Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Viên đá trên gò Giá Ngự

Viên đá trên gò Giá Ngự

Một ngày trưa trật.
Bỗng ầm… tiếng nổ nghiêng làng.
Dân Độ Dấn bàng hoàng, hoảng loạn. Rồi cũng định vị ra. Lò vôi của nhà Hịu Thất lừng lững cắm gần đống Giá Ngự quanh năm phủ khói đen ngòm lên nửa làng, biểu tượng ngạo nghễ về sự làm ăn phát đạt bỗng ba phần đổ ụp. Vôi cục còn hồn lửa, áo lò hồng rực văng xuống tì tụp khiến lòng cái ao sâu Đằng Giáp sôi lên ùng ục. Cá mè, cá trôi, cá trắm chết nổi lềnh phềnh. Vườn chuối của nhà ông Phóng ở bên cạnh cháy lem lẻm, bốc mùi ngàn ngạt rồi khắp lượt đổ rạp như người kéo con lu lăn qua. Gà qué nhốt chật trong cái chuồng dựng góc vườn, sổng ra, bay loạn xạ. Có con phi cắm đầu vào đống vôi đang sôi bồng, nổ tóp, thành than luôn. Ông Phóng tiếc của cứ đờ đẫn đứng úp hai bàn tay vào mặt thất thanh kêu giời. Lão Hịu đang nằm nghỉ trưa trên tấm phản thớt hai trong nhà bỗng bột vôi đỏ lừ tuồn lỗ thông gió trên cao vãi luỗng từ thắt lưng trở xuống. Lão giật giật người lên mấy cái rồi thẳng đừ, yên phắc. Tấm cửa lim hai cánh nhà lão Hịu nặng trịch dầy năm tấc thế, bị lửa đốt lèm lèm, róc lõm mất phần ngoài. May, trước khi đi nằm, lão đã khép cánh kín bưng nếu không, chắc cũng… nổ: Tóp. Đồ đạc trong nhà thứ thì cháy, thứ bị vùi lấp. Khói, bụi vôi, nghi ngút đẩy từng quầng đặc nghẹt ra ngoài cửa sổ. Chiếc tủ lạnh 300 lít nhảy tâng tâng rồi đổ gục xuống như bị người đốn. Cái nồi hầm nhãn hiệu Tầu, to bằng chiếc rổ hai lóng vẫn đang cắm điện bỗng nổ bụp một phát, biến mất tăm trong vũng vôi hầm hậm.
Tiếng la hét ầm ĩ.
Tiếng trống ngoài đình ai khởi rầm rầm.
Người trong làng.
Người ở ngoài đồng, xúm về nhà Hịu Thất té nước dập lửa như đình điệu. Ngớt khói, mọi người mới xông vào được trong nhà thì bắt gặp lão Hịu chỉ còn thoi thóp thở, không ra hồn người nữa. Toàn thân lão tím thẫm. Đỏ lừ. Căng mọng như quả cà chua lai, sắp vỡ. Hai đầu gối lão Hịu bị vôi nóng đốt tuột da, trơ xương bánh chè, trắng hêu hếu. “Nhanh lên, không chẳng kịp nữa, Thất ơi”. Ông Thứ Nhu hô hoán thêm người làng thốc tháo võng lão Hịu đi bệnh viện huyện. Bác sĩ trực viện khám sơ rồi lắc đầu nhưng vẫn điện xin phép giám đốc huy động tối đa nhân lực cứu chữa cho lão Hịu. Tính, còn nước còn tát. Máy thở, dịch truyền… thuốc men đủ cách. Hơn một tiếng đồng hồ sau mạch của lão Hịu vẫn mỏng tựa tiếng con kiến gáy. Ông bác sĩ trưởng khoa ngoại lúc bấy giờ mới tháo khẩu trang, bước ra cửa phòng cấp cứu, hua hua tay. Thấy thế, thằng Thất rờ dẫn nhúi mặt vào tường ồ ề khóc tướng lên. Nửa đêm hôm ấy, lão Hịu trút hơi thở cuối cùng. Cả làng Độ Dấn chẳng ai rõ nguyên cớ làm sao cái lò vôi nhà Hịu Thất lại phát như bom nổ vậy. Người thì đồ chuyện nọ người góp chuyện kia. Có người độc mồm còn cho rằng ai đấy thâm thù nhà Hịu đã đem bọc phá xếp vào lò. Lạ, nếu là bọc phá thì phải nổ ngay khi lò bắt đầu nhóm, cớ sao đá nung được hai ngày mới phát. “Không khí nặng nề cẩm như dạo dịch hạch quét qua làng năm 1937. Mà thâm thù không biết chứ oán nhà Hịu Thất thì cầm chắc suốt lượt ở cái làng này rồi. Già trẻ kiềm đủ” – Ông Phóng ngửa mặt, buông câu.
