Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Thơ Trương Đăng Dung nhìn từ lao động viết

Thơ Trương Đăng Dung
nhìn từ lao động viết

Đối với thế giới, kiểu văn chương dụ ngôn không còn mới nữa, nhưng ở Việt Nam, đang còn ít, chưa được làm quen, chưa mấy thành tựu. Nhà thơ Trương Đăng Dung đã nỗ lực tạo ra vùng thẩm mỹ mới, và tạo ra kiểu bạn đọc mới của mình. Không dám nói tập thơ này của thi sĩ đã vượt tập thơ trước, nhưng chắc chắn một điều: đã khác trước. Không ngừng làm mới chính mình luôn là một thôi thúc thường trực đối với các nghệ sĩ chân chính…
1. Mỗi tập thơ là một nhất quán tư tưởng
Phần lớn các nhà thơ khi dựng tập để xuất bản thường hay gom các bài thơ lại một cách gần như là cơ học, nghĩa là cốt cho đủ bài mà mình dự định; hoặc nếu nghĩ đến ý tưởng xâu chuỗi, thì có khi cũng chỉ dựa vào những lý do vu vơ, không thích đáng, ví dụ theo tuyến tính thời gian, theo thể thơ, chủ đề…Nhưng có lẽ dụng công lựa chọn, sắp xếp tập thơ sao cho nhất quán trong một tinh thần, một tư tưởng – cái mà nhà thơ theo đuổi, tha thiết, sống chết với nó – vẫn là công việc rất khó. Tại sao?
Cái khó thứ nhất, liệu bản thân nhà thơ thực sự có một tư tưởng nhất quán nào đó không? Điều này không dễ. Mỗi người nghệ sĩ được coi là một tác giả thực sự chỉ khi nào tạo ra được một gương mặt tinh thần rõ nét, hiện lên trước người đọc một “bản lai diện mục” độc đáo, không lẫn. Tư tưởng đó là gì? Nó phải là một ám ảnh, một thao thức, một dằn vặt mà người nghệ sĩ bị lâm vào, tự chuốc lấy, hay nói cách khác, là một theo đuổi, một tôn thờ của chính người nghệ sĩ. Tư tưởng này không tồn tại như một mệnh đề lý tính, nhận thức, mà phải chuyển hóa thành cảm xúc nghiệm sinh, phải thường tồn trong đời sống tinh thần của người nghệ sĩ, phải được người nghệ sĩ sống thực với nó. Nó chính là lý tưởng thẩm mỹ, là mỹ học, là cái Đẹp riêng mà người nghệ sĩ có được. Nó quy định toàn bộ sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Xét theo nghĩa này, không hẳn nhiều nhà văn, nhà thơ đã có được một tư tưởng mỹ học như vậy.
Cái khó thứ hai, tư tưởng mỹ học này đến lượt nó lại phải được chuyển hóa, được nhuần thấm vào toàn bộ sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Điểm đến cuối cùng của lý tưởng thẩm mỹ là tác phẩm. Dù tư tưởng có cao siêu bằng mấy, nếu người nghệ sĩ không tạo ra được những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật, thì cũng không có giá trị gì. Tác phẩm chính là nơi lý tưởng thẩm mỹ, tư tưởng nghệ thuật được sống trong một hình hài sống động, trọn vẹn, máu thịt, như một sự sống nghệ thuật đích thực. Xét ra, đây chính là điểm thử thách cuối cùng và quan trọng nhất đối với mỗi một nghệ sĩ. Không có tác phẩm, sẽ không có gì hết. Mỗi tác phẩm là những biểu hiện khác biệt sống động, đa dạng của lý tưởng thẩm mỹ mà nhà văn hằng nung nấu, sống cùng.
Tôi cho rằng, xét trên cấp độ khái quát, với một chút châm chước cần thiết, nguồn thi cảm thơ Trương Đăng Dung, từ tập “Những kỷ niệm tưởng tượng” đến tập “Em là nơi anh tị nạn” có sự dịch chuyển từ trạng thái bất an trước đời sống sang trạng thái khát khao được an trú trong lòng đời sống. Tuy trạng thái sau là hệ quả của trạng thái trước, nhưng trọng tâm có khác: chủ thể trữ tình từ chỗ chịu đựng như một tù nhân đến chỗ tìm kiếm những giải thoát có thể. Đây là hai điểm căn cốt làm nên xương sống của mỗi tập thơ, thể hiện tư tưởng nghệ thuật nhất quán, xâu chuỗi toàn tập, nhất quán trong đa dạng, biểu hiện ở từng thi phẩm.
Một tư tưởng nhất quán trong toàn bộ tập thơ nói lên tính chủ động của người sáng tạo, với ý đồ làm sáng và sắc một tư tưởng, một quan niệm mỹ học đã được lựa chọn. Nó thể hiện ý thức và cách làm có tính chuyên nghiệp của người nghệ sĩ. Nó khác với việc sắp đặt tùy hứng, hoặc lỏng lẻo, thiếu một xương sống tư tưởng cần thiết.
Ở tập trước của Trương Đăng Dung, nhiều nhà phê bình đã định danh: thơ của nỗi ám ảnh thời gian, thơ của những khắc khoải phận người, thơ của những cái phi lý, thơ nói về sự thất bại của cái chết, thơ của ám ảnh hiện sinh, thơ của nỗi cô đơn[I]… Tất cả đều đúng. Nhưng theo tôi, thơ trước hết phải là thơ đã. Mỗi bài thơ phải là một sinh thể nghệ thuật sống động, nó là một sự- sống- thơ. Còn những tư tưởng trên kia là cái bên trong, đằng sau của sự- sống- thơ đó. Xét theo nghĩa ấy, khá nhiều bài thơ trong tập thơ này đạt đến phẩm chất của một sự sống thơ đẹp đẽ, cuốn hút, chinh phục bạn đọc.
