Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Lao xao xóm tre

Lao xao xóm tre

Người ta sẽ làm gì khi một người đàn bà chừng tuổi cha mẹ mình cầm một gói tiền to tướng đến nài nỉ để xin ký đơn bãi nại cho thằng con ngổ ngáo đã gây ra cái chết oan uổng cho những người thân họ bằng một cú tông xe bạt mạng?
Chiều đó xóm tre xảy ra một vụ tai nạn. Thằng chạy chiếc Hon da E bờ lách say xỉn, lạng vô lề đâm một phát làm người đàn ông và đứa nít ba tuổi đang đi bộ, chết. Đứa nít ba tuổi là bé Thỏ con Út Măng. Người đàn ông là ông Tư Tầm Vông, ba Út Măng. Vợ Út Măng mất con ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Út Măng mất cha, mất con, mất luôn một… nửa hồn vợ! Cú tông xe trong vô thức của thằng say xỉn làm tan nát gia đình Út Măng về nghĩa đen, cả luôn nghĩa bóng.
Xóm tre nổi lên những cơn lao xao sau vụ tai nạn. Nhưng những cơn lao xao không phải chuyện thằng say xỉn tông xe làm ông già và đứa nhỏ chết mà là chuyện đằng sau vụ tai nạn. Dân xóm tre thêu dệt thêm nhiều tình tiết bi thương, thê thảm. Từ đầu xóm đến cuối xóm, hai chị em Út Măng đi tới đâu, những cơn lao xao lại nổi lên đến đó…
Vợ Út Măng là Yên. Hai vợ chồng sinh được “cục vàng” là bé Thỏ. Ông Tư Tầm Vông cưng cháu nội như cưng cái trứng. Con nhỏ trắng bóc nên ông đặt tên Thỏ. Ông ưa bồng con bé ra đùng đưa võng ngoài vườn tre sau nhà. Tiếng tre xào xạc. Tiếng gió liu riu. Tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt làm con nhỏ khoái cứ cười tít mắt, chừng một chút thì ngủ ngon lành!
Đô thị hóa tràn về xóm tre. Tre dần thưa thớt nhường chỗ cho nhà cửa mọc. Xóm nhà nào còn bụi tre thì khoanh rào lại. Có người còn nghĩ ra cách ghi một tấm bảng: “Măng mới phun thuốc” đem cặm giữa lùm tre để trộm có muốn xắn cũng đắn đo… suy nghĩ lại! Chứ hồi xóm làng còn rợp bóng tre, mùa mưa măng nứt đất ngoi lên như nấm. Dân xóm đi làm đồng về, ngang bụi tre nào, thích cứ xắn mấy mục về làm bữa, thay rau.
Vườn tầm vông nhà Út Măng trồng mọc cứ thuận theo tự nhiên. Tre rợp bóng từ ngoài rào vô sân, ra tới tận sau vườn, mát rượi.  Mùa mưa cũng là mùa măng. Mỗi năm đến mùa, vừa ăn, vừa cho, vừa bán, vừa để măng lớn thành tre. Tre già, ba Út Măng đốn, rồi lụi hụi đục đẽo, cưa cưa, gọt gọt. Mấy món vật dụng trong nhà: bàn, ghế, giường, tủ, rá rổ, sàng nia, đũa, muỗng toàn bằng tre hết.
“Tre là hồn cốt của cái xứ này. Mai mốt mà ba có trăm tuổi già, mày cũng đừng có bứng vườn tre này nghe, Út!”. “Bứng làm sao được mà bứng? Mà bứng để làm chi, hả ba?”. Út Măng đang “manh nha” mở cái xưởng đóng bàn, ghế, giường, tủ, và chế tác các sản phẩm lưu niệm từ tre. Còn dự tính lấy tên: “Tư Tầm Vông” làm thương hiệu cho gần gũi thân thiện nữa kia mà!
