Một Buổi Chầu
Đầu giờ Dần quan lễ bộ tả thị lang họ Hà đã thức dậy gọi gia
nhân thắp đèn đuốc sáng trưng năm gian phòng tư thất. Sáng sớm hôm nay, ngài sẽ
cùng văn võ bá quan vào cung chầu thiên tử, trong buổi đại triều thứ nhất về
mùa xuân.
Thánh thượng ngọc thể khiếm an đã hơn hai tháng. Đã hơn hai
tháng các quan không được gặp thiên nhan. Vì thế quan thị lang sốt ruột mong
chóng tới giờ bệ kiến.
Không những quan thị lang đã nổi tiếng là một trung thần ai
ai đều kính phục, mà chữ trung đối với ngài còn có một nghĩa cao cả thiêng
liêng. Ngài đinh ninh thờ vua ở trên đầu, âm thầm thờ vua ở trong tâm. Lúc thức
tơ tưởng đến vua, lúc ngủ chiêm bao thấy vua. Thị lang muốn cả cái thân ngài
hoàn toàn là kỷ vật của vua và chỉ ao ước có dịp được hy sinh cho thánh thượng.
Hy sinh! Xả thân vì thiên tử! Không một ngày nào, không một
giờ nào, quan thị lang không nghĩ đến điều ấy. Rồi đem điều ấy dạy vợ dạy con,
coi như đó là một học thuyết, là học thuyết độc nhất của bọn thần tử, của toàn
thể quốc dân.
Thị lang không bỏ qua một dịp nào có thể nhắc đến ơn vua.
Ngài thường bảo cho lũ con nhỏ biết rằng chúng ăn cơm vua, mặc áo vua ban, và cả
gia đình đều nhờ lộc vua mà được sống.
Những lời xúc phạm tới vua, dù nhẹ đến đâu mặc lòng, thị lang
không bao giờ tha thứ. Và ngài thường lấy địa vị một viên quan trong bộ Lễ tư
sang bộ Hình đòi làm tội nặng cực điểm những kẻ phạm thượng.
Mới cách đấy hơn một tháng, thị lang đã toan khép vào án tử
hình bà thứ thất yêu quý của ngài vì một tội chẳng lấy gì làm trọng cho lắm. Bà
chỉ bình phẩm một câu về hoàng thượng, mà lại bình phẩm trong phòng khuê giữa
câu chuyện ái ân đằm thắm. Nhân chồng báo tin cho bà biết rằng thánh thể bất
an, bà mỉm cười nói:
- Bà thứ phi đẹp thế làm gì mà thánh thể chẳng bất an.
Sự thực, năm trước hoàng thượng vừa kén được một cung tần, một
thiếu nữ giặt chiếu bên sông mà mê vì sắc, trọng vì thông minh ngài đã cất lên
ngôi thứ phi và rất đỗi thương mến như viên ngọc quý trên tay. Vả câu nói của
bà thứ thất quan thị lang chỉ là một câu đùa bỡn trong lúc nũng nịu. Nhưng đối
với người trung thần kia, thì đó là một ý tưởng bất kính, một ý tưởng phạm thượng,
phản trắc. Vì thế, ái tình quan thị lang đang bồng bột nồng nàn bỗng lạnh ngay
như giá băng. Rồi ngài ra công đường thảo bức thư giao phó bà thứ thất về với
cha mẹ trong sáu tháng; bà được kết án nhẹ như thế là cũng nhờ về có nhan sắc.
+ + + Quan thị lang đã đóng xong triều phục. Chỉ còn thiếu một
đôi hia, vì ngài không ưng đi đôi hia thường. Ngài cho rằng mang đôi hia đã
dùng để đi ra vườn, ra sân, nhỡ giẫm phải một vật ô uế, thì còn đâu là lòng
kính cẩn khi quỳ trước sân rồng. Bởi vậy, ngài đã truyền gia nhân mở rương lớn
lấy đôi hia mới.
Ngồi trong ghế bành tượng, quan thị lang nóng nẩy chờ lính hầu
đem hia lại. Và ngài băn khoăn tìm xem còn điều gì khiếm khuyết nữa không. Hôm
qua, ngài đã tắm gội thanh khiết. Ngài lại đã trai giới trong luôn ba hôm. ấy
là không kể mười ngày trai giới trong tháng trước để cầu nguyện cho thượng
hoàng chóng bình phục...
