Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

"Giá đừng có dậu mồng tơi"… Thêm một lần nữa thử "Giải mã" thi phẩm "Người hàng xóm" của Nguyễn Bính

"Giá đừng có dậu mồng tơi"… Thêm một lần
nữa thử "Giải mã" thi phẩm "Người
hàng xóm" của Nguyễn Bính

Đã có nhiều bài viết về “Người hàng xóm” của Nguyễn Bính, nhìn dưới các góc độ khác nhau, như folklore, phân tâm học, biện chứng tâm hồn… Ở đây, chỉ nhìn bài thơ dưới góc độ, mà nói một cách dân dã là “suy bụng ta ra bụng người”, hay nói một cách văn vẻ là “Lấy trong ý tứ mà suy”. Đã là suy bụng ta ra… thì có thể trúng hay trật. Dù trúng hay trật, hay hay dở, thì cũng là góp thêm một cái nhìn, một cách “giải mã” về thi phẩm rất nổi tiếng này của Nguyễn Bính.
Người hàng xóm
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng…
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi, bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi…
Chả bao giờ thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Mắt nàng đăm đắm trông lên…
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,
Tôi buồn tự hỏi: Hay tôi yêu nàng?
– Không, từ ân ái nhỡ nhàng,
Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao!
Tơ hong nàng chả cất vào,
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang.
Mấy hôm nay chẳng thấy nàng.
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong.
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng,
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa.
Tầm tầm giời cứ đổ mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm!
Cô đơn buồn lại thêm buồn…
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
Hôm nay mưa đã tạnh rồi!
Tơ không hong nữa, bướm lười không sang.
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng… tôi gục xuống bàn rưng rưng…
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng.
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!
Trúc Bạch, 12 tháng 7 năm 1940
Bài thơ mở đầu bằng:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn
Một cách vào bài rất chi là Nguyễn Bính. Nghĩa là bằng lục bát – thể thơ sở trường, ông sẽ kể một câu chuyện giữa “tôi” và “nàng”, nói như các nhà thông thái bây giờ là “diễn ngôn” một chuyện tình. Nếu chỉ mới đọc hai câu mở đầu thì dễ cho rằng, để cho hợp với vần “ôi” (cạnh nhà tôi), của thơ lục bát, tác giả mới phù phép cho cái “dậu mồng tơi” (có vần “ơi”) mọc lên ở đây, chứ cái dậu mồng tơi trong chuyện tình thì chả mấy thi vị! Đã là chuyện “chàng nàng” (giới trẻ bây giờ bảo là chuyện “ngôn tình”) được kể bằng văn vần, phải diễn ra ở cái chốn, nếu không là “một vùng như thể cây quỳnh cành dao” tiên cảnh, nơi Kim-Kiều chạm mặt nhau, thì chí ít cũng là “dưới bóng hoàng lan” thơ mộng, kiểu như văn Thạch Lam, mới hợp tình, hợp lý chứ!
Thế nhưng tiếp đến câu thứ năm, thứ sáu “Giá đừng có dậu mồng tơi/ Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng” thì buộc người đọc phải dừng lại, suy tư. Hình như là có “chuyện” rồi, có “sự” rồi. Không phải vì để cho hợp vần, cho trơn tru mạch lục bát, nên cái dậu mồng tơi phải mọc lên ở đây, mà nó còn là “nhân vật” tham gia vào câu chuyện, thậm chí là trung tâm của câu chuyện nữa. Vì cứ như lời thơ thì “hai người sống giữa cô đơn” và “nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi”, nghĩa là hai khối cô đơn, cùng có chung một nỗi sầu buồn, mà nhà lại ở ngay cạnh nhau, chỉ là “bên này” và “bên ấy”. Để phá tan cái khối cô đơn ấy, cái “thành sầu” ấy không khó khăn gì, chỉ mấy bước chân sang bên ấy thì biết đâu chẳng đã“được lời như cởi tấm lòng” rồi. Vậy mà chỉ vì cái dậu mồng tơi xanh rờn như trêu ngươi, như thách đố kia, đã khiến tôi không thể qua thăm nàng được, hỏi thế có buồn không, có đau không?
