Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Chị đi lấy chồng

Chị đi lấy chồng

Tối ngủ, nằm cạnh chồng mà chị thấy cái giường rộng thênh thênh. Ông già bảy mươi tuổi chìm trong giấc ngủ sâu với hơi thở phì phà phì phò. Cánh tay ông vẫn dang ra cho chị gối đầu nhưng trông nó lỏng lẻo và yếu ớt làm sao khiến chị không dám gối lên, sợ ông già đau. Trăn qua trở lại đến gần sáng, chịu hết nổi, chị tuột xuống giường, bò ra ban công phía trước phòng ngủ. Ngồi bó gối tựa vào tường, chị có cảm giác cuộc đời mình đã trôi lăng lắc tự cõi xa xăm nào…
Lấy chồng. Chị lặp lại hai từ đó trong giấc mơ trôi dài, trôi dài. Năm mươi tám tuổi, thử làm cô dâu một lần cho biết. Người ta thiếu điều tung hê chị như một hình mẫu dám nghĩ dám làm. Bạn bè chị bảo, ừ thì can đảm, cuối cùng cũng có một ông chồng cho biết với người ta. Biết gì? Có vẻ như chẳng biết thêm được chút gì trong cái lĩnh vực gọi là tình yêu, nếu không muốn nói là cuộc hôn nhân hơn kém nhau mười hai tuổi này đã làm chị tuột cảm xúc chơi vơi. Những cuộc tình trôi qua thời chị còn trẻ, không có những cao điểm trần ai khoai củ mà chị phải vượt qua như cuộc hôn nhân vật vã với ông chồng già. Chị với Toàn quyết định chia tay vì anh quá đam mê quyền lực. Nhưng vẫn có lúc hai người vi vu tới bến nơi rừng thông reo vi vút xanh trời Đà Lạt. Với Đức thì, con nhà danh giá sang trọng như anh không thể lấy một cô gái thanh niên xung phong súng ống, lựu đạn lằng nhằng như chị. Nhưng những giây phút ngọt ngào bên Đức được đảm bảo bằng vàng mười của hai người trẻ yêu nhau, chứ không phải bằng vàng chín chín chín chín. Với Việt thì, dù gã có từng trải lắm đi nữa, mắt gã vẫn tròn xoe trên vai áo chị, môi gã vẫn lung linh trên môi hồng thơm tho chị trong những ngày hai người quấn với nhau như sam trước khi chị sang Mĩ định cư.
Lấy chồng. Chị lặp lại hai từ đó để thu hết can đảm bước vào một cuộc trường chinh vật chất. Cục tiền dành về Việt Nam dưỡng già của chị sau hai mươi năm bị xé lẻ ra. Phần lớn dùng cho chi phí bảo lãnh ông chồng già. Còn lại một ít dùng thuê nhà và sắm những món đồ tương đối, mà hai mươi năm sống vất vưởng nơi xứ người, chị chưa bao giờ dám nghĩ đến cho riêng mình. Như cái tivi màn hình phẳng, cái lò nướng con gà quay ba trăm sáu mươi độ. Hạnh phúc thường bắt đầu từ đôi mắt săm soi nhau và cái bụng rỗng mỗi sáng mỗi chiều, cho nên chị phải chuẩn bị như thế. Có tiếc tiền không? Không tiếc, nhưng chị vẫn thấy hư ảo thế nào. Dẫu sao đi nữa, chị luôn luôn cố nhớ lời mấy bà bạn già động viên: “Thôi kệ, có chồng với người ta để sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau”. OK, vậy đi, lỡ leo lưng cọp thì chỉ còn nước phóng tới, ngồi đó mà tần ngần. Tần ngần chi, đón chồng sang, có khi thêm động lực, ngày không làm ba job nữa mà làm sáu job, tha hồ có tiền cho hai người dưỡng già.
