Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Vân tay mắt Phật

Vân tay mắt Phật

Bà vừa nắm tay tôi vừa hỏi, miệng cười móm mém, tiếng cười nhẹ hờ hậc theo hơi thở yếu ớt của người già. Bà nội tôi đó. Năm nay bà đã chín ba tuổi rồi. Chín ba cái nồi bánh tét rồi. Mà vẫn ngồi coi tivi không cần đeo kính.
“Con đi xe giường nằm hay đi tàu bay?”
Bà vừa nắm tay tôi vừa hỏi, miệng cười móm mém, tiếng cười nhẹ hờ hậc theo hơi thở yếu ớt của người già. Bà nội tôi đó. Năm nay bà đã chín ba tuổi rồi. Chín ba cái nồi bánh tét rồi. Mà vẫn ngồi coi tivi không cần đeo kính. Mỗi bữa vẫn ăn ba chén cơm canh ngon lành. Đầu óc còn minh mẫn lắm, đếm tiền thì rất tài tình, không bao giờ lộn, sót một tờ nào. Chỉ trí nhớ là trở về không. Là lẫn rồi. Như tôi là thằng cháu đích tôn, nhưng bà không biết là ai, nói rồi bà lại quên rồi.
“Cháu con nhà ai? Chừng này rồi mà chưa có vợ nê? Tao có thằng cháu ở Sài Gòn chắc cũng bằng tuổi mày, nhưng lâu quá không thấy nó về”.
“Chắc là nó mãi lo làm ăn, bà phải vô trỏng mà lôi cổ nó về đây chứ?”. Tôi nói giỡn, bà lại cười hờ hậc:
“Ừa, để tao vô dẫn nó về. Lâu quá rồi mờ, tao vô Sài Gòn ăn đám cưới nó, từ hồi tao còn chưa có chồng”.
Bà nói rồi cười, tiếng cười nhẹ cứ hờ hậc theo hơi thở yếu ớt. Ôi bà tôi, bà vô Sài Gòn ăn đám cưới cháu từ lúc bà còn chưa có chồng. Tôi nắm lấy hai bàn tay bà. Mấy chục năm rồi, lần đầu tiên tôi mới để ý thấy tay hai bà cháu giống hệt nhau. Những ngón tay thon dài, ngón nào cũng có hoa tay, ngón cái có vân hiển lộ mắt Phật đẹp như vẽ. Tay hai bà cháu, như không phải tay của người nông dân. Tôi, không phải nông dân, hay nông dân nửa mùa, đã đành. Còn bà, sao tay lại không giống nông dân, khi cả đời lam lũ ruộng đồng? Lạ quá. Những ngón tay thon dài như tay nghệ sĩ múa, và vân tay ngón cái mắt Phật đẹp lạ lùng.
Một người nông dân thì trông như thế nào?
Tôi sống ở thành phố. Tôi suốt ngày ngồi trong những tiệm cà phê có bán kèm thức ăn nhanh. Tôi gặp đủ hạng người. Đôi khi tôi thử lén nhìn họ, bằng một hành vi quan sát nhận diện, coi thử họ có gốc gác nông dân giống tôi không? Nhưng, tôi làm sao biết được, khi nhìn ai cũng nhang nhác như nhau. Thời buổi này, chỉ cần một giờ bay là có thể chuyển vùng từ nông thôn lên thành phố và ngược lại. Một người, buổi sớm giày tây cà vạt sang trọng, bước vô khu trung tâm thương mại, ăn một cái hamburger, uống một ly cà phê capuccino; nhưng buổi chiều có thể xỏ chân dép mủ, quần đùi áo ba lỗ, đi câu cá ngoài mương ruộng. Chuyện đó bây giờ quá đỗi bình thường. Không phải là con người ta muốn sắm nhiều vai, mà có thể sống trong nhiều cảnh giới, nếu chịu khó dịch chuyển.
Tôi đi lên dông.
Quê tôi, cái đồi cái núi nhỏ, người ta kêu là cái dông.
Lần nào về quê tôi cũng một mình lầm lũi qua dông. Phía bên kia dông là khu vườn hoang của ông nội, trong đó có quy hoạch khu mộ của dòng họ nhà tôi. Hồi xưa, toàn bộ khu đồi này, người dân trồng khoai lang và cây bạch đàn, lũ học trò chúng tôi cũng từng đi lao động trồng cây bạch đàn. Nhưng giờ chỉ toàn tràm là tràm. Không còn một cây bạch đàn nào. Tràm mọc kín, ken dày, bịt hết các lối mòn, khiến đi lại rất khó. Tôi vừa đi vừa nâng tay áo lau mồ hôi trán. Không nghĩ gì, chỉ nghĩ: “Chừng nào mình không trèo qua nổi ngọn đồi này thì mình đã là một ông già”.
Khu mộ dòng họ tôi nằm gọn trong khuôn viên khu vườn bên cạnh những bụi cây bời lời đang trổ hoa vàng rực. Nhưng phía trên kia thì nghĩa địa lô nhô, xộc xệch, nhiều ngôi mộ đã hốt cốt để lại những hố đất sâu hoắm, đỏ quạch. Tôi cắm nhang trên khu mộ dòng họ xong thì đi cắm vòng quanh, vòng qua những hố đất đỏ, nhiều hố quá, giờ người ta chuyển về khu nghĩa địa mới hoặc hỏa táng gửi tro cốt vô chùa.
Tôi đứng trên miệng một cái hố ngó lên. Trời chang chang nắng.
Phước có còn ở trên đó không? Hay chỉ là một cái hố? Hay tro cốt đã về chùa làng rồi?
Tôi thấy hoa mắt. Tôi chưa đi thăm mộ Phước lần nào. Chỉ biết rằng Phước được chôn ở nghĩa địa này. Nguyễn Thị Phước. Sinh năm 1975. Mất ngày… tháng… năm 2015. Hưởng dương 40 tuổi. Chồng và các con đồng lập mộ. Tôi hình dung bia mộ như thế. Tôi vẫn đứng chôn chân tại chỗ, chặp lâu, rồi quay trở về.