Vậy cái dậu mồng tơi kia như thế nào, mà với “tôi” nó lại có quyền năng ghê gớm vậy?
Những ai sinh ra ở nông thôn đều biết rằng, mồng tơi là một loài rau phổ biến, lành hiền như rau muống, rau đay, rau ngót… nơi nhà quê. Còn cái dậu mồng tơi thì thường chẳng to phe, ghê gớm gì, một ít cái que tre chống lên, gài buộc thêm vào, ấy là thành dậu cho dây leo lên. Ban đầu dậu còn cao ngang tầm mặt người, chứ mồng tơi leo lên nhiều, dậu thường là xiêu rạp xuống. Muốn qua, nếu dậu thấp người ta có thể bước qua, nhảy qua, hoặc không thì rẽ ngang cũng “chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới”. Dây mồng tơi, ngọn mồng tơi cũng mềm mại, trơn tru, chẳng gai góc cóc cáy gì, trừ khi dây có quả thì trông như những cục sần nhẵn thín, bóp nhẹ một cái đã loang màu mực tím đầy tay. Dân gian đã chẳng có câu“quá bằng nhà giầu dẫm phải gai mồng tơi” để tỏ ý giễu cợt những ai chưa chi đã ngại khó, kêu khổ đó sao. Vậy thì cái dậu mồng tơi chính là nút thắt của chuyện tình này. Nó là “thủ phạm” phân thành bên ấy, bên này. Lần theo sợi dây mồng tơi, men theo mạch dân dã nghĩ ngợi thêm nữa, thì dân quê chẳng đã ví von “nghèo rớt mồng tơi”, hay “xanh rớt mồng tơi” đó sao. Đúng rồi! Vậy mồng tơi ở đây đâu phải là cái thứ mồng tơi trồng để lấy lá nấu canh, mà là ám chỉ cái sự nghèo – nghèo… rớt mồng tơi. “Xanh rớt mồng tơi” thì cũng là từ cái nghèo rớt mà ra thôi. Hại thay, dậu mồng tơi ở đây không “xanh rớt” mà “xanh rờn” nghĩa là rất rất nghèo. Thời nay mà cố thi sĩ Hoàng Trần Cương, trong trường ca “Trầm tích” còn tả cái nghèo khó của xứ Nghệ bằng một ví von để đời là“mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt” cơ mà! Thế là ta đã tạm lần ra cái “chốt”, hay cái “mã” của “giá đừng…” rồi: cái nghèo. Mà nghèo thì hèn, thì mặc cảm, thì…
Còn nàng thơ – “nhân vật chính” – thì sao?
Cứ theo văn bản thì, ở bên ấy“Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên”, một công việc thường ngày của con nhà nông có nghề tằm tơ canh cửi, nghĩa là nàng là con nhà lành, con nhà bình dân. Song, nếu là con nhà lành, con nhà bình dân hồn nhiên như nhiên, sao lại “chả bao giờ thấy nàng cười”, mắt nàng thì“đăm đắm trông lên”? Nàng cứ như là cái “người đàn bà xa lạ” trong tranh của danh họa Kramxcoi bên xứ Bạch Dương vậy. Mới thấp thoáng thấy bóng nàng sau dậu mồng tơi, chàng “tôi” như đã bị nàng hớp mất hồn, khiến quá nửa thân xác chàng như đã chìm vào cõi mộng. Bóng bướm vừa chập chờn hiện ra, chàng đã vội đón đường mà van vỉ “Bướm ơi, bướm hãy vào đây!/ Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi”. Thì ra, chàng muốn biết nàng là ai, mà từ bóng dáng đến xử sự lại như ám vào chàng, khiến chàng phân tâm đến vậy?