… Đám đưa tang lão Hịu là đám ma tâm trạng nhất mà Nhân biết từ mấy năm trở lại đây. Thôi thì nghĩa tử…, người Độ Dấn dằn lòng, dáo dác cùng thằng Thất mang cha nó ra đồng. Đi đầu là mười ba ngọn Kỳ héo do bọn trẻ con nhầng nhầng đảm trách. Tiếp theo sau là các cụ bà đội một băng vải nâu nối dài, hai bên có những tua rua hoa văn, gọi là đội Cầu. Ông Lãng người xóm trong phất chấp hiệu Linh danh một cái, lúc đó đoàn người mới rùng rùng chuyển động. Suất Linh danh này thường khi là ông Thứ Nhu nhận, hôm nay ông Thứ viện cớ yếu người, xin chối. Nhậm chức Bảo đăng  thuộc về ông Thức và ông Đoán. Trên tay mỗi người rục rặc một ngọn đèn hoa kỳ đỏ lửa, bước đi song song đều tắp. Còn anh Hạ toét, con ông Sướng nhà ở xóm ngoài được chuyển từ chân vác cờ sang cầm một chiếc quạt giấy lớn, xoè rộng, trên quạt đề hai chữ Trung tín. Có nghĩa là từ nay, anh Hạ đã được làng thăng bậc lên hàng chấp hiệu. Chấp hiệu Lệnh, thỉnh thoảng khởi ba chảng: tùng, tùng, tùng. Nối sau ba lệnh là tiếng: cheng, rứt khoát của Chấp hiệu Thanh la.
Đám đưa được nửa quãng đường ra bãi tha ma thì ông Thứ Nhu bất đồ bước ngược về nhà rồi xoải chân ra gò Giá Ngự trong sự ngạc nhiên của dân làng…
Ông Thứ Nhu tuy xuất thân từ gia đình tiểu thương lớp dưới ở cái phố Vật Nại ngọ ngặt nhưng vẫn được học hành tử tế nhờ sự giảo hoạt buôn xuôi bán ngược của người mẹ. Khi đỗ xong bậc Sơ Đẳng Tiểu Học (Certificat d’Études Primaire Franco-Indigène) ông Thứ học tiếp lên tận năm tư, sắp sửa lấy bằng Thành Chung (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène)  thì phải dừng bởi nhà không đủ lực. Lúc này, chi nhánh họ Đỗ Thứ ở làng Độ Dấn – cành dưới, cộc, nghe ai mách đã lặn lội lên tận ngã ba Đồng Bảng tỉnh Sơn Đông này, tìm, ngỏ ý, khi ông Thứ Nhu nhớn nhao sẽ xin được đón về Độ Dấn nhận họ, để nối dõi tông đường. Chuyện nhà ông Thứ cũng lắm đỗi. Đận này, kể như sẽ thuận xà. Ông Thứ Nhu 18 tuổi thì được đưa về làng Độ Dấn, thật. Gọi là cóc chết ba năm quay đầu về núi. Lại nhờ chi dưới họ Đỗ Thứ dắt mối, ông lấy được vợ đẹp mà cũng nguồn gốc căn cốt xa xôi của dòng Đỗ Thứ thôi. Đám cưới to những ba khiêng sáu đội, làm cỗ mời hết nửa làng. Tuy ông Thứ Nhu không xuất thân từ tầng lớp trên nhưng dòng họ Đỗ Thứ đã từng mở trường dạy học và là tiền khởi Bảo Môn Sinh nên sống trong làng ông Thứ Nhu luôn thể hiện tiết tháo. Bởi trưng, mang tiếng nhập làng gửi rể thành ra với dân Độ Dấn ông Thứ Nhu không thân cũng chẳng sơ. Không được cùng dân làng quyết định các việc hệ trọng nhưng làng vẫn cho ông Thứ ngồi nghe chuyện. Nghĩa là tâm thế của ông Thứ Nhu rõ là sống khép kín, chẳng quan chiêm nhiều nhưng cũng không xa lánh tuyệt đối với xóm giềng. Cả Độ Dấn tường ông Thứ Nhu vanh vách, nhưng chưa chắc ông Thứ đã biết hết tên người trong làng. Hay đáo để.
Đêm mùa Đông, nghĩ như sấn được.
Bài vở xong, Nhân ngồi hầu trà cha.