“Thằng Văn, giờ y như thằng khùng”. Ba tôi nói sau khi chiêu một ngụm nước trà. Ông vẫn có thói quen uống loại trà lá rẻ tiền, mặc dù tôi vẫn thường gửi về cho ông nhiều loại trà ngon, trong đó có loại nõn tôm Tân Cương mà tôi chuộng. Nhưng giờ thì ông dụt(*) nó đi đâu rồi.
Mùi trà lá gợi trong tôi những ngày tháng thời bao cấp. Có lẽ ba tôi cũng quen cái mùi xưa cũ này mà không từ bỏ được. Cái gì đeo bám ta lâu quá thì ta khó mà bỏ. Tôi vẫn lan man nghĩ chuyện trà, mà chưa ráp chuyện Văn vào dòng suy nghĩ hiện tại.
“Trường dư giáo viên dạy văn, nhưng là giáo viên trẻ, cũng chạy miết mới được về trường huyện. Nó ít tiết dạy quá nên đâm bất mãn, giờ nó làm thêm nghề bán quần áo dạo ngoài chợ. Nhìn không giống ai”. Ba tôi lại tặc lưỡi.
Má tôi nói: “Nó buồn đời nên táu(**) chơi chứ khùng gì. Nó mà khùng thì còn ai tỉnh?”
Nghe ba má tôi nói, tôi cũng đâm hoang mang. Văn là chồng của Phước. Văn lớn hơn tôi hai tuổi. Phước nhỏ hơn tôi hai tuổi. Ngày xưa, Văn nổi tiếng học giỏi văn, dáng cao ráo thư sinh được rất nhiều cô gái thích. Chúng tôi không phải bạn học, nhưng do nhà tôi có nhiều sách nên Văn thường tới chơi mượn sách, đàm đạo với ba tôi. Văn có vẻ hợp với ba tôi khi “chém” chuyện thế thái nhân tình. Chuyện thầy trò Khổng Tử thì họ nói cả ngày không biết chán.
Học trò của Khổng Tử là Tử Cống hỏi thầy của mình rằng:”Kẻ mà trong làng ai cũng ưa thì hắn là người thế nào?”. Khổng Tử bảo: “Cũng chưa chắc là tốt”. Tử Cống lại hỏi: “Còn kẻ mà trong làng ai cũng ghét thì thế nào?”. Khổng Tử đáp: “Cũng chưa hẳn là xấu”. Nói rồi, Khổng Tử nói thêm: “Chẳng bằng kẻ mà mọi người tốt trong làng đều ưa và mọi người xấu trong làng đều ghét”.
Như chuyện này. Họ kể cho nhau nghe cả tỷ lần. Lần nào kể họ cũng tâm đắc, vỗ đùi bôm bốp. Tôi nghe miết thành thuộc lòng.
Tôi gọi Văn bằng anh. Nhưng Văn không kêu tôi bằng em, mà kêu tên rồi xưng tui. Ở quê thời ấy, chênh nhau vài ba tuổi vẫn thường học chung một lớp, kêu nhau bằng mày tao. Buồn cười là cả tôi và Văn đều cùng thích một cô gái. Đó là Phước.
Nhưng Văn thì công khai, tỏ rõ ý định sẽ cưới Phước làm vợ. Còn tôi thì thầm lén. Tôi không toan tính gì, chỉ đơn giản nghĩ khi lớn lên mình sẽ rời khỏi đất này. Phước hồi đó đẹp mê ly. Con gái nhà quê mà da trắng bóc, mịn màng. Tóc đen nhánh, lúc nào cũng để dài ngang lưng. Nhưng tôi ưng nhất ở Phước là nụ cười. Nụ cười có chút gì đó của sự hồn nhiên, vô lo. Nụ cười khiến cho ta có thể tạm quên đi những bộn bề, mệt mỏi thường ngày. Nụ cười xoa dịu. Tuổi trẻ, đôi khi chỉ cần nhìn thấy nụ cười của cô gái mình yêu là đủ no rồi.
Nhưng Phước đâu phải lúc nào cũng gần bên để cười cho tôi no mãi. Tôi đói khát chân trời tự do. Tôi đói khát sự chân tình nơi phố thị. Khi cơn đói khát ngày càng trở nên dữ dội, thì một nụ cười chỉ còn là hình bóng không đủ làm nguôi. Thậm chí nụ cười đó càng trở nên nhạt nhòa.
Văn và Phước không vô Sài Gòn như tôi mà ở lại quê nhà, cùng học Cao đẳng sư phạm. Văn ra trường làm thầy giáo dạy văn cấp hai. Phước ra trường làm cô giáo tiểu học. Văn vẫn bay bướm bay bổng mà tốt bụng như ngày nào. Phước vẫn xinh và nụ cười tỏa nắng còn là thương hiệu. Họ cưới nhau lúc nào tôi cũng không biết. Lúc họ cưới nhau, tôi đang làm gì tôi cũng không nhớ. Có những ngày tháng tôi thấy mình thật tồi tệ, chẳng còn xứng đáng với một cái gì, kể cả một chuyến trở về nhà. Tôi xa nhà xa quê nhiều năm đằng đẵng, như con cá làm một cú lặn sâu mà không muốn trồi lên trở lại. Dù nó biết trên kia bầu trời có nhiều ngày rất đẹp.
Rồi một hôm, bất ngờ tôi nhận được cuộc gọi từ một số lạ: “Việt phải không, Phước nè”.
***
Chập choạng tối. Bóng tối như mực Tàu vẫy theo cơn gió luồn nhẹ từ vòm cây hắt xào xuống mặt sân.
Tôi đang đứng xớ rớ trước sân chuẩn bị khởi động bài phất thủ liệu pháp thì thấy một chiếc xe máy chạy xộc vào. Trên xe là một người đàn ông nhỏ thó, đầu đội mũ bảo hiểm trùm tai, miệng bịt kín chiếc khẩu trang y tế màu xanh.
