Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

"Những đôi mắt khoảng trời" kết thành bảo tàng tuổi thơ

"Những đôi mắt khoảng trời"
kết thành bảo tàng tuổi thơ

Tiểu thuyết Những đôi mắt khoảng trời là cuốn văn xuôi thứ hai của nhà văn Đào Quốc Vịnh được hoàn thiện và in xong vào đầu mùa xuân 2023, sau tập truyện ngắn “Hào quang của đất” xuất bản năm 2022. Có lẽ đây là thời điểm mà bút lực ông được tập trung năng lượng nhiều nhất, tiếp tục ghép mảnh để có một hình hài, diện mạo rõ rệt. Qua giai đoạn sáng tác chưa dài cũng chẳng ngắn của ông, đã thấy một ý thức trách nhiệm đối với văn chương. Ông luôn luôn dành dụm và gửi gắm những giá trị nhân văn cho các thế hệ sau ở đất nước mình. Về phương diện ấy, ông là một nhà giáo dục đáng kính, một nhà văn đáng trọng. Vì vậy, Đào Quốc Vịnh đã dồn tâm huyết vào những tác phẩm hôm nay viết cho trẻ em, cho cuộc đời và cho chính mình.
Có thể thấy, hai tác phẩm của nhà văn Đào Quốc Vịnh gần như là Ký sự Đời tư được chắt ra từ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu đỏ của đời ông… Những thông điệp trong đó tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng lại thấm sâu vào xúc cảm người đọc, gợi nhớ những tháng năm quá khứ, những chặng đường lịch sử mà ông đã vật vã tồn sinh để đến hôm nay nhà văn hồi ức trong những day dứt và ngẫm suy đầy trăn trở về thế thái nhân tình. Ở tiểu thuyết Những đôi mắt khoảng trời, với vỏn vẹn 9 thức đoạn mà đủ đầy buồn vui, thương nhớ, nổi chìm… Phần nổi là những tủy cốt của một thời biến động, đất nước và con người khó khăn, cam khổ biết bao! Phần chìm chất chứa những cái đẹp hồn nhiên và sự thiện chân trong sự tồn tại và giác ngộ của lương tri, chỉnh sửa tâm hồn. Ở không gian ấy, mang mang vọng âm từ những đứa trẻ đầy khát khao, mơ ước. Cái thời ăn cũng dè xẻn từng xu, từng hào, mặc cũng chẳng mấy khi có bộ quần áo mới… Đọc lướt, đọc qua tưởng chẳng có gì nhưng chính những điều ấy đã hút dẫn mọi sự chú ý, tâm hồn nhà văn, để đến hôm nay người đọc được cùng nhà văn trở ngược lại một thời tê buốt. Tất cả đã tái hiện, phục hồi rất thật suy tư của những đứa trẻ ngày xưa.
Cũng như nhiều nhà văn khác, quê hương, vùng đất, tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình chính là nơi tiềm thức và vô thức của nhà văn Đào Quốc Vịnh tìm đường trở về. Những mải miết thế sự rồi cao xa hơn là trách nhiệm về cộng đồng, về tổ quốc đến một lúc nào đó sẽ phải dừng lại để hướng về nguồn cội, để bám trụ cái nơi mà ta đã sinh ra, đã từng đầu tiên trần trụi… Đây mới chính là vùng thiêng đã cung cấp và ủ nén một vóc hồn thuần phác, trong trẻo, biết tự đẩy đời mình đi đâu, biết hiểu, biết cảm thông cho chính mình khi trái sai, lầm lỗi. Những đôi mắt khoảng trời được mở khai bằng những đứt đoạn hồi ức và thường kết lại bằng những hoài nhớ linh thiêng, để rồi mở ra những ngẫm suy về đời sống hôm nay. Nhà văn dùng sự diễn chân của ngôn từ để đắm vào kỷ niệm, để sống, để găm gửi những điển hình của một thế hệ trước mà nói thật nhiều với các thế hệ sau rằng: Chúng tôi đã sống như thế, tốt và xấu, đẹp và chưa đẹp nhưng hơn hết đều bằng cái tâm tự vấn của chính chúng tôi. Thông điệp ấy ngầm dẫn hướng người đọc tới một ngày mai tốt đẹp và tươi sáng hơn. Phải khẳng định rằng đó là những vật chứng phi vật thể của tuổi thơ một lớp người, tưởng chừng đơn giản, bình thường nhưng theo tôi xứng đáng đặt vào giữa một bảo tàng kỷ niệm của ngày xưa.
