Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Nắng biên cương - Bút ký của Võ Quốc Việt

Nắng biên cương
Bút ký của Võ Quốc Việt

Trong cách nghĩ của bạn, miền biên viễn quê hương hình dung như thế nào? Từ thị xã Kiến Tường, chúng tôi theo hướng Bình Hiệp qua Bình Châu, đến thị trấn Vĩnh Hưng; lại từ đó đi tới Gò Châu Mai, cuối đường gặp chốt biên phòng, rẽ tay trái vào con đường Cặp sông Cái Cỏ của Long An.
Liệu có phải vì mặt trời dần lên cao, đứng bóng; hay vì miền biên viễn có phong khí khoáng đạt, khiến cho nắng trời trải ra mênh mông. Cơ hồ vùng biên cương tổ quốc lại thêm cao phương trời, càng thêm rộng hướng đất. Ánh nắng trời vừa rực rỡ, vừa gay gắt. Cái nắng vùng biên giới Việt Nam – Campuchia có phải muốn thử thách bước chân và lòng người?
Trước khi đến vùng biên giới cặp sông Cái Cỏ, bạn có dịp ghé thăm Long Khốt! Chưa tới đồn biên phòng, vừa qua một cây cầu nhỏ, bạn sẽ nhìn thấy Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt. Khu di tích nằm trên địa bàn ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Đến nơi lúc trời đứng bóng. Cái nắng miền biên viễn càng làm cho tường vôi hồng, mái ngói đỏ thêm rạng rỡ. Đây là nơi ghi dấu những hy sinh to lớn của chiến sĩ Sư Đoàn 5, bộ đội biên phòng và nhất là nhân dân Vĩnh Hưng, lực lượng du kích, vũ trang địa phương, … trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và chiến tranh biên giới Tây Nam ác liệt. Lớp hậu sinh khó hình dung nổi chiến trường năm ấy! Bạn chợt nhớ ông dượng có lần kể: “đạn tự né tao, chứ không tao chết mất rồi”! Vừa nghĩ chuyện cũ vừa đi tiếp, từ cổng tam quan, bạn nhìn thấy đền thờ hiện lên bề thế, vững chãi. Khoảng sân rộng, trải nắng thênh thang. Khu di tích còn có nhà khách và nhà ăn phía sau, phía tả còn có tượng Phật chờ khánh thành.
Bạn nghĩ gì khi đứng trước đền thờ? Chợt bạn nhận ra, dọc biên giới có hàng loạt khu di tích như thế! Bất giác, đó chẳng phải minh chứng cho thấy rất nhiều người đã chết hay sao? Đó là vết tích cảnh tỉnh chúng ta trong cuộc sống hôm nay? Chiến tranh là sự thất bại chung của nhân loại! Và ta đang làm gì với di sản người xưa trao lại. Ta đang làm gì với quê hương? Bao nhiêu người nam thanh niên, nữ thanh niên của quê hương chúng ta đã ngã xuống. Máu thịt của họ còn nguyên hiện trong mỗi nắm đất. Bóng hình họ còn ẩn hiện trong từng cột mốc biên giới. Những người nam thanh niên, nữ thanh niên của quê hương chúng ta, hàng hàng lớp lớp người đã chết và thương tật vĩnh viễn,…
Có hàng ngàn người bỏ xác chốn này! “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Cũng tức là hàng ngàn trái tim, hàng ngàn khối óc, hàng ngàn tuổi thanh xuân, hàng ngàn mái gia đình gánh chịu đau thương. Bạn đứng đây, trên mảnh đất Long Khốt, cũng tức là đứng trên hàng ngàn lớp trầm tích đau thương của quê hương. Bạn dâng hương, dành một phút mặc niệm. Bạn còn được cô hướng dẫn viên khu di tích chia sẻ nhiều thông tin về cuộc chiến năm xưa. Cô hướng dẫn viên mới đầu nói lưu loát, sau dường như xúc động không kiềm được, giọng run mờ khi nhắc nhớ số người lưu tên trên bốn vách tường. Cô dừng lại ít giây … Bốn vách tường đền thờ, rùng rùng âm ba minh hiển!
Và nhìn thấy vùng biên giới hôm nay, hẳn bạn thấy hàng ngàn khối óc và con tim “chẳng tiếc đời xanh” không uổng phí. Có chăng uổng phí khi lớp hậu sinh chịu cảnh sống tầm thường vụ danh lợi, không ý thức sâu sắc vận mệnh dân tộc bây giờ và mai sau. Luôn nhớ rằng: quá khứ là tấm gương phản chiếu tương lai. Từng hành động hôm nay đang góp phần kiến tạo ngày mai. Con đường tương lai rộng trải đến đâu, đều tùy thuộc vào ý thức và hành động ngay bây giờ. Những người nam nữ thanh niên của quê hương chúng ta đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử thời đại của họ; còn thế hệ hôm nay có ý thức và hành động để hoàn thành trách nhiệm lịch sử thời đại của mình hay không?