“Gò Giá Ngự làng Độ Dấn tồn tự ngày xưa một cây gạo lớn, dễ được hơn trăm tuổi. Giữa thân có cái cành chĩa ngược ra ao Giá. Nhìn cây gạo cứ thấy khắc khổ cô quả đến chạnh lòng tựa như mang mối gì oan khuất. Mà sự thể gần đây, nó gắn với câu chuyện đau buồn của nhà Hịu Thất. Lão Hịu, xưa vốn là dân đò dọc, chuyên buôn cối đá ngược xuôi dòng sông Hoàng Tập. Một dạo gặp hiềm, thấy chỗ sông quành, tụ. Lão cập bến tá túc, dần dà rồi lập nhà ở Độ Dấn luôn. Viên đá trắng phẳng lì trên gò Giá Ngự nữa. Có từ bao giờ? chắc phải mang nguồn cơn lắm chứ. Cứ mỗi năm viên đá lại trôi dần xuống nước” – Ông Thứ Nhu vê vê điếu thuốc lào nén căng vào nõ chiếc điếu bát bịt đồng sáng choang rồi thủng thẳng. Thằng Nhân, cầm cái đóm cứ chực chực châm vào ngọn đèn dầu hỏa. Bóng nó gày nhẳng hắt lên tường tựa cây xương giồng hai nhánh khẳng khèo. Ông Thứ Nhu giơ bàn tay ra hiệu cho con rồi rón chiếc “xe” đang đặng bằng trên bát điếu, tay kia ông bắt đầu vuốt cần xe điếu, nghe một tiếng “miết”. Đầu ngón đeo nhẫn bàn tay phải ông Thứ Nhu rê một đường quanh lỗ điếu, căn khe, đặt khít khao gốc chiếc xe điếu… Nhân lúc này mới từ từ châm cây đóm vào ngọn đèn để bên cạnh.  Khi chiếc đóm bùng no lửa Nhân cẩn trọng hai tay dâng cho cha. Ông Thứ Nhu gật đầu rồi chậm rãi tiếp đầu đóm cháy vào nõ điếu đã nèn cứng thuốc. Miệng ông Thứ khoan thai bập bập bập. Tàn lửa trên đóm nhíu nhíu, díu xuống nõ điếu theo nhịp rít của ông Thứ Nhu. Cơn mưa đầu Hạ lộp độp như vén màn giời kéo chiều tà ngược lại. Trời bỗng hừng lên. Con cuốc cái ngụ ở bờ ao Hội sau nhà rạc tình không khua ra cuốc đực cứ khắc khản chặt chiều nghèn nghẹn. Quầng khói thuốc lào ông Thứ Nhu đẩy ngược ra thềm như một vầng mây nhỏ bò ngang qua cửa sổ chỗ Nhân ngồi. Nhân đã tươm tất cung kính chuẩn bị nghe cha ngẫm ngợi những điều hệ trọng, dường hết thảy đều liên quan tới cái làng nhỏ Độ Dấn gày gõ, được nhúm khẩu mà bao phen, bao chuyện.
… tháng 3 (âm lịch)  năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông (黎太宗  – 20 tháng 10 năm 1433 – 4 tháng 8 năm 1442) đi tuần miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh – Hải Dương có hành quân vòng về lại vùng này. Việc đi tuần duyệt của nhà vua cũng là thường niên, không đột xuất. Đoàn rước gồm 560 người sắp bày nghi trượng, ngựa nghẽo, cờ lọng rì trời. Đứng trưa. Tới vùng ngã ba sông Hoàng Tập. Thấy thế đất đẹp trước mặt là ba nhánh sông hợp lại, ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Nhà vua chọn một gò đất cao có hòn đá trắng phẳng lì nằm ngay ngắn liền truyền Lỗ Bộ Đại Giá dừng quân nghỉ lại. Cận thần rê phiến đá, kê kiệu cho vua ngự. Nhà vua phóng tầm mắt nhìn khắp vùng sông nước làng mạc trù phú. Lòng thư thái. Xa xa là đống Cốc lừng lững ảo mờ giữa cánh đồng. Dịch sang phải là mấy đầm sen bạt ngàn ngút mắt trông tựa một cỗ bài tổ tôm xòe ra. Thấp thoáng xen vài ngôi làng đắp xanh bởi dăm rặng tre cao vót. Gió rười rượi hắt từ cánh đồng trũng Quán Dương mé trái làm mấy lá cờ Nhật nguyệt – Long vân – Thập nhị thần… tung bay phần phật trong nền trời ghé chiều sẫm đỏ. Nhà vua oai phong lẫm liệt với mũ xung thiên, y bào, trường kiếm, đau đáu chiêm bái một vùng đất đai sông nước. Phải chăng sau này đức minh quân Lê Thánh Tông (黎聖宗 – 26 tháng 6 năm 1460 – 3 tháng 3 năm 1497 – con trai út của vua Lê Thái Tông) đã mượn hình ảnh oai phong của vua cha những lần kinh lý, đánh dẹp mở mang bờ cõi “làm thước mực – nghĩa nổi” để an lòng, khích lệ động viên dân chúng ở những người làm công việc “tầm thường” bằng câu đối phi phàm:
Thân ỷ nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự
Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.
Tạm dịch:
Khoác một áo bào, đảm trách khó khăn thiên hạ
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian.