Cái lịch sử ngẫm ngợi về món tiền cưới chồng luôn luôn ám ảnh chị. Hồi chưa đám cưới, Việt kiều nghèo kiết xác vậy, chứ chị xài tiền cũng “xuya” lắm. Mắc gì làm cực khổ không xài. Có tiền để khi chết, hóa vàng đem theo à. Nhưng chị cứ nghĩ mãi về món tiền cưới chồng, bởi thấy mình có gì sai sai mà không sao giải thích được. Trước khi đón ông già qua động phòng, không có tối nào đi làm về, chị không ngồi trước gương. Chị không soi mặt, mà soi lòng. Mặt chị bây giờ, chị nhìn cũng chán, nói chi đến mấy thằng bồ hồi còn trẻ của chị. Mi mắt sụp xuống buồn hơn, da sạm đi, hai bên khóe môi trễ tràng hai nếp nhăn. Đúng là, giờ chị chỉ có thể tự tin trước ông chồng già hơn mình một giáp mà thôi. Nhưng cũng đỡ hơn nhiều thời chị mới sang làm nail. Ui trời, cắt cắt gọt gọt giũa giũa móng tay móng chân đủ mùi Á, Âu, Mĩ với hàng lô xắc xông hóa chất, chỉ trong hai năm đã khiến da mặt chị chảy xệ đi như bà già tám mươi tuổi, mặc dù khi ấy chị chưa bốn mươi. Lâu lâu sổng chuồng về Sài Gòn, bạn gái người nào cũng nhìn chị ái ngại: “Ở Mĩ cực lắm sao? Mày phải tính sao chứ, xuống lắm rồi đó nha. Đàn bà con gái có thể không có đàn ông, nhưng mà phải đẹp”. Ừ, thì vậy đi. Cố gắng đẹp, dù đốt đuốc đi hết dải đất Việt Nam hình chữ S cũng không còn cơ hội vớt vát thêm thằng đàn ông nào, nghe lời bạn, chị vẫn phải cố gắng đẹp. Thế là bay về Mĩ chuyển nghề.
Ngày làm ba job hăng say, như điên. Cái kiểu con nhà tư sản mại bản lười học tiếng Anh như chị, bây giờ mới biết được cái giá phải trả của nó. Không nói được tiếng Anh thì đành lao động chân tay thôi. Làm ngày đúng hai mươi tiếng, ngủ bốn tiếng, chị xốc tung đầu hỏi, ủa, mình còn có cái gì hồi ở Việt Nam để có thể lôi ra “dụng võ” trên đất Mĩ này không. Còn, kinh nghiệm tải thương, cáng thương của thời mặc áo thanh niên xung phong tình nguyện trên chiến trường biên giới Tây Nam. Chị cười một mình, chớp chớp, nước mắt lăn dài trên má, nhớ quá một thời gian khổ cùng bao đồng đội đã ra đi mãi mãi không về. Nghĩ lung tung cho đỡ cô đơn trong những đêm lạnh dài bất tận nơi xứ người, chứ ba cái vụ cáng thương tải thương thời chiến tranh thì để dành, chỉ để kể “hù” thiên hạ cho vui thôi.
Ngủ với chồng nhạt nhòa chăn chiếu, cảm giác lên mây như mấy tờ báo lá cải miêu tả đâu không thấy, mà chị cứ thấy hụt hẫng hoài một giấc mơ. Giấc mơ về ông chồng tiến sĩ chị tình cờ gặp trong một dạ tiệc mừng năm mới ở Sài Gòn. Ông lịch lãm trẻ trung trong bộ vest màu lông chuột, thích nói về toàn cầu hóa và thế giới phẳng. Ông sống đơn thân gần chục năm với cô con gái xinh đẹp làm chủ một tiệm nail và căn nhà mặt phố to đùng. Lọ lem như chị thấm tháp gì so với địa vị giáo sư tiến sĩ của ông ta. Nhưng như là mơ, đùng một cái, ông ta hỏi cưới chị làm vợ.
