Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Bảo bối của ông ngoại

Bảo bối của ông ngoại

Tôi có một tuổi thơ trôi qua khá êm đềm, với đầy đủ những kỷ niệm của một đứa trẻ ngây ngô tinh nghịch, bên cạnh con sông, những rặng dừa, và bên cạnh ông ngoại. Mẹ tôi kết hôn năm 18 tuổi, sau đó một năm thì tôi ra đời. Vì có con ở tuổi đời còn khá trẻ, nên mẹ chưa có kinh nghiệm chăm con và lúc đó còn phải lo lập nghiệp, nên chủ yếu tôi lớn lên với những kỉ niệm ở nhà ngoại, mà người tôi gắn bó nhất là ông ngoại.
Tôi nhớ rất kĩ, hồi tôi bé xíu, nhà ngoại chỉ có duy nhất tôi là cháu, nên lúc nào tôi cũng được xem là bảo bối trong nhà. Mỗi lần tôi khóc, ông ngoại lại cõng tôi đi khắp xóm, rồi mua cho tôi mấy cục me đường để tôi không khóc nữa. Mấy đợt ở ngoại, tôi trốn nhà đi chơi, cả nhà kéo nhau đi tìm, còn tưởng tôi bị bắt cóc, rồi tôi bị ba mẹ túm được ở tiệm game, ba lôi tôi về nhà ngoại, tét vào mông tôi mấy roi làm tôi đau điếng. Lúc đấy, tôi cố gắng gào khóc to thật to, tôi nghĩ tiếng khóc sẽ là sự cầu cứu hiệu quả nhất, và đúng y như vậy, ông ngoại đi làm đồng về xuất hiện như một vị thần để giải cứu tôi.
Ông bế tôi lên mà nước mắt, nước mũi tôi giàn giụa, tôi gục đầu vào vai ông, tôi ngửi được mùi nắng trưa, mùi phù sa hòa với mùi cơ thể. Với tôi, đó là cái mùi hương tuyệt vời nhất, nó chính là kết tinh của sự âu yếm, sự yêu thương và cả sự lam lũ khó nhọc của ông ngoại. Cho đến mãi sau này, khi tôi lớn như bây giờ, tôi luôn nghĩ chắc là hai đứa em con của dì út tôi sẽ ganh tị với tôi lắm, vì chúng sẽ không có được cảm giác được trở thành bảo bối độc nhất của ông, cũng không thể cảm nhận được bờ vai vững chãi, mùi hương của sự âu yếm và cả những cục me đường được mua bằng mấy bạc cắc mà ông gói trong túi bóng để dành riêng cho tôi.
Lúc lớn hơn một tí, tôi đã bắt đầu dấn thân vào con đường lao động để kiếm tiền, chín tuổi tôi đã kiếm ra được những đồng tiền đầu tiên bằng sức lao động của mình, đó chính là công việc nhổ tóc bạc và nhổ râu cho ông ngoại. Làm việc trong quy mô gia đình nhưng tôi và ông thương lượng giá cả rõ ràng lắm, cứ mười cọng tóc bạc, hoặc mười sợi râu thì sẽ được hai nghìn đồng. Bà ngoại hay trêu ông ngoại tôi là tóc bạc nhiều vậy nhổ hết vừa hói đầu vừa mất tiền, ông cứ cười cười, chắc vì ông thích cảm giác được cháu gái nhổ tóc bạc, nhổ râu. Lâu dần, sở thích này đã trở thành thói quen. Đến nay, dù tôi đã 21 tuổi nhưng mỗi lần về thăm ngoại, ông vẫn hay kêu tôi nhổ mấy chiếc râu mọc lạ lùng trên mặt. Mà mỗi lần nhổ râu cho ông, ông lại hay kể cho tôi nghe về những câu chuyện của ông bà ngày xưa.
Ông ngoại bảo hồi xưa lúc ông cưới bà là gia đình hai bên không cho của cải gì. Lúc đó nghèo khổ lắm, ông phải đi xin nhờ ở đậu trên miếng đất của người ta, ông bà chắc chiu được mớ tiền định mở một cửa tiệm nho nhỏ. Hồi đấy đường xá đâu có xe cộ như bây giờ, bà ngoại phải lội bộ một quãng đường mười mấy cây số để mua đồ về bán, nhưng đến chỗ mua lại rơi mất tiền, thế là phải đành quay về. Ông kể từng chút từng chút một, tôi ngồi nghe say mê, những câu chuyện dù cho có kể đi kể lại bao nhiêu lần tôi cũng không biết chán.