Có một điều là nào giờ dân xóm tre không biết má Út Măng là ai. Chỉ biết hồi còn thanh niên, Tư Tầm Vông rời xóm tre đi bộ đội chiến trường Cam, xuất ngũ về làm Ty xây dựng ngoài thị xã. Bẳng một thời gian về lại xóm tre thì thấy dắt theo hai đứa nhỏ. Nghe đồn hồi sanh Út Măng xong, vợ Tư Tầm Vông bỏ đi. Chị Út Măng là Hai Trúc, làm nghề tráng bánh tráng. Bánh tráng xóm tre dẻo, ngon nức tiếng.
Những cơn lao xao cứ nổi lên không dứt, nên từ xóm đến chợ không ai thèm mua măng của Út Măng nữa. Mấy bận chợ, là mấy bận Út Măng lủi thủi xách măng về. “Thằng Út Măng nhìn mặt hiền từ vậy mà bất nhơn quá!”.  “Tội nghiệp ông Tư Tầm Vông bị thằng con hành cho chết rồi, chết nữa…”. “Chị em thằng Măng chắc kiếm được bộn tiền…”. Một bữa xách măng qua nhà ông Bảy Tờn biếu, Út Măng bị ông già chửi tối tăm mày mặt: “Sao mày ác với ba mày quá vậy, Út? Tư Tầm Vông chết oan ức vậy mà mày còn cho người ta phanh thây nó ra nữa…Mày đem măng về ăn đi, tao biệt có thèm nữa…!”.
Kiểu nào thì ba cũng không thể sống lại. Bé Thỏ mới chào đời ba mùa măng đã trở lại cõi vô hình. Yên vẫn mê mê, tỉnh tỉnh. Mất mát bấy nhiêu hình như cũng chưa đủ làm cho người ta thỏa mãn sự hiếu kỳ. Chắc là người ta muốn chị em Út Măng sống dở, chết dở mới hả dạ! Có bữa chịu không thấu, Út Măng ra sau hè cuộn mình trong tấm võng mà ba hay đùng đưa bé Thỏ. Thanh âm tre xào xạc, lao xao, dễ chịu vậy mà, đâu có như tiếng người: “Thằng Út Măng bất nhơn!”. “Thằng Út Măng thất đức”!
Miệng đời sao mà cay nghiệt quá!?
“Người ta chì chiết riết, Hai chịu hết xiết! Hay là Hai xuống nhà bác Ba một thời gian, vãng vãng Hai về, nhe Út?”. Một bữa, chị Hai than vãn với Út Măng vậy. Hai Trúc không trách cứ gì Út Măng, nhưng dân xóm cứ lao xao hoài, Út Măng sợ có bữa chị sẽ mê mê, tỉnh tỉnh, giống Yên, chắc Út Măng chết mất! Bác Ba có cơ sở may đồ gia công ở Bình Chánh. Mấy lúc đơn hàng nhiều, bác hay gọi chị xuống phụ mươi bữa, nữa tháng. Út Măng nghe Hai Trúc tính vậy cũng xuôi tai.
Bữa chiều trời nhiều gió, Út Măng ra sau vườn phạch người trên chiếc giường tre, ngửa mặt nhìn trời qua mấy tán lá: “Ba linh thiêng về phù hộ cho chị em con, nghen ba?”. Gió tức thì cuộn lên, xô mấy tán tre nổi lên những cơn xào xạc. “Chắc ba nghe mình nói…”, Út Măng tự hỏi rồi lại tự an ủi mình vậy! Là bữa đó, lúc trời chưa hửng sáng, Út Măng đã đưa chị mình đi khỏi xóm tre.
Người ta sẽ làm gì khi một người đàn bà chừng tuổi cha mẹ mình cầm một gói tiền to tướng đến nài nỉ để xin ký đơn bãi nại cho thằng con ngổ ngáo đã gây ra cái chết oan uổng cho những người thân họ bằng một cú tông xe bạt mạng? Mất mát quá lớn làm cho Út Măng thấy mình dường như cũng chai lì cảm xúc. Đến mức, cảm giác căm hận thằng say xỉn đến thời điểm đó cũng không còn tồn tại. Út Măng hờ hững nhìn gói tiền, trong lòng chẳng nghe dấy lên một xúc cảm nào!