Mấy bà chị già của ông bảo, phúc mười đời em mình mới gặp một cô Việt kiều Mĩ xinh xẻo thế. Mọi người loăn xoăn chị như một cô gái trẻ khiến chị quên mất tuổi tác của mình. Trước cưới thì đi thăm viếng và sửa sang mộ ông bà tổ tông bên chồng, sau đó là “tút” lại căn nhà mặt phố của chồng cho tinh tươm. Sau đó ít quà cho khắp họ nhà chồng gọi là dâu Việt kiều ra mắt, sau nữa là một ít nữ trang cho con gái chồng gọi là quà hữu hảo của mẹ kế. Chị suýt mấy lần ngợp thở với những khoản chi tiêu “sau đó” này. Nhưng lại nghĩ, thôi kệ, đời chỉ một lần lấy chồng chớ mấy.
Trời đêm sương xuống lạnh, chị ngồi co ro ngoài ban công. Thèm đến nhức óc những chai nước ấm xếp quanh người. Hồi chưa quyết định lấy chồng, chị mướn căn phòng bé tẹo vốn là nhà kho của gia đình một bà Mĩ. Chị chụp hình cái view căn phòng cho nhỏ em bên Việt Nam xem. Xem xong nó bảo giống nhà trọ công nhân bên này. Cũng thâm thấp, cũng một hàng rào liêu xiêu lá của các loại dây leo tươi không ra tươi héo không ra héo. Chị cốc đầu nó bảo, kệ tui, nhờ ở “thảm” vậy, nên tháng nào tui cũng dư ra vài trăm đô để dành sau khi trừ thuế, rồi còn gửi về cho mấy đứa cháu bên nhà học hành nữa đó nường. Còn hơn ở Việt Nam, già như tui, trình độ tú tài như tui, lấy đâu ra chỗ làm lương hai ba chục triệu đồng một tháng. Nó nhe răng cười phơn phởn, ừ, vậy bà cố mà kiếm thêm chín job nữa, một trăm tuổi ôm đô về Việt Nam dưỡng già. Rồi chị hỏi nó tin không, căn phòng chị thuê trọ có hai trăm đô một tháng. Chẳng là không điện thì hai trăm thôi. Nó giẫy nảy, không điện sao bà ở được bà. Vậy mà được cô em, nhà mi biết một mà không biết mười. Ta đi làm ngày hai mươi tiếng, còn bốn tiếng về tắm rửa thay đồ ngủ chớ làm gì. Không điện thì bật đèn pin điện thoại lên để thấy đường tắm táp. Mùa đông bật bếp gas nấu nước âm ấm đổ vô chừng hai chục chai thủy tinh chèn quanh người đến khi ấm chỗ thì vứt ra, ngủ vô tư luôn. Lấy chồng, chị trả lại nhà kho, mướn căn hộ khang trang hơn gấp chục lần, nhưng vào những lúc chênh vênh, chị lại nhớ mấy chai nước ấm chèn quanh mình, như ăn fastfood mà nhớ cơm nguội với tương cà mắm muối.
Lấy chồng, chị thèm trở lại cái kiểu đi chợ ba ngày ba đô một kí gà phi lê. Gà phi lê bên Mĩ rẻ như bèo. Ba đô một kí, chị ăn đúng ba ngày. Tính ra tiền thức ăn, ngày có một đô mà thấy no đủ ấm áp yên tâm vì liên tưởng đến ngày dưỡng già có hơn tỉ đồng Việt Nam dằn túi.
