Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Ngày về thôi lỡ hẹn

Ngày về thôi lỡ hẹn

“Kính thưa quý khách, hãng hàng không xin thông báo, máy bay giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh. Quý khách vui lòng ngồi yên tại chỗ, cài chặt dây an toàn, dựng thẳng lưng ghế…”.
Lam đưa tay xem đồng hồ, còn khoảng 20 phút nữa máy bay sẽ hạ cánh xuống đường băng. Chặng bay khoảng 50 phút từ Sài Gòn đến Phú Yên mà cô có cảm giác nó dài, thật dài. Suốt chuyến bay, cô liên tục đưa tay xem đồng hồ. 20 phút nữa Tuy Hòa sẽ đón cô bằng làn gió dịu nhẹ của mùa Thu. Chỉ 20 phút nữa. Lam khẽ nhắm mắt, miên man với những quyết định sắp tới của mình.
Lam nhớ ánh mắt sếp hôm cô gõ cửa phòng ông. Ông luôn nhìn cô bằng ánh nhìn của người cha, uốn nắn đứa con đang trưởng thành. Ông rót nước, đặt trước mặt cô, bình thản nghe Lam trình bày. Khi nghe cô đề xuất được ra Phú Yên lúc này, hình như ông không hề ngạc nhiên. Trong ánh mắt của ông cô đọc được câu hỏi: “Có cần thiết không khi tình hình đi lại vẫn còn khá căng thẳng. Em có thể trao đổi bằng những cách khác để có tư liệu mà”. Nhưng ông không nói ra, khi cô bảo em muốn đi. Phải đến tận nơi, gặp những con người ấy, nghe những khó khăn của họ và thấy những quyết sách đầy tình người ấy đã mang lại điều gì, em mới viết được. Ông cười nhẹ, với tay lấy bút ký lên tờ giấy giới thiệu và quyết định công tác. Vì ông biết, khi cô đã muốn thì bằng mọi cách cô sẽ thuyết phục được ông. Nên sau này, trước mỗi lựa chọn khó khăn của cô trong nghề nghiệp, ông luôn cho cô được tự quyết. Thi thoảng, với bản năng nghề nghiệp, ông đặt câu hỏi nhưng không bao giờ chờ câu trả lời từ cô. Bởi ông hiểu, cô đến gặp ông, đồng nghĩa với việc cô sẽ lại rời đi, rồi trở về cùng những thân phận mới, nhân vật mới.
Dù thế, Lam cũng đã nghĩ thật nhiều trước khi quyết định bay chuyến này. Đi hay không đi? Rồi cô lục tung các trang báo, lại ghi ghi chép chép. “Phú Yên cảm ơn TP.HCM đã đồng hành đưa người dân khó khăn về quê”. “Phú Yên hoàn thành đón hơn 17.000 công dân về quê an toàn”… Bao nhiêu bài viết về việc này cô đã đọc trong những ngày qua vẫn chưa thỏa mãn cô. Tất cả là thông tin Phú Yên đón người dân của mình về khi thành phố lockdown. Các cửa ngõ đông cứng. Trong khi các tỉnh khác từ chối người về, Phú Yên tổ chức hàng ngàn chuyến xe ngày đêm ra vào thành phố. Tại sao chứ? Tại sao tỉnh nào cũng nói khó khăn về cơ sở vật chất, vật tư y tế, điều kiện sinh hoạt… nên không thể đón người về? Còn Phú Yên thì lại bằng mọi cách, làm hết sức mình đưa hơn 17.000 người về trong lúc căng thẳng nhất? Câu trả lời có đó, rằng là trách nhiệm của địa phương đối với người dân quê nhà trong những lúc nước sôi lửa bỏng này. Nhưng Lam vẫn có cảm giác sâu xa hơn cả chữ trách nhiệm là lòng nhân, là sự thấu cảm ở người lãnh đạo. Lam quyết định tự tìm câu trả lời cho chính mình.
