Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Người giữ thành hoàng làng

Người giữ thành hoàng làng

Tin xã sẽ sáp nhập các khu dân cư loang ra rất nhanh. Chỗ này, chỗ kia người ta xôn xao bàn tán. Túm năm, tụm ba, hễ đông người là câu chuyện “sáp nhập” lại rôm rả. Quán bà Sen đầu làng, không sáng nào là không ồn ào chuyện này.
Các bà biết không? Mười bảy khu xã mình sẽ sáp nhập lại chỉ còn năm khu thôi nhé. Thế cơ á? Vậy có khu mới sẽ ôm cả ba, bốn khu hiện nay cơ à? Thì đấy. Sẽ là như vậy đấy. Sẽ theo các hợp tác xã nhỏ ngày trước cho mà xem. Đang yên đang lành thì sáp với chả nhập. Chẳng biết để giải quyết vấn đề gì? Giải chứ sao lại không? Này nhé. Sáp nhập để tinh giản cán bộ khu, để tăng tính cộng đồng, để giảm chi phí hành chính, để để… Thôi thôi thôi! Để để cái gì nữa? Đã đâu vào đâu mà các bà cứ rối cả lên! Chả thế lại không à? Đến xã cũng còn sáp nhập nữa cơ ông nhá! Không đủ tiêu chí diện tích, tiêu chí dân cư thì sáp nhập lại. Thế thôi. Xong khu rồi đến xã. Xong xã rồi đến huyện. Ti vi, đài báo chả nói ra rả ra đấy còn gì?
Cứ thế người ta râm ran bàn tán. Ai cũng ra vẻ tinh tỏ. Ai cũng cho mình là đúng. Điều người ta bàn sôi nổi nhất là khu nào sáp nhập với khu nào? Ai sẽ làm trưởng khu mới? Ai sẽ phải nghỉ? Trung tâm khu mới đặt ở đâu? Rồi rộng ra là việc sáp nhập xã. Xã mình sẽ sáp nhập với xã Vân Du ư? Vậy thì trụ sở ủy ban sẽ đặt ở xã nào? Cả hai cái đều vừa mới xây xong, to đẹp hoành tráng thế, giờ bỏ đi một chiếc thì phí quá. Phí là phí thế nào? Chuyển làm công trình văn hóa khu vực hay trường học chả tốt quá rồi còn gì? Nhưng mà ai sẽ làm chủ tịch nhỉ? Số cán bộ dôi dư thì tính sao? Ôi dào! Khéo lại như ngày trước. Sáp nhập tỉnh, huyện to đùng ra rồi lại tách, trở lại như cũ. Tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Trước khác, giờ khác. Với lại, lần này chỉ làm ở khu với xã thôi. Gớm! Các vị ăn cơm rau muống mà cứ bàn chuyện thế giới. Bàn ngay việc khu mình đây này. Xã, huyện, tỉnh? Mặc kệ trên. Lãnh đạo người ta sẽ lo. Mình lo việc làng mình đã. Cái sát sườn chả bàn cứ đi bàn cái tận đẩu tận đâu. “Lo bò trắng răng”. “Cầm đèn chạy trước ô-tô”… Thế là câu chuyện lại quay về việc “sáp nhập” khu dân cư.
Cũng như các khu, làng khác trong xã, dân hai khu Bảy và Tám của làng Cổ Cò cũng xi xao chuyện này. Sáp là phải. Nhập là đúng. Trở lại làng Cổ Cò như xưa đi cho nó ấm cúng, đoàn kết. Gọi ngay tên làng cũ ấy. Các cụ ngày trước chả tính toán chán ra mới đặt tên cho làng là Cổ Cò à. Tí sửu, dần sàng, thiên văn, địa lý cân nhắc lắm. Tên làng hiền như củ khoai, lành củ sắn, vậy mà ấn tượng phết các ông nhỉ? Tự hào nữa chứ? Ai xa làng cũng da diết nhớ về Cổ Cò, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thì vưỡn! Mãi gần đây xã mới đặt tên các khu dân cư thứ tự theo con số đấy chứ. Rõ khổ! Thiếu gì tên mà phải làm vậy. Có phải thời chiến tranh đâu mà cần phải bí mật? Thì thế. Tôi ngẫm từ ngày tách làng mình thành hai khu, mọi thứ sa sút hẳn. Đặt tên thế lo chả sa sút thất bát. Sao? Ông bảo sao? Sao lại thất bát? Bảy, Tám ghép lại, chả thất bát thì là gì? Ừ nhỉ! Khéo thế thật. Ngẫu nhiên hai con số ấy lại rơi đúng vào làng mình. Đen thật. Thôi. Nhân tiện đợt này sáp nhập, theo tôi đề nghị xã “trả lại tên cho em”. Cứ Cổ Cò mà gọi. Chuẩn. Ông thế mà thông minh.