“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”.
Bạn sẽ làm gì với cuộc đời mình?
Rời Long Khốt, theo tỉnh lộ 830 hướng về Gò Châu Mai, cuối đường rẽ trái đi vào đường cặp sông Cái Cỏ, dọc theo biên giới Việt-Cam, quang cảnh xa xa những mái nhà thưa thớt. Dọc đôi bờ “lưỡng quốc”, bạn vô tình để ý. Nhìn về phía bên kia, bạn thấy một vùng đất mênh mông, trống trải, tiêu sơ; hầu như hoạt động canh tác rất hạn chế. Nhìn lại phía mình, bạn thấy vùng đất tươi mát với nhiều vạt đồng xanh. Có mấy đám ruộng trồng mè, chớm xanh non; có những vuông tôm khiến bạn khá bất ngờ. Nhà cửa, vườn tược và những bóng dừa phủ xanh một vùng biên ải. Phía bên kia, nắng tràn đồng, cây khô cỏ cháy. Phía bên này, nắng đầy ruộng, vườn tược xanh tươi. Nắng xứ người tưởng như rút khô hơi thở. Nắng quê nhà lại có vẻ chan hòa bước chân. Đất bạn thưa vắng bóng người, đôi mái nhà lụp xụp. Nhìn lại bên này, những mái nhà kiên cố dần xuất hiện, chạy nối theo con đường, gợi ra cảnh sống thanh bình yên ả. Hẳn không tránh được cảm quan cá nhân, nhưng khác biệt dường như rất rõ ràng!
Phóng tầm mắt về phía xa, biên cương vào mùa khô, nắng cường tráng rực rỡ. Vùng đất khô hạn bên phía bạn có lẽ cằn cỗi bởi thiếu hệ thống thủy lợi. Vùng đất mênh mông nhưng “rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Loáng thoáng mấy vạt cỏ khô cháy, nham nhở. Đôi mái nhà xứ bạn cất dọc bờ sông Cái Cỏ xam ra thô sơ, nền đất đỏ thêm phong khí mùa khô càng thêm vẻ bụi bặm. Tưởng như thời xa ngái trong ký ức tuổi thơ năm nào. Cây với gió hẳn có tình hữu hảo. Chỗ nào cây cối vỗ về vẫy tay, gió kéo về sum hiệp. Vùng hoang địa xứ người vắng thưa màu xanh, thành ra gió cũng hiếm khi ghé lại. Nắng vì thế càng khô hốc, quất vào da thịt. Có người than, nắng ở xứ này như mũi kim châm chích vào da. Bấy nhiêu đủ cảm biết cái sức “hỏa diệm sơn” của nắng trời. Và, không biết có ai nhận ra: người dân xứ bạn đã và vẫn đang tiếp tục trải qua bao gian khó để vượt qua cái bóng quá khứ kiêu hùng để nhận thức hiện thực hôm nay, vượt qua nạn tai thời thế để khâu vá đau thương dân tộc và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Chính ở đấy, dân mình sẵn lòng tương trợ và cùng bạn chung một tình láng giềng hữu nghị!
Nhìn lại xứ mình, nhịp sống bình lặng, yên ả nhưng không trống trải. Bởi dân cư ở đây hẳn đã có điều kiện sống cải thiện hơn trước. Đường xá bê tông hóa. Dọc theo lộ, hàng trụ điện nối dài. Nhìn vào những mái nhà biết được cuộc sống có phần khang trang hơn, nhà cửa xây cất có phần kiên cố hơn. Sức sống và tiềm năng một vùng biên cương hiện lên nhiều hứa hẹn. Nếu bạn nhìn những gốc dừa xanh hai bên đường dọc biên giới, và mỗi người dân vùng biên ải chẳng khác gì cây đời bám trụ bảo vệ vững vàng bờ cõi quê nhà; bạn sẽ nhận ra vết tích thâm trầm của quá trình “Nam tiến” – lịch sử mở cõi lâu dài bền bỉ và công nghiệp to lớn của tiền nhân. Những con đường chạy dọc miền biên ải còn lưu lại dấu chân của những người lính Tây Nam năm ấy, có bàn chân của lưu dân Việt đầu tiên đến xứ này, khai khẩn những vạt đồng hoang vu. Vóc một nắm đất biên cương, mỗi người lính biên phòng, mỗi người dân vùng biên ải hẳn có thể cảm nghiệm hơi hám bước chân lịch sử hàng trăm năm qua.