Sau một hồi nói qua nói lại thì tôi mới biết ông ta là cán bộ xã, người có trách nhiệm tham gia phòng chống dịch Covid 19, nghe tôi từ Sài Gòn, tức từ vùng dịch về nên ông tới kiểm tra.
“Về hồi nào?”. Ông cán bộ xã hỏi.
“Cả tuần rồi”. Tôi đáp.
“Về cả tuần sao không khai báo, ông nội?”. Ông cán bộ vặn.
“Tôi về lúc chưa phát hiện ổ dịch, chưa có giãn cách xã hội nên không có quy định khai báo”. Tôi đáp và bắt đầu phất tay.
“Hừm. Mà thiệt ông về cả tuần hay mới về bữa nay? Khai thiệt đi”. Ông cán bộ lại to giọng.
Lúc đó ba tôi từ trong nhà bước ra, lên tiếng.
“Nó về cả tuần rồi mà. Bữa tao làm con vịt xiêm nấu chao kêu mày qua nhậu mà mày nói đang tiếp khách dưới biển đó. Đó, nó về bữa đó. Mày quên rồi hả”.
Nghe ba tôi nói vậy, ông cán bộ xã ờ ờ, rồi nói.
“Tình hình giờ căng lắm, có mấy bà đi chợ ngoại tỉnh, giờ người ta cũng bắt vô khu cách ly luôn rồi, chỉ biết gọi điện về khóc thôi. Đi một bữa chợ mà nửa tháng mới về tới nhà. Đừng có mà giỡn mặt”.
Nghe ông cán bộ xã lý luận, tôi cười.
“Ông yên tâm đi. Tôi về đây cả tuần rồi. Và giờ đang tự cách ly tại nhà này, được chưa?”.
Ông cán bộ xã định nói gì đó nhưng rồi quay xe ra, phóng đi. Ba tôi nhìn theo nói.
“Tụi này ăn nhậu phà phà, có sợ dịch giả chi đâu, tụi nó chỉ sợ bị cấp trên khiển trách mà thôi”.
Tôi nhắm mắt, tập trung phất tay, nghe muỗi bay vo ve bên tai, và trong không gian dường như thoảng bay mùi cá đồng kho tiêu. Má tôi đang chuẩn bị bữa cơm tối.
Trong bữa ăn, má nói.
“Sao không gọi thằng Văn qua uống rượu cho vui?”
Bình thường, mỗi khi thấy ba uống rượu, má ghét cay ghét đắng, nhưng mỗi khi có tôi về nhà má lại muốn không khí rôm rả, dẫu tôi có lỡ chén say sưa, má dứt khoát không ngầy. Nhưng tôi giờ uống cũng được mà không uống cũng được. Tôi chăm chú thưởng thức món cá kho của má. Ba tôi nói.
“Đang dịch giả vầy, ai cũng ngại ra đường”.
Má cười.
“Cái con vi rút chi mà lạ, không ai thấy mặt mũi nó ra sao, mà nghe ho cái là chạy mất dép”.
Tôi lại lan man nghĩ. Ngày xưa về quê, mỗi khi muốn tìm gặp ai là tới tận nhà, giờ thì có thể ngồi tại nhà bấm điện thoại. Ở quê giờ cũng truyền hình cáp, cũng facebook, zalo, youtube…; khác gì Sài Gòn đâu. Nhưng sao tôi về gần cả tuần nay, mà không thấy Văn ghé? Ảnh bận gì hay không muốn gặp tôi? Tự nhiên tôi cảm thấy bứt rứt, buồn buồn.
Má tôi nói.
“Thằng Văn, từ ngày vợ mất nó như người mất hồn. Nó không giống như ngày trước nữa. Nếu nó không ghé thì con nên đi thăm nó”.
Má tôi luôn vậy, lần nào tôi về nhà, vừa bước chân vô ngõ là bà đã dặn phải đi thăm người này người nọ. Dù nay đầu tôi đã hai thứ tóc, má vẫn nghĩ tôi là thằng trẻ trâu ngày nào.
Thằng Út nhìn tôi nói.
“Ông Văn giờ nhậu lầy lắm”, rồi nó lại nói “Anh Hai có muốn ăn chim mía rô ti không, em gọi dưới quán xíp (***) lên cho? Chỗ này uy tín lắm”.
Ở quê mình giờ cũng ship đồ ăn như Sài Gòn hả? Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng các món chim chuột thì lâu rồi tôi không đụng tới. Tôi ăn xong trước, ra ngoài hè ngồi châm điếu thuốc. Tôi hút đỡ thuốc lá của ông già vì quên mang theo loại thuốc đúng gu của mình. Tự nhiên tôi thấy thương ông già, cả đời ông chỉ biết xài những thứ rẻ tiền nhất, ngay cả khi có điều kiện để thay đổi thì ông vẫn chọn cái cũ, cái rẻ mà phải là rẻ nhất mới chịu. Ở trong nhà, những thứ cũ kỹ sứt sẹo ông cứ ém giữ lại đó, chẳng biết để làm gì. Nhưng lạ lùng là, nhà tôi ngày xưa sách nhiều vô kể, đụng đâu cũng gặp sách, nhưng giờ không còn một quyển nào, ngoài cuốn Truyện Kiều mà tôi vừa mới mang về.
Dạo sau này, tự dưng tôi đâm khoái lẩy Kiều, có nhu cầu đọc lại Truyện Kiều nên đi đâu cũng cầm theo một cuốn. Trông tôi chắc ẩm ương gàn dở, hay là tôi cũng đã già?
“Thương sao cho trọn thì thương
Tính sao cho vẹn mọi đường, thì vâng”.
***
Phước hẹn gặp tôi vào lúc mười giờ rưỡi sáng tại một tiệm Highland Coffee sân vườn góc phố. Tiệm này tôi cũng đã ngồi vài lần chỗ bàn bên cây khế. Phước đang ở đâu gần đó nên hẹn tôi ra đó cho tiện. Tôi tìm chỗ đậu ôtô rồi đi bộ tới tiệm cà phê. Tâm trạng tôi khá hồi hộp. Tôi cũng không nghĩ mình lại xúc động mạnh như vậy. Đã bao nhiêu lâu rồi chúng tôi không gặp nhau? Chắc cũng gần hai mươi năm. Chừng ấy thời gian là một quãng khá dài cho những đổi thay, xáo trộn, thậm chí là mất mát, tuyệt tích.