Út Măng đâu có ham tiền!
“Mình có vô cảm với người bà ta quá không?”, Út Măng hay tự vấn lòng mình vậy mỗi khi nghĩ về người đàn bà phụ huynh thằng say xỉn. Từ ngày ba mất, Út Măng lại hay nghĩ về má. Người đàn bà làm Út Măng liên tưởng đến má.
Yên cứ lúc mê lúc tỉnh. Út Măng nghĩ ra cách mua một con búp bê, rồi mặc cho búp bê cái áo đầm màu hồng của bé Thỏ. Lúc Yên tỉnh, búp bê là búp bê. Lúc Yên lên cơn, búp bê là… “bé Thỏ”! Những lúc đó Út Măng cũng khóc, cười theo vợ.
Có ai thấu nổi lòng của Út Măng chứ?
Ông Tư Tầm Vông vốn kỹ tính, luôn đi đứng chậm rãi, cẩn thận. Bữa đó, ông dắt bé Thỏ đi quán mua gói bánh snack. Về sắp tới cổng nhà rồi, hai ông cháu bị thằng say xỉn đâm vô lề tông cú bạt mạng từ phía sau. Một phát. Đập đầu xuống đường chấn thương sọ não. Bé Thỏ văng khỏi tay ông nội nằm lịm im trong đám cỏ ven đường.
Út Măng đang rong nhánh mấy bụi tre trước nhà, bỗng nghe tiếng “Rầm”! rồi tiếng người xôn xao. Út Măng quăng rựa, chạy ra. Yên và Hai Trúc trong nhà cũng chạy ra. Yên nhào đến ôm bé Thỏ. Con bé đã mềm nhũn. Rồi Yên ngất! “Mẹ nó xỉu rồi! Đau lòng quá!”, tiếng ai đó nói. “Út, ráng lo cho ba nghen…”, lúc người ta sập cánh cửa xe cứu thương, Út Măng nghe tiếng Hai Trúc với theo. Cố nhoài người nhìn lại. Qua khung kính bít bùng, Út Măng chỉ nhìn thấy những nhành hoa xuyến chi bên đường rung rinh, trắng ngát…
Đó cũng là đầu tiên Út Măng dám cãi lời bác Ba tự mình quyết định một chuyện lớn. “Hai không dám…Út quyết đi!”. Bữa đó Hai Trúc cũng lưng chừng với Út Măng vậy. Đau lòng lắm, nhưng Út Măng thấy nên phải thế. Tâm trí Út Măng rối bời. Muốn khóc mà không khóc được. Nghe nước mắt cứ chảy ngược vào trong. Nghe có điều gì đó cứ thôi thúc, thôi thúc. Ý nghĩ xuất hiện vào cái lúc…
Út Măng không thể lý giải được!
“Người ta đụng ba mày chấn thương sọ não, đau nhiêu đó chưa đủ sao mày còn cho banh da xẻ thịt ổng thêm lần nữa mới chịu cho ổng “đi” ha, Út?”. Bữa đó, bác Ba giận, bỏ về, ngay khi thấy Út Măng quyết định bước vào phòng ký giấy.
Liền sau đó, ba Út Măng được đưa lên bàn mổ…
Ranh giới giữa sự sống và cái chết tưởng xa mà gần quá. Vừa thấy đó đã mất đó. Chắc ba không giận Út Măng đâu. Ba từng kể Út Măng nghe nhiều về sự chết. Sự chết với ba nhẹ nhàng lắm. “Ba may mắn được sống trở về, chứ đồng đội ba bỏ xác lại chiến trường biên giới Tây Nam nhiều lắm!”. Bà nội thì hay nhìn ra xa xăm mỗi khi kể chuyện chiến tranh: “Xứ Tây Nam này hồi chiến tranh người ta chết bom, chết đạn không biết bao nhiêu mà kể xiết. Nhiều người chết không còn nguyên vẹn. Người mất đầu, kẻ mất tay, mất chân.”. Bà nội kể hồi ông nội làm giao liên, bữa đó đang trên đường đưa công văn từ An Điền lên Rạch Bắp thì bị vướng trái. Ông nội chết cơ thể không lành lặn, người một nơi, cái chân văng một nẻo. Nhưng chuyện bà nội kể đi kể lại nhiều nhất mà cũng là chuyện Út Măng nhớ nhất là trận càn Xê – đa – phôn ( Cedar Falls ) hồi năm 1967. Cuộc san bằng bình địa chín ngày đêm của quân xâm lược đã vùi lấp toàn bộ nhà cửa, mồ mã, vườn tược của người dân vùng “Tam giác sắt”, trong đó có mộ ông nội Út Măng. Đến sau giải phóng 20 năm, tận đến năm bà nội mất cũng không tìm mộ được để mà nhang khói.
