Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Lời tạm biệt trong nước mắt

Lời tạm biệt trong nước mắt

Ở tuổi 21 chưa tròn, nó vô tư mang theo toàn bộ ký ức đến một thế giới khác, còn chúng tôi phải nói lời tạm biệt trong nước mắt với một phần của ký ức tuổi trẻ. Nhiều người nói, người đã khuất thì nên nói lời vĩnh biệt, nhưng với tôi, đó chỉ là một lời tạm biệt…
Ngày tháng cứ thế dần trôi qua, mới đây vừa tạm biệt mùa xuân, vậy mà đã sắp đến xuân nữa rồi. Mùa xuân với tôi luôn ấm áp, tràn đầy tiếng cười và là lúc bản thân thấy hạnh phúc nhất. Nhưng tôi không thể nào quên những giọt nước mắt lăn dài trên má, một khung cảnh hỗn độn làm chân tôi đứng không vững cần có người đỡ, vây quanh là tiếng ồn cùng bao tiếng nấc nghẹn.
Đó là đêm 29 tháng chạp năm vừa qua, vẫn như bao ngày tôi phụ mẹ ở chợ đêm mỗi Tết về. Chợ về đêm mấy ngày cuối năm luôn ồn ào, vội vã và rất vui. Lúc tôi bận cười đùa với dì bán nước, một hình dáng quen thuộc chạy đến trước mặt tôi – Phương – một người bạn rất thân với tôi. Ánh mắt đó, dù nó không nói gì nhưng tôi biết nó lạ thường, chơi với nó đã 5 năm chưa bao giờ tôi nhìn thấy ánh mắt đó.
Chỉ một câu vội vã, ly nước trên tay tôi rơi xuống chân, ướt đẫm một mảng trên lớp nhựa đường.
“Huy nó mất rồi.”
Tôi không thể suy nghĩ bất cứ điều gì ở thời điểm đó, như một con rô bốt được lập trình sẵn nói lời chào mẹ rồi leo lên xe thằng bạn thân. Cả nhóm chúng tôi gần như có mặt đầy đủ ở nhà nó. Mấy đứa con trai có lẽ kiên cường hơn tụi con gái vốn đã yếu đuối. Đứa nào cũng khóc không dám bước vào nhà, chỉ dám ở trước đầu ngõ đợi nó về rồi vào cũng như một thói quen trước kia.
Năm năm, chúng tôi thân nhau như anh em một nhà. Ở đại học, mỗi đứa một trường vậy mà vẫn chưa từng một lần quên cái hẹn vào ngày 30 Tết, mùng 3 Tết. Vậy mà, cái hẹn 30 Tết Nguyên đán năm nay là gì đây, là trò đùa của số phận hay lời thất hứa không lường trước. Những ánh mắt trong màn đêm mập mờ nhưng vẫn thấy rõ sự lạ thường, nỗi đau dần xâm lấn những gương mặt hồng hào đáng lẽ ở những ngày xuân này.
Hơn 10 giờ đêm, ngoài đầu đường lớn tiếng ồn ào bắt đầu nhiều hơn, tay chúng tôi đan vào nhau, tựa sát vào một bức tường nhà hàng xóm. Tiếng lộc cộc của chiếc băng ca lớn dần, nhưng cảm xúc cố kìm nén mà vỡ òa. Chân chúng tôi đứng chẳng vững nữa, mấy đứa con trai trong nhóm dìu chúng tôi từng bước từng bước một tiếng vào nhà.
Tôi nghe được người thân trong nhà nó nói với nhau mẹ nó đã ngất ở sau nhà, kìm nén lại những cảm xúc ấy, chúng tôi tiến đến sau nhà. Chúng tôi ngồi gục bên mẹ nó an ủi, mấy đứa con trai thì đi xung quanh phụ giúp vài thứ.
Mẹ nó ngất rồi tỉnh lại, hai mắt đỏ hoe nhìn chúng tôi, mẹ nó khóc. Có lẽ, ai trong chúng tôi cũng hiểu nỗi đau hiện tại của mẹ nó, càng đau hơn khi nhìn chúng tôi. Dì ấy gượng dậy với những lời không trọn vẹn, đứt quãng nói với chúng tôi. Dì ấy đưa chúng tôi đến phòng nó, nói em nó xếp quần áo của nó. Ôm từng cái áo, nước mắt dì rơi nhiều hơn, chúng tôi không kìm nổi lòng mình mà vào khuyên dì ra ngoài một chút.