Nhưng hai mươi năm cũng như một đoạn phim hai phút, thậm chí là hai giây. Tôi vừa lơ ngơ chân đất trên đường quê đã nện chân giày trên đường phố nhuộm xanh màu kính hắt từ tòa nhà cao tầng và hơi máy lạnh từ trung tâm thương mại tỏa tràn ra như gió mùa đông.
Tôi bước vào quán, đưa mắt quanh quất tìm Phước. Tôi không nhận ra ai trông giống như Phước hết. Tôi lấy điện thoại ra loay hoay bấm. Alô. Có một người đứng lên. Nhưng không phải. Alô. Lại có ai đó đi tới. Cũng không phải. Alô. Lần này thì đúng là Phước. Cô ấy đây rồi, chỉ cách tôi có mấy bước chân.
Sốc. Phải nói là sốc. Nếu hỏi tôi cảm giác của lần gặp lại ấy thế nào thì tôi chỉ có một từ: sốc. Nặng. Không còn chút gì hình ảnh của Phước ngày xưa. Tôi chỉ có thể nói thế. Tôi không muốn mô tả. Tôi không thể làm việc đó. Nhất là sau này, khi Phước vĩnh viễn không còn trên cõi đời này nữa, thì việc nhắc đến dung nhan của Phước lúc ấy, tôi cho là điều xúc phạm. Với tôi, Phước vẫn cứ đẹp như ngày nào. Nhưng lúc ấy phải nói là tôi sốc nặng.
Phước bị bệnh gì đó khá trầm trọng và đang phải điều trị nghiêm ngặt. Lúc này tôi mới nhận ra, cái tiệm Highland Coffee ấy nằm gần một cái bệnh viện rất nổi tiếng. Phước đã đứng đâu đó trên những tầng lầu kia, nhìn xuống phố và tình cờ phát hiện ra cái tiệm cà phê có những cây khế cao lớn này. Và, Phước hẹn tôi ra đó. Số điện thoại tôi Phước có được từ má tôi.
Lần gặp đó, chúng tôi không nói gì nhiều, nói gì cũng thành gượng gạo. Tôi hỏi Phước vô đây với ai? Phước nói với chị Hai. Tôi không biết chị Hai của Phước là ai, cũng chưa gặp lần nào. Chúng tôi gặp lại lần thứ hai, cũng tại quán cà phê đó, lần này thì tôi chủ động gọi cho Phước. Tôi có cảm giác Phước chỉ muốn gặp tôi một lần duy nhất đó rồi thôi. “Dù gì thì cũng vô tới đây rồi, nên nghĩ phải gặp anh”. Phước nói vậy. Ở lần gặp sau, mục đích của tôi là gặng hỏi cho được Phước bị bệnh gì, vì lần trước cô không chịu nói. Bị gặng mãi, cuối cùng Phước mới nói, mắt rớm lệ.
“Em bị ung thư cổ tử cung”.
Tôi không tin vào tai mình. Hèn gì Phước xác xơ như thế. Phước nói chữ “ung thư” một cách rõ ràng, chứ không nói tránh là bị K hay khối u gì cả. Em bị ung thư cổ tử cung. Phước nói. Tai tôi ù đặc. Phước vớt vát một nụ cười. Trong nụ cười vẫn còn ánh nắng, nhưng chênh vênh, lạt màu.
Tôi gặp Phước lần thứ ba, rồi thứ bốn, vẫn chỗ cũ, lần này tôi đưa cho Phước một phong bì trong đó có kha khá tiền. Một trăm triệu đồng. Nhưng, tôi đã rút ra từ xấp tiền đó vài ba triệu gì đó để chi cho một cuộc nhậu. Tức là không chẵn trăm triệu. Tiền từ trên trời rơi xuống. Tiền huê hồng môi giới nhà đất mà tôi tình cờ trúng được. Tôi cho Phước để cô ấy lo trang trải viện phí, thuốc men này nọ. Tôi còn có thể làm được gì cho Phước? Nhưng tôi phải năn nỉ, thậm chí bắt ép, Phước mới nhận số tiền đó. Phước không đếm tiền trước mặt tôi, nhưng nhìn cái phong bì dày cộp, cô ấy đoán là nhiều tiền và trở nên mất bình tĩnh. Nhưng với căn bệnh ung thư, biết bao tiền cho đủ?
Tôi có hỏi thăm Văn, sao anh ấy không vào đây chăm vợ, Phước nói, Văn phải đi dạy rồi lo cơm nước, đón đưa con đi học. Hai vợ chồng chỉ có một đứa con gái, rất hiền và chăm chỉ, học giỏi nhất nhì trường. Tôi nghe vậy thì cũng yên tâm phần nào.
Rồi, một lần tôi gọi cho Phước thì cô ấy nói “Anh Văn đang ở đây”. Tôi cũng muốn gặp Văn, nhưng rồi chỉ nói: “Đừng nói với Văn là anh gửi tiền cho em. Đừng nói với ai hết nghen”. Phước chỉ “Dạ” khẽ rồi tắt máy. Từ lần đó, tôi không gặp Phước nữa. Chúng tôi chỉ liên lạc qua tin nhắn một vài lần nữa rồi thôi. Vĩnh viễn. Không còn thêm một lần nào.
***
Tôi mượn xe gắn máy của thằng Út lên chùa. Thằng Út nói: “Nay quán có vịt nước thui rơm ngon lắm, anh Hai thích thì em gọi họ xíp lên nghen?” Thì ra, bạn thằng Út là chủ quán nhậu, nó biết tôi từ Sài Gòn về nên cứ tìm cách tiếp thị các món đồng quê. Tôi đưa cho thằng Út ít tiền, nói: “Mày mua về nhậu với tụi bạn cho vui”. Nhưng thằng Út cười gượng, nói: “Thôi, em tưởng anh Hai thích, chứ đang dịch giả vầy mà tụ tập ăn nhậu, người ta chửi chết”.