Mới đó đã kỳ giỗ thứ tư. Những cơn lao xao ở xóm tre chưa dứt hẳn nhưng đã thưa thớt dần. Cái hố bom bự chảng ngoài vườn tre sau hè hồi ba thả bèo, thả cá xuống đó nuôi, năm ba mất, một bữa sáng ra Út Măng thấy cá rủ nhau nằm phơi bụng kín mặt nước. Út Măng vớt cá gom lá đắp ủ làm phân, bơm hết nước dưới ao tưới vườn, rồi cặm mấy đoạn tre tàu xuống đó. Nghoảnh đi nghoảnh lại giờ măng, tre đã chen nhau chật kín.
Vừa cặm mấy nén nhang lên bàn thờ xong quay ra Út Măng nhìn thấy hai người khách lạ đứng nơi cửa. Một người phụ nữ chừng ngoài năm mươi, vận áo trắng kín cổ, ôm một giỏ trái cây bọc giấy kính trong suốt. Người phụ nữ còn lại tóc ngắn, gương mặt tròn, vận áo sơ mi màu đen, ôm giỏ hoa lan hai màu trắng, tím, thắt nơ rất đẹp. Hai vị khách đang đứng nhìn trân trân lên di ảnh ba Út Măng trên bàn thờ!
Yên ôm “bé Thỏ” đứng nơi góc phòng. Hôm nay Yên có vẻ tỉnh tuồng hơn mọi ngày. Hai Trúc từ nhà sau bưng lên thố cá kho đang bốc khói, sực mùi tiêu thơm ngát đặt vào giữa mâm cúng. Món cá kho mà hồi còn sống ba Út Măng rất thích. Bác Ba ngoài cửa đi vô gật đầu chào hai vị khách, đưa tay đón nhận giỏ trái cây của người phụ nữ áo trắng trịnh trọng đặt vào mâm cúng, xong lại quay ra đón nhận giỏ hoa của vị khách áo đen trang trọng đặt lên bàn thờ. Ngọn lửa từ chiếc đèn cầy đang cháy bỗng rực lên một phát làm Út Măng giật mình!
Hai vị khách cùng giơ cao ba nén nhang qua khỏi đầu. Mấy sợi khói mong manh lượn lờ thoảng mùi trầm hương làm cho gian phòng thêm phần ma mị. Bờ vai người phụ nữ áo đen bật bật lên từng hồi. Út Măng bỗng rùng mình, nghe cảm giác rờn rợn chạy dọc theo sống lưng. Lúc người phụ nữ áo đen cặm nhang xong quay ra Út Măng thấy hai mắt bà đỏ hoe. Nhìn sang người phụ nữ áo trắng, Út Măng thấy bà cũng sụt sùi đưa một cánh tay lên chầm chậm nước mắt.
Út Măng lục lọi ký ức hôm đám tang ba. Hôm đó có vài khách lạ đến viếng mà Út Măng chưa từng biết mặt họ. Bỗng Út Măng nghe vỡ òa trong lòng. Một ý nghĩ vừa chợt xuất hiện trong đầu. Có khi nào một trong hai người phụ nữ này có một người là… má!? Rồi Út Măng vội xua đi cái suy nghĩ vừa chợt đến. Chẳng thể nào!?