“Mọi người hổm nay nhắc về Phú Yên suốt”. Hôm Lam nhắn cho anh, anh chỉ cười. Anh là vậy, không bình luận thêm kiểu thế này thế kia. Có những chuyện anh luôn xem đó là tự nhiên. “Em muốn viết gì đó về chuyện này, nên em sẽ về Phú Yên một chuyến”. Khác hẳn câu chuyện trên, khi đọc những dòng này của Lam thì anh cuống quýt. “Em nói thật chứ? Em sẽ về đúng không?”. Đúng rồi, về chứ không phải là ra hay đến. Bởi với Lam, sau lần đầu tiên đến mảnh đất ấy từ 6 năm trước, cô xem nơi đây là một nơi để trở về. Lam thích bờ biển trải dài xanh ngát. Lam thích khung cảnh hoang sơ của các điểm du lịch nơi đây. Lam thích những món ăn dân dã đậm phong vị miền Trung. Lam cứ tấm tắc hoài với anh món bánh hỏi lòng heo ở quê anh chẳng có nơi nào sánh được. Anh bật cười với vẻ rất háo hức của Lam. Một người không có xíu xiu đam mê ẩm thực như cô lại nói về món ăn bằng giọng thích thú đến vậy, cũng lạ. “Lần tới em về, nhất định sẽ chở em lang thang thưởng thức thêm vài món đặc sản quê anh”. “Để em sẽ nhớ hoài nơi này. Để lỡ…”. Là dấu chấm lửng anh để, dành riêng cho cô. Anh vẫn luôn thế, không bao giờ nói hết tâm ý của mình. Đó là điều ở anh khiến cô cảm thấy khó chịu nhất. Bao nhiêu lần cô đã cố gắng, gạt bỏ sự kiêu hãnh của phụ nữ để chạm vào anh, vậy mà.
“Ngày cô ấy rời bỏ anh, dường như mọi cánh cửa trước mắt anh đều đóng lại. Anh đã không hiểu tại sao. Tụi anh đã sắp xếp xong hết mọi thứ, kể cả đám cưới”.
“Vậy lý do là gì chứ?”. Anh ngập ngừng rất lâu. Mà không. Sau câu hỏi của cô, cả ngày hôm đó anh im lặng. Thi thoảng anh vẫn thế, khi cô cắc cớ hỏi một câu về những ngày tháng đã qua. Chẳng phải cô tò mò muốn biết về quá khứ của anh; chẳng phải cô ghen với người cũ đã chiếm trái tim anh quá lâu, mà Lam chỉ muốn rằng anh hãy đóng lại tất cả để mở ra trang mới. Có bao dung đến thế nào, Lam cũng không thể chấp nhận, thi thoảng nỗi đau trong anh lại cuộn lên. Đó là lúc anh im lặng, trốn đâu đó trong góc tối của riêng mình. Đôi khi, anh còn không trả lời tin nhắn của cô. Thời gian đầu, Lam cảm thấy cực kỳ bức bối. Anh bảo anh thương Lam, nhưng anh không chịu để cô chạm vào mình. Hai năm, mối quan hệ ấy, sự quan tâm của Lam, cách Lam chia sẻ với anh, hình như còn quá mỏng manh so với nỗi đau 10 năm anh chôn chặt. Lưng chừng. Một mối quan hệ lưng chừng. 2 năm, có đôi lúc cô đã quá mỏi mệt khi cứ mãi lưng chừng như thế. Anh đã nhiều lần xin thêm thời gian để gói ghém lại mọi thứ. Anh đã nhiều lần xin thêm thời gian để sắp xếp công việc rồi vào Sài Gòn cùng cô. Rồi lần lữa. Rồi dịch giã. Lý do cứ làm khoảng cách dài thêm.
Lần trở về này, với cô không đơn thuần chỉ là công việc. Rõ ràng rằng, có nhiều chuyện cô muốn biết trong chuyến đi dài. Rõ ràng rằng, cô sẽ gặp nhiều người, nhiều mảnh đời, nhiều số phận. Cô muốn được theo chân lãnh đạo trong những ngày đầy rối ren này, xem họ làm, nghe họ nói, nhìn cách họ đồng cảm với dân trước những nan nguy. Nhưng thẳm sâu trong ấy, cô muốn gần anh hơn lần nữa, trước khi đưa ra những quyết định của riêng mình.