Chúng tôi nhìn ba nó, chú ấy sắp xếp mọi thứ để tang lễ diễn ra ổn thỏa nhất khi trời sáng. Nhưng ở một khắc nào đó, chúng tôi thấy chú ấy tựa đầu mình vào một góc tường mà khóc. Chú ấy đã quá mạnh mẽ trước nỗi đau mất con, nhưng tôi biết khi mẹ nó đã gần như không trụ được thì chú ấy là chỗ dựa duy nhất. Chú ấy cần đưa con mình đến nơi an nghỉ cuối cùng tốt nhất, cần vực dậy tinh thần của những người “đầu bạc” trong gia đình.
Có lẽ, ngay lúc này chúng tôi còn quá trẻ để giúp được gì nhiều hơn. Nếu nỗi đau của chúng tôi xét là 10, thì những người thân đang đứng xung quanh đây phải nhân lên đến 100. Có lẽ, cần nhất lúc này là sự mạnh mẽ đến từ chúng tôi để an ủi gia đình nó, bởi giữa gia đình của những đứa trong nhóm bạn chúng tôi không có khoảng cách xa lắm. Có lẽ, sự thân thiết được vun đắp bao năm qua giờ đây là chiếc cánh nhỏ nhoi để phần nào chúng tôi ở cạnh mọi người nói lời an ủi.
Khoảng 1 giờ sau, có vẻ như họ hàng nhà nó đã biết chuyện và đông đủ. Trong căn nhà ấy, người đứng cạnh người ra tận tít đầu ngỏ. Giữa ồn ào của tiếng va đập bàn ghế xuống sàn, tiếng người người nói về nó đang nằm bất động trong cái màn kia xanh đặt ở gian nhà chính. Chúng tôi, tay đan chặt vào nhau, từng dòng lệ ứa nhoà trên gương mặt, có đứa chân chân đứng chẳng vững phải để người bên cạnh đỡ lấy hai vai. Thật sự, rất đau.
Khi mọi thứ cần thiết từ phong tục xưa nay gần xong, chúng tôi lên nhà ngõ lời được nhìn mặt đứa bạn thân lần cuối. Sẽ không ai trong chúng tôi tin cái nhìn mặt ấy là sự thật, như sự gào thét vô thức trong ý thức rằng “mày hãy tỉnh lại đi, mơ như thế này không vui gì cả”. Nhưng không, tôi phải chấp nhận tất cả đang hiện hữu trước mắt.
Mùng 2 Tết, cái khoảnh khắc đưa nó rời đi, chúng tôi đã cố cắn chặt môi để không nấc lên. Dù đã cố, nhưng tôi thật sự vẫn khóc khi đi phía sau ông bà ngoại của nó. Hai ông bà đã tầm 70, chúng tôi hay gọi ông bà như nó mỗi khi đến nhà là Ngoại. Lúc chuẩn bị lên xe đến nơi nó yên nghỉ, ông Ngoại đã nói với bà Ngoại rằng:
“Bà ở nhà đi, để tôi đi tiễn nó”
Có lẽ cảm xúc lúc này của tôi chẳng thể kìm nén nữa rồi. Tôi khóc, bà cũng khóc. Tôi hiểu ý ông, vì chân bà không khỏe. Trong tiếng nấc, tôi vài vài đứa bạn dìu bà quay lại nhà và đỡ ông đến xe chú út trong nhà chở ông.
Ở một khu nhà mồ của một dòng họ, chúng tôi gửi lại dưới lòng đất một cành huệ trắng. Lúc đấy, chúng tôi không khóc nữa, vì chúng tôi tin, nó không muốn mọi người vì nó mà đau lòng đến thế. Chúng tôi muốn nó yên nghỉ một cách hạnh phúc nhất, những lời hứa đã từng hứa với nhau, chúng tôi sẽ thay nó thực hiện và hằng năm đến đây để kể cho nó nghe.
Ở tuổi 21 chưa tròn, nó vô tư mang theo toàn bộ ký ức đến một thế giới khác, còn chúng tôi phải nói lời tạm biệt trong nước mắt với một phần của ký ức tuổi trẻ. Nhiều người nói, người đã khuất thì nên nói lời vĩnh biệt, nhưng với tôi, đó chỉ là một lời tạm biệt. Tạm biệt vì nó chỉ rời xa chúng tôi, nhưng những ký ức về nó vẫn còn. Những chuyến đi chơi, những lần cãi vã, mấy bữa nhăm nhi, mấy lần bị mắng,… đều ở đấy, đều được kể lại ở mai sau bởi những người còn đang tiếp tục lời hứa xưa.
4/11/2021
Nguyễn Thị Nhật Thảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Giáng - Thân phiêu bồng, hồn cố quận Hiểu Bùi Giáng đã khó, hiểu thơ Bùi Giáng lại càng quá khó. Ông cứ “ngày tháng ngao du” giữa cu...