Út Măng lớn lên đã không thấy má trong nhà. Chỉ có ba, bà nội và bác Ba. Năm Út Măng mười lăm tuổi thì bà nội mất. Bác Ba kể lúc má đẻ Út Măng chừng hơn tháng thì bỏ đi. Bên nhà ngoại chê ba là bộ đội nghèo, không cho má lấy ba. Bà ngoại ra điều kiện nếu má cãi lời bà ngoại sẽ tự vẫn. Bác Ba nói má cũng thương ba, nhưng sợ bà ngoại. Rồi má bỏ ba, bỏ hai chị em Út Măng đi biền biệc luôn một nước.
Hồi còn bà nội, thi thoảng Út Măng cũng nghe bà nội nhắc mấy chuyện về má. Nội trách má tệ bạc, mấy chục năm không một lần tìm về thăm chồng, thăm con. Nội thương Út Măng vì từ nhỏ tới lớn chưa biết mặt má. Có lần Út Măng nghe bác Ba nói chuyện với bà nội, có cô làm chung Ty xây dựng thương ba. Ba cũng thương cô đó, nhưng tính tới tính lui rồi ba ở vậy. Bác Ba nói chắc ba thương hai chị em Út Măng nhiều hơn nên không đi bước nữa. Cô đó chờ hoài không thấy ba ừ hử, buồn quá nên xin chuyển công tác. Những câu chuyện không đầu, không cuối về má thi thoảng nghe người lớn nói qua, nói lại làm Út Măng cứ không thôi suy nghĩ…
Hai vị khách vẫn không rời mắt khỏi bức di ảnh người quá cố trên bàn thờ. Bác Ba nhìn hai vị khách rồi nhìn Út Măng vẻ ngập ngừng… Yên đặt “bé Thỏ” lên ghế rồi lặng lẽ đến bàn thờ. Cô đưa tay sờ sờ lên di ảnh bé Thỏ một lát rồi từ từ rút mấy nén nhang…
Bác Ba bỗng cất tiếng:
– Mấy năm nay, cùng ngày này, cô Châu, cô Liên cũng cúng giỗ ba con…
Bác Ba vừa nói đến đó, bất thình lình một con bướm từ ngoài cửa bay thẳng vào nhà. Út Măng rùng mình! Con bướm màu xám, chừng hơn nửa bàn tay. Bác Ba nhíu mày nhìn con bướm rồi nhìn lên bàn thờ. Con bướm lượn một vòng khắp gian phòng rồi đậu lên giỏ trái cây trên mâm cúng. Hai vị khách lật đật chấp tay xá xá. Chừng một phút thì con bướm lại bay lên, lượn thêm một vòng rồi bay lên bàn thờ, đậu lên nhành hoa lan màu tím.
“Là ba? Là hương hồn ba tác ý vào linh vật bướm?”. Út Măng không thuộc người duy tâm, nhưng từ ngày ba mất có nhiều chuyện xảy ra làm cho Út Măng cứ cảm giác như ba vẫn còn đang hiện hữu…
Yên tròn mắt nhìn con bướm đang nhấp nhấp đôi cánh trên nhành hoa, miệng  lắp ba, lắp bắp: “Ba…ba…bé Thỏ…Thỏ…”. Út Măng vội bước đến ôm vợ, bóp nhẹ bờ vai đang run run của cô. Yên đang rất xúc động! Hình như cô cũng đang linh cảm điều gì đó…!
Út Măng quay ra nhìn hai người phụ nữ rồi lại nhìn lên con bướm trên bàn thờ. Mấy nén nhang hai vị khách vừa thắp đang cuốn tàn cong queo. Út Măng lại rùng mình! Thố cá kho giữa mâm cúng chỉ còn tỏa vài sợi khói mong manh, yếu ớt. Rồi đột nhiên Bác Ba nhắc lại chuyện hôm ở bệnh viện… Đến cái đoạn Út Măng bước vào phòng ký giấy, bác Ba giận bỏ đi về thì… con bướm đột nhiên bay lên! Con bướm lượn ba vòng khắp gian phòng rồi sà đậu lên vành thố cá kho lúc đó đã thôi không còn tỏa khói. Út Măng lại rùng mình…!
