác cắn khi leo lên hái ổi, vết sẹo to như cái chén giờ vẫn còn ở bên bắp chân trái. Mấy năm trước, cây ổi bị bão quật, nằm nghiêng trên đất, cây to nên bác không dựng lên được. Tiếc quả ngon nên cứ để thế chăm bẵm. Nó là cây ổi đỏ, khi chín, ruột đỏ như gấc, mùi thơm ngây ngất, làm nhỏ dãi đám trẻ, tôi mò lên cây ổi, vừa trèo lên thì con chó đã lao ra cắn cho một phát. Nhìn thấy máu chảy ròng ròng trên cái bắp chân nhỏ thó của tôi, các bà, các dì chạy vội lại, bế sốc tôi vào căn bếp tồi tàn rồi lấy dầu hỏa xoa lên chân tôi để tránh nhiễm trùng rồi lấy thuốc lào đắp vào chỗ vết chó cắn, lấy mảnh vải xô phát tang thừa quấn quanh bắp chân. Cách sơ cứu chỉ như vậy mà hiệu quả. Mà quên, sở dĩ tôi leo lên cây ổi còn vì một lẽ khác, tôi rất sợ nhìn người chết, lúc bác làm thủ khâm liệm ông bác tôi đã trốn ra ngoài. Tôi chẳng rõ khuôn mặt ông bác lúc mất như thế nào, nhưng nghe mọi người nói, cụ thanh thản lắm, khuôn mặt tươi tỉnh. Có lẽ cụ mãn nguyện khi rời khỏi cuộc đời này.
– Thế con về được mấy ngày?
Tôi bừng tỉnh khi nghe bà bác hỏi.
– Con về tranh thủ thôi, nhân có công việc đi Hà Nội, hôm nay là ngày giỗ ông nội, con tranh thủ về. Chiều con lại đi rồi.
– Thôi thế cũng tốt. Có đến mấy chục cái giỗ cụ anh chưa về rồi nhỉ?
–  Dạ, 29 giỗ rồi bác ạ.
Ở vùng tôi, theo vai vế tôi gọi là bác. Tuổi như bác đã có cả chắt thì gọi là bà bác, người không họ hàng thì phải kêu bằng cụ, nhưng tôi quen gọi như hồi nhỏ nên cứ khi bác, khi bà bác, lẫn lộn luôn. Bác cũng không để ý.
Những lần về quê, thường là như chạy giặc, tôi chỉ ghé thăm được vài gia đình. Lần trước ghé thăm bác dễ thường phải cách đây hai năm. Nhìn bác nặng không đầy 40 kg, lưng còng, ở quê người ta nói là do phong thấp, trông cao không tới bảy mươi phân. Đôi mắt nhăn nheo vì tuổi già, hàm răng đen, minh chứng của lớp người sinh ra thời phong kiến còn tục nhuộm răng. Đôi môi thâm đen vì nhai trầu suốt cả ngày trừ lúc ăn, lúc ngủ.
Bà cô ruột tôi hỏi:
– Chị dạo này thế nào. Nhà nước tăng trợ cấp thêm hai nhăm nghìn nữa, cũng đỡ chị nhỉ?
– Tiền mà để làm gì! Người chả còn thì tiền có nghĩa gì. Cứ thui thủi một mình, có chết khi trương lên hàng xóm mới thấy ấy chứ. Con cháu chúng đi hết, chẳng ma nào ngó ngàng, suốt ngày ngủ ở trái dưới.
Tôi chưa nói cô tôi là vợ liệt sỹ, bác họ tôi có chồng là thương binh chống Pháp, con trai đầu là liệt sỹ thời chống Mỹ. Anh cùng học với tôi, chắc là hơn tôi vài tuổi nhưng lại đi học cùng. Chẳng hiểu vì sao anh đi học muộn. Tôi nhớ là ở lớp anh lớn lắm. Anh làm trưởng lớp hồi tôi học lớp 7. Sau đó thì anh đi bộ đội. Cái ngày báo tử anh, bà khóc lên khóc xuống. Lúc đầu còn nghe tiếng rên rỉ, sau chỉ còn là những tiếng nấc thưa dần. Người mẹ ấy trở nên đờ đẫn. Bà không thể nghĩ đứa con khỏe, đẹp trai nhất làng ấy đã không còn trở lại ngôi nhà của mình. Bà thương con lạnh lẽo nơi rừng thiêng nước độc. Lấy đâu một nén nhang. Mồ mả chả có.
