Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Đề tài biên giới, biển đảo: Cảm hứng và mạch nguồn sáng tác vô tận của văn học

Đề tài biên giới, biển đảo: Cảm hứng và
mạch nguồn sáng tác vô tận của văn học

Cùng với dòng chảy của nền văn học yêu nước chống ngoại xâm từ những năm tháng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, mảng văn học về đề tài biên giới, biển đảo cũng đã và đang được các nhà văn nhà thơ xem là một mạch nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác, tạo nên những tác phẩm văn thơ thấm đẫm lòng yêu nước và tự hào dân tộc.    
Hơn 45 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, 30.4.1975 đến nay, trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam ở miền Nam và biên giới phía Bắc ở miền Bắc cùng với những cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo trên biển Đông, chủ đề biên giới, biển đảo luôn là mảng đề tài cuốn hút nhiều thế hệ nhà văn dấn thân không chỉ với trách nhiệm, mà còn từ những rung cảm mạnh mẽ trước hiện thực sống động và nhu cầu cấp thiết của đất nước.
Nếu ở vào những năm kháng chiến chống Mĩ, đề tài về những người lính, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã làm nên một mảng văn học Trường Sơn còn vang vọng đến ngày nay thì từ năm 1975 đến nay, đề tài về những người lính canh giữ biên giới, vùng biển và hải đảo cũng đã làm nên một mảng văn học hùng tráng về giữ vững phên dậu của Tổ quốc trên đất liền và trên biển cả.
Những câu thơ hào sảng của Chế Lan Viên viết từ năm 1964 cho đến nay đọc lên vẫn khiến bao lớp người xao xuyến:
Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…  
(Chế Lan Viên – Sao chiến thắng)
Vì thế, việc tìm hiểu về văn học với đề tài biên giới, hải đảo là vô cùng cần thiết và nhiều ý nghĩa.
Đối với bất kỳ quốc gia nào, vấn đề chủ quyền nói chung và biên giới, biển đảo nói riêng cũng đều rất thiêng liêng; riêng đối với nước ta, qua suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, việc bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biên giới và biển đảo quốc gia càng có ý nghĩa hết sức to lớn  vì nước ta giáp ranh với nhiều quốc gia khác cả trên đất liền và trên biển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời với tầm nhìn chiến lược đã luôn khẳng định vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp bảo vệ và kiến thiết đất nước. Người khẳng định:“Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Theo Người, “biển bạc” chính là của cải vật chất, là sự giàu có nếu khai thác tốt tiềm năng, đi liền với bảo vệ biển; biển, đảo chứa đựng tài nguyên có giá trị về kinh tế, nối liền không gian kinh tế đất nước với khu vực và thế giới. Khẳng định về vị trí, vai trò của biển, đảo, Người đã đưa ra hình ảnh gần gũi mà dễ hiểu với toàn dân: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?… Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”). Và đó cũng chính là tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước trong tình hình mới.
Để giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo, dân tộc ta đã phải đổ biết bao xương máu, hàng vạn chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ biên cương và biển đảo Tổ quốc.
Vì thế, sứ mệnh của dòng văn học viết về biên giới và biển đảo sẽ không bao giờ có điểm dừng và sẽ là vô tận.
Thực trạng sáng tác
Việc khơi tiếp mạch nguồn sáng tạo từ đề tài biên giới, biển đảo đã tạo nên những tác phẩm hấp dẫn công chúng. Mỗi tác phẩm có chất lượng của đề tài này đã có giá trị như những cột mốc tinh thần vững chãi và ngời sáng bảo vệ biên cương và hải đảo Tổ quốc.
Theo dõi trên diễn đàn văn học suốt 45 năm qua thì thấy mảng sáng tác này ngày càng lớn mạnh và có vị thế trong văn học đương đại Việt Nam.