Nhìn chung, việc sáp nhập khu dân cư được đông đảo người dân ủng hộ. Riêng hai khu Bảy và Tám của làng Cổ Cò, thậm chí, người ta còn  mong sớm để thành hiện thực. Toàn dây mơ rễ mái, con cháu trong nhà ở rải rác hai khu chứ có phải ai đâu mà xa lạ? Giờ về cùng khu với nhau chả tốt quá rồi còn gì? Thì nguyên bản trước kia là một mà. Làng Cổ Cò, rồi hợp tác xã nông nghiệp Cổ Cò. Mãi tới khi khoán hộ, chia ruộng, giao đất cho từng nhà, hợp tác xã Cổ Cò giải thể, con cháu đông lên, tách ra, xã mới chia làng này thành hai khu dân cư đấy chứ. Bố mẹ khu Bảy, con cháu khu Tám. Đèn nhà nào nhà nấy rạng. Thị trường len lỏi tới từng nhà. Làm ăn nhà gặp, nhà không. Lẹt đẹt tụt hậu so với các khu bên. Thậm chí, so với trước cũng chẳng bằng. Mọi thứ làng Cổ Cò đi xuống hẳn.
Trước sự thể này nhiều cụ già cho rằng làng “chết” ở cái tên “thất bát” ghép lại. Vừa bị chia nhỏ, làng lại vừa phải gánh cái tên đen đủi ấy. Người ta “lộc phát”, “phát lộc” mình thì “thất” với chả “bát”. Một nguyên nhân nữa làm cho làng kém đi đó là bài vị thờ thành hoàng làng từ lâu mất đâu không rõ. Về tâm linh thì đây là nguyên nhân chính. Long mạch cắt đôi, chủ nhân thất lạc. Bảo sao mà làng không đi xuống? Ngôi đình lâu nay vắng vẻ, đìu hiu hẳn. Mấy chục năm rồi, nó không còn linh thiêng nữa. Nhân việc sáp nhập này, trung tâm hành chính khu phải chuyển về đình làng, ở khu Bảy ấy. Đó là gốc tích của làng Cổ Cò. Không thể để ở một trong hai cái nhà văn hóa hiện thời của hai khu được. Tiếp tục tìm lại thành hoàng làng. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Thành hoàng sẽ phù hộ cho dân làng ăn lên làm ra.
Nhắc tới đình làng, mọi người nhớ ngay tới cụ đồ Cử. Cụ là ông nội của đại tá Thắng đang nghỉ hưu tại làng bây giờ. Tên cúng cơm của cụ là Đỗ Đình Thi nhưng người làng cứ gọi theo tên con trai cả của cụ là Đỗ Đình Cử. Cụ là người sống vắt qua hai thế kỷ, sinh năm 1880, hơn cả tuổi Bác Hồ và mất năm 1963, thọ 83 tuổi. Cụ Cử nhiều chữ nhất làng hồi bấy giờ. Cụ làm thầy giáo, lúc đó gọi là thầy đồ. Lớp người già bảy tám mươi tuổi hiện nay của làng đa phần là học trò cũ của cụ. Họ nhớ tính cách, hình dáng của cụ rõ mồn một. Lớp tuổi sáu mươi thì mang máng nhớ về cụ. Lớp dưới nữa không biết mặt mũi cụ thế nào, chỉ nghe kể về cụ cũng đã ấn tượng rồi. Người ta nhớ cụ không phải vì con cụ là Cử, một võ sư của làng, cháu cụ là đại tá Thắng bây giờ mà chính là những giai thoại gàn gàn ngang ngang của cụ. Một lẽ nữa, người ta nhớ cụ vì nhà cụ ở ngay cạnh đình làng, mấy đời liền trông coi, chăm sóc ngôi đình này. Ngôi đình còn nguyên vẹn đến giờ chính là nhờ thái độ kiên quyết, dứt khoát của cụ. Nếu không, nó sẽ là bãi đất trống như khu chùa, khu miếu cuối làng.
Thời thực dân Pháp đô hộ, cụ Cử mở lớp dạy học. Lớp học đặt ngay trong ngôi đình. Thời đó, chỉ con trai mới được đi học. Cụ dạy “Tam tự kinh”, dạy chữ nho, dạy giáo lý làm người. Sáng sáng, cụ khăn xếp áo the, đi guốc mộc, đeo kính lão, chống ba toong, cắp tráp từ nhà lên đình. Lũ trẻ đã ngồi nghiêm ngắn, chỉnh tề chờ cụ đồ. Sáng một lớp, chiều một lớp. Mỗi lớp hơn chục đứa đủ các lứa tuổi khác nhau. Anh Cử, anh Văn hai con của cụ cũng học cùng. Mỗi anh phụ trách một lớp. Họ được cụ giao cho thay nhau mài mực chuẩn bị các buổi học. Anh cả học chữ thì chậm, học võ lại nhanh. Không nối nghiệp chữ nghĩa của cha, anh Cử theo bước chân ông nội. Ông nội anh là võ sĩ nổi tiếng của vùng. Khi số chữ trong đầu Cử đủ dùng thì võ nghệ của anh cũng chẳng kém ông nội là mấy. Thế nên, Đỗ Đình Thắng sau này đã thừa hưởng gen võ của bố, gen văn của ông nội mà trưởng thành, trở thành đại tá chỉ huy trong quân đội.