Chùa Minh Hiển đang xây lại trên nền đất cũ, lưng tựa vô vách đồi, mặt hướng xuống cánh đồng. Chánh điện của chùa mới được nâng lên khá cao, từ xa ngoài cánh đồng nhìn lên thấy rất đẹp, mà từ đó nhìn xuống cánh đồng lại thấy toàn cảnh hữu tình. Chùa đẹp, dù còn nhiều hạng mục dở dang.
Trụ trì là một sư cô từ Sài Gòn ra. Duyên khởi từ những chuyến sư cô về đây thăm bạn tu, rồi yêu thích vùng đất này, nên phát tâm làm nhiều việc thiện lành. Giáo hội Phật giáo tỉnh thấy sư cô có tâm thiện lại có năng lực làm việc nên xúc tiến gặp gỡ trao đổi, cuối cùng bổ nhiệm làm trụ trì. Chùa Minh Hiển có trụ trì mới sau nhiều năm không có ai cáng đáng, chùa chỉ là nơi để ngày Rằm ngày Tết các phật tử tụ về như một ngôi từ đường. Nay thì chùa được xây mới và sinh hoạt quy cũ hơn. Hình bóng ngôi chùa là linh khí một vùng đất.
Tôi loanh quanh trong sân chùa. Thấy một chiếc KIA Sorento màu trắng. Đó là xe của sư cô trụ trì. Nghe nói cô rất đẹp, thiện tri thức, nhưng lái xe thì thuộc hàng tay lái lụa. Tôi thấy thú vị. Tôi chụp vài tấm hình gửi qua Zalo cho vợ.
Vợ tôi vài năm nay chuyển sang ăn chay trường và cũng hay đi chùa, dù không phải là phật tử thuần thành.
Lại có chuyện liên quan tới Phước, tôi phải kể nốt, ít ra là cho nhẹ lòng mình, còn lại ai phán xét hay bình tán sao cũng được.
EM THƯƠNG ANH, HÔN ANH. Đó là tin nhắn của Phước gửi cho tôi. Là tin nhắn sau cùng, sau tất cả mọi chuyện. Nhưng thật xui xẻo, tin nhắn trôi đến vừa đúng lúc vợ tôi đang mượn điện thoại tôi để chụp hình mấy cái túi mà cô ấy rao bán online. Dĩ nhiên là vợ tôi không để cho tôi yên. Cô ấy quậy tưng bừng. Tôi không biết nói gì. Cũng may, đó là số mà tôi không lưu vào danh bạ. Dù tôi biết người nhắn tin ấy chỉ có thể là Phước. Cách soạn tin với những ký tự toàn viết hoa. Tôi chống chế rằng, đó chỉ là tin rác. Dĩ nhiên, vợ tôi không bao giờ tin. Cô ấy bấm gọi lại thì bên kia đã tắt máy. Điên tiết, cô ấy lấy bút lông viết số điện thoại lên vách tường, mỗi khi đi làm về nhà cô ấy lại bấm gọi. Nhưng điện thoại vẫn ò í e. Tôi vừa thở phào nhẹ nhõm vừa cảm thấy nặng trĩu trong lồng ngực.
Phước, em sao rồi?
Một hôm tôi thử gọi lại số mà tôi vẫn liên lạc với Phước, nhưng điện thoại câm bặt. Tôi đã thử vài lần trong ngày hôm đó, nhưng vẫn không kết nối được. Cuối cùng tôi soạn một cái tin: EM SAO RỒI? Đó cũng là lần đầu tiên tôi soạn một cái tin toàn những ký tự viết hoa như vậy. Nhưng đáp lại vẫn là sự im lặng.
Chuyện đó rồi cũng dần qua. Cuộc sống bề bộn nơi thành phố làm cho con người ta dễ quên nhiều thứ. Người phố không nhớ dai như người quê. Cho nên người ở phố đi hát karaoke và dùng google nhiều hơn người ở quê rất nhiều lần. Nhưng lúc này, lại có một chuyện xảy ra, khiến chúng tôi rơi vào khủng hoảng. Vợ tôi bị đúng căn bệnh mà Phước đang bị. Dĩ nhiên là vợ tôi không biết, mà tôi cũng không thể nói. Sao lại có chuyện trùng hợp quái đản như vậy được? Tại sao những người tôi yêu thương đều bị căn bệnh này? Tôi suy sụp cùng với những ngày mà vợ tôi phải chống đỡ với bệnh tật.
Cùng với điều trị Tây y, vợ tôi áp dụng thực dưỡng, ngồi thiền. Cuộc sống của cô ấy cũng thay đổi đi rất nhiều. Còn tôi thì vẫn mang cảm giác tội lỗi. Cho nên, từ đó tôi cũng cố tẩy xóa chuyện Phước ra khỏi đầu. Thực ra chúng tôi có gì đâu? Chúng tôi chưa từng hôn nhau. Thậm chí là chưa từng ôm nhau. Chỉ có đôi lần luýnh quýnh dựa vào nhau, khi thân thể vừa chạm vào nhau, vừa hực lên một làn hơi nóng thì đã xô đẩy nhau ra, và chỉ có một lần tôi bạo gan lùa bàn tay vào mái tóc đen dày của Phước. Tôi như vẫn nghe mùi hương bồ kết thoang thoảng đâu đây. Chỉ vậy thôi.
Tin nhắn của Phước, thực chất không phải là tin tán tỉnh yêu đương. Đó là lời tiễn biệt cuối cùng. Về sau này tôi mới biết. Hay là tôi đoán thế. Sau tin nhắn ấy, Phước rơi vào nguy kịch, gần như không còn biết gì về thế giới bên ngoài, ngoài sự đau đớn giằng xé cơ thể. Phước mất vào một ngày nào đó, trong thời gian vợ tôi chống chọi với bệnh tật, còn tôi thì tìm đến cửa thiền.