Cứ “lấy trong ý tứ mà suy” thì nàng không là con nhà thường dân, tơ vàng nàng hong ở đây đâu phải là tơ vàng của “một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ”, mà ấy là… vàng thật, như thời nay bảo là “vàng bốn con 9”! Nghĩa bóng là nhà nàng rất giầu sang, rất nhiều của nả. Mà kẻ đã giầu sang thì thường kiêu kỳ, thậm chí là hợm hĩnh. Vậy nên cái sự “chả bao giờ thấy nàng cười”, “mắt nàng đăm đắm trông lên” (không trông xuống, chẳng trông ngang), cũng dễ hiểu thôi: nàng đài các, kiêu kỳ. Nàng đâu phải là cô hàng xóm vẫn thường ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong bên hiên nhà, hay cô hái mơ thấp thoáng bên động Hương Tích, hoặc cô gái chiều chiều đi tước đay nơi bến sông quê… Có đến hàng tá các cô gái trong gia tài thơ tình Nguyễn Bính. Song, nàng ở đây là một cô gái có “căn kiếp” rất khác, không thùy mị, cũng chẳng lẳng lơ, mà có vẻ u uẩn của một “bóng giai nhân” từ đâu đó lạc vào nơi thôn dã.
Xem trong văn cảnh thì như một trong hai bên là nàng, hoặc tôi, vừa mới dọn đến nơi này nên còn ngỡ ngàng, chưa mấy giao cảm, ấy là nghĩ thế. Song, quy luật “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” hình như không có cơ may diễn ra ở đây. Ngày ngày nàng lơ đãng mang tơ ướt ra hong ngoài mái hiên, có ngày nàng còn quên cả cất vào, tơ nàng không vàng ấm màu rơm quê kiểng mà ánh lên màu lạnh của kim ngân – màu của sang trọng, quyền quý. Tơ nàng chảy xuống, mắt nàng trông lên, miệng nàng thì hơi mím lại, hình như cổ nàng còn kiêu ba ngấn nữa. Chàng Kim xưa, dán mắt vào “song hồ nửa khép cánh mây” để“Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông” sang nhà nàng Kiều cảm thấy như “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”, còn chàng “Tôi”nay thì ngấp ngó sau cái dậu mồng tơi xanh rờn liếc mắt trông sang thấy thế, hay tưởng ra thế? Không rõ! Dân gian đã chẳng có câu “im lặng là vàng”, hay “có vàng vàng chẳng hay phô” đó sao,  cái sự im lặng của nàng là sự im lặng biết nói, biết phô, biết làm khổ kẻ khác.
Như vậy, sau những “giải ảo” về “dậu mồng tơi” về “tơ vàng”, thì chuyện “người hàng xóm” bây giờ chỉ là diễn tiến tiếp của chuyện tình buồn giữa “bên này” và “bên kia”, là hệ quả của sự eo le về đẳng cấp, về thân phận giữa tôi và nàng. Nói một cách khác, bi tình bây giờ chỉ xoay quanh cái “dậu mồng tơi” – cái “mà ta vẫn thường gọi là “mặc cảm tình yêu”, “mặc cảm thân phận”! Sự mặc cảm như là bẩm sinh trời bắt này, Nguyễn Bính xem như một “đặc sản” tâm hồn và đã được thi sĩ tái tạo nhiều lần trong thơ, như một motif, chẳng hạn “Con tằm được mấy tiền tơ/ Chao ơi, mà ước mà mơ lấy nàng/ Giầu sang lấy số giầu sang/ Cứ tin tưởng chứ rằng nàng yêu tôi/ Mấy khoa thi chót thầy ơi/ Thầy không thi đỗ để rồi làm quan/ Để rồi lắm bạc, nhiều vàng/ Để cho con lấy được nàng, thầy ơi!/ Nàng về làm dâu nhà tôi/ Vườn dâu có thẹn với đôi tay ngà” (Nhà tôi). Hay“Em là con gái nhà giời/ Tôi là con cái nhà người thường dân/ Yêu em có vạn có ngàn/ Nhưng cha không chứng cho bàn tay không/ Anh tên chưa chiếm bảng rồng/ Lấy đâu xe bóng ngựa hồng vinh quy?”… Chuyện mặc cảm thân phận, nhất là ẩn ức nhục tình trong thơ Nguyễn Bính có mà kể cả ngày không hết!