Có chuyện giặc Pháp đóng quân ở làng. Chúng yêu cầu cụ Cử dẹp bỏ lớp học. Chúng sợ thanh niên tụ tập sẽ nhen nhóm tư tưởng nổi loạn, chống lại chúng. Cụ Cử kiên quyết không nghe. Hôm lũ Tây mũi lõ súng ống lăm lăm trong tay kéo đến đình, cụ Cử một mình ra ngăn cản chúng. Chúng xì là xì lồ tiếng Tây. Cụ Cử cũng xì là xì lồ lại. Đại thể là cụ nói lý với bọn chúng. “Các ông bảo đi khai hóa văn minh sao lại đòi dẹp bỏ lớp học? Tôi mở mang đầu óc cho lũ trẻ, đó là việc nên làm chứ”. Bọn địch ngạc nhiên. Cái xứ khỉ ho cò gáy này mà lại có một ông già quắc thước, tự tin dám đối thoại với chúng bằng tiếng Pháp ư? Tên chỉ huy nói: “Văn minh thì phải dạy tiếng Pháp, chữ Pháp. Không được dạy chữ nho cổ hủ, lạc hậu”. Hai bên lý lẽ với nhau một hồi. Cuối cùng cụ Cử chấp thuận theo ý chúng. Thôi thì, tránh voi chả xấu mặt nào, giữ cho nó yên lành cái đã. Cứ hợp pháp hóa lớp học để lấy chỗ cho mấy anh cán bộ bí mật hoạt động. Với lại, chúng nói cũng có lý. Tiếng Pháp cũng hay, cũng tốt chứ sao. Như mình đang đối thoại với nó đây này. Dùng tiếng nói của nó chống lại nó chả tốt quá rồi còn gì. Bề ngoài là vậy, bên trong tính sau. Vậy là, trong ngôi đình cổ, cụ đồ Nho mở lớp học dạy tiếng Pháp cho lũ trẻ của làng.
Dân làng hồi đó ai cũng nể phục cụ Cử. Có mấy năm lên phố mà cụ học được nhiều thứ thật. Nói tiếng Pháp làu làu như Tây. Cụ giao tiếp với chúng bản lĩnh, tự tin lắm. Ngược lại, thấy có người hiểu mình nên bọn Pháp cũng tỏ vẻ sự trân trọng. Thậm chí, những thằng được cử đến theo dõi lớp học cũng bị cụ Cử cảm hóa trở thành trợ giảng cho cụ. Dưới cái vỏ bọc như vậy mà địa điểm hoạt động bí mật của tổ chức cách mạng vẫn an toàn. Nhiều học trò của cụ vừa học được chữ nho, vừa học được tiếng Pháp lại vừa tiếp cận được với cách mạng. Nhiều người trong số họ đã trở thành những cán bộ nòng cốt sau này.
Còn việc cụ giữ được ngôi đình khỏi bị phá thì dân làng Cổ Cò không ai không biết. Người trước truyền người sau, tên cụ Cử gắn liền với ngôi đình. Ngày trước là lớp học ở đình. Sau đó là sự kiện cụ tẩm xăng, ngồi trước sân đình để ngăn đoàn đến đập phá. Số là, dạo đó khắp nơi dấy lên phong trào đập phá đình chùa với cái gọi “xóa bỏ tàn tích phong kiến”, cụ Cử ra sức phân tích, can ngăn lớp cán bộ ngày đó nhưng không được. Họ vẫn cho quân đi đập phá các nơi thờ tự. Bắt đầu là chùa Cổ Cò. Tiếp đến là miếu Ba Cô. Mấy hôm đó, cụ Cử bỏ nhà lên ăn ngủ ở đình để canh chừng. Hôm xã cho dân quân đến phá thì cụ tẩm xăng vào người, ngồi giữa sân đình, dõng dạc tuyên bố: “Nếu phá đình hãy bước qua xác tôi”. Cánh cán bộ xã và dân quân sững lại. Trước mặt họ là cụ đồ, là thầy giáo đã dạy họ mấy năm trước, là bố liệt sĩ, bố quân nhân. Xung quanh cụ rất đông dân làng đứng bảo vệ. Cụ Thi (tên cúng cơm) khi đó có hai con trai thì một anh (Đỗ Đình Văn) đã hy sinh ở Điện Biên phủ, một anh (Đỗ Đình Cử) đang tại ngũ. Cuối cùng, cánh phá đình đành bỏ đi. Ngôi đình nhờ đó mà tồn tại cho tới tận bây giờ.