Tháng 11 năm 2020, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trao Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1974 đến 2020 cho nhiều tác giả. Đây được xem là đợt trao thưởng lần thứ nhất. Các tác giả, tác phẩm và tập thể được tôn vinh, trao giải thưởng đợt 1 có chất lượng nội dung tốt, cách tiếp cận tinh tế, sâu sắc, nhiều tác phẩm đã chinh phục được bạn đọc, đoạt nhiều giải thưởng văn chương uy tín của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Hội Nhà văn Việt Nam… Hội đồng Chung khảo đã trao 12 giải Tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc về đề tài biên giới, biển đảo. Đây là những tác phẩm đã xuất bản, được công chúng đón nhận và đã từng nhận các giải thưởng văn học. 12 tác phẩm gồm: “Tổ quốc nhìn từ biển” (Nguyễn Việt Chiến), “Đảo chìm và hơi thở rừng hồi” (Vương Trọng); “Hạ thủy những giấc mơ” (Nguyễn Hữu Quý); “Sóng trầm biển dựng” (Đoàn Văn Mật); “Nơi khôn thiêng của biển” (Lương Hữu Quang); “Không phải trò đùa” (Khuất Quang Thụy); “Huyền thoại tàu không số” (Đình Kính); “Trường Sa kỳ vĩ và gian lao” (Sương Nguyệt Minh); “Biển xanh màu lá” (Nguyễn Xuân Thủy); “Trường Sa trong mắt trong” (Nguyễn Mạnh Hùng); “Nậm Ngặt mây trắng” (Nguyễn Hùng Sơn).
Bên cạnh giải Tôn vinh, Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo cho 32 tác phẩm văn học. Giải Nhất thuộc về bốn tác phẩm: “Đảo chìm Trường Sa” (Trần Đăng Khoa); “Mình và họ” (Nguyễn Bình Phương); “Ba phần tư trái đất” (Thi Hoàng); “Từ biển mà đi”, “Thơ viết về biển”, “Mộ gió” (Trịnh Công Lộc). Ban Tổ chức cũng trao 10 giải Nhì, 18 giải Ba. Giải thưởng cho Tập thể thuộc về các đơn vị: Báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trang Web Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Thơ, Tạp chí Hồn Việt.
Ngoài những tác phẩm đạt giải thưởng trên, còn hàng trăm ngàn các tác phẩm văn thơ khác đã được công bố, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm nên một dòng văn học về biên giới, biển đảo rất nổi trội. Đó là một thành tựu đáng kể của văn học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Nhà văn quân đội Nguyễn Quốc Trung (người vừa qua đời vì Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh hồi tháng 9.2021) là một ví dụ tiêu biểu. Nhà văn mặc áo lính này trước khi cầm bút đã cầm súng trong cuộc hai chiến tranh chống Mĩ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Hiện thực về cuộc chiến tranh biên giới ở Campuchia đã được Nguyễn Quốc Trung đưa vào trong các cuốn tiểu thuyết như Biên giới, Bên vùng thốt nốt, Đất không đổi màu, Người trong cõi người… và hàng trăm truyện ngắn khác viết về đề tài biên giới của anh.
Thành công nhất trong những tác giả viết về biển đảo có lẽ thuộc về nhà thơ Trần Đăng Khoa. Năm 2000 anh đã cho xuất bản tập truyện ký Đảo chìm, sau đó anh tiếp tục sáng tác về biển đảo và tập hợp in trong tuyển tập thơ văn mang tên Đảo chìm Trường Sa. Và tuyển tập này đã vinh dự đạt giải nhất sáng tác văn học về biên giới biển đảo lần thứ nhất giai đoạn từ 1974 đến 2020.
Bạn đọc cũng lấy làm nhức nhối tâm can khi đọc những câu thơ của Nguyễn Việt Chiến trong Tổ quốc nhìn từ biển:
Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
(Nguyễn Việt Chiến – Tổ quốc nhìn từ biển)
Đó chính là hiện thực đất nước chúng ta hôm qua và hôm nay đã được phản ánh trung thực và sinh động qua văn học. Và hiện thực đó chắc chắn vẫn còn tiếp diễn lâu dài khi ở ngoài kia biển Đông, có kẻ vẫn luôn lăm le lấn chiếm vùng biển và hải đảo của đất nước ta. Bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển là một thành công rất tiêu biểu của mảng thơ biển đảo. Tác phẩm này (cùng 11 tác phẩm khác) vào năm 2020 đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc về đề tài biên giới, biển đảo. Đây là những tác phẩm đã xuất bản, được công chúng đón nhận. Để ra đời được Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến đã sống và viết với tất cả tấm lòng yêu nước lớn lao và bao trùm lên tất cả là một dự cảm mà ông đã nhìn thấy những hiểm họa rình rập từ phía biển Đông của đất nước.
Hầu như những nhà thơ danh tiếng của đất nước đều có những bài thơ hay, những câu thơ hay về biên giới và biển đảo. Tôi muốn nói đến bài thơ Đêm trên sân ga của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với những câu thơ đặc tả về một vùng biên đầy bất ổn với những người dân đi trốn rét, đặc biệt hai câu thơ Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm/ Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt có thể xem là một sự xuất thần của nhà nghệ sĩ khi sáng tạo nghệ thuật:
Chúng tôi thức chờ tàu lên phía Bắc
Những lá bàng rủ nhau đi trốn rét
Những người dân sơ tán ngủ bên thềm
Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm
Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt…
(Nguyễn Quang Thiều – Đêm trên sân ga)
Dù Đêm trên sân ga chỉ đạt giải ba nhưng Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá đó là một trong những câu thơ hay nhất cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1983. Ông cho đó là một tiếng nói mới, Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt. Câu thơ có sức khái quát cái tao loạn của chiến tranh. Thời buổi thế nào mà hóa đá vẫn không yên?