Chỉ 4 tháng sau, lần kinh lý miền Đông khác, nhà vua Lê Thái Tông đã viên tịch tại Đại Lại ven sông Thiên Đức – một đêm cầm kỳ thi nhạc với Nguyễn Thị Lộ, vợ ba của Thừa chỉ nhập nội Đại Hành khiển trí sĩ Lê Trãi – Nguyễn Trãi, gây ra oan khuất loang huyết án Lệ Chi Viên. Chấm dứt ba đời của một dòng họ đúc lên hiển vinh đất nước. Mãi 22 năm sau Chi Viên Án mới được minh ở chiếu vua  Lê Thánh Tông ban xuống giải oan. Nguyễn Trãi sau được phục chức Hầu, dầu đã không còn. Riêng Nguyễn Thị Lộ, nhà Vua chỉ phê một câu: “Bà Lễ nghi học sĩ không can dự vào tội giết vua”. Thảm án nhiều năm gây tang tóc tiêu điều cho xứ Đông văn hiến. Người người thê lương, nhà nhà dây dướng đã đành dẫu không liên quan có khi chỉ là kẻ ăn người ở vẫn theo đấy mà li tán. Bao người chỉ mang họ Nguyễn dù chẳng dây mơ dễ má cũng tự động đổi họ để tránh ngập vào oan án. Các tổng La Trữ, Quý Khê gồm mấy làng lân cận Độ Dấn, Chung Mai, Tràng Kênh hồi đó, bỗng xuất hiện vài người lạ mặt, đến nhập và âm thầm sống…
“Cái gò to nhất làng bao năm sừng sững bên bờ ao Giá, quan xiêm đầm rộng nối với đoạn phình con sông Hoàng Tập chắc là nơi nhà vua Lê Thái Tông từng ngự lãm và không chỉ một lần. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà dân gian bao đời đặt tên gò là Giá Ngự. Còn con đường huyết mạch nối xứ Đông với Thăng Long Đại La thành thì ngày tháng sau này còn hiển diện. Tháng năm vật đổi sao dời, các con đường dần mất từng đoạn biến thành gò lũy còn cái đống cao chỉ thấp dần đi mà hình thái bề thế quán xuyến cả một vùng Tây Nam lộng gió, giờ vẫn tự nguyên. Nên chăng sau này có người trồng cây gạo để dấu mốc giữ đống cho bền và để dân gian không thể đào bới lấy đất lấp ao hay tân nền được… điều nữa, viên đá to bằng nửa cái chiếu đôi có vẻ như là trấn trạch, như nhắc nhở hiển thị xác quyết vị trí linh ứng di cảo tồn tại mà không một dân thường nào dám mạo phạm.  Mọi thứ lưu lại dẫu là lời đồn mong manh cũng đều phải có căn nguyên điển tích. Cha nghĩ con đường cắt mặt đống Giá Ngự xưa đã mất. Những lũy giậu vòng vèo đơm siết mấy hộ rìa làng Độ Dấn là hiện cớ đường cái quan cổ ngày xưa xuyên suốt xứ Đông, cấy song song với con sông Hoàng Tập. Rất thích hợp cho việc luyện quân thủy bộ và cũng là căn cớ để lập tuyến phòng thủ kinh đô từ hướng Đông Bắc. Mọi thứ ở đời sống sinh ra rồi biến mất đều phải có nguyên do. Thiên địa tuần hoàn. Chứng tích lịch sử dẫu không còn nhưng lẽ đời chẳng bao giờ phí phạng. Bình minh là tự bởi hoàng hôn cơ mà. Điều tốt đẹp thì chắc chắn luôn tồn tại và sinh nở, hoặc, sự mất còn chỉ đơn giản là đảm bảo cho một chu trình sống mới. Có khi cả một thành phố cổ, nhân loại ngàn năm kiến tạo nên mà phải chìm nghỉm chôn vùi mất tích thậm chí bị lãng quên chỉ để cho một eo biển nhỏ, khơi thông… Những thứ rõ ràng thành sử lưu được cho đời sau là ít lắm, đơn sơ lắm. Nhiều phần đã bị lãng quên và chìm lấp mất, con à”.
Lời ông Thứ Nhu hệt tơ mềm lụa trơn mà sầu thương ai oán như cổ tích dệt từng lóng trong lòng đứa con trai ông Thứ dồn hết ước ao vào. Nhân ngồi nghe cha giãi lòng mà tựa ruộng ải nhuần mưa. Có lẽ là như thế. Đã chẳng sử sách nào ghi dấu mốc về con đường, đống đất và viên đá trắng quê anh. Về cả một phòng tuyến thủy bộ hiển hiện trong bản đồ quân sự thời xưa, vậy nhưng Nhân vẫn tin lời cha kể là có thật. Hiểu lịch sử và ngẫm ngợi ra những mối dây ràng rịt. Thấu được những căn nguyên mong manh không thể và có thể để sâu chuỗi ra đời sống thực phải là người có tấm lòng và thâm sâu văn hóa như cha mới diễn giải được những trăn trở khúc mắc đong đắng một thời đã qua ở vùng quê này. Cái gò đống nhà vua từng nghỉ tạm nhiều lần sau này dân gian đặt tên là gò Giá Ngự và viên đá phẳng lì không còn to nặng như xưa bởi thời gian mưa nhuần nắng gội cứ mồn một hiện trong các giấc mơ của Nhân sau mỗi lần nghe cha kể chuyện.
Mùa hạ.