Năm 1963 cụ Thi mất. Ông con trai Đỗ Đình Cử giải ngũ. Ông tiếp tục “sự nghiệp” trông coi, bảo vệ ngôi đình. Lúc này ngôi đình đã trở thành trụ sở hợp tác xã nông nghiệp Cổ Cò. Tấp nập đông vui lắm. Sớm nào người đi làm cũng tụ tập ở đây. Họ nhận kế hoạch làm việc, rồi bình công, báo điểm trong ngày. Lại còn tranh thủ chợ cóc mua bán ở đây nữa. Trên ngọn đa đầu đình, chiếc loa phóng thanh oang oang đưa tin sản xuất của hợp tác xã, không khí thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội của miền Bắc, tình hình chiến sự miền Nam. Tất cả sục sôi khí thế lắm. Với nhiệm vụ bảo vệ kiêm tạp vụ cho ban quản trị hợp tác xã, ông Cử thường là đầu mối để mọi người trao đổi, tâm sự. Suốt ngày ông mó máy quét dọn, sửa sang ngôi đình. Sân đình luôn sạch bong.
Đang yên lành như vậy thì giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Dân làng Cổ Cò phải đi sơ tán vào rừng. Trụ sở ban quản trị cũng vậy. Thanh niên làng nô nức tòng quân. Đỗ Đình Thắng noi gương chú cũng nhập ngũ. Ông Cử được bốn người con, duy nhất có Thắng là con trai nhưng nó cứ nằng nặc xin đi. Bà Cử gàn. Ông Cử đồng ý. “Nước có giặc phải đi đánh giặc. Nó nghĩ vậy là đúng”. Ông đã nói với vợ như vậy. Bà Cử dẫn ba cô con gái đi sơ tán. Ngày vào rừng, tối lại về nhà. Riêng ông Cử vẫn bám trụ. Vừa trông nom nhà cửa ông vừa qua lại coi sóc ngôi đình.
Hồi bố ông còn sống, cụ nhiều lần nói với ông: “Ngôi đình này thiêng lắm anh ạ. Thành hoàng làng mình là tướng giỏi hồi đánh giặc cờ đen đấy. Ngài có công lập làng, bảo vệ làng. Các cụ kể lại rằng: năm giặc cờ đen càn quét qua đây, ngài dẫn dân làng tránh vào rừng. Trong đó, ma thiêng nước độc, rắn rết thú dữ đầy hiểm nguy. Nhiều người bàn chùn. Ngài kiên quyết đưa dân đi. Muốn sống thì phải vào đó ẩn náu tránh giặc. Một số người không nghe, trốn vào hang đá cuối làng. Bọn giặc đến phát hiện ra. Chúng chất củi đốt hang mấy ngày liền. Số người trong hang chết hết. Vì thế, hang ấy bây giờ gọi là Hang Ma. Mãi về sau, lũ giặc rút đi, ngài mới dẫn đoàn sơ tán trở lại làng. Hướng dẫn dân cày cấy, ngài còn chỉ cách cho dân rào làng ngăn ngừa thú dữ, giặc giã. Sau đó, ngài dẫn một số trai làng theo nghĩa quân tham gia đánh đuổi giặc. Giặc tan, trở lại làng, ngài hóa thân ở cây đa này và bay về trời. Tưởng nhớ công ơn ngài, dân làng lập miếu thờ rồi tôn ngài làm thành hoàng làng. Sau đó, làng dựng ngôi đình đón linh hồn ngài về ngự trong đó. Nhà mình có diễm phúc ở khu đất thiêng nên phải chú tâm trông coi, gìn giữ, bảo vệ ngôi đình. Ngài sẽ phù hộ ban lộc cho con ạ”.
Nhớ lời cha, ông Cử sớm tối cặm cụi với ngôi đình. Đặc biệt, sau vụ bố ông tẩm xăng giữ đình, ông càng trân trọng, yêu quý ngôi đình hơn. Về sau, số cán bộ xã hiểu ra họ càng nể trọng cụ, đặc biệt từ ngày ngôi đình được lấy làm trụ sở ban quản trị hợp tác xã. Bà con có chỗ đi về. Ngôi đình càng ấm cúng, thân thiết. Từ ngày sơ tán, tuy có vắng vẻ nhưng nhìn về cây đa, ngôi đình, ai cũng cảm thấy yên tâm. Thế rồi, một trận bom Mỹ đã làm sập gian thờ tự. Hôm đó, ông Cử ngồi dưới hầm nghe tiếng nổ lộng óc, mặt đất rung chuyển, đất đá bay rào rào thì biết ngay là bom nổ rất gần. Không ngờ, khi kẻng báo yên, lên khỏi hầm, ông Cử ngơ ngác thất thần trước một góc mái đình đã sập. Ông lao vào bới đống đổ nát tìm kiếm. Một số đồ thờ bị vỡ hỏng. Ông nhặt nhạnh, lau chùi rồi mang về nhà mình cất tạm, trong đó có tấm bài vị thành hoàng làng. Cả tuần sau, ông kiếm tre gỗ, gạch ngói cùng mấy người nữa tu sửa lại.