Bác gái tôi không thể ra đình để dự lễ báo tử. Có một cô ý tá trong xã trông nom bà – các buổi lễ báo tử thường vậy, chính quyền cắt cử y tá xuống. Ông bác thì cáu bẳn. “Con mình chết cho quê hương, cho đất nước thì có gì mà phải kêu khóc ầm lên như vậy” – ông nói qua kẽ răng khi thấy bà bác không ngơi khóc. Có lẽ ông nói khác ông nghĩ. Ông nuốt ngược nước mắt vào trong. Cái giống đàn ông là vậy, cứ làm như chẳng nhớ, chẳng thương dù đang đau như cắt ruột. Sau ngày anh mất, ông trở nên trầm lắng hơn. Trước kia, có việc gì ở làng xã làm ông bất bình, ông thường chửi đổng. Ông chả sợ thằng nào cả. Vác mã tấu theo ông chú vốn là chánh tổng, cái ông chánh tổng chú ông ấy lại theo Cộng sản đánh Tây, rồi làm bí thư chi bộ đầu tiên ở xã, rồi bị Tây bắt và bắn chết tại Ghênh, ông chẳng sợ gì, bây  giờ chẳng lẽ sợ thằng làm bậy. Thế mà, từ ngày anh Chiêu mất, ông trở lên trầm ngâm, uống rượu, đôi mắt đỏ ngầu thỉnh thoảng vẫn long lên khi thấy những chuyện bất bình, nhưng từ đấy không thấy ông chửi nữa.
Nỗi đau mất con làm con người ông thay đổi. Ông nấu rượu. Cái thời ấy người ta cấm rượu. Cả làng tôi chỉ còn mình ông nấu thứ rượu gọi là quốc lủi. Ông mua men của làng Đậu. Nghe nói đó là vùng làm rượu tiến vua. Ở gần nơi tôi ở có hai sản phẩm nổi tiếng: rau cải làng Tiếu và rượu làng Đậu. Tôi vẫn còn nhớ câu ví “rau cải Tiếu nấu nước điếu cũng ngọt” (dân Kinh Bắc ngoa ghê). Tôi ngửi mùi rượu từ nhỏ. Còn nhớ rõ cách nấu rượu. Nhà đâu có nhiều nếp. Ông bắt bà bác trồng nếp ở phần ruộng năm phần trăm. Mà phải là nếp hoa vàng. Trồng nếp khó lắm, cây lúa nếp nếu được chăm quá tốt sẽ bị “lốp”, nghĩa là chỉ nhiều lá, ít hạt hoặc hạt lép, cái thứ nếp ấy chỉ đáng cho không chứ đừng nói gì đến việc nấu rượu. Cây phải đủ khỏe để chống được những trận bão sót cuối mùa. Nếp không được lẫn gạo tẻ. Chọn gạo nấu xôi thì đễ tìm hạt tẻ lẫn. Lựa gạo nấu rượu như ông thì quá khó bởi phải loại những hạt tẻ lẫn ngay sau khi xay lúa. Hạt gạo nếp và tẻ chỉ khác nhau ở độ dài: nếp thì ngắn và tròn, tẻ thì dài và nhỏ. Tôi thường giúp bác nhặt những hạt tẻ trước khi đồ gạo xay nấu rượu.
Đồ cơm rượu bác cho tôi vét nồi. Tôi thò tay rờ quanh chõ, tìm những hạt gạo còn sót dính lại để ăn. Tuy chỉ được vét chõ, nhưng các anh chị con bác thường ghen tị với tôi. Thi thoảng, bác cho tôi một nắm nhỏ. Người ăn xôi thường không có được cảm giác như khi ăn gạo rượu. Ăn gạo nấu rượu bạn có thể nghe được tiếng nổ nhẹ của hạt thóc chỉ mới được bóc vỏ. Gạo nấu rượu giòn và ngọt hơn.