Lấy chồng, chị không mong được gặp Jack nữa. Cũng như tiếng Anh nói câu được câu không, chị lái xe ngắc ngứ trên highway, đến lối thoát ra thì chịu chết. Một lần ngắc ngứ mãi, đến mức mấy thằng lái xe sau muốn vượt đã bắt đầu chửi thề thì Jack xuất hiện. Jack dang tay ra hiệu xin các xe chậm lại, nhường đường cho chị băng qua. Vậy mà thành tri kỉ. Jack cũng sống đơn thân, công nhân già năm chục tuổi. Lâu lâu Jack gọi chị đi cà phê, đi fastfood. Chị và Jack nói chuyện với nhau chủ yếu bằng mắt và ra dấu bằng tay, vậy mà hiểu hết. Lần nào hẹn hò, hai người cũng háo hức. Ngồi bên nhau, ra dấu đến mỏi tay, nhìn nhau đến mòn con mắt mà cũng chưa hết chuyện. Vậy mà gặp nhau lần cuối, chị đã nói goodbye với Jack, nói về Việt Nam cưới chồng. Jack buồn thiu, hỏi bộ tao không có nghĩa lí nghĩa địa gì với mày hay sao. Chị nói khác biệt ngôn ngữ khó lòng thấu hiểu. Vậy mà giờ, tối ngủ bên chồng, chị toàn nhớ đến Jack, thèm cái kiểu Jack pha cà phê cho mình đắng nhiều hơn ngọt.
Ông chồng trở mình gọi chị. Chị dạ ran chạy vào. Ông hỏi đi đâu, chị nói đi toilet. Ông lại dang tay ra cho chị gối đầu. Chị lại chỉ dám gối hờ, sợ ông già đau. Ông đưa tay mò mẫm làn ngực cô dâu của chị, nhưng chưa đến đầu đến đũa thì chú rể đã ngoẹo cổ ngáy phập phù, như đứa trẻ bú mẹ nửa chừng bỏ vú vậy.
Ở với tân nương đúng một tháng, ông già chán. Hương lửa leo heo mà cứ ở nhà đi ra, đi vô suốt ngày thiếu điều nghĩ quẩn. Chuyện nhờ người quen của tân nương xin cho ông già tiến sĩ bên Việt Nam qua dạy ở các trường đại học của Mỹ coi bộ không khả quan. Cuối cùng cũng có một trường cao đẳng miệt ít người lưỡng lự với cái bằng tiến sĩ Việt Nam của ông. Sau một ngàn cái ngắc ngứ, người ta đánh chiêu chót, hỏi đề tài tốt nghiệp tiến sĩ của ông là gì và muốn coi nó. “Mối quan hệ của lãnh đạo cấp xã với nhân dân địa phương trong chương trình xây dựng nông thôn mới”, mấy ông giáo dục Mĩ mắt tròn mắt dẹt nghe cái tên lạ hoắc không có vẻ gì là toàn cầu hóa, thế giới phẳng ấy, nên sorry, stop here. Cuối cùng, để giải quyết cái bức bối hòa nhập cộng đồng của ông chồng, chị dắt ông tới tiệm giặt – nơi làm việc hàng ngày của chị.
Làm việc ở tiệm giặt được ba ngày, ông thôi. Ông không chịu được đống quần áo mùi Mĩ ngợp lên đến mũi, không chịu được những chiếc váy to như cái bùng rền của mấy con đầm da màu, không chịu được cái nhìn xét nét của bà chủ tiệm giặt khi ông dùng cây gắp để gắp quần xì của quý bà. Ở nhà suốt ngày chờ vợ đi làm về, công việc thú vị nhất của ông là dắt chó đi dạo mỗi chiều. Chỉ những giây phút đó, ông mới thấy mình thật sự thuộc về thế giới phẳng của riêng ông với dăm cái nhìn, dăm cái gật đầu, dăm cái hello nhau với mấy ông già bà già hàng xóm cùng dắt chó đi dạo.
