Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Từ "Tai nạn" thơ "Người đàn ông 43 tuổi nói về mình" đến Giải thưởng sách quốc gia cho Trần Vàng Sao

Từ "Tai nạn" thơ "Người đàn ông 43 tuổi
nói về mình" đến Giải thưởng sách
quốc gia cho Trần Vàng Sao

Chuyện quanh bài thơ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình của Trần Vàng Sao đã công khai trong tự truyện Số phận không định trước (NXB Hội Nhà văn và ThaiHaBooks, 2018).
Tuy nhiên có thể nhiều bạn chưa đọc, nên tôi tóm tắt như sau: bài thơ đó của Trần Vàng Sao sau khi đăng tạp chí Sông Hương số 32 (tháng 7.1988) thì bị một số người suy diễn, lên án gay gắt trên báo Công an Bình Trị Thiên và tập san Văn hóa Bình Trị Thiên, cho rằng bài thơ “sặc mùi kích động nói xấu chế độ” khiến ban biên tập khốn đốn. Lúc đó Tổng biên tập Tô Nhuận Vỹ đang ở Liên Xô, nên tôi và nhà thơ Thái Ngọc San phải “đứng mũi chịu sào”. Mà thực ra bài thơ là cảnh đời thực không chỉ của tác giả Trần Vàng Sao một thời gian khó. Từ Sài Gòn, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn viết thư ra Huế, cho rằng đây là bài thơ hay nhất ông được đọc trong mấy năm đó…
“Tôi tuổi Tỵ/ Năm nay 43 tuổi […] vấn một điếu thuốc hút/ hai ba lần tắt đỏ/ rồi nửa chừng rách giấy/ bạn bè gặp nhau/ cho uống một ly cà phê/ một lần/ qua 2 lần phải tránh/ không phải ai cũng nghĩ như mình…”.
Những người vội suy diễn “quên” rằng Trần Vàng Sao từng lên rừng tham gia cách mạng và từ năm 1967 đã viết bài thơ dài Bài thơ của một người yêu nước mình được đăng trên nhiều sách báo (gần đây, bài thơ được chọn trong số 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ).
“… Tôi yêu đất nước mình áo rách/ căn nhà dột phên không ngăn nổi gió/ vẫn yêu nhau trong từng hơi thở/ lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài […] tôi yêu đất nước này chân thật/ như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi/ và yêu tôi đã biết làm người/ cứ trông đất nước mình thống nhất” .
Vậy mà sau “tai nạn” bài thơ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình, tác giả khiếp hãi đến mức rất nhiều năm sau, tình hình đổi khác rồi mà Trần Vàng Sao không dám đưa tập thơ xuất bản, mặc dù nhiều bạn bè hứa giúp đỡ.
Đến nay thì tuyển thơ Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao (NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam, 2020) do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tuyển chọn – trong đó có bài thơ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình được đặt lên đầu sách, vừa được tặng Giải Sách hay quốc gia (hạng B). Đây không chỉ là phần thưởng đối với gia đình cố nhà thơ Trần Vàng Sao và những người làm sách mà còn là tín hiệu vui đối với giới văn nghệ sĩ và những người hoạt động văn hóa, chứng tỏ nhận thức và cách đối xử với tác phẩm văn nghệ của các cơ quan quản lý và cả xã hội đã thực sự “Đổi Mới”.
Tập thơ được nhà thơ – giám đốc Nguyễn Quang Thiều viết “Lời tựa” rất trân trọng: “Thơ Trần Vàng Sao là chính cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không hề theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào. Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, ánh mắt ông, giọng nói ông… Bởi thế thơ ông chân thực và mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản ông…”.
Như “Lời tựa” đã viết, tập thơ được xuất bản từ bản thảo do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tuyển chọn và mặc dù người tuyển chọn là một nhà thơ có uy tín, song đã có những bài thơ phải tạm để ra ngoài, chưa hẳn vì chất lượng non mà có khi vì các lý do khác. Những ai đã làm sách hiện nay đều hiểu điều này. Chúng ta cũng từng biết Di cảo của nhà thơ Chế Lan Viên đã nhiều lần “bổ sung” và có thể vẫn chưa hết. Tôi nghĩ rằng Di cảo của nhà thơ Trần Vàng Sao còn nhiều bài chưa in trong tập này, vì tôi đã được nhà thơ cho xem tập bản thảo và trong lần cuối, khi cùng Trần Vàng Sao uống cà phê với chị Ngọc Trai ở quán Vỹ Dạ Xưa, tôi đã nhắc Trần Vàng Sao: “Bản thảo của anh, nếu chưa muốn in thì cần phô-tô ra mấy bản, kẻo thất lạc hoặc bị mối xông thì… uổng lắm!”. Và sau khi Trần Vàng Sao qua đời, người thân của Trần Vàng Sao đã nói với tôi: “Tập bản thảo của ông gia đình vẫn giữ đầy đủ”.
Do đó, tôi hy vọng là đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ được đọc “Di cảo tập 2” của Trần Vàng Sao, để hiểu thêm thơ Trần Vàng Sao không chỉ độc đáo không thể lẫn với một ai khác mà còn rất phong phú về đề tài và bút pháp. Điều này cũng thể hiện phần nào trong tập thơ vừa xuất bản, nếu bạn đọc chú ý các bài thơ dài như: Chử Đồng Tử, Viết cho em và Bồ câu thằng Bờm, Từ Thức, Mạ ơi…
Riêng bài Viết cho em và Bồ câu thằng Bờm, Trần Vàng Sao trong khi vươn tới chiều sâu triết lý sinh tồn của con người và vũ trụ, còn chứng tỏ mình không ngừng đổi mới bút pháp. Chúng ta thấy bài thơ thấp thoáng dạng đồng dao vui vẻ và dân dã: “Đất vẫn chưa là đất/ trời vẫn chưa là trời/ chỉ có lửa khí hơi/ nổ cháy sôi cuộn sóng/ rồi phải làm sao đây/ để có đêm có ngày/ để có sống có chết/ cho cái không thành một/ cho cái một thành hai..”. Và một đoạn khác: “…thần không có tiếng nói/ không ở trên ở dưới/ không ở trước ở sau/… thần đi và thần đến/ như bóng tối ánh sáng/… nên không cũng như có/ có đó rồi lại không/ không đó rồi lại có/ như khí và ánh sáng…”. Chợt nghĩ những bài thơ như thế này nếu đưa lên sân khấu kèm tranh dân gian kiểu như “Ông Địa” trong thơ Trần Vàng Sao, rất có thể trở thành một tiết mục độc đáo.
Vì thế, tôi hy vọng Di cảo Trần Vàng Sao sẽ được tiếp tục khai thác. Đó là chưa kể tập hồi ký mà một số bạn đã được đọc. Nhà thơ Trần Vàng Sao đã đi xa nhưng vẫn luôn được chúng ta nhớ đến là vì thế…
4/11/2021
Nguyễn Khắc Phê
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ai mua sự nhàn rỗi đàn bà của tôi không? Tôi muốn bán sự nhàn rỗi yêu đương đàn bà của tôi/ Ai mua không?/ Đó là thứ duy nhất dư thừa bâ...