Sau khi xem hình ảnh ngôi chùa, vợ tôi nhắn “Em cúng dường cho chùa 5 triệu, anh gửi giùm em nhé”. Tôi nhắn lại “Yes”, rồi rời khỏi chùa. Tôi không sẵn tiền mặt trong túi. Tôi sẽ tìm chỗ rút tiền rồi trở lại chùa vào bữa khác. Bất giác tôi giật mình nghĩ: “Không biết tình hình dịch giặc này kéo dài tới bao giờ, đến bao giờ thì cuộc sống mới trở lại bình thường, khi mà trên báo đài người ta vẫn ráo riết truy vết từng bệnh nhân được mã hóa ký tự?”.
***
Văn vẫn không ra nhà gặp tôi, dù biết là tôi đã về. Hay Văn vẫn chưa biết là tôi về? Những ngày này làng quê im vắng quá, ra ngoài đường ai cũng đeo khẩu trang kín mít, thì biết ai là ai?
Tôi phóng xe ra chỗ ngõ chợ, nơi má tôi nói Văn đứng bán hàng quần áo. Tôi phóng ngang qua rồi quành lại, đứng cách đó một khúc ngắn vừa tầm quan sát. Văn đó, vẫn không khác gì mấy, chỉ có gầy và đen đúa hơn xưa. Văn đội cái mũ lưỡi trai xanh, vai khoác một cái loa dành cho người bán hàng rong dạo, như tôi vẫn thấy ở Sài Gòn. Cái loa nhỏ nhưng công suất cực lớn, được nối với cái dây mic gắn ngay trước miệng. Người bán hàng đứng trước ngõ chợ như đang đứng trên sân khấu của mình, vung tay, cất giọng.
“Đi đâu mà vội mà vàng
Dừng chân ghé lại gian hàng áo thun”…
Giọng Văn lảnh lót. Giọng truyền cảm của thầy giáo dạy văn nổi tiếng cả huyện cơ mà.
“Dừng chân ghé lại gian hàng áo thun nam nữ từ Sài Gòn mới về đây bà con mình ơi. Hàng xuất khẩu chất lượng cao, giá cực yêu thương, mua 2 cái được tặng 1 cái khẩu trang y tế, mua 4 cái được khuyến mãi 1 chai cồn sát khuẩn chống dịch nghen bà con mình ơi. Giá cực yêu thương luôn. Đi đâu mà vội mà vàng, dừng chân ghé lại gian hàng áo thun nam nữ chính hiệu Sài Gòn đi bà con mình ơi”…
Tôi suýt phì cười. Văn lại hắng giọng rao, ánh mắt không rõ vui buồn, nhưng giọng rất tốt, đậm chất kỹ thuật.
“Chiều chiều quạ nói với diều
Ở đây có bán rất nhiều áo xinh
Áo trắng thì làm anh say nắng
Áo đỏ chứng tỏ đang yêu
Áo vàng anh mua tặng nàng
Còn áo xanh thì đời long lanh hi vọng”…
Từ sơn đông mãi võ chuyển sang hô lô tô, kết hợp cả ca dao hò vè, thơ thả thính, và ráp Việt. Ôi, thầy giáo giỏi văn trường huyện, anh Văn của tôi. Tôi định giả bộ sắm vai một khách mua hàng để ghẹo anh cho vui. Nhưng rồi sợ bất nhẫn, tôi lẳng lặng quay xe đi.
Ba tôi vẫn là người ham thích đọc sách. Thấy tôi cầm cuốn Kiều về ông lại ôm đọc say sưa. Ông hỏi tôi: “Trong truyện Kiều, con thích câu nào nhứt?” Tôi cười, truyện Kiều có rất nhiều câu hay, nói đúng hơn là cặp thơ hay. Nhưng nếu để chọn ra một cặp hay nhất thì rất khó, vì hay hay dở là còn tùy vào cảnh huống tâm trạng. Cái hay của truyện Kiều là nó ứng vào từng cảnh ngộ, rồi trong cảnh ngộ ấy mà bật ra. Ba tôi cười, mày nói cứ y như thầy giáo dạy văn, chứ như bây giờ thì mày thích nhứt câu nào, đọc thử coi. Tôi ngẫm ngợi giây lát rồi đọc.
“Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”.
Ba tôi gật gù kêu “Hay”, rồi ông lại nói, như nói cho chính mình nghe: “Thời bây giờ nhiều chuyện lạ lùng quá, không giải thích được. Rõ ràng mở mắt mà ngờ chiêm bao”.
Bà nội thấy tôi lại nắm tay xoa xoa: “Cháu con nhà ai? Cháu là bạn của thằng Út à?”. Tôi nghe chỉ biết cười. Bà tôi còn sống đến bao lâu? Tôi rồi sẽ đi, cho tới khi bà mất lại quay về mang di ảnh đi ra ngoài nghĩa địa. Làng quê, lẽ nào chỉ là chỗ để “vội vã trở về vội vã ra đi”(****) mà thôi?
Đêm. Không ngủ được, tôi lấy gói thuốc của ba ra ngoài hè ngồi. Muỗi vo ve. Tôi từ nhỏ tới lớn không bao giờ sợ muỗi, ngủ chẳng bao giờ giăng màn, sáng ra thấy vết muỗi đốt lấm chấm đỏ khắp cả người, ai ngó thấy cũng hoảng. Nhưng tôi chẳng bao giờ sợ muỗi. Tôi không thích nằm ngủ trong màn. Nằm trong màn tôi không thở được. Tôi thích nằm ngủ trên cái giường tre đặt giữa sân, khuya sương xuống lạnh thì kéo mền trùm lại. Ở quê, tiết trời đẹp nhất là vào mùa thu, mát mẻ dễ chịu, ngủ ngoài sân thích lắm. Nhưng vào mùa thu thì sương cũng rơi nhiều nhất trong năm. Sáng nào ngủ dậy, cái mền cũng nặng trịch vì đẫm sương đêm.