Còn “tôi” là ai? Chàng duyên nợ gì với cái dậu mồng tơi, với tơ vàng, và bướm trắng?
Trở lại với mạch chuyện. Lâm vào hoàn cảnh éo le ấy, nếu “tôi” là một trai làng mạnh mẽ, tự tin, thì cứ nhảy đại qua cái dậu mồng tơi sang bên ấy, hành xử kiểu như chàng trai trong ca dao“anh nắm cổ tay, anh hỏi câu này có lấy anh chăng?”. Nếu nàng làm ra bộ bắc bậc kiêu kỳ thì nhủ thầm rằng “Tiền ít không hít được của thơm”, rồi tự an ủi “Thì trăm con gái, nghìn con gái/ Nàng cũng là người con gái thôi”, “bai bai” nàng… là xong! Nhưng khổ cho cái kẻ nghèo rớt mồng tơi là “tôi” đó “tiền ít song lại muốn hít của thơm”. Anh ta nghe đâu rất lãng mạn, mơ toàn vàng son, với những là“quan trạng đi chín lọng vàng”,“công chúa cài trâm thả tú cầu”, hay “cứ tin tưởng chứ rằng nàng yêu tôi” nên nó mới thành ra bi hài kịch. Bi kịch của “hồn bướm mơ tiên” hay “hồn bướm mơ hoa” thì cũng thế. Bi kịch này có họ hàng với bi kịch của chàng ngư phủ họ Trương xưa“Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay” mà lại tơ tưởng con gái quan thừa tướng, lá ngọc cành vàng, nên đã phải trả giá đắt. Cho dù bi kịch của hai chàng có khác nhau về thời đại, về hoàn cảnh, về cung bậc, về kết cục.
Mặc cảm nghèo hèn đan xen với hoang tưởng, đã biến “tôi” thành kẻ lẩn thẩn, thầm ước“Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong”. Đã “giá đừng” ở cái đoạn “mồng tơi” , nay lại “giá tôi” ở cái đẫn “tơ vàng” này nữa,  thì chẳng lẩn thẩn là gì. Mà tại sao lại ước có tơ vàng mà hong nhỉ? Cái thằng đàn ông còn đương trai tơ mà lại ước có tơ vàng để mà hong, thì còn ra làm sao. Cái người ấy nếu không thần kinh thì cũng pê-đê là cái chắc! Cứ trong ý tứ mà suy, thì thôi đúng rồi, thêm một lần nữa khẳng định tơ vàng ở đây là “vàng” – “vàng bốn con chín” như đã nói. Diễn nôm theo kiểu người quê hay “quy ra thóc” thì nghĩa là tôi mà cũng giầu sang, thì ngại gì mà tôi lại không sang thăm nàng. Nhưng hỡi ôi,“Châu ngọc làm sao hái được nhiều/ Tôi là thi sĩ của thương yêu/ Lấy đâu xe cưới ngời hoa trắng/ Với những mâm cau phủ lụa điều”! (Một trời quan tái).