“Khi nhìn dòng người lũ lượt kéo nhau về quê trên những chiếc xe máy, thậm chí cả xe đạp, bằng nhiều con đường khác nhau, chúng tôi biết không thể ngồi yên được nữa. Ngay lúc khó khăn này mình không dang tay ra đón người dân của mình về, thì còn ai cưu mang họ. Nên khó, rất khó thì cũng phải làm. Ngay từ chuyến đầu tiên, chúng tôi gặp bao nhiêu lực cản. Búa rìu dư luận bủa vây. Người ta bảo dịch như vậy mà còn đón người về…”. Vừa xịt khuẩn toàn thân, vừa cởi bộ đồ bảo hộ, vị lãnh đạo tỉnh vừa chia sẻ với Lam bằng giọng chân thành. Cô theo chân ông vào thăm khu cách ly F0. Điểm thứ 3 cô đến, cũng vẫn cảm giác như ban đầu, lãnh đạo địa phương và các ban ngành phối hợp chăm lo cho dân quá tốt. Nhìn cách họ lo chỗ ăn chỗ ở khi đón người về, cô càng trân trọng hơn tình người nơi đây. Hôm nay đã là ngày thứ 5 cô ở đất Phú. Khó khăn lắm cô mới xin được lịch để cùng lãnh đạo đến các khu đang cách ly hết sức nghiêm ngặt này. Quy trình khử trùng, khử khuẩn tuyệt đối tuân thủ. 5 ngày Lam đã 3 lần test nhanh âm tính, kể cả lúc trước khi lên máy bay. Lam chấp nhận tất cả, để đến được nơi mình muốn. Suốt cả mùa dịch Lam đã từng nghĩ, nếu có trở thành F0 với cô cũng bình thường. Các bác sĩ, y tá và cả lực lượng phường xã mỗi ngày họ đều phải đối mặt với chuyện đó, có là gì đâu. Trong cơn đại dịch này, chúng ta nên cộng đồng trách nhiệm. Đi, đến, thấu để chuyển tải bằng những trang viết cũng là cách mà Lam thể hiện vai trò công dân của mình.
“Không riêng Phú Yên mà tỉnh nào cũng vậy, nhân lực và các yếu tố khác đều thiếu. Khi dịch bùng phát mạnh, các nơi lâm vào khủng hoảng thật sự. Tỉnh chúng tôi với quy mô khoảng chưa đầy 1 triệu dân mà đã khó khăn như thế, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô dân số gấp 10 lần chúng tôi, thì sẽ khó đến thế nào. Chúng tôi muốn chia sẻ với thành phố, nơi đã tạo rất nhiều cơ hội cho người dân chúng tôi…”.
Lam có cảm giác tim mình run nhè nhẹ, khi nhìn vào ánh mắt của vị lãnh đạo tỉnh. Không biết trước mùa dịch, tóc ông đã bạc nhiều như thế chưa? Không biết trước mùa dịch, mắt ông đã chằng chịt những nếp nhăn thế chưa? Không biết trước mùa dịch, nỗi lo trong ông đã trĩu nặng bao phần? Lam không biết. Chỉ riêng lúc này, cô cảm nhận được sự chân thành nơi ông. “Chia sẻ cùng chính quyền thành phố…” thật đáng quý biết bao. Gần 5 tháng trời rong ruổi khắp các ngõ ngách của Thành phố, nhìn những lớp rào chắn, những sợi dây cách ly chằng chịt, Lam thấm nỗi đau của thành phố mình. Lam đã không thể rạch ròi đúng sai như mọi người khi nói về những vướng mắc của thành phố lúc ấy, mà chỉ có thể chia sẻ bằng những việc mình làm. Để giờ đây, khi nghe những trải lòng từ vị lãnh đạo tỉnh, rằng chia sẻ khó khăn với thành phố, tim cô tự dưng ấm áp lạ thường. Cô lặng im, nhìn ông bằng ánh mắt biết ơn. Cô biết mình đã tìm được thứ cần tìm. Lam gửi đi tin nhắn cho sếp: “Em xong việc rồi. Em khỏe. Cuối tuần em có mặt ở Sài Gòn!”.