Tôi nhớ quê ngày ấy quá. Tôi thấy mình như con đom đóm lập lòe bay lên từ góc vườn tỏa ngát hương ngọc lan.
***
Thấy tôi đi vào sân, Văn không tỏ chút ngạc nhiên, nhưng ánh mắt ấm áp chứ không lạnh lùng như tôi nghĩ.
Văn đang ngồi ngoài hè sửa cái loa. Nhà vắng lặng, không có ai ngoài Văn với con gà mái cùng một đám gà con túc tác kiếm ăn trên sân. Văn đưa cái loa lên đập đập, thử giọng lần cuối, rồi dẹp qua một bên, cười cười.
“Biết ông về mấy bữa rồi mà lận bận quá. Thôi ngồi đây luôn cho mát há, vô nhà oi lắm”.
Tôi gật đầu, ngồi xuống thềm hè. Văn vô nhà rồi trở ra, trên tay cầm hai lon bia lạnh, đưa cho tôi một lon. Tôi luôn thích cái kiểu này. Tôi hỏi: “Con bé đi học à?”. Văn gật đầu.
“Ờ. Nó đi học cả ngày. Trưa đón về nhà ăn cơm xíu rồi chiều đi học, tối lại đi học tiếng Anh tới mười giờ. Ở quê bây giờ tụi nhỏ cũng học thêm không thua gì thành phố đâu, phụ huynh cũng phải đưa đón tối ngày”.
Tôi lén tiếng thở dài. Chuyện này thì tôi biết lâu rồi. Tôi đùa.
“Dạo này nghe nói anh lo làm ăn dữ quá, chẳng thiết tha gì sự nghiệp giáo dục hả?”.
Văn bật cười khà khà, mặt hơi đỏ lên.
“Chu cha, không mợ thì chợ cũng đông mà, giờ còn ai tha thiết văn chương chữ nghĩa nữa đâu. Còn giáo dục thì ông biết rồi, ngoài trời còn có trời, phải làm theo chỉ đạo từ trên ban xuống. Mình cũng đã tới tuổi lơ mơ rồi, nên thôi cứ giãn ra như chúng ta giãn cách xã hội bây giờ cho nó lành”.
Nói rồi, như nhằm trúng cái mạch ngầm tâm sự, Văn lại nói.
“Còn chuyện tôi bán hàng quần áo ngoài chợ chắc ông cũng đã biết. Nhiều người nhìn tôi bằng ánh mắt khinh bỉ lắm. Tôi biết hết. Nhưng đó là điều tôi muốn. Tôi muốn dập xóa hình ảnh mô phạm của mình ngày xưa. Nhưng bằng cách nào? Tôi đâu thể bỏ làng lên phố như ông? Tôi còn phải ở đây với con bé. Năm nay là năm cuối cấp của nó. Tôi cũng phải lo kiếm tiền. Bán hàng thì có gì đâu mà dị?”
Tôi gật đầu. Tôi đồng tình với những suy nghĩ của Văn. Tôi lại nhớ chuyện thầy trò Khổng Tử luận về người tốt, người xấu. Người mà người tốt trong làng đều ưa, người xấu trong làng đều ghét, thì ấy mới là người hay. Chứ yêu hay ghét ở đời cũng vô cùng. Ở Sài Gòn bây giờ chúng tôi cũng phải chân trong chân ngoài, xoay đủ đường mới sống được. Chúng tôi là con cái của những người nông dân vào thành phố với hai bàn tay trắng, với cái ngực trần cái lưng trống, nên phải cày bừa cật lực thôi. Làm gì cũng được, miễn lương thiện.
“Nghe ông già nói, cũng lâu lâu không thấy anh ghé nhà uống trà trò chuyện. Ông già vẫn khoái nghe anh luận chuyện Khổng Tử, chuyện anh hùng với tiểu nhân”.
Văn lại bật cười, hớp mạnh một ngụm bia làm tràn ra ướt cả ngực áo.
“Mọi thứ đều từ hư vô mà ra. Hình như đó là câu của Khổng Tử. Hay là câu của ai đó mà người ta gán cho ông giáo già ấy. Giờ tôi thấy cũng mịt mù. Nhưng tôi hiểu rằng, nếu mọi thứ từ hư vô mà ra thì rồi rốt cuộc cũng về hư vô mà thôi. Nói mãi cũng không để làm gì. Nhưng tôi không ghé vì dạo này bận quá mà thôi. Chứ ra nhà ông, không nói chuyện sách vở với ông già, nói chuyện với bà cụ cũng đủ vui. Người già như trẻ nít. Vui lắm”.
Tôi định hỏi một câu gì đó về Phước, nhưng không sao mở lời được. Cuối cùng, sau khi uống hết lon bia, tôi đứng lên.
“Tui thắp cho Phước nén nhang nghen”.
Văn gật đầu, nhưng vẫn ngồi đó. Tôi đi vô nhà một mình. Bàn thờ Phước đặt ngay gian giữa. Một cái di ảnh màu hơi nhòe, nhưng vẫn gương mặt và nụ cười tỏa nắng ấy. Tôi thắp một nén nhang. Đây là việc mà đáng lẽ tôi phải làm từ lâu. Phước, xin em hãy tha lỗi cho anh.
Khi tôi trở ra thì Văn vẫn ngồi đó. Tôi chào Văn ra về mà anh ta vẫn ngồi đó, đầu hơi chúi xuống như say hay ngủ quên rồi.
Nhưng đêm đó thì Văn chạy xe ra nhà tôi, gọi tôi rồi chở tôi ra một cái quán quen. Chúng tôi, bàn rượu hai người, lặng lẽ uống như quán rượu chui thời bao cấp. Khi thấm say, Văn mới bắt đầu nói cái chuyện mà anh kêu là quan trọng, cần phải nói cho tôi biết.