Cuộc sống hôn nhân lạ lẫm cũng không thể dập tắt những lo toan cơm áo gạo tiền của chị. Để có được một tiếng đồng hồ trong bếp buổi sáng lo thức ăn cả ngày cho ông chồng, chị phải bớt một job. Xòe tay ra tính ba job, hai job ở tiệm giặt, một job ngủ canh chừng con khùng từ sáu giờ chiều đến mười hai giờ đêm, chị quyết định bớt một job giặt. Thu nhập sẽ ít hơn, nhưng vợ chồng chị sẽ có thời gian với nhau nhiều hơn, đó gọi là nuôi dưỡng tình yêu. Sau chương trình nuôi dưỡng tình yêu, mỗi tháng chị chỉ còn dư đúng một trăm đô. Thôi kệ, gái có chồng phải lo cho chồng, biết sao giờ. Bên Việt Nam, bạn bè chị sốt ruột điện sang hỏi, kiếm được việc làm cho ổng chưa. Chị bảo chưa, thôi kệ, ổng già mất sức lao động, tiền hưu trí bên nhà ăn thua gì, mình nuôi ổng có sao đâu. Nhỏ em sốt ruột hơn bảo, ổng có cái nhà to đùng mặt phố, sao chị không kêu ổng bán đi mà qua đó phụ chị trang trải các thứ. Chị bảo, ổng nói để đó cho con gái, với lại mai mốt già hơn nữa, chị cười trong máy, ý là già khú đế đó, chị với ổng sẽ nắm tay nhau, dắt díu về nhà đó dưỡng già. Chị lại cười ha ha, lấy chồng mà hổng vui nhỏ ha, tự dưng phải là một bờ vai.
Công việc ngủ canh chừng con khùng hai mươi tuổi từ sáu giờ chiều đến mười hai giờ đêm của chị quả thật là khúc thứ ba bi tráng. Nhiều khi ngủ gục trước toilet vì chờ nó đi tiểu. Không biết nó có mắc tiểu thật hay không mà cứ thích vô toilet. Vô toilet, nó làm đủ thứ trò ở trỏng, khi nào chán thì mở khóa bước ra. Chị sợ “điệp khúc” toilet này nhất, nhưng được cái lương cũng ổn. Ngày sáu tiếng, giờ giấc không giống ai, canh con khùng chỉ cho nó ăn uống, đi toilet, xong dỗ nó ngủ bằng một bụm thuốc, rồi về, tám trăm đô một tháng, làm lậu nên chẳng trừ thuế má gì. Cũng được, dù biết rằng không công bằng với chị ở mức lương này. Cả gia đình con khùng sáu người mới từ Việt Nam qua được hai năm, sống kí sinh vào tiền trợ cấp khùng của nó, tám ngàn đô một tháng. Nhỏ em vô tư hồ hởi, tiền trợ cấp khùng bên Mĩ đã ha. Ừ, mày có thích thì khùng đi, bảo lãnh mày qua, tao làm hồ sơ trợ cấp cho. Hai chị em ôm nhau cười ra nước mắt.
Cái giá phải trả đắt nhất khi giữ con khùng là thỉnh thoảng chị bị nó cào cấu lúc lên cơn. Chuyện này chị giấu biệt ông chồng tiến sĩ, vợ chồng coi vậy mà cũng còn “sĩ” với nhau lắm. Khi bị con khùng cào cấu những vết xước khá nặng ở cổ, bất kể mùa gì, chị đều lấy khăn quấn kín.
Một tối nằm ôm nhau kể chuyện đời, ông chồng nói với chị:
– Phương Hà nó muốn sang đây du lịch, sẵn ở với vợ chồng mình sáu tháng cho vui.
Chị nghe lao xao trong lòng, hai job bèo của chị làm sao mà trang trải nổi cuộc sống ba người trong sáu tháng.
– Nói con để từ từ anh nha, em phải kiếm thêm mớ “xèng” mới mạnh dạn đón con qua được.
– Không sao đâu, nhu cầu con bé cũng đơn giản thôi mà. Anh muốn khi con sang, em giới thiệu cho nó một vài người bạn làm nail mà trước kia em quen, chủ tiệm càng tốt, con bé này thích học hỏi lắm.
Cuối cùng, Phương Hà cũng bay sang với vợ chồng chị bằng con đường du lịch. Thông qua những người bạn được giới thiệu từ chị, Phương Hà có cơ hội giao du và tìm hiểu về công việc làm nail ở Mĩ. Biết được điều này, chị rất vui. Chị hi vọng cô con gái của chồng sẽ trở nên lành nghề hơn khi trở về Việt Nam mở mang tiệm nail của mình.