Sau đó mươi ngày, Mỹ lại thả trận bom nữa xuống làng. Trận này nó đánh vào đầu làng đúng lúc ông Cử vừa đi thăm đồng về. Ông bị dính bom. Cái tăng sê ven đường không đủ sức che chắn cho ông. Bom nổ hất tung hầm. Một mảnh bom văng tới găm vào ngực ông. Ông gục xuống. Máu trào ra. Đôi mắt ông mở to nhìn về ngọn đa. Ở đó có nhà ông và ngôi đình. Ngôi đình vừa sửa xong, vẫn còn nguyên. Ông hực lên một tiếng rồi mãi mãi ra đi, bỏ lại vợ và bốn người con ở lại. Lúc này, anh Thắng đang trong chiến trường miền Nam, không rõ ở tỉnh nào, huyện nào. Vợ ông thay ông nuôi ba đứa con gái rồi gả chồng cho họ. Mọi hy vọng của bà trông chờ tất cả ở người con trai ngoài mặt trận. Ngày đêm bà cầu nguyện cho Thắng tránh được hòn tên mũi đạn, bình an trở về.
“Anh có nghe dân làng họ kháo nhau về việc sáp nhập khu dân cư không?”. Cụ Cử bà móm mém hỏi Thắng. Ông Thắng ngạc nhiên thấy mẹ mình cũng quan tâm tới việc này. Tám mươi bảy tuổi rồi, lưng còng rạp đất rồi mà cụ vẫn quan tâm tới thời cuộc. Nhanh thật. Mới ngày nào mẹ còn xăng xái, sửa soạn, chuẩn bị các thứ cho anh nhập ngũ, thế mà nay mẹ đã già như thế này rồi. Thì mình cũng đã sáu mươi, lên ông rồi còn gì. Cả một đời chinh chiến trong Nam, ngoài Bắc, sang cả Cămpuchia nữa, bốn chục năm quân ngũ của mình cơ mà.
Mười lăm năm ròng rã, suốt từ năm 1967 đến năm 1982, Thắng mới có dịp về quê. Giải phóng miền Nam xong, đơn vị anh hành quân ra biên giới Tây Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau đó, lại sang Cămpuchia giúp bạn. Cuối 1982, đơn vị anh được điều ra tăng cường cho mặt trận biên giới phía Bắc. Thắng được tranh thủ về quê. Hôm Thắng về, mẹ cứ ôm anh mà khóc. Bố mất, hai chị và em gái của anh đã lấy chồng. Một mình mẹ trong căn nhà trống trải, cô đơn. Chị gái phải cho đứa con lớn của mình sang ở với bà. Bà giục anh lấy vợ. Đúng ra, anh lấy vợ quê là tốt nhất. Vậy mà duyên số thế nào anh lại lấy cô gái cùng đơn vị. Cô này người xã bên, là y sĩ, quân nhân chuyên nghiệp. Rồi cứ thế vợ chồng anh bên nhau theo bước chân đơn vị. Họ sinh con đẻ cái. Hai gái một trai. Thắng lên đại tá, sư đoàn trưởng. Gia đình Thắng được phân nhà ở. Các con của Thắng phương trưởng dần. Ở quê, chỉ có mẹ già cô đơn trong căn nhà cạnh ngôi đình cổ.
Nhiều lần Thắng về đón mẹ lên phố nhưng cụ dứt khoát không đi. Cụ bảo phải ở quê giữ lấy ngôi nhà có bàn thờ tổ, trông nom mồ mả tổ tiên, lo giỗ chạp cho dòng họ. “Sống về mồ về mả không ai sống về cả bát cơm”. Cụ là dâu trưởng phải gánh trách nhiệm này. Cụ yêu cầu Thắng sau này nghỉ hưu phải về mà thay cụ lo việc đó. “Đại tá, đại tướng ở đâu tôi không biết nhưng về quê anh vẫn là phận con, phận cháu. Hơn nữa, là trưởng tộc anh phải có trách nhiệm lo cho cả dòng họ. “Tiên trị gia, hậu trị quốc”. Việc nước anh làm tốt rồi, liệu về mà lo tốt việc nhà nữa là ổn”.
Thế là, nhận quyết định hưu, mấy tháng sau, vợ chồng Thắng bán nhà trên phố kéo nhau về quê. Nói là kéo nhau về nhưng thực ra chỉ có hai ông bà Thắng thôi. Ba người con của ông đều đã yên bề gia thất và đều đang công tác. Người bác sĩ, kẻ kỹ sư. Ai cũng có vị trí trong xã hội.
Tin ông Thắng nghỉ hưu về quê khiến cho người trong họ và cả dân làng Cổ Cò nữa, ai cũng vui. Đại tá cơ mà. Vợ ông ấy cũng trung tá đấy. Con họ đều là bác sĩ, kỹ sư nha. Hỏi cả làng này, thậm chí cả xã nữa có ai được như vợ chồng ông ấy không? Không chứ gì? Mồ mả nhà ông ấy đang phát nha. Bà cụ Cử thật tốt phúc. Bây giờ chẳng phải lo cô đơn nữa. Ông bà Thắng về sẽ đền bù cho cụ.