Sợ chậm trễ bị quan quở, chú cai hầu cận chỉ kịp phủi qua bụi
trên mũi đôi hia nhung, rồi vội vàng lồng vào chân quan.
Bấy giờ mới giữa giờ Dần mà dinh quan tả thị lang bộ Lễ lại gần
cửa Ngọ Môn, nhưng Hà công cũng hấp tấp ra đi. Ngài thừa biết còn sớm chán và đến
Ngọ Môn sẽ phải đợi lâu mới tới giờ Mão, giờ vào chầu. Ngài làm ra vội vàng, chẳng
qua là để tỏ lòng mẫn cán thờ vua của mình, tỏ riêng với mình để được đúng lễ
chứ không cần phải bộc bạch cho mọi người đều biết.
Hà thị lang đứng dậy ra sân. Một hồi trống khẩu, một tiếng
hô. Tức thì một cái võng trần ghé lại bên thềm. Kể thì chức tả thị lang chánh
tam phẩm được đi kiệu cũng như chức thượng thư chánh nhị phẩm, nhưng Hà công
không bao giờ dùng kiệu để vào chầu vua. Ngài cho cái kiệu cao quá, và ngồi
nghênh ngang trên kiệu, ngài thấy không hợp với cái đạo làm tôi. Người bầy tôi
phải khúm núm run sợ, khi đương đi đến sân rồng cũng như khi quỳ trước long
nhan.
Nhưng không phải vì thế mà quan tả thị lang lúi xùi. Ngài vẫn
dùng đủ các nghi phục ngài được phép dùng: bốn cây lọng xanh, bốn cái đèn lồng
và hai đôi kiếm, quất.
+ + + Một hồi trống lớn. Cánh cửa Ngọ Môn mở rộng. Hai bên
các quan văn võ qua hai lối xép đi vòng hồ bán nguyệt, thong thả, trịnh trọng
theo điệu âm nhạc bước tới sàn đại điện. Rồi chia ngôi thứ, ghi ở các biển phẩm
trật, các quan quỳ thành hai hàng dài.
Bấy giờ cửa điện đã mở, nhưng rèm còn buông, nên các quan đều
chưa rõ hoàng thượng đã ngự triều hay chưa. Tuy thế mặc lòng, nhiều quan cũng
thì thầm nói chuyện với nhau. Và có người lại dám cúi gằm mặt xuống khúc khích
cười nữa.
Riêng về phần Hà thị lang, ngài không nhúc nhích, mắt đăm đăm
nhìn thẳng vào miếng kính ở cái hốt ngà.
Một câu hô: "Thiên tử!" Các rèm kéo lên một loạt.
Giữa lúc ấy, Hà thị lang thấy có một vật động đậy trong hia
bên trái. Rồi các đầu ngón chân buồn buồn tựa có kiến bò. Thị lang rùng mình,
và rời rã chân tay như người bị cù. Nhưng một tiếng hô thứ hai làm ngài giật
mình và quên hẳn cái chân.
"Bái chúc thánh hoàng vạn tuế!".
Ngài theo các quan quỳ phía trên, phủ phục xuống sân rồng, đọc
cùng một loạt:
"Bái chúc thánh hoàng vạn tuế! Vạn vạn tuế!".
Tiếng "tuế" sau cùng vừa dứt, Hà thị lang thấy nhói
một cái ở ngón chân út, như bị một mũi dùi đâm mạnh, khiến suýt nữa ngài kêu:
"ái!".
Thị lang cho là mình để chân nhầm chỗ có cái đanh nhọn, và vì
mình ấn mạnh hia xuống gạch để lạy, cái đanh ấy xuyên qua lần vải mà chọc vào
ngón chân. Đoán chỗ thủng sâu lắm, và có cảm giác máu chảy, thị lang ngó ngoáy
và cố di ngón chân út vào vải hia cho đỡ ngứa, thì cái đanh tưởng tượng lại
càng đâm mạnh hơn, sâu hơn.
Rồi liền ngay lúc ấy chỗ đau nhức nhói, buốt chội lên như ai
cầm một nắm kim mà cắm thấu tận xương. Thị lang nghiến răng lại để khỏi xuýt
xoa. Và ngài nghĩ thầm: "Thiên tử mới bình phục chắc còn mệt. Vậy thì cố
chịu đau một lát nữa thế nào rồi...".
