Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Thiên nhiên phục sinh trong thơ Trần Lê Khánh

Thiên nhiên phục sinh
trong thơ Trần Lê Khánh

Đã lâu rồi, ít nhất trong quan sát của tôi, giới làm thơ đương đại dường như chẳng còn để ý đến thiên nhiên nữa.
Câu thơ:
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió;
mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
của Xuân Diệu có vẻ như đã bị niêm phong trong một góc khuất nào đó của ký ức phai màu.
Người đương đại giờ bận bịu nhiều với việc thanh toán những hệ lụy phàm trần. Bị bủa vây bởi công việc, bị hấp dẫn bởi những tiện nghi của văn hóa tiêu thụ, bị điều kiện hóa bởi nhịp sống siêu tốc độ người ta thực sự chẳng còn chút thảnh thơi nhỏ nhoi nào về thân xác lẫn tâm hồn cho mơ mộng. Hi hữu dòng chảy vô tình của thời gian có đưa người ta tới một cõi nào khác, thì cõi ấy cũng đã đầy những va đập dữ dằn, ưu tư, phiền não.
Biết làm sao được, cuộc sống nhiều toan tính và đổi thay này không còn chỗ cho cái lãng mạn đích thực, mặc dù, có thể nhiều người làm thơ vẫn biết và vẫn còn nhớ nó từng được sinh ra một cách huy hoàng trong thơ của thế kỉ trước như thế nào.
Thảng hoặc, có bắt gặp đâu đó cái lãng mạn. Mừng và rồi thất vọng. Vì chạm phải fake romantism của thơ ngôn tình.
Bởi thế, nên, khi đọc “Lục bát múa” (2016), “Dòng sông không vội” (2017) và “Ngày như chiếc lá” (2018) của Trần Lê Khánh, tôi vừa ngạc nhiên vừa tò mò…
Làm sao một người từng tu nghiệp ở một đô thị lớn của Hoa Kỳ rồi về sống ở một đô thị lớn nhất của xứ sở này và vì công việc kinh doanh mà in dấu chân mình qua nhiều đô thị sầm uất khắp hành tinh nhưng với cả ba tập thơ dày gần ngàn trang bóng dáng đô thị hiện lên trong thơ anh thật ít ỏi.
Không chỉ ít ỏi mà đô thị còn được nhắc tới bằng một thái độ thật thờ ơ:
ngọn đèn nghĩ ngợi miên man
người đi qua phố chẳng màng bước chân
(mà thôi – ngày như chiếc lá)
Trong khi, ngược lại, thiên nhiên tràn ngập trong cả ba tập thơ ấy.
Tuy nhiên, sự hiện diện với một địa vị khá đặc biệt của thiên nhiên trong thơ Trần Lê Khánh dù gây không ít ngạc nhiên nhưng ngay cả chính điều đó cũng không mấy quan trọng. Thiên nhiên trong thơ anh thường gây ngạc nhiên bởi cái nhìn và cách diễn tả mang tính lạ hóa:
mây xoa ngọn đồi
sỏi đá mềm như khói
(làm gì với thời gian – dòng sông không vội)
Cái nhìn hồn hậu, đầy ngẫu hứng và hết sức tự do này gần như chi phối thường trực trong hành trình mới mẻ của thi sĩ và là điều cốt yếu khiến cho thiên nhiên không chỉ được phục sinh mà còn hiện ra với một dáng vẻ hoàn toàn tươi mới.
Có hình ảnh nhân hóa:
con sóng mải gội đầu trên cát
biển cởi cài chiếc cúc hải âu…
Có hình ảnh siêu thực:
gió chảy dưới dòng sông
con cá nằm mơ đeo chiếc lục lạc hồng
(nàng – dòng sông không vội)
Có hình ảnh bán tượng trưng và bán siêu thực:
ngân hà giãn nở từ từ
đôi đồng tử, con sói thu nhỏ dần…
(lục bát múa)
Và cũng có lúc với những hình ảnh cũ, ngôn từ cũ. Vậy mà thi nhân vẫn cấu trúc được cả một thế giới mới.
trăng bỏ đi ảo ảnh sa lầy
 áng mây xưa nhớ cơn gió
(dòng sông không vội)
Tại sao ta cảm nhận được điều đó? Một phần do tài năng. Nhưng chủ yếu là ở thái độ. Thiên nhiên trong thơ Trần Lê Khánh không phải là cái cõi để ngắm nhìn và thưởng thức mà là cái cõi để người ta sống chung, sống cùng. Do đó, người ta bắt gặp trong thơ Trần Lê Khánh những cảnh “mặt trời vội đi làm”, “mây mệt mỏi ngả lưng” cùng bao nhiêu vần vũ. Trong thơ Khánh cũng tràn đầy cảnh đuổi bắt và truy tìm. Của gió (gió đuổi gió), của mây (mây vò mây), của sóng (sóng đẩy sóng) và của sương khói (sương khói tìm sương khói)…
Thiên nhiên trong thơ anh cũng chẳng phải là đối tượng thẩm mĩ để thi nhân diễn tả bằng những ngôn từ hoa mĩ. Thiên nhiên trong thơ anh là cái cõi để tạo vật được sống tinh tế và cao độ trong những ân tình:
hạt sương đang giấc ngủ say
lá trở gió, đêm run tay chần chừ
Cái vũ trụ bao la bỗng bé lại bởi những cử chỉ đầy yêu thương, chăm chút:
gió ru chiếc lá trên tay
ầu ơ giọt nắng ngủ say lắm rồi
Vì thiên nhiên là để sống chung, sống cùng nên anh nhìn thấy tạo vật còn là nơi bộc lộ những vị tha, bao dung, độ lượng:
ngày như lá rời khỏi cành
đêm xô ngọn gió làm lành với cây
(lục bát múa)
những chiếc lá me bay cao
vá lại mùa thu đang vỡ
(dòng sông không vội)
Nhãn quan ân tình của thi sĩ cũng khiến thế giới được cấu trúc lại theo một trật tự mới:
… có một ngày kia
ngón tay thả mặt trời xuống dòng sông
trôi cánh hoa giọt sương chiếc lá
 trôi theo hoàng hôn lấp lánh…
(phía sau mặt trời – ngày như chiếc lá)
ở đó, thiên nhiên mạnh dạn đổi thay thân phận và diện mạo. Mặt trời sẽ không còn vẻ gay gắt, chói chang, hơn thế còn biết thu mình nhỏ xíu trong lòng tay người để vũ trụ kia bỗng nhiên đổi tọa độ và mặt trời cũng đã tự nguyện gia nhập vào một thái dương hệ khác, theo đó, mọi sự vật chuyển động theo một trật tự mới, trở nên bình đẳng để hòa điệu cùng nhau rồi cùng tỏa sáng theo một cách hoàn toàn mới.
Cũng từ khi thi sĩ xuất hiện, không chỉ có mặt trời mà mọi vật đều đổi thay thân phận và sống bằng một giá trị khác:
có một ngày kia
đóa hoa lưu li nở mãi không tàn
chiếc lá non run nắng…
Cả những vật vô tri từ đấy cũng khởi hành sống theo cách mới:
có hạt bụi đỏ đi thiền
trong nắng sáng, bị thôi miên từ từ…
Và làm mềm lại những vết thương, làm dịu đi những bơ vơ, trôi dạt:
là hoa theo sóng đến đây
là tiếng nước vỗ ra ngày, từ đâu
Nhưng thiên nhiên đâu chỉ là cõi riêng của những ân tình?
Thiên nhiên trong thơ Trần Lê Khánh là một thế giới đầy và là một thế giới mở với nhiều phát hiện lạ, đầy ngẫu hứng:
từ ngày trái đất đười ươi
cỏ hoa học cách tươi cười chào nhau….
hàng cây rũ lá lặng yên
rừng xưa khản đặc lời nguyền sau lưng
chờ người nhầu cả bóng đêm
lá xanh lá úa lặng câm trên cành…
(lục bát múa)
Thiên nhiên còn là cõi tưởng thân thuộc mà hoàn toàn xa lạ; tưởng thấu hiểu mà thực chất chứa bao nhiêu bí ẩn của những điều chưa biết:
chiều tàn mây gió uyên thâm
ánh đèn rơi rụng gieo mầm lối phai
Không phải là người ta không thấy trong lục bát, Trần Lê Khánh dù được tạo hóa ban tặng cho rất nhiều phóng túng và tự do để có thể tiện đường sáng tạo vẫn còn đây đó phảng phất chút bóng dáng của Bùi Giáng, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Duy…nhưng người ta cũng thấy một nỗ lực dài hơi của anh để làm mới lục bát bằng thi ảnh, cú pháp, giọng điệu và cả về ngôn ngữ.
Đó là cách làm giãn nở những gì tưởng như đã tới hạn:
pha vàng một chút lâm ly
vì mùa thu chẳng còn gì để phai