Để đủ trang trải trong sáu tháng cho ba người, chị xin làm lại job thứ ba. Nghĩa là lại tiếp tục đảm đương hai job giặt và một job khùng. Đúng nghĩa một kế mẫu từ tâm, chị ra đi từ bốn giờ sáng mỗi ngày và trở về nhà lúc quá mười hai giờ đêm. Có khi suốt cả tuần liền, chị và chồng không có dịp để nói chuyện hỏi han nhau. Chị về nửa đêm, ông đã ngủ. Chị đi khi trời chưa sáng, ông chưa thức giấc. Có gì viết giấy để lại trên bàn. Đại loại darling, em đã ướp thịt để trong ngăn đá, cha con cần ăn thì rã đông mà chiên lên nhé. Darling, nhớ mặc áo ấm và uống thuốc ho nhé, hôm nay đài báo âm mười độ. Darling, con Lovely bỏ ăn mấy bữa nay, chiều nhớ đưa nó đi thú y nhé. Darling và darling.
Phương Hà ở Mĩ đúng sáu tháng rồi bay về Việt Nam. Cô hứa hẹn với mọi người, sẽ quay lại Mĩ trong tương lai gần.
Một tối đi làm về muộn như mọi ngày, chị đọc tờ giấy của chồng. Darling, gọi anh dậy nhé, có chuyện quan trọng cần bàn. Li hôn. Bởi hai người sống với nhau hơn ba năm trời mà lúc nào cũng có vẻ như là không phải hai người. Bởi ông đã đếm được bao nhiêu lần đang ngủ với ông, chị bỗng trốn ra ban công ngồi một mình. Bởi ông không chịu được cái kiểu thỉnh thoảng chị lại quấn khăn quanh cổ suốt ngày, kể cả lúc hai người ân ái với nhau. Nói chung, ông thấy hai người không nên sống với nhau nữa khi chưa thật sự hiểu nhau. Sống một mình sẽ dễ chịu hơn. Đang định trả lại job thứ ba cho thư thả như những ngày Phương Hà chưa qua, nhưng chị stop lại. Ừ, ông già thích thế, có khi lại tốt. Chị luôn trong cảm giác thèm ngủ đâu đó mà nửa đêm không phải bò ra ban công thở dài một mình, khóc một mình. OK, cuộc li hôn đơn giản nhất trên đời. Tất cả mọi thứ đều là của chị, kể cả chồng. Đầu đuôi do chị hăm hở bốc ông từ Việt Nam qua. Ừ thì li hôn, chị sẽ trả tự do cho ông tiến sĩ. Giờ ông đã là công dân Mĩ, chị đã gắn lông gắn cánh cho ông trên xứ sở cờ hoa này, thì còn có gì để áy náy.
Tối nằm gác tay lên trán cạnh ông tiến sĩ như nằm cạnh một người bạn, điều chị suy nghĩ nhiều nhất vẫn là, số tiền để dành dưỡng già của chị suốt hai mươi năm làm quần quật nơi xứ người đã tan thành mây khói rất nhanh. Ra tòa xong, trở về, trả lại căn hộ thuê bảy trăm đô một tháng, chị còn lại gì? Con Lovely một ngàn đô, à mà không, ông chồng đã khẩn khoản xin được nuôi nó để làm bạn. Chị sẽ còn lại cái giường đôi, một ghế sofa, một bộ bàn ăn, một cái tủ lạnh, một tivi màn hình phẳng và cái lò nướng con gà quay ba trăm sáu mươi độ. Sẽ còn câu chuyện về con khùng cào cấu chị rướm máu mà không tiện nói ra, để phải choàng khăn tối ngày sáng đêm khi có sự cố, để trở thành một điều bí ẩn chưa tiện giải thích khiến ông chồng nằng nặc đòi li hôn. Còn gì nữa? À còn, chiếc Mẹc cùi. Nhưng không, chiếc Mẹc cùi nhặt ở nghĩa địa sửa sang lại chút đỉnh để đi làm thì không có gì đáng kể.