Muốn tiếp cận nàng mà bất lực, nên trong chiêm bao chàng đã phải nhờ đến “con bướm trắng” – nhân vật thứ ba – như một sứ giả trung gian, đi về giăng mắc giữa tôi và nàng, giữa bên ấy là bên này. Cánh bướm đã xuất hiện nhiều lần, nhiều kiểu, nhiều kiếp trong thơ Nguyễn Bính. Đã có nhiều bài viết, thậm chí hẳn một tiểu luận về hình tượng “bướm” trong thơ ông, với những là “cánh bướm dân dã”, “cánh bướm giang hồ”, “cánh bướm tình ái”, “cánh bướm thân phận”… Song, con bướm trắng ở đây “chấp” tất cả các con bướm kia, ngoài sự “tổng hòa” các con bướm kia, nó còn rất liêu trai, ma mỵ và cũng như lây vẻ đài các của chủ nó. Nó không kiêu kỳ như nàng, song nó cũng thất thường, đỏng đảnh, tinh quái lắm. Vừa thoáng thấy bóng nó, mới định hỏi nhỏ một câu thì nó “đã về bên ấy rồi”. Lúc thì ngày nào nó cũng sang, lúc thì chẳng thấy tăm hơi nó đâu, cứ như là trêu ngươi vậy. Với rất nhiều chấm lửng, chập chờn thực hư cảnh “người mộng hóa bướm”, hay “bướm mộng hóa người” của chàng Trang Chu bên đất Tàu xưa. Người viết ngờ rằng (vâng, chỉ dám ngờ thôi), con “bướm trắng” ở đây tượng trưng cho “bạc”, một loại kim ngân như “vàng”, chị em với vàng. “Nói là bạc, im lặng là vàng”. Nó là kẻ đưa thư, là sứ giả tình yêu, nó có thì thầm, tỉ tê gì không bằng thứ ngôn ngữ của loài bướm, thì có lẽ chỉ có tôi là hiểu, còn nàng – chủ nó, thì xem như vẫn “ba không”: không thấy, không nghe, không hiểu!
Tâm trạng phân tâm của chàng “tôi”, vừa thích vừa e, vừa yêu vừa gét, đã được diễn tả với nhiều cung bậc trong cái đoạn “lâm ly quy phượng” vào bậc nhất thất tình này, mà có người đã gọi là “phép biện chứng của tâm hồn, của tình yêu”. Bắt đầu là “bỗng nhiên tôi thấy bồi hồi” rồi tăng lên “tự hỏi hay tôi yêu nàng”, tiến tới “cái gì như thể nhớ mong?”. Nhưng rồi như sợ bị hớ, chàng chối bay chối biến ngay “cái gì” đó, rất cương quyết “Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!”. Trong có một cặp lục bát mà có đến những hai dấu hỏi với hai dấu than, kể cũng là hiếm. Rồi, để có cớ thanh minh cho nỗi bối rối tơ vò của lòng mình, chàng lại đổ thừa cho là “Không, từ ân ái nhỡ nhàng, Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao!”, “Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng, lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa”. Láy đi láy lại những hai lần chuyện “ân ái nhỡ nhàng” với “bạn vàng” ngày xưa, rõ ràng là chàng đang như tự dối mình, cố thanh minh với người, rằng tôi không có nhớ nàng, nói gì đến chuyện tôi yêu nàng. “Bập” vào nàng biết đâu tôi lại thêm một lần “nhỡ nhàng” đau khổ nữa, hãy tha cho tôi!
Cái “bài” này chàng đã từng “diễn” nhiều lần rồi, và có lần đã tự thú“Nhưng yêu Oanh quá cho nên phải/ Mơ chuyện thần tiên để dối mình” (Mơ chuyện thần tiên). Nhưng chính cái sự càng thanh minh, thì lại như càng tự tố cáo rằng trong tận đáy lòng chàng có nhớ nàng, thậm chí đã phải lòng nàng. Không nhớ nàng, phải lòng nàng sao lại khổ sở, tự mình đánh vật với mình như vậy? Ở đây có sự mâu thuẫn, giằng xé giữa khối óc và con tim. Con tim mách bảo là chàng đã yêu nàng, song lý trí lại cứ như muốn cưỡng lại. Ngay cả đến khi thấy vắng bóng nàng, bóng bướm trong cảnh “tầm tầm trời cứ đổ mưa”, chàng ngồi đếm thời gian “đến hôm nay nữa là vừa bốn hôm”, thấm nỗi“cô đời buồn lại thêm buồn”,  đến độ “rưng rưng… tôi gục xuống bàn rưng rưng…”, mà chàng vẫn còn cố chống chế “Nhớ con bướm trắng lạ lùng/ Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng”. “Rưng rưng”, dù rằng hai lần “rưng rưng” thì mới chỉ xuýt khóc, chứ… chưa khóc.
