Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

 

Tiểu thuyết phản địa đàng cần thêm những ‘ngôi sao’ mới

Đối với độc giả tại Mỹ, thể loại tiểu thuyết phản địa đàng từng rất được yêu thích trong những năm 2010 nhưng chúng ngày càng vắng bóng trên thị trường.

Hiện nay, một số tiểu thuyết thuộc thể loại phản địa đàng đang bị liệt vào danh sách nhạy cảm tại Mỹ và phải chịu sự kiểm duyệt từ ngữ. Trong đó có Đấu trường sinh tử, Chuyện người tùy nữ, 451 độ F, Nhật ký Anne Frank… Đối mặt với tình hình này, nhiều độc giả cho rằng các lệnh cấm đang bóp nghẹt đời sống tự do của văn học. Chúng có thể ảnh hưởng đến việc giáo dục các thế hệ thanh niên về đấu tranh cho công bằng. Bạn đọc tại Mỹ mong rằng dòng tiểu thuyết này trong thời gian tới sẽ có thêm những tác phẩm ấn tượng có tính phản biện xã hội tốt.

Tiểu thuyết phản địa đàng đối mặt với lệnh cấm sách

Phản địa đàng (Dystopia) là dòng tiểu thuyết mở ra viễn cảnh đen tối về thế giới tương lai. Nơi đây, con người có thể phải đấu tranh chống lại sự áp bức của cường quyền, sự giận dữ của thiên nhiên khắc nghiệt hay sự cai trị của máy móc. Tiểu thuyết phản địa đàng thường nhắm tới việc phê bình, châm biếm xã hội, giáo dục và cảnh báo nhân loại về những hành vi đi ngược với chuẩn mực đạo đức.

Trước các lệnh cấm sách gia tăng tại Mỹ, trong đó có những cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại dystopia, Jesse Hagopian, một giáo viên trung học ở Seattle, chia sẻ rằng: “Các lệnh cấm này có thể khiến học sinh không tiếp cận được tác phẩm có giá trị về mặt giáo dục. Họ không nhận thức được về ý nghĩa của việc đấu tranh cho công bằng. Lệnh cấm sách như một chất độc ngấm dần qua từng thế hệ thanh niên.

“Từ một góc nhìn khác, Lara Tinawi (biên tập viên tờ Michigan Daily) cho biết: “Trong danh sách những tác phẩm nhạy cảm của Hiệp hội thư viện Mỹ, The Hunger Games là cuốn tiểu thuyết bị cấm với lý do ‘bạo lực, vô đạo đức và mê tín, dị đoan’. Đây không phải lý do thực sự khiến bộ tiểu thuyết này bị cấm. Vấn đề nằm ở việc thông điệp trong cuốn sách đang lên án một nền văn hóa giải trí sử dụng đau khổ của người khác để lấy lòng người xem. Thông điệp này có thể đe dọa đến lợi ích của lớp người đang kiếm tiền từ kiểu giải trí này”.

Tinawi kêu gọi mọi người không để dòng tiểu thuyết phản địa đàng bị lãng quên, đặc biệt là với các sinh viên và những nhà nghiên cứu. Phản địa đàng là dòng tiểu thuyết có tính phản biện cao trong đời sống văn học.Thời gian gần đây, số lượng tác phẩm thuộc thể loại này có sự đi xuống nhưng thế hệ cây bút trẻ chắc chắn sẽ quay trở lại với dòng tiểu thuyết này.

Theo Jen Maffessanti (Giám đốc Truyền thông của Viện Libertas), thể loại dystopia đã tồn tại nhiều thập kỷ, hiện tại có thể là thời điểm hoàng kim của dòng tiểu thuyết này. Các vấn đề xã hội toàn cầu nhức nhối liên tục xảy ra với tần suất dày đặc. Nhưng vấn đề dân tộc, bản sắc dân tộc, chính trị đang được nhiều người quan tâm hơn. Đây đều là những vấn đề cốt lõi trong cốt truyện của các cuốn tiểu thuyết đang bị nhắm tới bởi các lệnh cấm sách ở Mỹ.