“Để bất kỳ nơi nào của đất Phú, cũng có hình bóng em. Để anh có thể thấy em hiện diện khắp mọi nơi, kể cả khi em rời xa…”, anh nói thế khi chở cô qua khắp các ngả đường. Lam thích cảm giác ngồi sau xe anh, nghe anh nói về những địa danh của đất Phú. Anh cho xe chạy thật chậm, đủ để Lam thu vào tầm mắt những Mũi Điện, Vũng Rô, Ghềnh Đá Đĩa… Lần này anh đưa cô về lại Tuy An, ghé thăm làng gốm Quảng Đức, làng nghề nổi tiếng có từ thế kỷ 17. Ngôi làng này chỉ còn chữ “Lò Gốm” được lưu lại trên chiếc cầu bắc qua sông Cái. Người xưa và cả kỹ thuật làm gốm men sò huyết độc bản đã thất truyền từ lâu. Rồi anh cho xe qua cầu Gỗ, nơi checkin nổi tiếng của giới trẻ, nhiều thứ đã không còn như trước. Có gì đó như mất mát, trong chuyến trở về này. Như cách anh chăm sóc cô cũng thế, gần gũi mà chừng mực. Cô nhớ nhất hôm lên cao nguyên Vân Hòa, đúng vào ngày mưa. Anh biết cô yêu Đà Lạt nên đưa cô đến nơi đây để cảm nhận một Đà Lạt trong lòng Phú Yên. Xứ sở nổi tiếng với những cây đỏ trĩu quả bỗng dưng trở lạnh. Anh lấy áo khoác choàng lên vai cô, bóp nhẹ. Ngay lúc ấy cô đã ước một cái ôm siết chặt, một nụ hôn thật ấm, lời thì thầm bên tai cô. Nhưng, cô cảm nhận được, những ngón tay anh run run, bối rối. Lúc ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng cũng vậy, anh không như những lần trước. Anh không còn bên cạnh, khi Lam ngoan đạo quỳ trước tượng chúa. Anh không thì thầm với cô sau đó, rằng có phải em đã cầu xin chúa được về làm dâu quê anh.
Lam hẹn anh ở Đồi Thơm, ngày cuối trước khi cô trở lại Sài Gòn. Một tuần qua với bao căng thẳng của công việc, cô vẫn dành đủ nhiều thời gian bên anh và nghĩ về hiện tại. Cô cũng nhìn thấy rõ hơn những gì níu giữ bước chân anh, bức ngăn khoảng cách giữa hai người. Có lẽ nên ngồi lại bên nhau, ngày cuối. Lam chọn nơi này, Đồi Thơm. Lam thích Đồi Thơm. Mỗi con dốc, mỗi góc đường ở đây đều có một nét rất thơ. Nhưng Lam thích nhất con đường có hai hàng Mai Anh Đào. Tháng 11, Mai Anh Đào trơ cành khô khốc. Một sự chuẩn bị cho những chùm hoa bung nở dịp giáng sinh. Cái kiểu cây rụng hết lá như lụi tàn, nhưng là để chờ tỏa nắng. Lam thích cái cách cứ sống hết mình ấy, dù chỉ một lần.
“Tối qua, anh đã nói chuyện với mẹ”. Anh mở lời khi họ ngồi nơi hàng ghế đá dưới gốc Mai Anh Đào. Chiều xuống, hương mùa thu mang theo cơn gió nhẹ. Hình như trời lại chuyển mưa. Lam khoác áo khoác mỏng, vẫn đủ để những cơn gió tinh nghịch len qua cổ, lùa vào tóc. Anh có thấy cô hơi co người không nhỉ? Chắc là không. Anh vẫn đang nói, câu chuyện của mẹ và anh đêm qua.
“Tình hình dịch bệnh như lúc này, anh chưa thể đi được”.