Ông chú, bà bác trong họ thường xuyên đến hỏi han, trò chuyện, xin ý kiến ông cháu trưởng họ. Bậc con cháu của ông Thắng thì khỏi nói. Người nào người nấy đều lấy gương ông ra để học tập. Ai cũng tự hào về ông. Số cán bộ hưu trong xã, ngoài làng đều nể phục, kính trọng ông. Thế nên, cái vụ “sáp nhập” này nhiều người cũng đã đến tranh thủ ý kiến ông. Vì vậy nên mẹ ông mới biết.
“Thế nào? Anh thấy việc sáp nhập khu dân cư thế nào?”. Cụ Cử bà hỏi lại. Ông Thắng giật mình sực tỉnh. Ông vội đáp nước đôi: “Con mới về chưa hiểu lắm việc làng nhưng sáp nhập lại như cũ con thấy cũng ổn mẹ ạ!”. “Sáp là phải. Nhập là đúng. Cùng dân cùng làng, chia tách mà làm gì. Đã to quá đâu mà lo không quản được”. Cụ Cử thủng thẳng nói. Ông Thắng nghe mẹ nói vậy, đáp từ: “Con cũng nghĩ như mẹ”.
Hôm trước, mấy vị trong tổ hưu cũng đưa việc này ra bàn. Chỉ là trà dư, tửu hậu thôi nhưng ai cũng có ý kiến rất sôi nổi. Ông Dụ, nguyên giám đốc trường chính trị huyện thì cho rằng “quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Bây giờ, hội nhập rồi, bốn chấm không rồi nên sáp nhập là đúng”. Bà Hà, nguyên cán bộ dân số huyện thì “đều con cháu khu Bảy cả. Chẳng qua sinh con đẻ cái tách ra, giờ về với nhau là OK”. Ông Tác, cựu cán bộ văn hóa tỉnh thì “cứ sáp lại. Trở về làng cổ, đình xưa là chuẩn nhất. Văn hóa làng xã mãi vẫn là bản sắc, là nền tảng vững chắc ở nông thôn nước ta đấy các vị ạ”.
Không ngờ ý kiến của ông Tác lại châm ngòi cho việc đặt trung tâm khu hành chính mới. Và điểm mấu chốt vẫn là đình làng, trong đó đặc biệt nhất, nan giải nhất là làm sao tìm lại được thành hoàng làng. Đình mà không có thành hoàng làng thì không thiêng. Làng mình có ngôi đình cổ đẹp thế mà bài vị thành hoàng làng cùng với sắc phong các triều đại không có nên việc xếp hạng di tích cực kỳ khó khăn. Là người con của làng, công tác ở ngành văn hóa, bao năm rồi, ông Tác đã đứng ra lo việc này nhưng đều không được. Giờ nghỉ hưu ông vẫn cứ thấy áy náy.
Nhớ tới điều này, ông Thắng vội hỏi mẹ:
– À, mẹ cho con hỏi điều này. Đình làng mình có sắc phong với lại bài vị thành hoàng làng chứ mẹ?
Bị con hỏi đột ngột, cụ Cử trầm ngâm giây lát rồi nói:
– Mẹ đàn bà con gái không rõ lắm. Thế nhưng, theo mẹ thì… phải có chứ. Hồi còn mồ ma ông nội, rồi đến bố con, mẹ thấy hai bố con ông ấy chăm nom ngôi đình lắm. Còn hơn cả chăm lo cho nhà mình cơ.
– Vậy những thứ đó bây giờ đâu cả mẹ nhỉ?
– Chẳng biết được. Mẹ chỉ nhớ hồi anh đi bộ đội, ở nhà, làng bị Mỹ đánh bom. Có một trận, một quả bom rơi cạnh đình làm sập mái đúng gian thờ. Mẹ và chị em con đi sơ tán. Bố con ở nhà. May ông ấy không bị sao. Sau trận bom, ông ấy đã bới dọn, nhặt nhiệm các đồ thờ, tu sửa lại mái đình. Xong đâu đó, ông đã đặt trả lại các thứ về vị trí cũ rồi mà.
– Riêng bài vị và sắc phong thì không có mẹ ạ.
– Hay là bị bom nó vùi, nó đánh bay mất rồi? Thảo nào, tấm bài vị hiện nay mới lắm. Nghe bảo ông Tác văn hóa lập lại?
– Vâng. Con mới về cũng nghe các cụ nói vậy. Đình không có bài vị nên ông Tác mới về bảo tàng tỉnh nhờ họ tra cứu sắc phong nhưng không có. Sau đó, ông ấy mới thuê thợ chế tác tấm bài vị mới đặt vào.
– Thảo nào, cấm có thấy thiêng như trước – Cụ Cử chép miệng – Có phải cứ thay mới là được đâu. Ở chùa, đúc tượng còn phải hô thần nhập tượng mới thiêng chứ. Đằng này, ông ấy làm văn hóa mà lại lôm côm thế.
– Thì tấm lòng ông ấy nghĩ sao làm vậy mà mẹ. Cốt cái lòng thành thôi mẹ ơi!