Mà thôi, không tính toán nữa, chị đang bị xâm chiếm bởi một cảm giác rất là… yomost. Chị bỗng phát hiện ra cái điều sai sai, tại sao chị hay nghĩ đến tiền khi nằm cạnh ông tiến sĩ. Là chị đang lắc lư khi buộc phải sống một cuộc đời không phải của mình. Một cuộc đời mà trong đó, ông ta mãi mãi là người xa lạ khi nằm bên chị. Lấy chồng chỉ là một “học thuyết” quá tay của quý bà lỡ thì, luôn luôn sợ ngày mai sẽ muộn. Nhưng chị không thuộc type người này, chị sẵn sàng đánh đổi những lời ong tiếng ve để được sống cuộc đời thật của chính mình. Suốt ba năm qua, chính vì sắm vai người-cố-gắng-hạnh-phúc nên chị đã khốn đốn với đôi hia bảy dặm không thuộc size của mình. Nghĩ ra được điều ủ ê thầm kín này, chị muốn nhảy cẫng trên giường mà hét, ơrêka, ơrêka…
Trước tòa, ông tiến sĩ nói lời cuối cùng với chị rất hay:
– Anh thành thật xin lỗi em về cuộc hôn nhân chóng vánh của chúng mình. Khi chính thức cầu hôn, anh không nghĩ em là một nữ Việt kiều có thể bảo lãnh anh sang Mĩ, mà chỉ nghĩ em như một hiền nội đích thực, tiếc là chúng ta chưa bao giờ hợp nhau. Thôi thì, ta hãy nên trả lại tất cả những gì không thuộc về nhau, để cả hai đều được tự do. Mà theo anh, tự do là một giá trị trên đời này không gì sánh được.
Tòa hỏi chị nói gì không, chị lắc đầu, chị đang bị phân tâm bởi câu chuyện nhỏ em từ Việt Nam mới điện sang. Thấy hông, em nói mà, li hôn hả, biết gì chưa, chả làm thủ tục bảo lãnh cho con gái xong rồi. Con gái chả bên đây vừa kêu bán cái nhà mặt phố xong, nghe đâu hai chục tỉ bạc, nghĩa là hơn triệu đô đó biết hông, nó đang lo chuyển qua Mĩ một mớ cho chả thanh toán tiền căn nhà mới mua, căn nhà mà nghe đâu được nó xem giò xem cẳng cẩn thận để làm tiệm nail, căn nhà nó để ý được từ dạo qua thăm kế mẫu từ tâm của nó đó, nhớ hông. Chị nghe hai tai mình lùng bùng như ngồi trên máy bay bị giảm độ cao đột ngột, nhưng cũng cố gắng từ tâm nói với em mình: “Thôi kệ em à, coi như mình xui đi”.
Mà xui thiệt khi chị không còn liên lạc được với tri kỉ Jack nữa. Jack đã dọn nhà đi khi hay tin chị lấy chồng. Giờ đi làm, chị cũng thường trở lại cung đường highway như ngày xưa, cũng ngắc ngứ mấy lần khi rẽ sang đường tránh, nhưng không thấy anh hùng xa lộ Jack đâu.
Trong bộn bề cái xui cũng có cái hên, nhà kho cũ chị thuê trước kia vẫn còn, chưa có ai thuê lại. Tin mừng là nó đã được đấu nối với nguồn điện chính của nhà bà chủ Mĩ. Nghĩ tình xưa nghĩa cũ, bà chủ vẫn lấy giá hai trăm đô một tháng. Lo gì, cố gắng ăn gà ba đô ba ngày như trước thì trong vòng hai mươi năm, chị sẽ lại dư hơn tỉ bạc Việt Nam để hồi hương dưỡng già. Khi đó chị chỉ tròm trèm tám mươi chớ mấy.
5/11/2021
Nguyễn Thu Trân
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hồn từ đường cứ vọng thức về ta Dằng dặc nhớ/ Dằng dặc thương/ Nhịp thời gian nối bao canh trường/ Con cháu chuyển luân giờ đã là ba má/...