Mạch thơ đến đây chuyển hướng rất đột ngột:
Hỡi ơi bướm trắng tơ vàng
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi
Hôm qua nàng đã chết rồi
Ngẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng
Chuyện gì phải đến đã đến. Bức tường ngoan cố đã òa vỡ. Đến đây lại nảy ra điều băn khoăn là, tại sao nàng chết đột ngột thế? Tại sao chỉ khi nàng qua đời thì chàng mới tự thú “quả tôi yêu nàng”? “Tôi yêu nàng” chỉ ba từ ấy thôi mà sao nhọc nhằn, đớn đau vậy? Lại suy bụng ta ra… bụng chàng: Có lẽ là chỉ khi “con người kiêu sang” trong nàng chết đi và “con người mặc cảm” trong tôi cũng chết theo, thì mới “Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng”. Người viết thì cứ tin rằng, nàng không “tự chết”. “Tôi”- tác giả bài thơ – bắt nàng phải chết. Đấy là quyền năng của kiểu thi sĩ “lãng mạn song không… cách mạng”- người đã sáng tạo ra cả một thế giới cô đơn, mộng ảo của riêng mình, và cũng là phù hợp với lo-gic của câu chuyện tình buồn này. Nếu nàng không chết thì không thể có chuyện vỡ òa nước mắt cùng tiếng nấc nghẹn ngào thú nhận“quả tôi yêu nàng”. Yêu nàng nên tôi mới khóc, yêu nàng nên tôi phải để nàng (đúng ra là cái sự kiêu kỳ, đài các của nàng) chết đi!
Tình yêu, bất chấp những éo le, mặc cảm, cuối cùng vẫn chiến thằng, vẫn tấu lên khúc khải hoàn, dù giọt nước mắt có muộn mằn!
Đến đây những tưởng chuyện “người hàng xóm”, mà cũng là chuyện của “tôi”, chuyện của nhiều người, nhiều thời, có thể kết được rồi. Một bi kịch tình đã hạ màn. Nàng chết vậy là hết chuyện. Cái “dậu mồng tơi” đã làm xong sứ mệnh của mình. Song, nếu thế thì còn đâu cái kết “có hậu” của chuyện tình theo kiểu tư duy Á-Đông, còn đâu là Nguyễn Bính – Điệp Lang tài hoa, lãng mạn1. Con bướm trắng lại xuất hiện, song không với tư cách là sứ giả đưa thư mà với bổn phận của người nhà “chịu tang” nàng, cùng với sứ mệnh chở linh hồn tình yêu:
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!
Cái “hồn trinh” ấy là cái hồn trong trắng, nguyên sơ, còn chưa nhuốm mùi giầu sang, tục lụy, chưa bị đời chiều chuộng, vày vò, làm cho “sờn mòn”, “nhàu nát” (ý thơ X.Esenhin) thì rất xứng đáng được tôn thờ, được phục sinh, thăng hoa cùng bướm trắng – biểu tượng của cái đẹp trinh trắng, mong manh, dễ vỡ. Bởi suy cho cùng, thì có lỗi gì đâu khi nàng đẹp, lại sinh ra trong một gia đình quyền quý? Cái đẹp, cái giầu, cái sang có quyền năng, có giá của nó chứ!