Càng lớn, những câu chuyện của ông lại càng giúp tôi thấm thía hơn. Cuộc sống của ông bà ngoại ngày trước đã rất khó khăn, phải dành dụm từng đồng từng cắc để có dư dả mua lại mảnh đất đang ở đậu, rồi dư thêm một tí lại mua thêm đất canh tác, sau đó là mua được chiếc tivi Sony “hột mè”, chiếc xe Dream Thái và cho tôi một cuộc sống thoải mái hơn. Lúc nhỏ tôi cảm thấy tính ông khó hiểu lắm, ông cực kỳ khó và kỹ tính, mọi món đồ trong nhà đều được ông lau chùi gìn giữ mới tinh, ông xài đồ đến khi nào mà ông nghĩ nó không thể nào sửa chữa được nữa thì ông mới bỏ đi. Tôi hay đổ thừa là tại ông có một hàng chân mài rậm rạp với những sợi mài to cứng xoăn xoăn lại nên ông mới khó tính như vậy. Nhưng càng lớn tôi mới thấu rõ, ông vì sợ xài đồ phung phí, không giữ gìn thì con cháu sẽ khổ như cái khổ mà ông bà đã trải qua. Vì thế nên trừ những khi đám tiệc long trọng hay phải đi xa nhà, tôi chẳng bao giờ thấy ông mặc đồ mới, bà ngoại nói trong tủ đồ của ông có đến hơn chục bộ đồ mới mà ông chẳng bao giờ lấy ra mặc, đến cả những chiếc áo sờn vai, đã vá đi vá lại nhiều lần nhưng nếu còn vá được mà lại vứt đi thì sẽ bị ông trách. Cả trong những bữa ăn, ông lúc nào cũng ăn nhiều cơm và rất ít khi ăn thịt cá, phần nào ngon ông không đụng đũa vào mà luôn  để dành riêng ra cho con cháu.
Ông luôn tự hào về tôi, từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng bị ông đánh một roi nào, nhiều lắm chỉ là một hai câu la mắng, còn lại đều là những lời khen và những lời động viên. Mà tôi cũng là người duy nhất trong nhà không bị ông đánh, bà ngoại kể hồi trước mẹ tôi, dì ba và dì út làm sai sẽ bị ông đánh ngay. Đợt dì út còn đi học, vì ham chơi mà trốn học rồi bị cô giáo méc ông, ông đánh dì út mấy roi làm tôi kinh hồn bạt vía. Tôi hay hỏi bà ngoại là sao mấy lúc con làm sai ông ngoại chả bao giờ đánh con cả ?, bà ngoại bảo vì tôi chính là cục vàng của ông nên ông không nỡ đánh. Bà ngoại còn kể từ hồi tôi đi học xa nhà, những cuộc gặp của tôi với ông cũng dẫn vơi bớt, thi thoảng ông lại lôi những bằng khen của tôi ra lau cho sạch, rồi lại nhìn tấm hình hồi bé, chắc là ông nhớ bảo bối của ông lắm.
Với tôi, ông là một người đàn ông rất mạnh mẽ, cứng rắn và cực kì cộc tính, chắc là tôi cũng thừa hưởng một phần mạnh mẽ và cộc tính từ ông. Những lần đi mần ruộng, ông bị cả một cái mảnh vỡ của vỏ ốc cắt vào chân, gây chảy máu rất nhiều và vết thương rất sâu nhưng ông cảm thấy không hề hấn gì cả. Nhưng đã có lần tôi thấy ông khóc, mà chính xác hơn là hai lần. Lần đầu tiên tôi thấy ông khóc là vì ba mẹ tôi cãi nhau và quyết định ly hôn, ông đã nhìn tôi, ôm tôi rồi bật khóc nức nở. Lần thứ hai tôi thấy ông khóc là lần bà ngoại bệnh nặng phải nhập viện trên Sài Gòn.
Bà ngoại nằm trong phòng cấp cứu, trên người dây nhợ chằng chịt, giọng nói yếu ớt, lúc đấy dì tôi phải đi làm thủ tục nên chỉ có tôi và ông ở gần bà. Trong phòng cấp cứu lúc đó rất đông bệnh nhân, tiếng máy móc và tiếng thở nặng nề vang cả phòng, bác sĩ không cho người nhà bệnh nhân tập trung vào phòng quá đông, nên tôi và ông đi ra ngoài và nhìn bà nằm trên giường bệnh qua cửa kính. Ông cứ đi qua đi lại liên tục, ngồi một xíu thì lại đứng dậy nhìn qua cửa kính, thi thoảng ông lại vào vuốt tóc bà rồi bóp tay bóp chân cho bà. Tối đó bà vẫn nằm ở phòng cấp cứu nên tôi và ông phải kiếm đại một chỗ ngủ ở hàng ghế của khoa khám bệnh. Trời bắt đầu lạnh dần, những chiếc ghế thì gồ ghề xếp cạnh nhau làm cho tôi đau lưng chết khiếp, tôi còn trẻ mà còn không chịu nổi thì sao ông chịu nổi. Vậy là tôi nói với dì để ông bắt xe về nhà, chứ ở lại thì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Lúc vừa bảo thế, ông òa khóc, ông bảo ông sợ phải xa bà lắm, ông về nhà mà không thấy bà ông không chịu nổi, tôi cũng không kiềm lòng được mà khóc theo. May mắn là sau đó bà ngoại tôi đã bình phục và trở về nhà cùng ông.
