Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Tiếng võng và bóng dáng lặng lẽ

Tiếng võng và
bóng dáng lặng lẽ

Ngày biết tôi đậu đại học ai cũng vui, tôi phải chạy vào hét thật lớn để khoe nội nghe, nội chỉ cười rồi lẳng lặng quay đi nhổ đám cỏ chen chúc trong luống rau. Tôi biết nội vui nhưng niềm vui đó lặng lẽ khiến tôi khóc rất nhiều mỗi khi nhớ đến…

Tiếng võng vẫn kẽo kẹt với bóng dáng quen thuộc ấy nhưng đã già đi theo năm tháng. Ông nội tôi vẫn nằm đó, mỗi buổi trưa, phe phẩy cái quạt mo cau thiu thiu ngủ. Nhà nội có bốn người con, cha tôi là con cả, sau đó là hai cô rồi đến chú út.
Lúc tôi sinh ra, cả dòng họ gần nhà nội chỉ duy mình tôi là cháu gái nên đương nhiên tôi được “cưng như trứng, hứng như hoa”. Không ngày nào tôi phải tự chơi một mình, các chú các ông bà rước tôi miết, đủ trò trên đời được làm ra để dụ tôi đi theo. Mỗi khi nội làm việc gần nhà, trưa nào ông cũng đi tìm và dẫn tôi về ăn cơm. Ông nội thích nằm võng đưa tôi ngủ trưa, ông kể chuyện cho tôi nghe, trả lời mọi câu hỏi của tôi, những câu hỏi ngô nghê của một đứa con nít.
Ông nội làm thợ hồ. Tôi hay nghe mọi người gọi ông là sư phụ. Trong cái suy nghĩ ngây ngô hồi đó tôi luôn tự hào rằng chắc ông mình siêu đỉnh lắm mới được mọi người yêu quý gọi như thế.
Cũng như đa số người miền Tây, ông tôi thích nhậu lắm, mà mỗi lúc ông say tôi lại rất sợ, sợ vì ông hay nắm tôi ngồi lại một chỗ không cho đi chơi nữa. Đôi khi tôi cũng thích ông uống rượu vì khi đó tôi xin gì ông cũng đồng ý mua cho.
Lên lớp hai, cả nhà dọn ra ở riêng cách nhà nội khoảng một trăm mét, tôi ít lẽo đẽo theo ông mỗi ngày. Cô chú lấy chồng lấy vợ sinh con, tôi không còn là vị trí cháu gái nhỏ độc nhất trong nhà nữa, tôi từng buồn vì điều đó biết bao. Nhưng riêng ông vẫn nuông chiều và đem cho tôi những món ăn ngon hay chiếc đồ đẹp mà ông có, ông vẫn luôn dặn mọi người “Con bé nó thích cái này lắm, nhớ chừa cho nó”. Tôi lớn lên, việc học và những mối quan hệ bạn bè vui chơi xung quanh lấy đi của tôi nhiều thời gian. Tôi dần ít nói chuyện với nội. Tôi không còn hồn nhiên thể hiện tình cảm, không còn chạy sà vào lòng ôm lấy ông hay thủ thỉ “Con thương nội nhiều lắm” nữa!
Thời gian vẫn cứ trôi, sức khỏe ông nội không còn như ngày trước. Ông đồng ý ở nhà với con cháu nhưng nào chịu ngồi không. Ông tìm niềm vui bên luống rau, bờ cỏ. Từng giàn đậu, giàn dưa leo chi chít trái, mảnh đất xanh rì đủ loại rau được ông tưới tắm mỗi ngày. Con cái thường ngăn ông làm việc, sợ ông mệt nhưng ông thì không muốn vậy. Cả đời ông đã quen với lao động nuôi con nuôi cháu, dù bây giờ sức khỏe không còn tốt, ông vẫn không muốn mình là gánh nặng, ông không muốn ngồi không chờ con cháu nuôi mình.
Nội bị lãng tai, mỗi lần tôi muốn nói chuyện phải hét lớn lắm ông mới nghe được. Cả nhà mua máy trợ thính cho ông nhưng không hiểu sao vẫn không hỗ trợ cho ông nghe rõ hơn được. Nội thích đi chơi và trò chuyện với hàng xóm, ông hay gọi điện thoại nói chuyện với ông ngoại tôi. Ấy vậy mà giờ đây ông chỉ quanh quẩn ở nhà, ông ngại mình nghe không rõ sẽ làm phiền người khác, ông cũng không còn cầm đến chiếc điện thoại nữa.
Năm tôi học lớp mười một, tôi từng nghĩ hay mình sẽ thi và học kiến trúc để cha và nội vui, tôi lân la hỏi dò và đều nhận được sự động viên hãy theo đuổi thứ mà tôi thích nhất, chỉ cần tôi vui vẻ thì cả nhà đều ủng hộ. Ngày biết tôi đậu đại học ai cũng vui, tôi phải chạy vào hét thật lớn để khoe nội nghe, nội chỉ cười rồi lẳng lặng quay đi nhổ đám cỏ chen chúc trong luống rau. Tôi biết nội vui nhưng niềm vui đó lặng lẽ khiến tôi khóc rất nhiều mỗi khi nhớ đến.
Đi học xa nhà, cứ khoảng hơn một tháng học nhiều không có thời gian về quê, mỗi lần gọi điện trò chuyện với mẹ tôi đều nghe mẹ nói ông nội hỏi sao lâu quá chưa thấy tôi về. Vậy nhưng mấy đợt học ít, cứ một tuần hai tuần tôi về nhà một lần là ông nội lại hỏi “Học hành gì sao về quài vậy?”. Bà nội nghe thấy hay hờn dỗi bảo ông này sao vô duyên, con cháu nó về cũng cằn nhằn cho được. Ông chỉ cười và đem ra vài thứ trái ông vừa hái biểu tôi đem về nhà ăn, trên thành phố làm gì có mấy trái ngon như vầy.
Ngày ngày, vẫn là bóng dáng âm thầm ấy xách thùng nước tưới vườn, vẫn dáng vẻ ngày một liêu xiêu đem cho tôi rổ rau cây mía, vẫn nụ cười hiền khô hỏi tôi bao giờ đi học rồi gật gật đầu bước trở về. Càng lớn, tôi càng hiểu rõ quy luật sinh tử của con người, tôi sợ xa nội, tôi sợ không còn ai hỏi tôi “Lại về nữa hả?”. Tôi chỉ biết mong ước rằng ông bà nội luôn vui khỏe với con cháu. Tôi muốn nói yêu thương nội nhiều lắm nhưng không cất được thành lời. Và tôi ước mong tiếng võng kẽo kẹt với dáng hình quen thuộc của nội vẫn còn mãi theo năm tháng…

9/11/2021
Nguyễn Thị Ngọc Yến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hồn từ đường cứ vọng thức về ta Dằng dặc nhớ/ Dằng dặc thương/ Nhịp thời gian nối bao canh trường/ Con cháu chuyển luân giờ đã là ba má/...