Trong cơ chế thị trường có định hướng hôm nay, hình như quyền năng của cái đẹp, cái giầu (nhưng chưa chắc đã sang) đang có cơ “lên ngôi” nữa thì phải (?). (Thì cứ xem những scandal, những drama của giới showbiz đang hàng ngày tự phơi bày trên mạng xã hội hôm nay thì rõ). Có chăng là chính “tôi”, kẻ si tình hay vơ vào“cứ tin tưởng chứ là nàng yêu tôi” mới có lỗi. Mà chắc gì chàng có lỗi, ông trời như muốn thế, bắt thế “còn tôi trời bắt làm thi sĩ”, đày ải thế. Đi đâu, ở đâu, nhìn gì chàng cũng như mắc, như sa vào lưới tình giăng sẵn, đến nỗi phải kêu lên “Yêu sao yêu mãi thế này/ Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu”. Thì đấy, nhìn vào vườn chàng thấy “hoa vàng với bướm vàng hôn nhau”, nhìn lên trời chàng như thấy “những cành cây nó cưới nhau”, mùa xuân đến chàng reo lên như của bắt được “Chị ơi, em cưới mùa xuân nhé?”…Cứ nghĩ, không có cái người lẩn thẩn, lẩm cẩm, si mê như chàng giữa dòng đời ồn ã, bon chen, thực dụng thì còn đâu thi vị, còn gì là “nhung với tuyết”! Với tâm thế ấy, thì tình yêu dù là đơn phương, không thể kết trái trong đời thực thì chàng sẽ cho chúng thăng hoa trong đời ảo, phục sinh cùng cánh bướm trắng, “chắp cánh, liền cành” trong một kiếp khác:“Đêm qua mơ thấy hai con bướm/ Khép cánh tình chung ở giữa đời” (Hết bướm vàng).
Đã hơn 80 năm kể từ khi thi phẩm “Người hàng xóm” của Nguyễn Bính ra đời. Bao nhiêu nước mắt đã chảy qua chân cầu tình ái bắc trên những trái tim đa cảm, thấm đẫm vào trang thơ. Hàng chục thi khúc bolero đã tấu lên réo rắt trên nền bướm trắng, tơ vàng mộng ảo. Hàng tá bài viết đã ra đời xung quanh thi phẩm đặc sắc mang đậm chất Nguyễn Bính này. Thế mà đến hôm nay, giữa thời 4.0, đâu đây trên cái dậu mồng tơi xanh rờn dân dã, phơ phất tơ vàng sang trọng ấy, người viết những dòng bình tán thô thiển này vẫn như “Thấy con bướm trắng bay thơ thẩn/ Ý hẳn đi tìm hương cố nhân” (Hương cố nhân).
Chú thích:
(1) Theo hồi ức của nhà thơ – nhà viết chèo Hoàng Tấn (tức Hồ Tăng Ấn), một người bạn thân của Nguyễn Bính, thì: “Nguyễn Bính có một tập thơ đầu tay chưa in mà Bính rất trân trọng. Đó là tập thơ Bướm. Bính tự nhận tiền thân của mình là Bướm, nên lấy bút hiệu là Điệp Lang, tự coi mình là Hồ Điệp, Trang sinh, hồn bướm mơ hoa, những giấc bướm đã ru Bính vào giấc mộng triền miên, quên cái thực tại đau buồn, suốt thời thơ ấu. Bên cạnh tập thơ Bướm đó, Bính còn cho tôi coi bộ sưu tập khá công phu về những cánh bướm đủ loại, đủ cỡ, đủ sắc màu mà Bính săn bắt trong những năm tháng ở Thái Nguyên, Phú thọ, Yên Bái, Cao Bằng…”. (Nguyễn Bính thi sĩ giang hồ).
26/12/2021
Phạm Công Trứ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa đất miền Khau SưaXXX

Chúa đất miền Khau Sưa Tử Pín giương súng hai nòng, tiến gần khỉ mẹ. Gần như đối diện. Ôi khiếp! Đôi mắt khỉ mẹ đỏ rực. Nhìn thẳng mặt Tử ...