Được đồng chí chính trị viên Nguyễn Xuân Linh (Đồn biên phòng Sông Trăng) cho hay “Long An có đường biên giới giáp tỉnh Svey Rieng và Prey Veng của Campuchia, trên toàn tuyến có 53 vị trí mốc giới, trong đó có 62 cột mốc”. Cột mốc biên giới 230 (2) khánh thành năm 2008 là nơi tiếp giao giữa địa phận nước ta với cả tỉnh Svey Rieng và Prey Veng. Prey Veng là tỉnh nằm ở phần tả ngạn sông Tiền. Đầu công nguyên, Prey Veng từng là một địa điểm trọng yếu của Vương quốc Phù Nam. Nơi này là điểm “trung chuyển”, nằm trong chuỗi kết nối các đô thị cổ Óc Eo (nay thuộc An Giang) và Angkor Borei (tức là tỉnh Takéo thuộc Campuchia hiện nay). Và nơi này làm bạn nhớ chiến thần nước Việt – Quang Trung hoàng đế – từng khiến Xiêm La “sợ như sợ cọp”! Bởi sau trận thua năm 1785, quân Xiêm nheo nhóc trốn về theo đường bộ qua đất Chân Lạp. Có người kể: đây là ngã đường mà tàn quân Chiêu Sương, Chiêu Tăng tháo chạy về nước sau cuộc chiến bại tại Rạch Gầm Xoài Mút. Ở thế kỷ XIX, triều Nguyễn gọi Prey Veng là đất Nam Ninh. Cụ thể, thời Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế – Năm Canh Tý, tức năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), tướng Trương Minh Giảng tâu xin đặt để lại phủ huyện thành Trấn Tây. Trong đó, vua chuẩn y cho: “Phủ Nam Ninh mới đặt ra, lấy 3 huyện Nam Thịnh, Phù Nam, Nam Thái thuộc vào. Phủ nha kiêm lý huyện Nam Thịnh, thống hạt huyện Phù Nam, Nam Thái, đinh số 4.326 người. Nam Thịnh nguyên là huyện Ba Nam đổi ra, Phù Nam nguyên là huyện Tầm Đôm, huyện Tuy Lạp dồn lại đổi ra”  (Đại Nam thực lục). Ba Nam hay Ba Cầu Nam – 巴南 /巴求南, tức Peam Ro, Peam Mean Chey tỉnh Prey Veng. Huyện Tầm Đôm hay Tầm Đôn, tiếp giáp đất Gia Định xưa, tức Romdoul, thuộc tỉnh Svey Rieng ngày nay. Đến thế kỷ XX, mảnh đất này hãy còn in dấu chân của Quân Đoàn 4 theo ngả Neak Loeang tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 07/01/1979. Neak Luong/Neak Loeang (Hối Lương hay Hố Lương) là huyện lỵ thuộc huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng nằm bên bờ phía đông của dòng chính sông Mê Kông (Tonle Bassac). Vùng đất lịch sử nay còn hằn lại biết bao sự việc đáng ghi nhớ. Dấu ấn Việt trên đất Campuchia có thể kể đến như tượng đài quân tình nguyện ở tỉnh Prey Veng; hay tượng đài anh hùng Nguyễn Văn Ngộ (quê Thủ Thừa, Long An) là chiến sĩ Tiểu đoàn 502, Mặt trận 779.
Những dân tộc nào từng tồn tại trên mảnh đất này, những vương triều nào từng in dấu trên dòng thời gian, không ít dân tộc-quốc gia đã hình thành, phát triển, rồi tiêu vong. Mảnh đất này từng chứng kiến cuộc tương tàn của hoàng tộc Phù Nam. Bên cạnh sự suy yếu về kinh tế (nông nghiệp, thủ công nghiệp), các thương cảng mất vị trí chiến lược thì một trong số nguyên nhân chính khiến Vương quốc Phù Nam sụp đổ chính là cuộc tranh giật ngai vàng giữa các “hoàng thân”. Hay như, Vương triều Pagan – trang sử chói lọi nhất của người Miến – đã chấm hết vào nửa cuối thế kỷ XIII nhưng mầm móng xuất hiện từ cuộc tranh giành quyền lực nội bộ hoàng gia ở thập niên 70 của thế kỷ XII. Họa diệt vọng khởi từ chỗ tương tàn, làm chia rẽ nội bộ, phân rã nội lực quốc thể. Hẳn cũng là bài học đáng nghĩ cho dân Việt buổi đương thời.
