Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Từ chuyện "Tôn giáo xách tay" đến những tao loạn phận đời trong "Bửu Sơn Kỳ Hương" của Lý Lan

Từ chuyện "Tôn giáo xách tay" đến
những tao loạn phận đời trong
"Bửu Sơn Kỳ Hương" của Lý Lan

Với tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương”, nhà văn Lý Lan đã nhận được giải thưởng cho tác phẩm văn xuôi năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau một thời gian vắng bóng, nhà văn đã quay lại với các độc giả của mình bằng một thành công mới.
Khái niệm “tôn giáo xách tay” là của nhà nghiên cứu Đỗ Thái Đồng để chỉ một số tôn giáo ở Nam Bộ được đề xuất trong hội thảo khoa học “Đoàn Minh Huyên và đạo Bửu Sơn Kỳ Hương” do tỉnh Đồng Tháp tổ chức năm 2000. Khái niệm này nhấn mạnh đến sự đơn giản hóa các thể thức trong tín ngưỡng và tôn giáo ở Nam Bộ. Sự đơn giản và thuận tiện ấy xuất phát từ cách sống của những người dân Nam Bộ, vốn là những lưu dân đi mở đất. Ở cái thuở ban đầu đấy, họ không có cơ ngơi hoành tráng, nhà cao cửa rộng và vẫn còn phiêu bạt đó đây để tìm cho mình một chỗ trú chân thích hợp. Trong điều kiện đó, thì mọi thứ cần phải đơn giản, gọn nhẹ, kể cả tín ngưỡng, tôn giáo.
Tín ngưỡng tôn giáo với người dân Nam Bộ không phải là sự ràng buộc khắt khe. Họ đến với tín ngưỡng, tôn giáo không hẳn chỉ vì giáo lý của tôn giáo đó. Tín ngưỡng, tôn giáo đối với họ là niềm tin, là chỗ dựa để họ vững lòng khi phải đối diện một thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ cùng với những tao loạn của thời cuộc. Các nhà nghiên cứu cho rằng khi tôn giáo truyền thống vào Nam Bộ, cư dân ở đây đã có sự “tái cấu trúc” lại tín ngưỡng tôn giáo cho phù hợp với điều kiện sống, môi trường sống của mình. Sự tái cấu trúc này khiến cho những “tôn giáo xách tay” ở Nam Bộ mang tinh thần nhập thế rõ nét, cùng với sự cởi mở, không chấp niệm, sẵn lòng đón nhận cái mới.
Nếu Nam Bộ là môi trường động thì Bắc Bộ là môi trường tĩnh. Lũy tre làng, tập tục, hương ước của một vùng đất cổ đã khiến cho việc nảy sinh cái mới, nhất là cái mới trong tôn giáo xem ra có vẻ khó khăn hơn. Còn ở Trung Bộ, thì môi trường biển khiến cho tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đất này ngoài truyền thống ra, lại chủ yếu mang những nét đặc trưng của miền biển, chứ không hướng đến sự đơn giản, thiết thực của những cư dân đồng bằng Nam Bộ. Bửu Sơn Kỳ Hương chính là một “tôn giáo xách tay” như thế.
Tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” của Lý Lan
“Bửu Sơn Kỳ Hương” có nghĩa là “Hương lành núi báu” được Phật Thầy Tây An (tục danh là Đoàn Văn Huyên) chọn đặt tên cho “tôn giáo xách tay” do ông sáng lập vào thế kỷ XIX tại vùng Thất Sơn (Bảy Núi) của tỉnh An Giang, và câu chuyện được kể lại trong tác phẩm kéo dài từ thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX với sự đan xen của những nhân vật hư cấu và bóng dáng của những nhân vật có thật trong lịch sử như Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Tôn Thọ Tường, Taberd, Huình Tịnh Paulus Của…
Không gian của tác phẩm trải dài từ vùng đất Biên Hòa (Đồng Nai) đến Sài Gòn, Đề Ngạn (Chợ Lớn), Châu Đốc (tỉnh An Giang)…, cho thấy một Nam Kỳ lục tỉnh của thời quá vãng với những biến động lịch sử ghê gớm, làm cho những phận người trở nên chênh vênh, như những chiếc lá bị cuốn bay trong những cơn gió lốc tao loạn của thời cuộc. Bốn thế hệ của một gia tộc người Hoa họ Huỳnh với thương hiệu Phước Xuân Đường chính là chứng nhân của những thăng trầm, thịnh suy của con người cũng như những đổi thay của xã hội.
Với không gian, thời gian mở rộng và trải dài, xuyên suốt tác phẩm “tôn giáo xách tay” Bửu Sơn Kỳ Hương cũng chỉ là cái nền để nhà văn Lý Lan triển khai những chi tiết, tình tiết của tiểu thuyết, từ những biến động lịch sử, chuyện làm ăn, những mối tình, những sinh hoạt đời thường, những cuộc khởi nghĩa… hòa quyện với những câu chuyện nhuốm màu sắc huyền thoại của Bửu Sơn Kỳ Hương. Nhưng đó là cái nền vững chãi dựa trên tinh thần nhập thế của một vị Phật Thầy mang màu sắc tâm linh, gắn việc hành đạo với việc cứu người, giúp đời và đặc biệt là yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Dẫu rằng mỗi nhân vật, dù là hư cấu hay có thật trong lịch sử, đều có những cách thể hiện tình yêu nước khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, nhưng không thể phủ nhận rằng những việc họ làm đều hướng đến tinh thần nhập thế, sự nhân nghĩa, bác ái, bao dung – những tín điều mà giáo lý của Bửu Sơn Kỳ Hương phổ độ cho các tín đồ của mình.
“Bửu Sơn Kỳ Hương” là tác phẩm đánh dấu sự vượt thoát của nhà văn Lý Lan lên những đề tài quen thuộc từ mấy chục năm qua của chị, dù rằng sự vượt thoát này vừa lạ lại vừa quen. Lạ vì nhà văn tự thử thách chính mình bằng việc sáng tác một tiểu thuyết mang màu sắc lịch sử, tự sự, với những sự kiện lịch sử, tôn giáo, những vấn đề dân tộc, những nét văn hóa, phong tục tập quán của một vùng đất phương Nam một thời còn nhiều góc khuất và nhiều tranh cãi. Quen vì nhà văn đã chọn điểm tựa từ góc nhìn của một gia tộc người Hoa bốn thế hệ.
Đề tài cuộc sống người Hoa với những bước chân “minh hương” trên “Đất khách” (tên một tác phẩm khác của nhà văn Lý Lan) luôn trở đi trở lại nhiều lần trong các tác phẩm Lý Lan. Quen vì vẫn là ngôn ngữ kể chuyện chậm rãi, trong trẻo, phiêu nhiên và bình thản, nhưng lại trĩu nặng nỗi đời, tình người của nhà văn. Sự lạ và quen ấy khiến cho độc giả nhận ra một Lý Lan vừa rất khác mà lại vẫn rất gần gũi. Và sự lạ và quen ấy đã giúp cho nhà văn Lý Lan sau một thời gian vắng bóng trên văn đàn đã quay lại với một giải thưởng xứng đáng: Giải thưởng cho tác phẩm văn xuôi năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam, cùng với sự đón mừng của những thế hệ độc giả yêu mến nhà văn.
28/4/2023
Hà Thanh Vân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Véo Von Tiếng Địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, c...