– Vậy nên giờ mới thế. Cái gì cũng phải có quy trình, thủ tục, nguyên tắc của nó. Các anh chả đề cao mãi cái quy trình  đấy là gì? Giờ anh về rồi, hãy xem cùng các cụ, các ông trong làng lo mà đi tìm thành hoàng cho làng. Nếu có làm mới thì cũng phải thủ tục cúng bái, hô thần, nhập vị cho chu đáo.
– Vâng. Để sửa nhà xong con sẽ bàn thêm với các ông ấy, mẹ ạ.
Ông Thắng đáp lời mẹ. Sau đó, cả hai mẹ con cùng ngồi trầm ngâm.
Kế hoạch sửa nhà được vợ chồng ông Thắng tính toán ngay từ lúc nhận quyết định nghỉ hưu. Ngôi nhà cổ từ đời cụ kỵ ông tính đến nay cũng đã mấy trăm năm. Khéo nó cũng gần bằng tuổi của cái làng này. Cả ngôi đình nữa. Hồi xưa, nó vào diện sang nhất nhì làng. Nhà ngói cây mít. Năm gian đàng hoàng. Thêm ba gian bếp nằm ngang hình thước thợ nữa. Sân gạch, vườn cây, ao cá… Khuôn viên mọi thứ đầy đủ cả. Mấy cuộc chiến tranh đi qua, bom đạn như thế, đến cả ngôi đình cũng bị ảnh hưởng, vậy mà khu nhà của ông vẫn vẹn nguyên. Tuy nhiên, thời gian mưa nắng cũng đã làm cho nó xuống cấp nghiêm trọng. Một số đòn tay, cầu phong ri-tô đã bị sập xệ. Đặc biệt, công trình vệ sinh vẫn ở ngoài. Đợt này sửa, tiện thể, ông sẽ bố trí khép kín hết. Tuổi cao rồi, sinh hoạt phải tiện lợi. Xu thế là phải thế. Bề ngoài vẫn là nhà cổ nhưng bên trong sẽ cải tạo lại cho phù hợp với lối sống hiện đại.
Nghe kế hoạch này, ai cũng cho là phải, nhất là những người trong họ. Nhà trưởng họ phải to, rộng, đàng hoàng. Giỗ chạp, Tết nhất anh em con cháu tập trung nó mới thoải mái. Như thế mới đúng tầm. Chả gì ông cũng là đại tá. Lương hưu cao thế, tiền bán nhà dưới phố về như thế phải cải tạo, nâng cấp ngôi nhà này cho hoành tráng là đúng rồi.
Dịp này, mấy cụ cao niên của làng, thuộc các dòng họ liên tục đến nhà ông. Mỗi người mỗi ý tỏ rõ việc trông cậy ông cho việc tìm lại thành hoàng làng. Sốt sắng nhất vẫn là ông Tác và cụ Khoa. “Bác có vị trí chức sắc trong xã hội, bác xem thế nào? Về trung ương chạy được cái di tích cho đình làng thì tốt quá”. “Trước mắt, cứ về bảo tàng văn hóa Việt Nam tra tìm xem có cái sắc phong nào không. Bảo tàng tỉnh thì chịu rồi. Em sục mấy lần đều không có gì đâu”, ông Tác nói. “Nếu không thấy bài vị ngài thì ta nên làm mới lại lần nữa. Lần này phải đúng quy trình thủ tục vào”, cụ Khoa tham gia. Rồi thì “tiếp tục chỉnh trang sửa sang lại đình để khi sáp nhập làng thì chuyển trung tâm về đó như cũ”. “Bác làm trưởng ban việc này cho”. “Chả gì, mấy đời nhà bác đã gắn bó, có công với ngôi đình, với dân làng rồi. Giờ bác kế tục các cụ lo việc này là đúng lắm”. Vân vân và vân vân…
Mọi người cứ nghĩ ông Thắng là đại tá thì làm gì cũng được. Ông từ chối khéo đến mấy, họ vẫn đóng đinh việc này cho ông. Quả thực, ông chỉ giỏi cầm quân đánh trận chứ việc tôn giáo đình chùa ông đâu có hay. Mẹ ông, cụ Cử cũng tham gia. Cụ khuyên ông Thắng hãy noi gương bố và ông ông ngày trước, hãy nể tình và sự tín nhiệm của mọi người mà đứng ra làm đầu mối lo việc này. Cả đời lo việc nước rồi, giờ về hưu cũng nên đóng góp cho quê hương. Nghe mẹ nói vậy, ông Thắng còn chối sao được nữa. Ông đáp lời mọi người: “Vâng, nếu các cụ tin tưởng thì em với bác Tác sẽ đứng ra lo. Có điều để em sửa lại ngôi nhà này đã. Cũng nhanh thôi”.
Nghe vậy, mọi người yên tâm liền. Họ quay ra bàn xoáy vào việc cải tạo nhà cho ông. Ở quê hay thật. Nhà ai có công to việc lớn gì, chỉ nghe qua thôi đã có rất nhiều người đến bàn bạc, góp ý, giúp đỡ rồi. Chẳng như trên phố, nhà nào biết nhà ấy. Thì thế, về quê nó mới ấm cúng, nặng nghĩa nặng tình. Sau lũy tre làng, cái mây quây cái rế, thật yên bình.