Giá trị của dòng tiểu thuyết dystopia nằm ở những lời cảnh báo về một tương lai đen tối nếu con người không tiếp tục đấu tranh cho công bằng. Maffessanti đã mượn hình ảnh Cô bé quàng khăn đỏ để nói về khái niệm phản địa đàng. “Những cuốn sách thuộc thể loại dystopia dạy chúng ta phải cảnh giác, hoài nghi, và kiên định và táo bạo khi đối mặt với những mầm mống của thảm họa”, Maffessanti chia sẻ.

Sức sống của tiểu thuyết phản địa đàng

Dù có giá trị rất lớn về mặt giáo dục và tuyên truyền, kể từ sau thành công của bộ The Hunger Games (bản tiếng Việt có tên Đấu trường sinh tử) vào năm 2008, dòng tiểu thuyết này không tìm kiếm thêm được “ngôi sao” nào. Dẫu vậy, các tác phẩm kinh điển vẫn thường xuyên được nhắc lại và trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của cộng đồng người yêu sách.

Năm 2017, khi phong trào MeToo và làn sóng phản đối luật cấm phá thai nổ ra tại nước Mỹ, tác phẩm Chuyện người tùy nữ của tác giả Magagret Atwood lần nữa được độc giả đặt lên bàn thảo luận.

Hơn lúc nào hết, thông điệp lên án sự gia trưởng và bảo vệ công bằng cho phụ nữ trong cuốn sách của nữ nhà văn người Canada rất phù hợp với hoàn cảnh này. Chuyện người tùy nữ được các tổ chức xã hội sử dụng như một phương tiện gợi nhắc suy nghĩ về việc cơ thể phụ nữ phải do chính họ quyết định chứ không phải người khác.

Trước đó, cuốn Người máy có mơ về cừu điện không (Philip K. Dick) cũng nêu lên một vấn đề chưa từng đặt ra trước đó trong một nền đại công nghiệp: Môi trường. Cuốn sách được xuất bản từ năm 1968 đã trở lại danh mục đọc của nhiều người sau hàng loạt sự kiện về biến đổi khí hậu năm 2015. Tiêu biểu là công bố của các nhà khoa học Mỹ về mức nhiệt 2015 sẽ cao nhất trong lịch sử, Thỏa thuận chung Paris chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, hãng xe Volkswagen gian lận các báo cáo khí thải.

Hồi đầu tháng 4, nhà sách Barnes&Nobles gây ra tranh cãi khi trưng bày những cuốn sách cấm, trong đó có cuốn 451 độ F (Ray Bradbury) và Nhật ký Anne Frank. Cộng đồng mạng lập tức phản ứng dữ dội khi những cuốn sách này bị liệt vào danh sách cấm.

Riêng với cuốn 451 độ F, độc giả cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết có ý nghĩa rất quan trọng với nước Mỹ trong thời điểm các lệnh cấm sách liên tục được ban hành tại bang Texas. Đây là cuốn sách thuộc thể loại phản địa đàng vẽ ra một thế giới không có sách và một cộng đồng bí mật đã tập hợp lại lưu trữ bảo vệ các cuốn sách khỏi sự áp bức của nhà cầm quyền.

Đối mặt với nhiều biến động mang tính toàn cầu trên, độc giả tại Mỹ cho rằng thể loại phản địa đàng cần phải có một sự quay trở lại mạnh mẽ hơn. Họ mong chờ những tác phẩm mới thuộc thể loại này có sức nặng phản ánh để tăng cường giáo dục cộng đồng về công bằng, bình đẳng và văn minh. Bên cạnh đó, những tác phẩm kinh điển của dòng tiểu thuyết này cần được bảo vệ.

Mới đây, thông tin phần tiền truyện của The Hunger Games có tên The Ballad of Songbirds and Snakes sắp được chuyển thể lên màn ảnh rộng khiến nhiều người phấn khởi hơn. Đây là một tín hiệu tốt cho cuộc đấu tranh vì tính phản biện xã hội trong tác phẩm nghệ thuật.

22/4/2023

Đức Huy

Nguồn: ZingNews

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...