Chiều đổ nắng chấp chới, đứng xa nhìn gò Giá bạc phếch giờ cảm như thấp tìn tịt bên cái ao tráng sóng. Đất bao giờ cũng lặng dần còn nước thì cứ muốn nhô cao. Gió thổi hanh hao bẻ cong nắng chiều sẫm đỏ hiện rõ dăm bảy cái đầu đen sì lúc ngụp lúc trồi của mấy đứa trẻ con. Một dạo. Thằng Nhân, thằng Xanh, thằng Thách, thằng Sức… kể đến hơn chục đứa vừa hò nhau xô hòn đá xuống ao Giá Ngự. Hòn đá trắng nhẹ tênh dưới tay con trẻ. Lạ. Cũng là tại giấc mơ của thằng Nhân:“Để hòn đá góc nào thì góc ao đó cá sẽ tụ về”. Và sự thật. Bọn trẻ lúc đầu thì vui sướng, sau bữa chứng kiến đứa nào đứa nấy sợ xanh mắt mèo. Cũng bởi xuống đến nước viên đá cứ nhẹ tênh tênh và nóng sực. Chỉ ba đứa ba chiều là có thể ghé lưng đưa viên đá di chuyển dễ dàng. Làm mó cá, be khúc quăng chài hay là vít cần tre câu cá ngão… bọn trẻ ranh kiếm bộn cá từ việc hòn đá phát ra hơi ấm, khiến đủ các loại cá tôm trong cái ao hai bề thông thuông nước với sông Hoàng Tập, cứ dồn về. Kiếm bẫm. Chuyện bại lộ khi thằng Nhân kể lại sự lạ về viên đá cho ông Thứ tường. Cơn giận dữ bỗng bừng bừng biến lên sắc mặt của ông Thứ Nhu. Nhúm tóc mai ông thoắt dựng ngược khiến thằng Nhân và mấy đứa đồng lứa trong làng không còn hồn còn vía. “Các anh đưa trả hòn đá về ngay chỗ cũ”. Thế là luôn chiều đó, hòn đá trắng lại được đám trẻ làng Độ Dấn khênh đặt nghiêm ngắn trên gò… Ký ức càng rạm của Nhân bao buổi câu cá ngão vẫn hiện về mồn một sau này. Những hôm nồm nam bời bời phơi mặt dưới nắng chiều xiên khoai ong ả. Một tay Nhân cầm chiếc cần câu dài thượt, tay kia cắp cành tre để ngọn, không róc hết gai, quật xói xuống mặt nước ao sâu. Vô số bụm bọt trắng tung lên. Từng chùm bóng nước lăn tăn vẩy vung mặt ao theo đó là những chú cá ngão ba bốn lạng lao vào đớp bóng và vô tình thấy miếng mồi tép sông trắng nõn, dật dờ. Chúng ngoác cái miệng rộng đớp luôn. Chiếc phao lông ngỗng nhíu nhíu vụt chạy ra xa là lúc Nhân nghiêng người vút nhằng một cái rồi dừng cần khi lưỡi câu đã đóng khít khao vào cái miệng cong vêu của chú cá ngão to bằng bàn tay trẻ con. Công đoạn nhấc cá dính mồi lên được bờ cũng không phải dễ, là cả một nghệ thuật để không làm đứt mép cá mỏng tang tang… Sông ngòi làng Độ Dấn thì nhiều nhưng chỉ ao Giá Ngự bao đời không tát túm được bởi sâu thun thút và thông ngòi với các cánh ao Đằng Giáp, ao Dài mở mặt ra sông Hoàng Tập mới có giống cá ngão to đến nửa cân này. Và thường phải đứng trên gò Giá Ngự, nhô ra, đúng ngày có gió dưới nắng gần trưa hoặc xiên khoai quái chiều mới mong câu được. Động tác quại nước bằng cành tre để bềnh vô số bọt, cá ngão mới say, lao vào đớp mồi, cũng phải rất dẻo và cữ nhịp. Cách câu cá ngão đặc biệt như thế. Không yên phắc, kiên trì như câu cá chép, cá trôi… cũng đặc biệt, khác kiểu như việc câu cá sộp, hay là câu ếch. Cá ngão, nấu món gì là ngon nhất? về ẩm thực chắc không qua được những đầu bếp và các chuyên gia nhưng ký ức làng quê cá ngão nấu riêu của mẹ với Nhân thì không thể quên và không có món canh cá nào trên đời sánh kịp… Bao giờ còn tới được ngày xưa. Con cá ngão, giờ như biến mất trong các ao quê, biến mất trong ký ức những người mới sinh ra từ làng. Hoài niệm về những thứ quê cứ mãi vạc vào Nhân lâu quá để rồi đến một ngày nào đó đúng dịp gió nồm Nam dội bời bời trên gò Giá Ngự thử hỏi anh có trở về, có chắc gì nhớ lắm ở thủa ngày xưa cái ngày xưa càng rạm, vịn đây mà đã xa xôi quá vãng mất rồi.
Đêm mùa Đông tối trời.
Sông Hoàng Tập nước cuộn ngầu đỏ sậm.