Chọn được ngày lành, tháng tốt, vợ chồng ông Thắng khởi công sửa nhà. Ông sắm ván xôi con gà thắp hương các cụ. Trên đình, ông cũng biện một ván lễ như thế. Ông khấn xin thành hoàng làng cùng tổ tiên ông bà cha mẹ phù hộ cho mình sửa sang ngôi nhà được thuận lợi. Anh em, chú bác, con cháu dòng họ Đỗ tập trung đông lắm. Cả các cụ cao niên trong làng nữa. Công việc có nhiều gì đâu, thợ họ làm hết rồi. Thế nhưng ở quê là thế. Cứ có việc là con cháu, dân làng xúm lại cùng lo. Mỗi người mỗi việc. Vừa làm vừa chuyện trò rôm rả. Mái ngói được dỡ xuống. Gạch được chuyển về. Xi cát, sắt thép, gỗ tre bề bộn. Cụ Cử chống gậy cười hở lợi đứng nhìn mọi người làm. Mấy đứa cháu đùa nghịch chạy loăng quăng.
Khi dỡ mái đến gian đốc, mọi người thấy trong tum có một chiếc hòm sắt. Người ta chuyển xuống và gọi ông Thắng lại. Cả cụ Cử cũng tới. Mọi người xúm lại xem. Ai đó nói cụ Cử giấu của kỹ thế! Cụ Cử cười bảo cụ không biết gì. Bao năm rồi, đàn bà con gái, cụ đâu có biết cái hòm này ở trên đó. Mấy cụ trong họ bảo ông Thắng mở ra xem cụ ông giấu gì. Hòm không khóa. Bê chiếc hòm sắt đặt lên cái bàn giữa sân, ông Thắng run run mở nắp. Những cặp mắt đổ dồn nhìn vào. Có một thứ gì đó như khung ảnh nằm choán gần hết lòng hòm. Nó được gói cẩn thận bởi một lớp vải đỏ đã phai màu. Nằm cạnh nó là cái ống tròn tròn như ống tre, sơn son, dài gần khoảng bốn chục phân. Dưới nữa là cuốn vở ngoài bìa ghi rõ “Gia phả họ Đỗ”. Ngoài ra không còn thứ gì khác. Mọi người giục ông Thắng mở tiếp.
Lớp vải đỏ được gỡ ra. Một tấm gỗ sơn son thếp vàng, chạm khắc rồng phượng xung quanh với hàng chữ Nho chạy dọc ở giữa hiện ra. Cụ Khoa reo lên: “Bài vị thành hoàng làng! A di Đà Phật! Ngài đây rồi!”. Mọi người xúm xít nghển cổ ngó vào. Nhiều người chắp tay lầm nhầm khấn vái.
Dựng tấm bài vị lên bàn, ông Thắng mở tiếp ống quyển. Một cuộn giấy bản vàng úa, chữ nho đen nhánh bung ra. Ông Tác vồ lấy: “Sắc phong đình làng đây rồi! Ơn giời, cụ Cử giấu kỹ quá!”. Sau đó, mọi người xôn xao bàn tán. Chốt lại, ai cũng bảo cụ Cử ông “sơ tán” báu vật đó để tránh bom Mỹ. Niềm vui tràn ngập trên gương mặt mọi người. “Tìm thấy thành hoàng làng rồi!”. Người reo to, kẻ thì thầm. Tin vui cứ thế loang ra. Cả khu Bảy, khu Tám đều rộn rã. Người ta quay sang bàn việc rước ngài về đình.
Lãnh đạo hai khu tập trung tất cả ở nhà ông Thắng. Các cụ cao niên của các dòng họ trong làng đều có mặt. Mặc cho nhà ông Thắng còn đang bề bộn, mọi người bàn xoáy ngay việc mở hội rước thành hoàng làng về đình. Cả kế hoạch đề nghị trên xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho đình cũng được bàn tới. Mẹ con, bà cháu cụ Cử vui lâng lâng. Họ thắp hương lên ban thờ. Trên đó, qua làn khói hương nghi ngút, vợ chồng hai cụ cố Thi và cụ ông Cử trong di ảnh mắt sáng ngời lung linh nhìn con cháu. Chắc họ vui lắm. Cuối cùng thì thành hoàng làng đã trở về.
Làng Cổ Cò xôn xao, phấn khởi. Chẳng còn phân biệt khu Bảy hay khu Tám nữa. Ai cũng náo nức về ngày hội rước thành hoàng làng về đình. Dưới bóng đa, mái đình uy nghiêm, trầm mặc. Trên ngọn đa, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong nắng gió thu.
14/12/2021
Đỗ Xuân Thu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sao em không đợi

Sao em không đợi? Chiếc xe hơi ập đỗ trước cổng. Xe phủ trắng bụi đường. Chứng tỏ chặng đường đi xa xa lắm. Người đàn ông đầu hói, mặt cổ ...