Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Hàn Mặc Tử - Thi sĩ đòi "Bán"… cả trăng

Hàn Mặc Tử - Thi sĩ
đòi "Bán"… cả trăng…

Có lẽ nhiều người khi nghe nhạc phẩm “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh luôn nhớ và thuộc “khúc dạo đầu”:
“Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò…”
Đều nghĩ rằng cả đoạn nhạc này là nguyên một khổ thơ của Thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940) nhưng thật sự Trần Thiện Thanh đã chọn một câu thơ “hay nhất” trong bài thơ “Trăng vàng trăng ngọc” của Hàn Mặc Tử rồi phổ nhạc và phát triển thành một ca khúc nhằm tưởng nhớ người thi sĩ tài hoa bạc mệnh này!
Nếu ai yêu thích thơ Hàn Mặc Tử thì chắc hẳn cũng đã nghe qua tập thơ có tên là “Đau Thương”, hay còn gọi là “Thơ Điên” như nhiều người đã từng biết đến. Những người yêu thơ gọi Hàn Mặc Tử bằng cái tên là “Nhà thơ điên” cũng bởi vì đa số các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đều nằm trong tập này.
Tập “Thơ Điên” sau đổi thành “Đau Thương” được Hàn Mặc Tử xuất bản năm 1937-1938 gồm ba tập: 1. Hương thơm; 2. Mật đắng; 3. Máu cuồng và hồn điên, chính là một tập thơ vang danh ông trong đó chứa một trời cảm xúc với những áng thơ từ tình tứ cho đến những nỗi đau cùng cực của thể xác và tâm hồn, từ những lời thơ trong trẻo, bay bổng cho đến những ý thơ khó hiểu và kinh dị.
Bài thơ “Trăng vàng trăng ngọc” được trích trong phần Hương thơm của tập “Thơ Điên (Đau Thương) viết vào năm 1937. Là một thi sĩ tài hoa nhưng nhà thơ này lại có một số phận đầy hẩm hiu. Với bài thơ này ta cũng cảm nhận được tài năng của Hàn Mặc Tử. Nhưng nó cũng dấy lên trong lòng người đọc những khao khát, những đau thương về cuộc sống này.
Trăng từ ngàn xưa đã là một người bạn với thi nhân và bên Trung Hoa từng có giai thoại “Thi tiên” Lý Bạch vừa mê rượu lại yêu trăng và khi đi thuyền trên sông Trường giang, nhìn thấy ánh trăng dưới mặt nước ngỡ là trăng thật đã nhảy xuống sông ôm trăng mà chết!
Những thi sĩ từ xưa đến nay không ít thì nhiều cũng đã từng có cảm xúc và sáng tác đôi bài thơ có sự hiện hữu của trăng trong thi phẩm. Và Hàn Mặc Tử cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên ở đây chúng ta có thể cảm nhận một khía cạnh rất khác trong cách làm thơ về trăng của ông.
“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hồn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!”
Ngay trong khổ đầu và khổ cuối, Hàn Mặc Tử đã gần như “kêu gào” gọi trăng với một sự đau đớn khổ sở tận cùng! Và kêu gào xong, ông đã rao “ Ai mua trăng tôi bán trăng cho”!
Chúng ta nên nhớ lại, sinh thời Hàn Mặc Tử bị mắc chứng bệnh phong (cùi) vào khoảng năm 1936 và trong giai đoạn đầu!
Hàn Mặc Tử phải rời Sài Gòn, tạm xa nghề làm báo, làm thơ, xa bạn bè và những người tình để ra Qui Nhơn dưỡng bệnh cạnh bãi biển và sau đó vào trại phong Qui Hòa điều trị bệnh tình cho đến khi qua đời (11/11/1940).
Nghe nói căn bệnh phong này ngày càng phát triển lở loét chân tay, thân thể và cứ vào mỗi mùa trăng thì những cơn đau hành hạ như xé nát người bệnh!
Và Hàn Mặc Tử cố gắng không gào thét ngoài đời thường mà cố gắng chịu đựng để chỉ còn gào thét vật vã đau đớn… trong thơ!
Và chính thời gian chịu đựng sự đau đớn gần như điên loạn, đau thương này mà Hàn đã viết nhiều bài với nhiều câu thơ kỳ diệu có thể xếp vào hàng hay nhất của thi ca Việt Nam.
Từ khổ đầu bài thơ “Trăng vàng, trăng ngọc”, có thể thấy được sự rao bán trăng của thi sĩ. Tuy nhiên từ khổ sau ông lại gạt phăng cái ý định “bán trăng” ngay tức khắc. Bởi trăng không chỉ là của riêng mỗi người mà nó còn là nguồn sáng và cũng chính là cái đẹp mà con người ta cần phải nâng niu và cất giữ. Trăng tỏa sáng mang lại ánh sáng cho màn đêm và cũng chính là khát vọng để vươn tới những điều tốt đẹp. Chính vì vậy làm sao có thể mang trăng mà bán cho đành!
Đó cũng chính là lý do cả đoạn thơ về sau người đọc cảm nhận được cái đẹp của thơ, cũng như sự sâu nặng nghĩa tình đối với trăng. Đó cũng chính là sự nâng niu, tôn thờ và cầu nguyện cho trăng.
Đó cũng chính là sự ám ảnh và nỗi đau về trăng được gợi lên trong lời nói day dứt có vẻ rất xa nhưng thực ra cũng rất gần.
Số phận hẩm hiu và cuộc đời ngắn ngủi của Hàn Mặc Tử bắt thi sĩ ra đi ở tuổi 28, chỉ kịp để lại cho dương thế những áng thơ bất tử về trăng, tình yêu, thân phận con người.
Bài thơ đã cho hậu thế thấy Hàn Mặc Tử là một nhà thơ tài năng và lãng mạn. Thật đáng tiếc khi một nhà thơ có tài lại ra đi bởi một căn bệnh nan y và sự bất lực của người đời thời bấy giờ và có lẽ của cả muôn đời!.
26/9/2021
Hoài Nguyễn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...