Tiểu thuyết Những đôi mắt khoảng trời kể về tuổi thơ của nhân vật chính Khang, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê Bắc Bộ giữa một thời đoạn được cho là gian khó nhất. Đấy là khi đất nước vừa thực hiện hiệp định Giơ – Ne – Vơ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn tạm thời bị chia cắt để chờ ngày Tổng Tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng sau đó, đất nước rơi vào cảnh chia rẽ và đối lập hai miền Nam- Bắc. Cậu bé Khang sinh ra trong một gia đình đầy biến cố, hoạn nạn. Trước đó, Cha cậu thì bị nghi là Việt Minh nên nhiều lần chết đi sống lại, bị hành hạ tàn nhẫn và bắt nhốt bởi quân Pháp. Chúng đốt nhà, đuổi cả gia đình ra khỏi nơi cư trú. Một mình Bu gồng gánh nuôi các anh chị của Khang khi còn rất nhỏ, đứa bé nhất đang bập bẹ nói. Đùng một cái, dịch bệnh xuất hiện, tất cả 6 đứa con của Bu Khang không thể sống sót. Bu phải tự tay chôn cất các con mình trên chặng đường tha hương đầy đau khổ. Bà quằn quại trong đau đớn vô biên, rồi hóa điên, hóa dại. Mãi đến sau khi cha của Khang chuyển trại giam, học được nghề mộc, vượt ngục trong một cơ duyên, trở về vùng tự do sinh sống, làm việc,… Ông về quê tìm lại người vợ hiền và 6 người con của mình. Nhưng…, Vợ ông đã nửa điên nửa dại. Bằng tình yêu thương kỳ lạ, vợ chồng ông đã trở lại bình thường. Khang đã được sinh ra trong tình trạng yêu thương vô bờ ấy vào cuối tháng 05 – 1955. Hình như đó cũng là một chút bù đắp cho những mất mát kinh khiếp trước kia.
Khang được sinh ra sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc. Tuổi thơ của Khang cũng diễn ra như bao đứa trẻ khác, được học, được chơi, được yêu thương, săn sóc bởi cha mẹ, thầy cô,… Khang vốn là một cậu bé gầy gò, bị bệnh hen suyễn từ khi sinh ra, dày vò cậu suốt những năm tháng cấp I, cấp II… Cậu học giỏi Văn, có tính độc lập, kiên quyết làm những gì mình thích. Cậu là niềm tự hào, kiêu hãnh của gia đình từ những nét chữ đầu tiên cho đến ngày cậu đỗ vào cấp ba với số điểm cao nhất. Tuy nhiên, Khang cũng là một đứa trẻ tinh nghịch, làm nhiều trò vớ vẩn và dại dột cùng những bạn thân trong làng. Lúc thì đánh nhau với đám con trai làng khác đến nỗi toác đầu; Lúc thì bày trận ném đất vào nhà bà hàng xóm vì bà hay chửi người khác;… Có lúc cậu còn trả đũa bạn bằng cách quẹt cứt gà sáp vào mũi bạn; Cả gan bẫy thầy giáo, làm thầy hứng trọn một chậu tro to tướng; lại còn trộm tiền của cha để lần đầu uống bia, cái thứ thực sự rất xa xỉ và nguy hiểm với tuổi thơ… Những trò nghịch ngợm của trẻ con thời ấy như vẽ lên một thời kỳ hoàn toàn đối lập với hiện tại: chẳng điện thoại, chẳng phải lo toan ăn mặc, chẳng quán xá và cũng chẳng được chém gió như bây giờ…
Tất cả những tình tiết, chi tiết ấy được nhà văn kể lại và miêu tả một cách cặn kẽ, chân thực từ đời sống bên ngoài vào nội tâm, từ bản thể cá nhân cho đến ngoài đời. Ông cũng chẳng tiếc gì mà dành tặng cho người đọc một lát cắt sinh động của những u thẫm xưa xa qua thức điệu lúc chậm rãi, lúc ráo riết để mơ màng, giãi bày, tâm sự, đối thoại với chính mình. Từ đó, một tác giả văn xuôi đã nhập hồn vào cái tôi của mình để mã hóa thành tâm trạng chung của một lớp người ngày ấy… Ngoài ra, bạn đọc tiếp nhận được cảm giác tâm trạng của những người trong cuộc, đặc biệt là tâm trạng của Khang. Nguồn năng lượng tâm giác của nhân vật chính này quá mạnh, quá ám tượng mặc dù Khang chỉ là một đứa trẻ. Tất nhiên, đứa trẻ ấy đã được một ông già thổi hồn qua năng lượng sống nhiều năm vật vã với đời của chính ông. Khang vừa ngoan ngoãn vừa ương bướng, vừa sôi nổi vừa điềm tĩnh. Khang đã dằn vặt rất lâu sau vụ bẫy thầy giáo, cũng hối hận, đớn đau qua những trò chơi quái đản, cũng chịu đựng khi thầy giáo bắt cậu làm đi làm lại từng đoạn văn; cũng biết lo lắng khi sự kỳ vọng và niềm tự hào của thầy bu quá lớn… Những điều ấy, nhà văn Đào Quốc Vịnh quả thực đã biểu hiện cực kì chân xác và xúc động, bởi vì ông nhập hồn vào nó, nhiều khúc đoạn tựa một dải thơ mềm mại, êm đềm phất bay giữa một vùng quê kỳ lạ mà vẫn mang được những nét chung của đồng bằng Bắc Bộ năm xưa. Điều kỳ diệu nhất là trong bao nhiêu muộn phiền, cay đắng, bất công và cơ cực, tình người vẫn cháy lên, phát sáng, những giá trị nhân văn, nhân ái của dân tộc Việt vẫn được tồn lưu, bảo vệ và phát triển.