Khi dỡ ra nong, ông ngồi chờ cho xôi nguội, không nguội hẳn, nguội hẳn dậy men chậm, ít được rượu. Xôi gạo còn nóng mà đã bỏ men thì chỉ được cái nhiều bỗng nồng, tốt cho nuôi lợn, rượu chẳng được bao nhiêu. Cứ nhìn cái cách ông để ngửa bàn tay trên nong xôi để xem đã đến lúc rắc men lên chưa, mới thấy việc nấu rượu không dễ dàng chút nào. Sau này tôi mới biết tại sao ông không dùng lòng bàn tay để thử mà lại dùng mu bàn tay. Hóa ra việc rất đơn giản, da bàn tay dày hơn nên không nhạy cảm khi thử nhiệt độ.
Rắc men xong ông xếp từng lớp vào cái thúng có lót lá sen và lá khoai nước để ủ. Vài ngày sau, cơm dựng mùi thơm của rượu. Lúc này mà ăn thì ngon tuyệt, nó cũng giống như rượu nếp ăn ngày lễ Đoan Ngọ, quê tôi gọi là ngày giết sâu bọ. Những lúc hứng lên ông cũng cho tôi nếm một vài muỗng nhỏ. Nếp lên men dễ ăn nhưng cũng dễ say, ăn nhiều khi say còn hơn cả say rượu. Ủ đến độ nhất định thì ông chuyển sang chum và trước khi nấu thì đổ nước vào. Cho đến lúc này tôi vẫn tự trách mình, tôi đã không hỏi bác khi nào thì có thể đưa cơm rượu đã ủ vào chum, cũng như khi nào thì đổ nước vào chum cơm rượu và để bao lâu rồi vã ra để nấu. Bây giờ bí mật đó đã mãi mãi là bí mật.
Một đấu gạo nấu được hơn nửa lít rượu. Một nồi rượu thường là sáu đấu gạo, được ba lít rưỡi rượu. Việc chưng cất rượu cũng kỳ công, tôi thường được bác cho nhen lửa, các anh chị thường phát ghen với tôi những lúc được bác cho làm những việc vặt. Được cái các anh chị lại quên ngay bởi tôi là đứa trẻ ngoan, cả họ khen.
Nấu rượu phải đun lửa nhỏ để không khê, rượu phải được lấy thành nhiều đợt, đựng trong các vò khác nhau nút bằng lá chuối. Đợt đầu gọi là nước nhất, bác lấy khoảng nửa lít, rượu nặng nhưng khá sốc, uống vào khé cả cổ họng, người chưa uống rượu bao giờ thì không thể ngậm chúng trong miệng chứ chưa nói đến việc nuốt. Rượu chảy đến đâu biết đến đó. Nước hai lấy khoảng một lít, rượu nhẹ hơn nhưng mùi hương lại dịu mát hơn. Người sành rượu, chọn rượu nước hai để uống. Nước thứ ba khoảng hơn một lít, rượu đã có màu đục lờ lờ của nước gạo, nhẹ, khi dùng phải pha với nước nhất. Bác tôi mất đã hơn hai chục năm, ông anh con thứ của bác cũng biết nấu rượu, nhưng tôi chưa bao giờ uống rượu anh nấu, bởi anh chẳng được ông chỉ bảo cách nấu rượu ngày nào.
Bà bác vẫn đợi. Chẳng còn nước mắt để chảy. Tôi nghĩ, giá như có một việc gì cần đến nước mắt không biết liệu bác còn giọt nào không? Chiến tranh đã vắt đi những giọt nước mắt cuối cùng của bác. Hòa bình rồi, cả hai bác hy vọng tìm kiếm được mộ con để đưa về quê. Bác trai đã nằm xuống mà không thực hiện được mơ ước đó. Bác gái cứ trông chờ, bà chưa chết, có lẽ chỉ mong đến một ngày nào đó, bà sẽ thực hiện được mong ước đưa con về quê. Bà vẫn đợi như bao bà mẹ Việt Nam khác và hy vọng một ngày nào đó…!
Những người chết trẻ thường linh. Tôi viết những dòng này, để nguyên tên anh và những người thân. Biết đâu, ở nơi suối vàng anh sẽ báo mộng cho gia đình. Anh ở nơi đâu!?.
3/5/2023
Ngọc Thuận - Nguyễn Kim Hồng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Tình Tuyệt Vọng Một đêm lễ Noel. Chung quanh chiếc bàn bầu dục phủ khăn trắng trên bày la liệt các món ăn lạnh, năm người ngồi như...