Lão Hịu ghé tấm thuyền nát bấy vào bờ, dựng chiếc lều trên đống đất bằng có cây gạo lớn, ở tạm, chữa thuyền. Những đêm Đông giá rét cứ hun hút thống gió căn lều bé tí teo. Ba cha con lão Hịu díu vào nhau. Đói khát. Thiếu thốn, đủ đường. Thời gian nhảng trôi đã được gần hai tháng. Nước sông Hoàng Tập đận này dâng to quá, sóng đánh rầm rầm, con thuyền đứt néo mấy lần muốn vỡ làm đôi mà lão Hịu vẫn không có đủ tiền để chữa cho xong. Buồn chán cảnh đời bán buôn bế tắc cô độc nhiều năm, lão Hịu ngậm tăm mặt trì suốt mươi ngày nay, rồi trưa nào lão cũng trầm luân trong rượu ở cái phố Hàng đến đỗi say khướt cò bợ, cuống lưỡi tụt cả vào trong họng. Hôm nay cũng vậy, tận mãi chiều muộn lão Hịu mới rệch rạc lần về lều. Con Ngát đang nhặt mớ rau chuẩn bị bữa tối bỗng thấy cha nó xiêu vẹo chân nam đá chân chiêu ở đoạn đầu hồi nhà ông Phóng.
– Ngát đâu. Lấy cho tao cốc nước.
Con Ngát sợ hết hồn, một tay cầm cốc nước, một tay đỡ cha nó lại chiếc giường ọp ẹp. Cốc nước con Ngát đưa, lão Hịu ực được phần ba thì tóa hết ra ngoài. Con Ngát gồng người dâng đôi chân cha nó lên giường rồi lấy chậu pha chút nước nóng trong phíc dấp cái khăn lau người cho lão Hịu. Cái Ngát nới hàng cúc áo của cha rồi lùa chiếc khăn nhớt như con lươn, lượt tấm ngực trần vâm váp. Miệng lão Hịu phì phì thở. Khi cái Ngát vờn vàn chiếc khăn lên vai, lên cái cần cổ trâu vại đỏ kè thì bỗng nhiên lão Hịu quàng hai tay ôm  chặt lấy con. Cái Ngát cố sức giãy giụa mà không sao thoát ra được. Lúc đầu nó chỉ nghĩ đơn giản là cha đang say quá, chẳng biết gì cả. Đến khi vòng ôm của lão Hịu càng siết chặt, con Ngát mới cảm thấy nỗi hiểm nguy đe dọa. Lão Hịu lúc này tựa một con thú hoang. Mắt vằn vện máu. Dãi rớt lão phè hết cả ra giường. Tởm lợm.
– Không được cha ơi.
Cái Ngát hét lên khi lão Hịu giơ tay giật phăng tà áo con Ngát đang mặc. Hai núm vú chúm cau đứa con gái mới lớn bỗng bị vần vò trong bàn tay hộ pháp của lão. Rồi bất ngờ lão Hịu xoay người đè nghiến con xuống giường… ngoài trời bóng chiều ngả rất nhanh. Con Ngát nghe đâu như có tiếng sấm ùng oằng. Thằng Thất thì đi chơi không biết lúc nào mới về. Con Ngát kêu cứu mãi cũng không khiến cho cha nó tỉnh ra. Rồi lão Hịu nằm vật xuống cái giường cánh quạt chín thang còn sáu khi đã thỏa mãn cơn say thú tính lồng trong cơn say rượu bã bời. Khuya đó, con Ngát lật bật ra gốc cây gạo sau nhà ném chiếc thừng quàng qua cái cành chĩa ra ao Giá… Thằng Thất đi xem chiếu bóng dưới phố huyện. Hôm nay, đoàn chớp bóng chiếu bộ phim Con hủi. Nghe nói là bộ phim ăn khách của nước ngoài. Thằng Thất xem chả hiểu ra làm sao. Nó về muộn, thấy căn lều chống hoác. Cha nó thì đang nằm phanh ngực áo trên giường. Không thấy em gái đâu cả. Thằng Thất gọi toáng rồi chạy ra khỏi căn lều. Ánh sáng của chiếc đèn dầu dật dờ chiếu tỏ sang cành gạo. Nó nhìn rõ em nó đang lặng phắc dưới sợi thừng dài. Ối giời. Thằng Thất thất thanh hô hoán ông Phóng chạy sang hạ được con Ngát xuống thì đã quá muộn, dầu người con Ngát vẫn nóng hôi hổi và khóe mắt còn trề trệ nước.