Dù gì đi nữa, sức sống tộc Việt trên ba lần thiên di suốt chiều dài lịch sử vẫn còn tiếp tục sinh sôi nảy nở trên khắp dải đất quê hương cho tới tận vùng biên ải xa xôi. Và phải tự đặt chân đến tận vùng biên tái, bạn mới có thể cảm nghiệm phần nào đó công nghiệp vĩ đại của tộc Việt trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển quốc gia. Một quá trình giữ gìn bảo vệ bờ cõi, làm gia tài sự sản cho hậu sinh. Và trên hết ý thức hùng cường quốc gia dân tộc – chính điều này – là nội lực tiềm tàng và cơ tạo bảo tồn, thúc đẩy, phát triển giống nòi. Giữ gìn ý thức hùng cường quốc gia dân tộc gắn liền ý thức bảo vệ bờ cõi là điểm mấu chốt và tiên quyết cho việc giữ gìn và phá triển sức sống dân tộc mãi về sau. Nào những tộc người đã tiêu vong, nào những vương triều đã sụp đổ, chẳng phải vì cái ý chí quốc gia dân tộc suy nhược đó sao? Thế nên, để xây dựng dân sinh, nâng cao dân lực, mở đường lâu dài cho dân tộc, hẳn phải chú tâm đến ý chí hùng cường quốc gia dân tộc mà nền tảng là hằng số văn hóa truyền thống. Lịch sử trên khắp đại địa đã minh chứng: kẻ chiến thắng thực sự là kẻ có nền văn hóa phát triển ở trình độ cao hơn kẻ thù. Chiến thắng thực sự phải là chiến thắng toàn diện trên cả mặt trận quân sự, chính trị và đặc biệt là mặt trận tư tưởng, văn hóa xã hội. Trong đó, giữ đất, giữ làng, giữ lòng người, giữ biên cương tổ quốc phải xác định từ triết lý xuyên suốt nhất quán; tức là thống nhất, kiện toàn và nâng cao tư tưởng.
Trở lại đồn biên phòng Sông Trăng, nắng cũng vừa dịu lại, chếch phía cuối trời. Chiều dần buông trên những vạt đồng xa. Hoàng hôn biên giới trải nhựa vàng mặt ao bông súng. Lối vào cổng đồn, những táng lá nhuộm nắng chiều. Mặt đường ngã bóng cây trong chiều vào tối. Ngay trước cổng, bạn sẽ thấy “tảng đá Sông Trăng”. Ngày ngày ra vào, mỗi chiến sĩ hẳn nhìn thấy và trong vô thức đã khắc tạc câu thơ vua Lê, như lời căn dặn “Biên phòng hảo vị trù phương lược, / Xã tắc ưng tu kế cửu an”! Có phải vì suy nghĩ ấy, vua Lê đã “Đề thi khắc nham thạch/ Trấn ngã Việt tây ngung” (Đề thơ nơi vách đá cao/ Để trấn giữ phía tây của nước Việt). Đôi câu thơ bỗng dưng “hợp cảnh hợp tình” trên địa phận “Trấn Tây” bây giờ! Chợt nhận ra, chẳng phải ngẫu nhiên mà khối cự thạch với đôi lời nhắn nhủ của vua Lê lại đặt ở Đồn biên phòng Sông Trăng!
Không chỉ mỗi chiến sĩ bộ đội biên phòng mà có lẽ mỗi người dân đều ý thức về vấn đề địa chính trị/ địa chiến lược/địa kinh tế gắn liền vùng biên cảnh. Mỗi người, mỗi đồn biên phòng chẳng khác gì “cơ quan xúc giác” của quốc thể. “Ưng tu kế” có lẽ nên đặt trọng tâm ở phát triển quân lực biên ải và chăm lo đời sống nhân dân. Có kẻ phương Bắc từng bàn: “Tất sử biên giới vô tham tiểu lợi, cường nhược bất đắc tương lăng” (Tất làm cho vùng biên cảnh không tham lợi nhỏ, nước mạnh nước yếu không lấn hiếp nhau được). Hưng Đạo Vương trước lúc lâm chung cũng từng trăn trối: “Phải gây dựng được một “đội quân cha con” rồi mới có thể sử dụng được. Vả lại, khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy” . Và chuyến đi này với cái nắng biên cương trên lằn ranh lưỡng quốc, bạn sẽ ít nhiều nhận thấy bố trận quốc phòng liền một mối với bố trận nhân tâm và cuộc diện ý hệ. Bố trận nhân tâm hẳn không thể tách rời nâng cao tiềm lực dân sinh. Nhất là dân sinh xã hội dọc biên giới. Thế nào là “phụ tử chi binh” mà không dẫm phải vết xe đổ “kiêu binh”, thế nào là “thả khoan dân lực” mà không rước vào họa “khách trú”, nào ai người nghĩa của quê hương, thử nghĩ xem! Ngõ hòng, tiếp nối nỗi niềm ưu hoài của người xưa!
“Bất từ vạn lý chỉnh sư đồ,
Duy dục biên phương xích tử tô” (Lê Thái Tổ).
Rừng Dầu, 23/2/2023
Võ Quốc Việt
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Véo Von Tiếng Địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, c...