Những cơn rùng mình cứ nổi lên liên tục mà Út Măng không cách nào ngăn được. Út Măng đưa tay vỗ vỗ lồng ngực đang thình thịch, thình thịch. Yên đứng ngây người quan sát sự di chuyển của con bướm xám. Út Măng chẳng bao giờ tin vào những điều thuộc về cõi vô hình nhưng sự xuất hiện của con bướm xám không thể làm cho Út Măng ngừng liên tưởng…
Người phụ nữ áo đen chợt lên tiếng:
– Suốt mấy năm nay, ngày nào tôi cũng cầu nguyện sẽ tìm được ân nhân. Mỗi hơi thở tôi đều nhớ đến ông ấy…
Bác Ba nhìn Út Măng định nói gì đó, nhưng lại thôi.
Bác Ba vẫn chưa giới thiệu rõ ràng danh tánh hai vị khách lạ!
Út Măng vỡ òa…
Tình cờ trong buổi tiệc tất niên, một người phụ nữ đã từ chối lời mời rượu vì lý do vừa được ghép thận. Người đàn ông cùng bàn nghe vậy hỏi thăm. Rằng, ông có người thân bị tai nạn, đã hiến tạng vào ngày…tháng…năm… Những thông tin tiếp tục được ráp lại, một cách rất trùng khớp.
Người đàn ông là bác Ba và người từ chối lời mời rượu là người phụ nữ áo trắng.
Út Măng xúc động quá!
Hai Trúc bưng mặt khóc!
Người phụ nữ áo trắng bước đến ôm Út Măng. Út Măng gục đầu lên bờ vai bà, nghe từng hơi thở, nghe từng nhịp tim đập. Út Măng cứ tưởng như ba đang ôm mình, nghe buồn, vui cứ đan xen lẫn lộn. Lúc ngước lên Út Măng thấy bờ vai bà đẫm ướt, không hay nước mắt đã chảy tự khi nào!? Út Măng quay sang người phụ nữ áo đen, thấy bà đang vỗ về Yên. Yên đang khóc thút thít, thút thít…
Mới hiểu, sao lúc mới gặp Út Măng đã cảm giác hai vị khách thân quen, gần gụi lắm!
“Nhiều bệnh nhân đang sống trong sự chờ đợi… sống từng ngày với hi vọng mong manh… họ chờ đợi những nghĩa cữ hiến tặng… từ thân nhân của những người sắp qua đời… !” – Út Măng nhớ lại lời vị bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy hôm đó.
Con bướm màu xám nhấp nhấp đôi cánh ba lần rồi vụt bay ra ngoài sân!
Có hai sự sống đã được hồi sinh sau mất mát lớn lao trong đời Út Măng. Hai vị khách này từng là bệnh nhân mắc chứng bệnh suy thận mãn, cách bốn năm trước đã được đưa lên bàn mổ cùng lúc với ba Út Măng để được ghép thận. Hai người phụ nữ đang mang trong mình một phần sự sống còn lại của ba Út Măng. Chiều đó, lúc Út Măng trên đường đưa ba “về” xóm tre, cũng là lúc hai người họ đang được “hồi sinh”!
Lúc đồng ý ký đơn hiến tạng ba, Út Măng chưa từng nghĩ sẽ bị miệng đời cay nghiệt. Càng không nghĩ sẽ có cuộc trùng phùng đầy cảm xúc diễn ra như thế này!
Có điều gì đó đang diễn ra thật thiêng liêng!
Út Măng nhìn ra ngoài sân. Con bướm xám đang lượn lờ quanh mấy bụi trúc ngoài rào.
Chiều đó, xóm tre lại nổi lên những cơn lao xao. Những cơn lao xao về một cuộc trùng phùng vừa xảy ra. Rất lạ!.
Bình Dương, 14/3/.2022
Lê Ngọc Hạnh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...