hạt mưa chưa nguội trăm năm
ngàn năm đã tạnh trên nhành lá non
Trần Lê Khánh trở thành thi sĩ do những biến động vừa tình cờ vừa bí ẩn của số phận cá nhân. Tuy nhiên, chẳng có sự tình cờ nào là ngẫu nhiên cả. Những hò hẹn của kiếp nào xui anh giờ đây trở thành thi sĩ? Anh làm sao tự biết được? Nhưng anh sẽ nắm lấy dịp may, nắm lấy cơ hội mà cao xanh đã rộng lòng ân thưởng cho mình để thực hiện cái sứ mệnh:
nhặt tiếng thác đổ trong nôi
nghe tiếng trứng vỡ ở nơi thiên hà
Thiên nhiên đã được phục sinh và phục hưng có lẽ từ lý do đó.
Tuy nhiên, đến với thiên nhiên, sống với thiên nhiên, thậm chí có lúc lạc giữa thiên nhiên với nhiều say đắm và mê cuồng đi chăng nữa, thực ra cũng chỉ là để đến được với chính mình.
Hành trình đó, không đơn giản là một hành trình đi tìm sự cứu rỗi.
Hơn thế, nó chứa đựng một nỗ lực thanh tẩy vừa cố tình vừa tự nhiên khi người thơ chợt nhận ra chính thơ đã trao cho anh ta cái cơ hội được soi mình qua cõi khác.
17/12/2021
Nguyễn Phượng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sao em không đợi

Sao em không đợi? Chiếc xe hơi ập đỗ trước cổng. Xe phủ trắng bụi đường. Chứng tỏ chặng đường đi xa xa lắm. Người đàn ông đầu hói, mặt cổ ...