Bây giờ, mái tóc ông đã bạc màu thời gian, đôi mắt cũng đã dần mờ đục, dáng người gầy gò, làn da rám nắng và lấm tấm những cục đồi mồi sau bao năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Năm nay ông đã bước sang tuổi 67 – cái tuổi mà người ta bảo rằng đã đi qua đủ thăng trầm của một đời người, tuy vậy ông vẫn còn giữ được sự nhanh nhạy và khỏe khoắn. Hai mươi mốt năm để bảo bối của ông lớn lên và chứng kiến những sự thay đổi của người mà bảo bối yêu nhất cuộc đời này, đã có một vài thói quen ông bỏ đi như hút thuốc, uống cà phê đá, nhưng vẫn có những thói quen ông giữ đến tận bây giờ như mặc những chiếc áo sờn vai, mang đôi dép cũ kĩ, bảo tôi nhổ mấy sợi râu và luôn dành riêng những phần tiền để cho tôi. Hồi nhỏ, mỗi lần được ông cho tiền, tôi vui lắm, vui đến nổi nhảy cẫng cẫng lên hò reo rồi ôm lấy ông. Nhưng không biết từ bao giờ, khi nhận được những tờ tiền một hai trăm nghìn đồng được cuộn tròn, buộc lại kĩ càng bằng sợi dây thun và gói trong chiếc túi bóng, tôi lại òa lên bật khóc nức nở. Bà bảo tôi vì ông lúc nào cũng sợ tôi thiếu thốn vì phải đi học xa nhà nên có bao nhiêu tiền, ông lại để dành hết cho tôi.
Dạo gần đây, ở xóm tôi cũng có những người già tử vong vì dịch bệnh Covid-19, người ta lại bắt đầu nói về sự chia ly, sự mất mát và những ngày gần đất xa trời. Nhưng ông tôi lại luôn nói về hy vọng, về những điều tươi sáng, ông mong đến ngày tôi lấy chồng rồi có con và ông sẽ có cháu cố, ông còn muốn nhìn thấy tôi thành đạt và sống thật hạnh phúc. Ông đã dành cả một cuộc đời để lo cho con và dành thêm một cuộc đời khác để lo cho cháu. Tôi không thể nhớ rõ cái ôm gần nhất mà tôi đã dành cho ông ngoại từ khi nào, tôi cũng không nhớ lần gần nhất tôi được ông vỗ về là từ khi nào.
Covid-19 đã làm náo loạn quê hương tôi, dù nhà tôi cách nhà ngoại chỉ chừng 2km, thế nhưng đã gần 2 tháng nay tôi chỉ có thể gặp ông qua những cuộc gọi điện thoại. Tôi biết ông thể hiện ra những điều này để giấu đi sự lo lắng và buồn bã vào bên trong, tôi nghe rằng người già sẽ mang nhiều lo âu hơn, cơ thể thay đổi nhiều hơn và họ thường suy nghĩ về ngày cuối đời sẽ như thế nào. Tôi cũng sợ, tôi sợ một ngày nào đó tôi chưa làm được điều mà ông mong muốn được nhìn thấy ở tôi thì ông đã phải về một nơi xa khác. Thế nên tôi luôn cố gắng và cố gắng mỗi ngày để chạy nhanh hơn tuổi già của ông, để ông có thể an tâm bảo bối của ông đã thật sự lớn khôn và có một cuộc sống thật sự hạnh phúc. Nhưng cho dù tôi có lớn bao nhiêu, có đi đến bất cứ nơi đâu, thì với ông, tôi chỉ mãi mãi là một bảo bối nhỏ bé và tinh nghịch luôn muốn được ông cưng chiều và âu yếm.
5/11/2021
Võ Nguyễn Huỳnh Như
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Chử Văn Long và “Tập sách mỏng tưởng chừng như rất nhẹ” Ngay trang đầu tập thơ “Thơ và mộng”, nhà thơ Chử Văn Long đã dùng hai c...