… Hai ngày sau tỉnh rượu, lão Hịu mới nhớ ra mọi chuyện. Lúc ấy lão chỉ còn biết đứng dưới gốc gạo kêu ua úa nghe tựa như tiếng vạc khuya… Lão Hịu làm đám ma con xong, một chiều sảng trí trèo lên đẵn lìa cành gạo và đánh chìm luôn chiếc thuyền rồi bỏ đứa con trai, đi đâu đấy, mất tích. Thằng Thất lưởng vưởng nhờ dân bản quán Độ Dấn sống qua ngày. Đận bốn năm sau đó cha nó bỗng giầu có trở về làng. Lão Hịu xây được một căn nhà rất lớn gần gò Giá Ngự và dựng chiếc lò nung vôi bán cho khách ngược xuôi cập thuyền mua vôi sống. Hai cha con lão Hịu từ ấy sống ghẻ lạnh với láng giềng, đám xá ma chay trong làng, lão không hề quan xiêm tới. Lão vẫn mắc chứng nghiện rượu và ngày ngày say khướt, nói năng lớp ta lớp tớp, thỉnh thoảng lão Hịu lại gây một chuyện oái oăm mất nghĩa mất tình với xóm làng. Thằng Thất lớn lên trong môi trường bán buôn sông nước không mẹ, suốt ngày vập bởi hình ảnh cha rượu say rồi chửi đánh. 19 tuổi mà trông nó cứ như con cóc già, một tay xách nặng. Thằng Thất trốn khám nghĩa vụ quân sự nhiều lần. Được nhắc nhở, cảnh cáo, xong, lần khám tới, nó lại trốn. Sau, xã không bao giờ đưa thằng Thất vào danh sách nữa. Mới lại, nó cũng là con một, dù có trúng tuyển chửa chắc huyện đã duyệt cho nhập ngũ. Năm tháng buôn bán không tham gia hợp tác xã khiến nhà Hịu Thất ngày một giầu và lão Hịu vẫn không lấy vợ như suốt những tháng năm chống thuyền buôn cối. Lão còn cùng thằng Thất mở quán karaoke có gái xanh đỏ tím vàng phục vụ, khiến lũ thanh niên trong vùng đêm ngày dập dìu gây ra bao tệ nạn làm đảo điên cuộc sống của dân làng Độ Dần. Điều nghiệt nhất là việc tồn tại lò vôi. Chiếc lò vốn xây theo nối cũ, không có ống khói, như cái đó rách suốt năm nhè khói vào dân. “Ô nhiễm môi trường cùng bao điều dấn dớ từ nhà Hịu Thất mà ra cả. Mùi hăng nồng của khí thải xỉ than. Mùi cay khét tỏa ra từ khói lò quanh năm đỏ lửa. Góc làng Độ Dấn ngày nào cũng phủ mây đen nặng trịch. Già trẻ ngược ngạo tức ngực khó thở tựa đun sông cá ngớp”. Có lần ông Thứ Nhu cầm một lá đơn lên xã trình bày. Xã gọi nhà Hịu Thất nhắc nhở rồi phạt năm mươi cân thóc. Bõ bèn gì, gãi ngứa. Lò vôi nhà Hịu vẫn trài trãi mưa nắng xuất nhập như mắc cửi. Những con đường ven xe tải chở vôi qua lại cây cối bám bụi trắng xoa xóa tựa mặc áo tang. Thửa ruộng nhà ông Bút cách lò đến vài trăm mét, trồng cà chua chết cà chua, trồng đỗ đỗ rạc không ra quả… mấy nhà xóm ngoài nuôi trẻ nhỏ chả dám bước chân ra cửa sợ hít phải bụi vôi sẽ tức khắc đùm dúm nhau đi bệnh viện. Lão Hịu chẳng để vào tai những lời oán thán. Ra vào cửa nhà lão chỉ duy nhất có hai ông trưởng phó thôn rượu chè bù khú mỗi tháng đôi lần, họ còn đoan khoán chuyện lừng lững tồn tại cái lò vôi là đúng với chính sách khuyến khích tư nhân mở mang làm kinh tế. Bao cuộc họp thôn diễn ra. Bao nhiêu lần cãi vã dầm rĩ giữa nhà Hịu Thất với bà con Độ Dấn chiếc lò vẫn lù lù thách thức mà nhà Thất cũng chẳng thèm sửa sang lắp ống khói cao lên. Lợi ích riêng chung, tình làng nghĩa xóm mất mát rất nhiều do cách sống dựng ngược người lên của lão Hịu khiến không khí trong làng Độ Dấn căng tựa giây đàn.
… Mây nước mênh mông mặt ao cuộn gió.
Sông Hoàng Tập hôm nay ngầu ngầu máu cát, sóng nước dập dồn làm cho lòng ao Giá Ngự bức bối chẳng yên.
Ông Thứ Nhu như chết đứng rồi từ từ khụy xuống khi ngó khắp mặt gò Giá không thấy viên đá trắng đâu.