Góp thêm vào những trang thơ hào hùng về Tổ quốc, về Hoàng Sa, Trường Sa, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ cũng đã có những bài thơ sâu nặng nghĩa tình biển đảo gây được ấn tượng mạnh mẽ với người đọc. Đáng kể nhất thơ Nguyễn Thế Kỷ ở mảng đề tài này là bộ ba bài thơ Trường Sa (1994), Thao thức Trường Sa (2012) và Tổ quốc (2015). Qua những bài thơ trên của Nguyễn Thế Kỷ, cảm quan về đất nước, về dân tộc, về nhân dân, nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu luôn thường trực, đau đáu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam dù họ đang sống ở trong hay ngoài nước. Với Nguyễn Thế Kỷ, mỗi bài thơ, mỗi câu thơ về đề tài biển đảo tiền tiêu Tổ quốc luôn được viết nên bằng những day dứt máu thịt nhất.
Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc
Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa
Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão
Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà
(Nguyễn Thế Kỷ – Tổ quốc)
Trường ca mang trên Trường Sa của Văn Công Hùng được phác thảo từ năm 2014 là những câu thơ bi tráng sau một chuyến anh đi thực tế dài ngày ở các hòn đảo ở Trường Sa.
… nơi ấy Gạc Ma đất nước mình có những vòng tròn người bất tử
ưỡn ngực che cho Tổ Quốc
giơ mặt hứng đạn
những người lính quăng mình vào biển
phía sau là nỗi nhớ
phía sau là quê hương…
Những câu thơ như được rút ra từ lồng ngực căng đầy nhiệt huyết và xúc cảm trào dâng của nhà thơ sống và viết ở xứ Tây Nguyên khi nói về những người lính đảo sẵn sàng hi sinh thân mình, ngày đêm canh giữ biển trời.
Sau nửa đời người phiêu bạt, trở về quê hương, nhà thơ Phan Hoàng về với quá khứ tuổi thơ nơi vùng đất Phú Yên đầy nắng và gió với một lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng đã được tác giả lấy làm chủ đề chính của trường ca Bước gió truyền kỳ. Bởi ở Phú Yên cũng như trên suốt dải đất duyên hải miền Trung và suốt dọc chiều dài đất nước ta, mỗi bước chân đi hôm nay đều có thể dẫm lên những vết tích lịch sử oai hùng của một thời người Việt đi mở cõi. Nhà thơ Phan Hoàng từng chia sẻ, nguồn cảm hứng của anh khi sáng tác trường ca Bước gió truyền kỳ trong 15 năm bằng một thi pháp khác biệt, khi anh lấy ngọn gió làm trung tâm để viết về hành trình mở cõi giữ nước của cha ông. Vốn sinh ra ở vùng đất Phú Yên một thời là vùng trấn biên của đất nước, phên dậu Tổ quốc là một hình tượng văn học lớn đã làm nên chất liệu khởi đầu cho bản trường ca trường ca Bước gió truyền kỳ rất thành công của  Phan Hoàng.
Đó chính là những cột mốc tinh thần có sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc.
Tuy đã có những thế hệ sáng tác đạt thành tựu nhất định, song đề tài biên giới, biển đảo vẫn còn nhiều vấn đề, góc cạnh để văn nghệ sĩ khai thác.
Thực tế cho thấy, để có được tác phẩm chân thực, sinh động, độc đáo, có giá trị về biên giới, biển đảo, các nhà văn, nhà thơ phải liên tục được trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống, chiến đấu của nhân dân, nhất là của người lính biên giới và hải đảo bởi họ chính là những đối tượng được phản ánh, là nhân vật chính và là hình tượng văn học trong tác phẩm.
Thực tế cũng cho thấy thách thức lớn nhất với các nhà văn nhà thơ khi viết về đề tài biên giới, biển đảo là làm sao để tác phẩm hấp dẫn, thu hút được các tầng lớp bạn đọc. Muốn thế, hiện thực được phản ánh trong tác phẩm cần chân thực và sinh động đáp ứng được các yêu cầu và giá trị về chân – thiện – mỹ.