Thì ra, số tiền tôi gửi cho Phước cô ấy đã không dùng vào việc chữa bệnh mà đưa lại hết cho Văn. Lúc đó, Phước nghĩ mình sẽ chết, không việc gì phải lãng phí tiền bạc, và Phước cũng không biết nói dối, mà nói dối để làm gì, khi ba chúng tôi từng là bạn bè thân thiết. Nhưng Phước sai ở chỗ, khi biết đó là số tiền của tôi đưa thì Văn đâm tự ái, hai vợ chồng căng thẳng với nhau cho đến khi Phước qua đời. Văn đã từng cầm số tiền vô Sài Gòn tính gặp tôi trả lại, nhưng trước khi chết Phước trối rằng hãy để số tiền đó mà lo cho con gái ăn học, đừng tính chuyện bán đất vườn. Phước lại nói rằng, nếu như ngày nào quê mình không còn những mảnh nhà vườn thì Việt sẽ bỏ quê đi luôn. Lời nói chân thật của Phước không ngờ như mũi tên cắm vào ngực Văn.
“Hóa ra, người mà lâu nay Phước yêu là ông chứ không phải tui”. Văn nói, mắt đỏ hoe.
Tôi sững sờ trước câu chuyện Văn vừa kể. Có thật vậy không? Với Phước, trước sau tôi chỉ nghĩ là một mảnh ký ức trong trẻo, đáng phải giữ gìn. Chỉ vậy thôi. Tôi không yêu Phước bằng yêu vợ mình. Tôi có thể khẳng định như vậy.
“Ông là chén rượu, còn tôi chỉ là gáo nước lạnh mà thôi”. Văn lại nói, giọng chua chát.
Tôi không biết nói gì lúc ấy. Tôi tránh nhìn vào mắt Văn. Giọng tôi như lạc đi.
“Tui xin lỗi. Đáng lẽ tôi không nên gặp Phước, đáng lẽ tui không nên ép Phước nhận số tiền đó. Nhưng mà, anh phải hiểu giữa tui và Phước rất trong sáng”…
Văn bật cười, cắt ngang lời tôi.
“Tui biết. Ông không cần phải giải thích. Nếu ông không trong sáng thì còn lâu tui mới để ông yên. Nhưng ông biết tội ông lớn nhất là gì không?”
Tôi lắc đầu. Văn cười gằn.
“Chính cái cách của ông, cái vẻ bề ngoài của ông làm cho Phước hiểu lầm rằng ông yêu cô ấy chân thành. Ông cứ muốn gặt những trái yêu thương chân thật nhưng lại gieo những hạt ái tình vu vơ. Tui nói vậy có đúng không? Ông phải trả lời thành thật, đừng nói dối”.
Tôi hơi ngớ người ra, không rõ là nên cười hay nên mếu? Có lẽ Văn đã chuẩn bị sẵn bài luận tội tôi từ lâu lắm rồi. Anh ta mài những lời sắc như dao để cứa cổ tôi, làm tôi gục xuống, tắt thở. Văn cũng là tay nguy hiểm chứ không phải hạng văn vẻ làng nhàng như tôi nghĩ. Tôi chưa cần lên chùa để gặp sư cô trụ trì thì Văn đã dạy cho tôi bài học thích đáng về nhân quả. Muốn cầm trái chân thật lại gieo hạt vu vơ. Nhưng thế nào là vu vơ, thế nào là không vu vơ khi chúng ta gieo lên trời một nắm hạt?
Bất giác tôi đưa bàn tay mình ra trước mặt rồi nhìn vào nó chằm chằm như tay của ai xa lạ. Sao bàn tay của con người nông dân lại mảnh khảnh, và vân tay ngón cái hiển lộ hình mắt Phật đẹp đẽ?
Văn, ông là thầy giáo dạy văn trường huyện, ông có biết bàn tay nông dân có đặc điểm nhận dạng gì đặc biệt không? Ông đừng nói với tôi là ông không biết nghen. Nếu ông không biết thì tôi sẽ đi hỏi Phước đó nghen. Mà thôi, tôi không làm khó ông nói, tôi say rồi, tôi nói đáp án xong thì về ngủ đây, đêm nay tôi sẽ ngủ trên cái giường ngoài sân, rồi sáng mai sẽ thức dậy với một cái mền nặng trĩu sương khuya.
Nè Văn, ông nghe kỹ đây. Người nông dân không bao giờ chịu ở trong một cái nhà chật chội mà không có sân vườn. Còn bàn tay của người nông dân thì móng tay lúc nào cũng chứa đầy đất đen. Người nông dân thực sự không bao giờ có thể gột rửa hết đất trong các móng tay của họ, trừ khi đó là bàn tay không móng, trừ khi đó là kẻ biếng nhác. Người nông dân lúc nào cũng mang mùi đất vào tận giấc ngủ của mình. Và, cho đến tận giấc ngủ cuối cùng.
Tôi nghĩ rằng tất cả những người nông dân chăm chỉ, lương thiện đều có vân tay mắt Phật. Phật luôn ở trong mỗi chúng ta, những người nông dân lương thiện, ông Văn à.
Đêm đó, tôi ngủ thật say trên chiếc giường tre đặt giữa sân nhà, trong giấc mơ tôi thấy mình hóa thành con đom đóm bay lên vòm trời đêm, rồi tôi thấy cả Phước cả Văn, tất cả bạn bè ấu thơ của tôi đều hóa thành đom đóm làm thành vũ điệu ánh sáng huyền ảo. Chúng tôi bay lên cùng mùi hương đồng nội thơm ngát.
Nhưng, ngay cả trong mơ tôi cũng biết đây chỉ là giấc mơ nên nước mắt cứ tuôn chảy đầm đìa.
Chú thích:
(*) dụt: vứt đi
(**) táu: tếu/ nghịch
(***) xíp: ship hàng/ mang đồ ăn giao tận nơi
(***) lời thơ Thanh Tùng, nhạc Phú Quang.
Quảng Ngãi, 10/12/2020
Trần Nhã Thụy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Giải túc cầu “Sao Kê” Người hâm mộ cả nước đang hào hứng đón đợi những trận đấu của Đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Giải vô địch bóng đ...