“Hay là anh không bao giờ có thể đi được?”. Lam hỏi, giọng nhẹ mà sắc. Lam đang cố kìm giữ trái tim mình để nó không run lên. Không khóc trước anh, chắc chắn. Sao phải khóc chứ? Suốt 2 năm qua Lam đã chờ đợi bứt phá nơi anh, nhưng lý trí anh vẫn giữa lưng chừng lựa chọn. Có thể tình cảm anh dành cho Lam không đủ lớn, như Lam nghĩ. Còn Lam, ai mà biết được cô nhà báo sắc sảo thế, lì lợm trước mọi khó khăn thế, lại mang con tim quá yếu mềm. Đúng thật, con tim ngốc nghếch chẳng bao giờ có lý lẽ. Như cách Lam yêu anh, yêu xa, yêu chưa một lần nghe câu gì ngoài “anh thương em” vẫn cứ khờ khạo chờ. Lam còn cố tình tin rằng, sau trận đại dịch kinh khủng này, anh càng nhận ra giá trị của hạnh phúc. Mà không phải vậy. Không phải con người nào cũng có thể thay đổi từ nghịch cảnh. Có những người cả đời vẫn cứ mãi chấp nhận sự luẩn quẩn và đổ thừa cho tạo hóa mà thôi.
“Anh lo cho sức khỏe của mẹ. Mẹ chỉ có mình anh…”. Anh chống đỡ yếu ớt. Lam không bất ngờ, nhưng toàn thân cô bỗng dưng như đông cứng lại. Là anh đây sao? Tới thời điểm chia tay rồi, anh vẫn không thể thật lòng với Lam. Mà cô có trách anh đâu, có giận anh đâu? Anh biết mà, cô sẽ đủ bình tĩnh để đón nhận sự thật. Cô những tưởng anh sẽ xin lỗi cô. Anh sẽ không dối cô lần nữa rằng trái tim anh vẫn không thể rời xa nơi này, vì người phụ nữ ấy. Giá anh nói cho cô biết người phụ nữ ấy vẫn cần anh. Sau hôn nhân đổ vỡ, chị đã quay lại tìm anh. Người phụ nữ anh dành cả 10 năm trai trẻ để thương và để đau mãi vẫn không làm anh quên được. Người phụ nữ ấy, chứ không phải cô, là nơi anh chọn lựa. Lam chấp nhận hết mà, anh biết không?!
Lam nhìn trân ra ngoài trời, những hạt mưa bắt đầu rơi.
– Thời gian em ở lại Tuy Hoà còn rất ít ha.
Giọng anh nghẹn lại. Người Lam thương là đây sao. Chuyến trở về này nếu nói Lam không mang theo hy vọng thay đổi anh là nói dối. Cô nghĩ rằng sự quyết liệt nơi cô sẽ thúc giục được anh bứt phá chính mình. Vậy mà không. Anh vốn dĩ cứ mãi ở trong vùng an toàn, không dám bước ra ngoài. Như nhiều người khác, anh chưa quen “bình thường mới”. Thì ra “bình thường mới” không phải với tất cả mọi người đều có thể chấp nhận được.
Lam đứng dậy, quay đi. Cô cố để không nhìn những giọt mưa bắt đầu phủ trên tóc anh. Lần chia tay này không biết khi nào mới gặp lại. Mà có lẽ, anh cũng chẳng còn chờ cô với ngày về trong nỗi nhớ nữa. Cô cũng thế, còn lý do gì để quay về. Vậy thì nhìn thật kỹ, nhớ thật sâu chi cho xa xót đầy. Xóa đi. Mưa xóa hết đi, cuốn hết đi, cho tan rã hết đi. Mắt Lam nhòe trong mưa.
“Có lẽ sẽ thật lâu nữa em mới quay lại nơi này”. Cô nói rồi bước đi.
Chưa bao giờ Tuy Hòa ngày về với cô lại mênh mang đến thế.
2/1/2022
Phương Huyền
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa đất miền Khau SưaXXX

Chúa đất miền Khau Sưa Tử Pín giương súng hai nòng, tiến gần khỉ mẹ. Gần như đối diện. Ôi khiếp! Đôi mắt khỉ mẹ đỏ rực. Nhìn thẳng mặt Tử ...