Nhận định xu hướng vận động và phát triển 
Mảng sáng tác về đề tài biên giới, biển đảo đã khẳng định được vị trí xứng đáng trên văn đàn đương đại và đang ngày càng lớn mạnh, với nhiều sự dấn thân của các tác giả, nhất là những tác giả trẻ qua nhiều tác phẩm đã được phổ biến.
Những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật cần làm cho tinh thần ấy được lan tỏa, tiếp nối trong nhiều thế hệ người Việt và giới văn nghệ sĩ, từ đó cho ra đời những tác phẩm đầy tính hiện thực và xúc động.
Cần thấy được vai trò của tác phẩm văn học trong công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo. Hơn nửa thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, với chỉ một câu thơ Chỉ một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương của nhà thơ Tố Hữu đã có sức mạnh như hàng trăm đạo quân, thúc giục bước chân của hàng chục vạn thanh niên yêu nước vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Văn học viết về biên giới, biển đảo của chúng ta hôm nay cũng rất cần phải được như thế.
Mấy đề xuất
Quan điểm: Cần xác định các tác phẩm văn học, nghệ thuật về biên giới, biển đảo có giá trị và ý nghĩa như những “cột mốc” tinh thần vững chắc, động viên, cổ vũ tinh thần của người lính và nhân dân dân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Để khơi tiếp nguồn cảm hứng sáng tác về đề tài này, các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật cần tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ có cơ hội thực tế, trải nghiệm cuộc sống qua những chuyến thực tế sáng tác đến các vùng biên giới, hải đảo; đồng thời, thường xuyên tổ chức những trại sáng tác, mở cuộc vận động sáng tác, trao giải thưởng và công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài biên giới, biển đảo…
Nên có một tạp chí văn học chuyên về đề tài biên giới và biển đảo, chí ít các báo và tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình nên mở trang văn học về đề tài biên giới, biển đảo hàng tuần hoặc hàng tháng… 
Tuyển chọn những tác phẩm văn học tiêu biểu về đề tài biên giới, biển đảo đưa vào sách giáo khoa các cấp cho học sinh học. Ra đề thi với những tác phẩm về mảng văn học này.
Tổ chức những đợt thi sáng tác văn học về đề tài đề tài biên giới, biển đảo ở nhiều tầng lớp người trong xã hội, tập trung ở trường học các cấp, các tổ chức đoàn, đội thanh thiếu niên và trong lực lượng vũ trang.
Ngoài thư viện truyền thống và hiệu sách truyền thống hiện có, Hội nhà văn hoặc một cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện thư viện điện tử, hiệu sách điện tử đưa các tác phẩm văn học về đề tài biên giới biển đảo lên các thư viện và hiệu sách điện tử để bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi dễ dàng tiếp cận được tác phẩm mọi lúc, mọi nơi, phù hợp với cuộc sống hiện đại và theo kịp công nghệ 4.0.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1/ Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình – Lí luận văn học, NXB Giáo dục, 2002
2/ Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 311; tập 13, trang 374.
3/ Thơ Nguyễn Thế Kỷ và nỗi đau đáu về Hoàng Sa, Trường Sa –  https://vtc.vn/.
2/ Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới –  https://thanhuy.bacninh.gov.vn/.
3/ Đường Hồ Chí Minh trên biển, bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay – https://www.qdnd.vn/.
4/ Vững vàng “phên giậu” quốc gia – https://dangcongsan.vn/.
5/ Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt nam trong tình hình mới – https://bvhttdl.gov.vn/.
6/ Cuộc thi trực tuyến bảo vệ biên cương Tổ quốc – https://baohaiquanvietnam.vn/.
7/ Ấn tượng Nguyễn Quang Thiều – Hữu Thỉnh –  https://datviet.trithuccuocsong.vn/.
8/ Nguyễn Quang Thiều: Đêm trên sân ga – http://daidoanket.vn/.
9/ Dấu ấn bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” ở Trường Sa –  http://phongkhongkhongquan.vn/.
10/ Báo Lâm Đồng: Biển đảo quê hương –  https://btgtu.lamdong.dcs.vn/.
11/ Hà Tùng Sơn: Bước gió truyền kỳ một đỉnh cao thơ ca của Phan Hoàng – https://vanchuongphuongnam.vn/.
21/12/2021
Hà Tùng Sơn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sao em không đợi

Sao em không đợi? Chiếc xe hơi ập đỗ trước cổng. Xe phủ trắng bụi đường. Chứng tỏ chặng đường đi xa xa lắm. Người đàn ông đầu hói, mặt cổ ...