Những tình tiết, sự kiện được Đào Quốc Vịnh kê biên trong tiểu thuyết Những đôi mắt khoảng trời đều có giá trị gợi nhớ, gợi nghĩ. Tất cả không gian – thời gian, lý trí – vô thức, trầm – bổng,… được đẩy lên thông qua một ngôn ngữ kể tự nhiên, tưng tửng mà đầy những ngẫm suy thế sự. Tôi không thấy có sự xung đột nào về mặt ngôn ngữ và diễn đạt. Thay vào đó, nhà văn chú trọng về mảng miếng, về chi tiết, nhằm tái tạo cái mà ông mong muốn… Chỉ có sự thực dội vào trang văn mới có thể đánh thức được cái đã qua, cái không còn hiện hữu trước mắt một cách đầy đặn nhất. Tất cả các đoạn mạch hồi ức được nhà văn huy động một cách thẳng thắn, rõ ràng, đã tái hiện lại một không gian và thời gian nghệ thuật của riêng ông. Có thể gọi đây là sự phân luồng, sắp xếp mỗi hành động, cử chỉ, để biến tạo ra con người, vùng đất, tạo thành thế giới riêng, thu nhỏ mà rộng mở.
Trường nhân vật trong tiểu thuyết Những đôi mắt khoảng trời không quá nhiều. Có tuyến nhân vật dùng chỉ định, có tuyến nhân vật dùng câu dẫn, có tuyến nhân vật dùng bỏ nhỏ. Mỗi nhân vật đều có vai trò làm tăng thêm sức hút của mạch truyện. Chẳng hạn Khang, bố Khang, mẹ Khang là nhân vật chỉ định, cần phải tả, kể, phác họa rõ ràng, rành mạch,… còn để trụ cột để tiếp nối sự diễn tiến thì thầy Tuấn, thầy Hiệt dạy văn, cô Khánh Vân, anh Phê, là tuyến nhân vật bỏ nhỏ. Các nhân vật này đều ít nhiều liên kết đến nhân vật chỉ định và có chức năng bổ sung sắc màu, làm sinh động, hoàn thiện cho nhân vật chính. Còn nhân vật Tuấn ba sẹo (bạn trong làng của Khang), Khuê (bạn trung học, người khiến Khang rung động),… được làm ẩn số, không cần chỉ dẫn nhiều về nguồn gốc. Tuấn ba sẹo sau khi bị bắt giam vì trộm hai bao ngô non sẽ ra sao? Cuộc đời cô bạn Khuê cũng mập mập mờ mờ cả quá khứ lẫn hiện tại. Có lẽ đây sẽ là những nguyên cớ chính để nhà văn viết tiếp những trang sách sau này,…
Tiểu thuyết Những đôi mắt khoảng trời tựa một bước triển, cấu nên một mảnh ghép, hướng đến chân dung, hình hài nhà văn Đào Quốc Vịnh. Mọi âm vọng của lớp trẻ ở một vùng quê Bắc Bộ thời bao cấp đã tự nói những tâm tình thật hơn cả sự thật về từng điệu vang quá khứ. Và ở nơi đó, thời gian ấy, có một xã hội, một đoạn đời như thế… khác xa hoàn toàn với hôm nay. Tôi cho rằng giá trị cốt lõi của câu chuyện, niềm chân cảm với chính mình và bạn đọc sẽ làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết. Văn chương thời nay có rất nhiều quan điểm, khuynh hướng. Không ít người thích loại văn chương bóng bẩy, cao sang, ngôn ngữ dị biệt, ý tưởng lớn lao… Nhưng tôi, mặc dù cũng rất thích loại văn chương ấy, nhưng vẫn luôn thích loại văn chương bình dị, từng chữ, từng câu, viết thật tận đáy hồn. Tôi sung sướng nhất khi một mình đứng trước cánh đồng lúa thơm mùi rơm rạ, ngồi quây quần bên gia đình ăn bát canh cua, cà pháo, miếng cá kho rồi cạo chút cháy đáy nồi,… Tôi đồng cảm với Đào Quốc Vịnh ở sự vọng ngân những thanh âm và ảnh hình tuổi thơ trong trẻo. Bởi thế, tôi mạn phép đưa những hình ảnh tuổi thơ thật đẹp ấy vào một bảo tàng – bảo tàng trong ý nghĩ và tâm cảm của riêng tôi.
1/5/2023
Lê Ngọc Dũng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Tình Điên Ánh sáng vàng úa của vừng thái dương đỏ chót như còn do dự ở chân dẫy tre già cao vót, rì rào, kẽo kẹt. Luồng gió mát ...