Nhân cũng bước theo cha từ lúc nào nhưng anh không mường tượng chuyện mất viên đá trắng lại khiến cha mình hồn phiêu phách tán nhường thế… Chiều hôm đó hơn chục đứa trẻ con trong làng cùng Nhân lặn ngụp khắp lòng ao cũng chẳng thấy một chút hơi ấm nào tỏa ra từ viên đá. Lòng ông Thứ Nhu như tan nát. Ông Thứ và vài người lớn tuổi trong làng Độ Dấn lúc này đã hiểu rõ căn nguyên của tiếng nổ đã san phẳng lò vôi nhà Hịu Thất. Biết vậy, nhưng giờ đây cũng chỉ cầm bằng khi thấy gia đình của nó đang tang thương thế. Thằng Thất sọm đi hàng chục tuổi. Sự việc ông Thứ Nhu đường đột quay ngược đám tang rồi xoài ra gò Giá sai đám choai choai trong làng lặn ngụp tìm hòn đá, thằng Thất tường mồn một. “Nhà nó cũng đã phong thanh nghe cha bàn với mấy ông cao tuổi trong họ Trịnh – Nguyễn về việc tôn tạo giữ gìn gò Giá Ngự. Dủi dải rồi sẽ có đơn đề nghị lên trên. Mà đã là người Độ Dấn thì phải biết những gì lâu nay dân làng quán xuyến và trân trọng, đâu đến nỗi Bất khả tư nghị (*) mà cha con nhà nó không cảm được. Lão Hịu vì mối lợi nhỏ nhắm mắt làm liều. Âu, lẽ trời đã đặng…”. Ông Thứ Nhu buồn rầu than một tiếng với con trai. Thằng Thất thì đương nhiên rồi không dám nhìn thẳng vào ông Thứ Nhu mỗi lần giáp mặt. Nỗi mất cha chưa chắc đã làm nó thất thần bằng sự kinh hãi phát ra từ vụ nổ triệt hạ lò vôi và hủy cơ nghiệp bao năm của nhà nó. “Thực ra viên đá trên gò Giá Ngự dầu dân làng quan xiêm đấy nhưng nó vẫn chỉ là thứ giữa đàng thôi, chưa có ai trông nom quản lý. Chỉ cha mình mới đủ cảnh giới quan tâm và thấy nó quý giá  vô cùng chứ hai ông trưởng phó thôn Độ Dấn có coi hòn đá ra nước non gì!”. Nhân đằn lòng vậy. Mọi chứng tích lúc này dường vẫn chỉ hiển lộ trong lằn gianh ẩn khuất. Ông Thứ Nhu chưa thể vịn cớ nào để tố ai xâm hại gò Giá hay rắp tâm nung vôi viên đá ngày xưa vua ngự. Âu mọi nhẽ đau thương xẩy ra đối với nhà Hịu Thất cũng là kiếp nhân quả con người mà ông Trời đã luận. “Đạo giời rất cao, báo ứng thì lại rất gần. Còn viên đá, chắc cũng đã làm xong chức phận tồn tại mấy trăm năm của nó…”. Ông Thứ Nhu buông câu khi một tối ngồi ngoài hè cùng ấm trà đặc Nhân châm, bên cạnh là chiếc điếu bát bạt đồng sáng chóe.
… Những ngày tháng trải đời cứ mênh mông run rủi. Nhân đi học xa và cũng ít về làng. Ông Thứ Nhu đã yếu. Bà Thứ thì mất được vài năm vậy nhưng ông vẫn không theo Nhân lên sống trên thành phố. Kí ức xa xăm trăn trở cứ hiện trong anh mỗi độ Nhân nhảo thăm cha rồi lại ngược lên thành phố để chuẩn bị cho một hành trình công việc. Tháng ngày đắp đổi trôi xuôi anh đã trở thành người đàn ông từng trải nhưng những lời cha dạy thủa hoa niên vẫn luôn hằn trong trí nhớ về đất trời, sông nước, quê hương. Mọi thứ cứ sắt xeo mồn một mỗi đận Đông về hun hút gió. Nhân luôn mường tượng trong đầu từ những câu chuyện ở cuộc đời, dòng họ, cha mẹ mình. Ở chính cái làng quê Độ Dấn hiền lành mà truân chuyên nghèo khó. Và Nhân đã ngộ ra: Sự vật thiên nhiên tuần hoàn, có tiếng nói riêng và luôn lý sự. Cái đúng sai mất còn có thể không bảo toàn hình hài theo tháng năm nhưng lịch sử thì không bao giờ đứt đoạn. Qua trăn trở trong cuộc sống những điều đẹp đẽ sẽ khơi nguồn được ngộ ra có khi bởi một địa danh, câu hát đồng dao, hay chiêm nghiệm từ một cuộc đời bình dị… và anh, luôn tâm niệm là không bao giờ những chứng nhân đẹp đẽ sinh ra rồi bỗng nhiên lại mất đi một cách vô giá trị.  Mọi thứ đều có căn nguyên đắp đổi, có cái lý riêng như lời của cha anh thường nói về đạo trời. Còn câu chuyện nhà Hịu Thất đưa bao điều ngược ngạo bất ổn về cho làng Độ Dấn thì đã nhãn tiền… những gì quái gở sinh ra chống lại con người trước sau rồi cũng sẽ bị đào thải. Nếu nhân dân chưa làm thì văn hóa, truyền thống sẽ làm. Dầu có là đổ vỡ.
Chú thích:
(*): Không thể suy nghĩ bàn luận ra được      
11/11/2021
Phan Đình Minh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hồn từ đường cứ vọng thức về ta Dằng dặc nhớ/ Dằng dặc thương/ Nhịp thời gian nối bao canh trường/ Con cháu chuyển luân giờ đã là ba má/...