Nghĩ đến đấy, thị lang bỗng phải ngừng lại để toan kêu thét
lên vì vừa bị một nhát thương thứ hai ở ngón chân cái. Bấy giờ cái cảm giác có
một con vật bò trong chiếc hia rộng đã hơi rõ rệt. Thị lang thấy cả hàng chân mềm
của con vật động đậy và chải mơn lên đầu mấy ngón chân của mình. Rồi như có một
cơn gió vừa thổi lạnh vào thân thể, vào ngũ tạng, thị lang rét run, hai hàm
răng đập vào nhau côm cốp.
Nhức buốt dần dần tăng, dần dần lan ra tứ chi, thấm vào ruột,
vào phổi, ăn thẳng lên óc. Thị lang tưởng chừng con vật ở trong hia đã chui lọt
qua lần da, theo đường các ống xương mà chạy thực mau, vừa chạy vừa cắn.
Nhưng tuy đau có thể chết ngất được, thị lang vẫn cố sức, vẫn
thu hết tàn lực lại để quỳ vững vàng, ngay thẳng. Mỗi khi cái lưng ngài muốn gập
xuống dưới sức đè nặng trĩu của con quái vật tàng hình thì ngài lại nghiến răng
bạnh cổ và ưỡn ngực để chống lại. Vì cái đau xé can tràng vẫn không thể làm cho
tinh thần ngài mất tỉnh táo đến nỗi quên được rằng mình đương chầu vua, và chỉ
một tiếng kêu bất kính, một cử động không hợp lễ như thò tay bóp chỗ đau chẳng
hạn, cũng đủ liệt mình vào hàng bầy tôi bất trung.
Mắt thị lang lim dim nhìn vào kính hốt thấy đôi mi xưng húp
như chứa đầy nọc độc con vật kỳ quái.
Rồi mình mảy thị lang đau ran lên, đau từng phân, từng li thịt
một. Bất giác hai dòng lệ tuôn rơi lã chã, thị lang phải ghì hết can đảm và nghị
lực mới giữ được khỏi thốt ra câu thỉnh cầu khiếm lễ: "Muôn tâu Bệ hạ, xin
Bệ hạ miễn triều cho kẻ hạ thần, chẳng kẻ hạ thần chết mất." + + + Trong
khi ấy thì hoàng thượng vui vẻ hỏi chuyện quan thái sư mà ngài vừa truyền gọi đến
bên ngai vàng. Ngài cười nói coi bộ thích chí, thì thầm nhiều câu tưởng chừng
bí mật lắm. Và ngài như quên hẳn bọn bầy tôi đương quỳ ngoài sân rồng.
Bỗng ngài quay ra, chau mày nhìn, rồi lẩm bẩm như gắt:
- Miễn triều!
Tức thì quan thị vệ ngân nga hô lớn:
- Thiên tử miễn triều!
Các quan thong thả lên gối đứng dậy một loạt.
Một mình Hà thị lang vẫn quỳ. Người bên cạnh nhắc:
- Kìa, quan bác, Bệ hạ miễn triều!
Hà thị lang ngửng lên chừng để được thấy thiên nhan một lần
cuối cùng, rồi nằm vật ra kêu:
- Trời ơi! Cái hia!
Các quan ngơ ngác, hoảng hốt cúi nhìn: Hà thị lang bằn bặt
thiếp đi.
Nghe có tiếng ồn ào, hoàng thượng hỏi thái sư:
- Cái gì thế?
Một quan thượng thư tiến gần lại quỳ tâu:
- Muôn tâu Bệ hạ, Hà thị lang vừa ngất đi. Mà lúc Hà thị lang
lăn ra đất, kẻ hạ thần có nghe thấy tiếng kêu: "Cái hia!" Vậy chưa rõ
thực hư, kẻ hạ thần xin cứ tâu lên thánh thượng.
Hoàng đế cười, phán:
- Hắn kêu "cái hia" thì cứ tháo hia hắn ra sẽ rõ thực
hư ngay, chứ có khó gì.
Chiếc hia trái vừa rút khỏi chân Hà thị lang vẫn nằm bất tỉnh,
thì một con rết dài gần một gang tay chạy vọt ra. Bá quan văn võ quên cả nghi lễ
đua nhau chạy đuổi, vung bốt ngà đánh dập nát con vật, trong khi hoàng thượng
ngồi cười ngất trên ngai vàng.
Rút từ tập truyện Hạnh Nxb Đời nay, Hà Nội, 1938.
Khái Hưng
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét