Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Thề - Truyện ngắn của Mạnh Hoài Nam

Thề - Truyện ngắn
của Mạnh Hoài Nam

1. Cúc có đôi mắt mơ. Tôi khen thì em nói lại, “mơ - huyền - mờ”. Còn lúc em vui thì đôi mắt… biết nói.
Sau thời gian quen nhau, tôi cùng em ăn bánh canh hẹ. Tôi gọi hai tô đặc biệt.
Tô bánh canh hẹ “nổi tiếng” hẹ ơi là hẹ. Tô đặc biệt, hẹ như ao làng bèo tấm phủ kín mặt ao. Em không ăn được hẹ, dùng đũa “đá” hẹ (dùng đôi đũa gạt hẹ bỏ qua một bên), rồi lấy muỗng “lặn” xuống múc sợi bánh canh, chả cá…ăn. Em mãi “đá bèo” ăn lưng nửa tô thì tôi lua cạn “ao bèo”. Em nói: “Đi, anh cũng đi nhanh bỏ em. Ăn, anh cũng bỏ em”.
Tôi và em, quen nhau, yêu nhau.
Mắt tôi cặp lông mày “ông Tướng” (lông mày xéo giống như mấy người đóng vai ông Tướng trong tuồng hát bội). Tôi già trước tuổi, đi với em thiên hạ nhìn cặp đôi “chú cháu”. Tôi “mắc cỡ chết ông cố nội” còn em cười mãn nguyện, thêm vào câu “phụ huynh đi với học sinh”. Đi bên em, tôi thấy mình “rủi ro” ế vợ.
Tôi và em đi chợ mua cặp cá sòng về nấu ngọt.
Bữa ăn lên đũa không đều, em chan tôi húp. Cá sòng nấu với cà chua đỏ, không niêm hành hẹ vẫn thơm ngon, ngọt ơi là ngọt.
Ở phòng trọ tôi làm “chuyên gia” nấu ăn. Lần sau tôi mua nửa chén cá cơm ngần về nấu ngọt, sơ ý nêm hẹ. Ngồi vào bàn ăn nhìn hẹ, em giã chén muối é ăn cơm. Từ đó tôi “có thù” với hẹ, đến nhà ai dọn ra tô canh hẹ thấy bắt ghét.
Sau bữa ăn “ghét hẹ ăn cơm muối é”, tôi chia tay em vì thương em.
2. Tôi và Hồng quen nhau trong buổi hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất lúa hữu cơ (không phun thuốc sâu). Tôi chụp hình, còn Hồng học để “bằng tụi nhỏ cách trồng lúa không phun thuốc”. Bây giờ người ta bệnh quá trời, hễ cơ là K, trăm sự do thuốc trừ sâu mà ra.
Nhà Hồng trồng lúa, nuôi bò vỗ béo. Nuôi bò lai phải nấu cháo cho bò ăn. Chồng Hồng làm nghề đo đạt đi xa, hôm đó ở nhà, Hồng “bàn giao” nồi cháo bò cho chồng.
Sáng Hồng ra đồng, còn chồng đảm nhiệm nấu cháo bò bằng rau, cám, gạo. Nồi cháo bò sôi, chồng gọi điện thoại hỏi, cách “nêm nếm” nồi cháo bò. Hồng nói, “nồi cháo sôi, anh bóp mấy trái chuối bỏ vô”.
Khi cho bò ăn chồng cũng gọi “có chan nước gì thêm không?”. “Nước vo gạo ngâm muối để gần máng ăn”.
Đang đi trên bờ ruộng nghe điện thoại reo lần ba, tôi đón, nói to, rồi “nồi cháo bò” gọi. Hồng cười! Ngại chỗ đông người, từ bờ ruộng Hồng bước qua ngồi chồm hổm trên bờ mương nghe điện thoại…
Bước lại bờ ruộng Hồng nói nhỏ, em nuôi bò vì chồng mê sắm vàng. Bán con bò lai sắm cây vàng. Bữa ông trưởng thôn tuyên truyền hiệu quả nuôi bò lai, nhiều người nghe cho rằng ông già “dóc bà cố”, mà thiệt vậy. Hôm nay gặp anh em “đen như con mắm”, bị chồng gọi miết.
Kết thúc buổi hội thảo đầu bờ, vô hội trường chờ lãnh đạo huyện phát biểu ý kiến, Hồng góp vui văn nghệ, hát hay như máy cassette.
Ông lãnh đạo huyện phát biểu nói giọng nghị quyết. Hội thảo liên hoan, tôi uống rượu. Hôm đó tôi mượn rượu nói nhiều về mình cho Hồng nghe.
Sau buổi hội thảo công ty tặng tấn gạo lúa hữu cơ để cả thôn cùng nhau nấu cơm. Tôi thành phần ưu tiên được công ty tăng riêng bao gạo ngon nhất thế giới ST24.
Chiều, tôi nấu cơm khoe nồi cơm trên facebook, “lần đầu tiên ăn gạo ngon nhất thế giới ST24”.
Hồng “còm” (comment) nồi cơm của tôi: Nồi cơm…hoàn cảnh (lúc đầu “còm” nhìn nồi cơm… thấy…ớn, sau đó chỉnh sửa. Vào nhật ký tôi…biết).
Tôi sống một mình, nồi nấu cơm “độc quyền” chỉ mình tôi rửa. Tôi rửa nồi không sạch, nước nhiễm phèn đóng lại trên vành nồi…vàng. Hồng nhìn…thấy ớn. Chê nồi cơm ngon nhất thế giới của tôi. Còn tôi “chủ” nồi cơm nhìn quen mắt.
Tôi chuyển qua messenger hỏi: “Sao Hồng nói xấu nồi cơm của anh”, thì Hồng êm ru.
Tôi nhớ mãi người còm “gây sát thương” nồi cơm của tôi. Cách ba tháng sau, tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe, “em đi từ thiện rồi anh ơi”. Sao đang nấu cháo nuôi bò lại đi từ thiện? Em nói nay nấu cháo nuôi bò không sắm vàng nữa mà đi thiện nguyện.
Hồng kể nhiều về chuyến đi thiện nguyện giúp đỡ người nghèo khó. Hồng đứng ra quyên góp từ tấm lòng hảo tâm rồi đi giúp đỡ người khổ, có người “xin” góp chai nước mắm, người thì chục trứng vịt. Em làm vì cái tâm không “ăn” đồng tiền của ai hết. Hồng nói, giờ em mới phát hiện ra em có duyên “xin ăn”…
Người phụ nữ nói giọng “nồi cháo bò” trông có vẻ bụi bặm dạy tôi rằng, cuộc đời là phải giúp qua giúp lại.
Sau nhiều lần nói chuyện qua messenger, thấy thương “hoàn cảnh” nồi cơm dính cám phèn chà rửa không sạch, em làm mối cho tôi.
Hồng là bạn của Cúc.
Trước đây chị có người yêu, người ta xa chị “đá đổ dẹp nghỉ”, giống như hai người đang nhậu cùng bàn cãi nhau, người kia đứng dậy đá bàn nhậu ngã đổ rồi từ mặt luôn, vậy đó. Còn chị sau cuộc tình đổ vỡ, chị giống như nông dân đi thăm ruộng thấy đám lúa có bụi lúa rài (lúa lẫn) liền nhổ, khi nhổ bộ rễ ôm theo “nồi đất” bỏ lên bờ. Chị sống lây lất như bụi lúa nhờ “nồi đất”, nắng thì héo gặp mưa thì xanh. Khi lấy chồng, nhìn lại ảnh cũ, hồi đó gần 30 tuổi rồi mà bị người yêu “đá” nên ốm nhách. Hồng kể cho tôi nghe chuyện Cúc kể lại chuyện tình dang dỡ với Hồng.
Hồng làm mai mối xây dựng cho tôi, yêu lại người đã từng đi ăn bánh canh hẹ.
3. Gặp lại em sau hơn mười năm không gặp, em nhìn tôi căng thẳng.
Cuộc sống xa nhau bao năm, ai cũng lo nồi cơm của mình. Em ở với con. Còn tôi sống cô độc, một cảnh mà hai quê. Công tác ở thành phố, cuối tuần tôi về quê thăm má.
Gặp lại, tôi và em đến với nhau tình yêu thần tốc.
Biết tính tôi “nghiện” cái gường (tối nhậu, tôi hay ngủ nướng), sáng em đánh thức qua messenger, chọc: Ò ó o, dậy thôi anh “phụ huynh” ơi!
Tôi đi công tác xa, tối nhắn tin zalo, tôi “mở màng” câu: “Nhớ em, anh buồn”. Em nhắn lại “để buồn sáng dậy lấy xem nhen”.
“Ông điếc hàng xóm dòm ngó miết, từ sân phơi lúa nhìn qua khen, đẹp quá em ơi. Đẹp từ đôi mắt biết nói”, tôi đi công tác về em kể với tôi chuyện ông điếc có cặp mắt sáng trưng nhìn em.
Rồi em kể về chuyện có nhau trong đời với những đêm dài hiu quạnh.
Ngày em lấy chồng, hạnh phúc đếm cuộc đời bằng những nụ cười, ai ngờ từng giọt nước mắt. Nước mắt rơi, lau chùi quá khứ đau buồn. Nhưng từ đó đến nay thời gian đâu có quên gì?
Hôm em bị bệnh ho đúng một tháng. Chồng đi làm về ngồi rửa cái nồi, chà cái rổ tanh cá, chiều xào lại chảo xào hồi trưa…
Chồng em to con, em có bầu ông xã ẵm ngủ.
Bữa em bệnh “giả đò” thử chồng có quan tâm? Chồng em lo cho em từng chút. Chịu khó ngồi nướng vỉ thịt đút em ăn.
Lúc giận nhau chồng em đi… rửa chén, quét nhà. Đi ăn bánh canh hẹ, chủ quán lỡ tay nêm hẹ thì tô bánh canh hẹ chịu lời đắng cay. Chồng em chửi vô tô bánh canh, nói rồi mà tai để đâu.
Mẹ chồng em trồng hẹ là đám hẹ tới số với chồng em, nhổ bỏ hết.
Nhưng rồi chồng em bị bệnh K, ra đi đột ngột, bỏ lại con thơ. Em khóc chồng đến khi mắt mở không ra…mờ luôn anh! Em khổ vì trí nhớ. Nhớ những niềm vui, nỗi buồn day dứt.
Có lần Hồng kể lại với tôi, chuyện Cúc kể lại với Hồng. Chị mất quyền gọi tiếng chồng từ lâu. Chơi thân với nhiều người phụ nữ, có người “quảng cáo” chồng, biết trộn gỏi, ủi quần áo, lâu nhà. Chị nhớ chồng cồn cào đến phát ghét người “quảng cáo”, như ghét người làm thịt gà mà quăng mất cái phao câu.
4. Tôi ôm em, em nói, tay anh nóng quá, rồi kể.
Với anh lúc gặp lại, em dọn dẹp trái tim sạch sẽ, hết yêu thì thôi ngay, hơn mười năm rồi chớ đâu ít ỏi gì.  Lần đầu em, anh và Hồng gặp nhau, em nhắc nhở trái tim vốn rất yếu mềm của mình: “Thôi! Thôi nhé! Thôi mà”. Em thề không yêu thì thôi, yêu ai yêu “chết” một người (ý em nói đã yêu chồng).
Vậy mà bây giờ nỗi buồn bước lại vào tim.
Tôi đưa bàn tay em chê “nóng quá” vỗ về em.
Tôi chở em về ra mắt nàng dâu. Má chồng tương lai 82 tuổi hỏi, con làm nghề gì, được mấy con?.
Câu hỏi như ông trời ban phước trước số phận. Hôm đó bữa cơm má tôi gắp bỏ trong chén mấy con tôm nằm ngửa mà em không ăn nổi con nào. Má gắp bánh xèo vỏ bỏ trong chén ép ăn. Bánh xèo người ta xắt hẹ cho vô bột trước khi đổ, hẹ chìm trong bánh xèo làm sao dùng đũa gắp bỏ hẹ? Em ráng ăn…hẹ “nhận chức” nàng dâu.
Em cũng như bao phụ nữ chịu thương, chịu khó trên đời nhưng nỗi đau câu hỏi “được mấy con”, lúc đó to hơn thiên hạ.
Về lại nhà em, tôi tổ chức sinh nhật em ở dưới bếp. Em gục đầu vào vai tôi khóc: “Có anh trong đời, hôm nay sinh nhật thêm một tuổi mà em thấy trẻ lại hai, ba, bốn năm”.
Em đưa ngón tay trỏ ghi dấu hỏi vào trán tôi nói: “Vào tay em chỉ cơm ngày 3 bữa sáng, trưa, chiều, đừng mong ra ngoài lén ăn phở nhen. Bữa sáng em cũng “nhốt” anh dưới bếp ăn sáng luôn. Anh khổ “chung thân” với người vợ thương chồng”. Lời nói cộng với đôi mắt biết nói em nhìn, tôi tràn đầy hạnh phúc. Tôi thề có trời cao chứng giám, tôi yêu em yêu đến trọn đời.
Tối, em ủi áo cho tôi, tội cho cái áo nhăn nheo lâu rồi mới được ủi. Em lấy lửa trong bàn ủi lớn, chiếc áo lâu rồi mới được ủi chưa kịp láng…cháy. Như có điềm gì?
Dịch Covid-19 bùng phát. Em vo gạo nói, tính đi chợ mua cặp cá sòng nấu ngọt, nhưng dịch bệnh nên thôi, nấu cơm thêm nắm nếp thơm dễ ăn. Nhà mình áp dụng “định luật né”, không đến chỗ đông người để phòng ngừa. Người ta đồn, hôm qua có ca F1 mua trứng gà của bà F0.  Bà bán bánh xèo nhiễm Cô víc. Corona ra chợ…
Em đi góp rau ngoài vườn. Rau mồng tơi bị đốm mắc cua (lá bị đốm trắng tròn bằng mắt cua). Rau lang bị sâu vẽ bùa (vệt nhỏ màu trắng đường cong qua lại). Rau sạch không phun thuốc.
Một sức sống mới…dưới bếp. Bên mâm cơm “xịn” với món rau mồng tơi bị đốm mắc cua, rau lang bị sâu vẽ bùa, luộc chấm nước mắm ớt tỏi chanh vậy mà ăn sạch nồi.
Trước đây, tôi chia tay em vì thương em. Hồi đó nghèo quá, tôi sống một mình bữa chiều ăn cơm nguội. Thường chiều luộc rau lấy tô nước quậy muối é nêm ít hẹ, cuối bữa ăn húp nước đè cơm nguội xuống. Ở quê má tôi trồng hẹ bán, người trong xóm gọi là bà Ba Hẹ. Tôi chia tay em vì sợ em khổ lây.
Tôi về lại thành phố. Nhà tôi ở trong hẻm.
Xóm nhà “bị thương” vì Covid-19. Có nhà bó như cây bánh tét (giăng dây cảnh báo nhà có người mắc Covid-19).
Bà già đến xóm nhà tôi lượm ve chai từ các thùng rác, bà mở từng bao rác nhỏ để tìm ve chai. Bà thường đến đây vào buổi chiều. Tôi “lì xì” hai vỏ lon bia. Bà nhận hai tay. “Thường cuối ngày rác nhiều, thùng nào cũng đầy nhưng dịch bệnh rác ít đi. Thùng rác lưng thì bụng lưng”, bà than rác ít.
Tối qua bà bán bánh ú hàng xóm than trên facebook, dịch bệnh làm ế nồi bánh ú, nhiều người thấy vậy “giải cứu” nồi bánh ú cho chị. Tôi tham gia “giải cứu”, sẵn đó tôi gửi cụ cặp bánh ú…Nhìn tay cụ run run cầm bánh ú, cặp mắt lông mày “ông Tướng” của tôi ứa nước mắt.
5. Mẹ chồng tuổi già không còn ai thân thiết, con trai em là cháu nội duy nhất. Thằng nhỏ đang gặm đầu gà xem ti vi thấy bà già lượm ve chai nhận họp cơm 0 đồng chưa kịp ăn…ngất xỉu, có người đỡ lên, liền hô “ơ bà nội”…
Hôm sau, Cúc đang quét sân thì thằng nhỏ cuốn quần áo nằn nặc đòi về nội. Thì ra bà lượm ve chai bên xóm nhà tôi là bà nội thằng nhỏ. Ngày Cúc về quê, thằng nhỏ lúc đó mới biết bò, cách đây 3 năm em đưa con về thăm nên thằng nhỏ biết mặt bà nội.
“Thằng nhỏ về ở với nội, em theo con về làm dâu, chăm sóc mẹ già thay chồng ở bên kia thế giới. Em không muốn làm dâu nữa, nhưng muốn không muốn em cũng ở với con. Con trai em mỗi lần làm phật ý, nó nhăn giống bà nội. Hôm về, con trai rao trên facebook: Ai mua giúp giùm cái chuồng gà bà nội mình đi, nội nuôi khổ quá! Về bên ấy em thấy mình còn duyên nợ với chồng quá cố. Hồi chồng còn sống, chiều nào em cũng ra bờ ao bắt chồng ra ngồi cho em dựa lưng ngắm mây trời. Em về làm phận bờ ao”, em điện thoại cho tôi nói vậy.
Mấy hôm nay em gọi điện cho tôi kể chuyện về lại nhà chồng rồi nói lời chia tay: “Dù không ở cạnh nhưng sẽ luôn có nhau, luôn được già đi cùng anh”. Tôi không đồng ý, em buồn, khóc miết.
Em kể, nhà cũ “băng bó” thấy thương. Cánh cửa sổ chỗ gường ngủ hai vợ chồng em lúc trước, mục, “băng bó” tấm bao tải đỏ tủ lại…Lúc trước vợ chồng em ở nhà dưới, mẹ chồng ở nhà trên, em đi đâu thì thôi về quét hàng ba, mẹ chồng nhăn mặt, “tha giùm cái hàng ba”. Giờ hàng ba móp méo (nền xi măng lâu ngày có chỗ lún xuống, chỗ lồi lên).  Lối ra bờ ao bị “bóp cổ”, nhà hàng xóm trồng trụ rào lấn qua, chỗ chồng ngồi cho em dựa lưng ngắm mây trời, giờ là đất của anh hàng xóm cô đơn.
Sau ngày chồng mất, Cúc về quê, cất nhà cặp vách nhà từ đường. Quê Cúc cách xa nhà chồng 20 cây số.
Ngày đến với em, tôi thắp lên ngọn lửa, thay vì hờn trách bóng đêm. Đến giờ tôi thấy mình bị “đá” như người thứ ba. Tôi buồn, bóng tối cô đơn trong tôi tràn ngập.
Mấy hôm sau, tối tôi coi ti vi xem mấy nhà “giăng dây”, có nhà mẹ chồng của em không? Buồn, có hôm tôi nhậu ói mửa chớ đâu phải vừa, mệt quá ngủ, gần sáng thức giấc nhìn lại ti vi “coi” mình.
Sáng, tôi alo cháo lòng, ớn! Alo bánh canh hẹ ship tận nhà. Nhìn “ao bèo” trong tô bánh canh hẹ, sao mà thương mà nhớ. Mùi hẹ nhớ nhung.
6. Dịch bệnh Covid-19, tạm lắng, tôi điện thoại mời Hồng cà phê. Nhà Hồng ở vùng nông thôn (Hồng với Cúc ở cùng xã mà khác thôn), tôi chạy xa 10 cây số. Ngồi đợi 5 phút, Hồng đến. Lúc sau có người ôm “nồi cơm điện” (mũ bảo hiểm) bước vào. Hồng giới thiệu “ông xã”, tôi đứng lên bắt tay. Chồng Hồng đứng thấp hơn tôi, cười nói, anh có tội to lắm. Tôi do dự “Tội gì?”. Hồng đệm vào “nhỏ lo to mừng”. Tội “nồi cháo bò”. Chồng Hồng nói nồi cháo bò mà cười hiền khô.
Ngồi một lúc, chồng Hồng có việc đi trước.
Chồng Hồng bận đi đo đạt suốt. Hôm thì đo lại cánh đồng bị xe gàu moi đất đắp con mương. Hôm thì đo đạt khu công nghiệp, nhà máy mở rộng…
Hồng khởi nghiệp nuôi bò giờ chuyển sang làm mắm truyền thống. Em kể, hồi nhỏ em là bé Ú. Khi lấy chồng giảm gần nửa tạ, làm đẹp đi bên chồng điệu đà, uyển chuyển. Tối ngủ chồng la mỏi người, em kê cao chiếc gối cho chồng.
Vợ chồng em yêu thương cũng có lúc “nóng lạnh”. Hôm chồng chở em đi trên đường, em ôm eo hỏi, tối nay anh ngủ với ai? (thường chồng em hay ngủ với con ngoài bộ phản gỗ), thì có chiếc xe máy rao, “bánh mì Sài Gòn đặc biệt yêu thương”, “bánh mì Sài Gòn 0 đồng 1 ổ”, chạy đến. Hỏi ba lần, chồng điếc vì tiếng rao không nghe. Chờ xe rao bán bánh mì đi qua, chồng mới trả lời, em giận bỏ ăn. Khi chồng dỗ được thì em ngoan như bé ngoan, đúc em ăn hết tô cơm.
Có lúc chồng “nhõng nhẽo” nằm lỳ ngoài bộ phản gỗ để được vợ chiều.
Nghe Hồng kể chuyện vợ chồng có lúc “nóng lạnh”. Thương!
Về đến nhà, tôi ghi sổ “thù giặc”. Tối đó hai giờ sáng mà mắt sáng trưng. Nghĩ tức, tôi thấp thướt, lâu kiếm được người cao thua mình. Vậy mà có người thương yêu, năn nỉ, còn mình ế vợ lâu năm, buồn lại thêm buồn.
Buồn, chiều hôm sau tôi đi nhậu, thấy ông lãnh đạo phát biểu buổi hội thảo hôm trước, vào quán. Ông lãnh đạo nói giọng nghị quyết trong giờ hành chính, ngoài đời thuộc diện “trời ơi đất hỡi”, ông đi với mấy em chân dài, ông tán từ em này sang em khác. Ông này làm ăn kiểu đó không được. Lát sau tôi thấy chồng Hồng đến xáp vô ngồi.
Cặp mắt lông mày “ông Tướng” của tôi “bắt tại trận” chồng Hồng cùng ông lãnh đạo ngồi nhậu với em gái chân dài. Hai người nói chuyện với mấy em “dóc bà cố”.
Tôi theo tài xế lái chuyến xe 0 đồng đến các miền quê, chụp hình tôn vinh ánh mắt người trao, vui mừng của người nhận. Thấy thương quá chừng ánh mắt biết nói lời cảm ơn những đứa trẻ nghèo khổ ở miền quê.
Tôi về, Hồng nhắn tin hẹn cà phê.
…Hồng buồn, kể chuyện đường tình duyên của Hồng hơi dài và lận đận. Sợ “sát chồng” như chị Cúc, hôm rồi em hạ gò má. Vậy mà…Khóc! Nhà làm mắm lắm hải sản kể chuyện chồng yêu vợ, giọng hát hay như máy cassette hôm nào giờ lại khóc. Tôi không tin vào nước mắt…?
Cuối cùng người chê nồi cơm tôi nói rõ….ly hôn. Hồng bằng lòng với số phận hẩm hiu!
Hồng “hỏi thăm” hoàn cảnh nồi cơm ngon nhất thế giới của tôi. Tôi không trả lời. Hồng nói nghĩ lại “thương” nồi cơm anh quá! Từ đó đến nay không nghĩ thì thôi nghĩ lại em mủi lòng.
Khuya. Tôi bảo thôi về. Hồng nói chờ em khóc chút đã!
Tôi, con sâu không làm rầu nồi canh. Đừng đổ thừa tôi, tội! Thề!.
23/12/2021
Mạnh Hoài Nam
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa đất miền Khau SưaXXX

Chúa đất miền Khau Sưa Tử Pín giương súng hai nòng, tiến gần khỉ mẹ. Gần như đối diện. Ôi khiếp! Đôi mắt khỉ mẹ đỏ rực. Nhìn thẳng mặt Tử ...