Tinh thần thơ ấy vẫn hiện hữu mạnh mẽ ở tập thơ thứ hai này.
2. Sự sống thơ – xúc cảm hóa các ý niệm triết học
Trong tập “Em là nơi anh tị nạn”, tạm hình dung có ba cụm thơ: thứ nhất, cụm thơ tiếp nối tự nhiên những cảm niệm triết luận ở tập “Những kỷ niệm tưởng tượng”, chiếm số lượng nhiều nhất; thứ hai, cụm thơ có tính dụ ngôn, lấy Thiên chúa giáo/Kinh thánh làm nguồn thi cảm và chất liệu; thứ ba, cụm thơ có tính chân dung mà đối tượng của nhân vật trữ tình là các văn nghệ sĩ trên thế giới và trong nước. Một phân chia như vậy rất lỏng lẻo, có tính bề ngoài, ít có ý nghĩa thao tác khám phá thế giới nghệ thuật của nhà thơ. Bởi, cho dù thơ dụ ngôn hay “thơ chân dung” thì tinh thần triết luận về hiện tồn và kiếp người vẫn cứ là một nhất quán, bao trùm.
Đối với mỗi thi phẩm, xét dưới góc độ lao động thơ, có thể nhìn từ hai mối quan hệ: i, giữa tư tưởng thơ và ngôn ngữ thơ; ii, giữa tính triết luận suy tưởng và tính trữ tình nội tâm. Xét theo khía cạnh thứ nhất, nhà NCPB Đỗ Lai Thúy trong bài “Trương Đăng Dung với thơ – thời –gian”[II] cho rằng tư tưởng thơ không thể và không nên có sẵn, mà “tư tưởng đến cùng một lúc với ngôn ngữ. Khám phá tư tưởng cũng là khám phá ngôn ngữ”; rằng “ngôn ngữ thoát khỏi được thân phân công cụ, để có đời sống tự thân, đôi khi tự phát sinh tư tưởng”. Đây là một vấn đề rất cần được lưu tâm. Nhưng dưới góc nhìn lao động thơ, tôi muốn xét theo khía cạnh thứ hai, mặc dù vấn đề không mới. Một bài thơ được gọi là hay phải có sự hòa phối máu thịt giữa những triết luận suy tưởng với trữ tình nội tâm; hay nói khác đi, các tín điều triết luận phải được cảm xúc hóa, thi ảnh hóa để trở thành một chỉnh thể nghệ thuật. Nếu quá trọng triết luận, bài thơ sẽ nghiêng về những ý niệm, mệnh đề, không/ít có khả năng thao túng tâm hồn bạn đọc. Hoặc nếu chỉ trọng cảm xúc không thôi, bài thơ dễ sa vào kiểu thơ giãi bày miên man, lỏng lẻo, thiếu cái cốt dáng cần thiết để bài thơ tựa vững. Một sự hòa phối giữa hai cực ấy sao cho thật tinh tế, mầu nhiệm, thiết yếu phụ thuộc vào tài năng của người nghệ sĩ. Tôi muốn phân biệt hai cặp chữ: “suy niệm” /”suy nghiệm” với “cảm niệm”/ “cảm nghiệm”. Những suy niệm, suy nghiệm nằm ở tầng lý tính, thuộc về thức nhận duy lý. Chỉ khi nào chúng được cảm xúc hóa, tức được biến thành “cảm niệm” “cảm nghiệm”, khi đó mới đạt tới tính thơ, mới trở thành thơ theo nghĩa nghiêm nhặt nhất của từ này[III].
Với tinh thần ấy, tôi yêu thích những bài như: Tin nhắn cho em, Hai chuyến tàu, Ác mộng, Một lần nữa, Bà và cháu, Lên cao, lên cao; Trên bàn mổ, Giấc mơ của con, Trong quán café Piano; Đối thoại, Tô Thùy Yên, Bên mộ một nhà thơ; Những nẻo đường Budapest, Lưu ý, Tự bạch. Tất cả có sự điều hòa khá thông suốt và nhuần nhuyễn hai cực cảm xúc và lý tính, đặc biệt với 5 bài thơ đầu trong dãy liệt kê này. Bằng trí tưởng tượng phong phú và độc đáo của mình, nhà thơ đã hình dung một quan hệ đôi lứa, ở đó người đàn ông và người đàn bà được ví như hai con tàu “không cùng xuất phát”, không đến được ga cuối cùng, tàu anh đổ vỡ trên hành trình, trở nên hoang phế; số phận tàu em cũng không hơn, hư hoại, tàn phai; tất cả chỉ còn lại “Thấp thoáng bóng người/trong cỏ”, như một lưu ảnh mơ hồ của ký ức trước khi bị xóa trắng. Bài thơ gói ghém một suy tưởng có tính triết học: sự cô đơn vĩnh cửu của kiếp người đi cùng với sự tàn phai, hư hoại không thể trì níu, chống đỡ. Ý tưởng có tính triết học này tan nhuyễn vào hệ thống thi ảnh: con tàu, bụi, đồng cỏ, tiếng côn trùng, mối. Trong toàn bài, chỉ một chữ duy nhất có tính suy nghiệm triết học trực tiếp, đó là từ “cô đơn” (con tàu như nỗi cô đơn của bóng đêm), nhưng đã bị nhiễm từ trường của cảm xúc tổng thể. Toàn bài dựng lên một khung cảnh hư hoại, tàn phai không thể đảo ngược của những kiếp người, rộng ra là toàn bộ sự sống này. Nhờ thao tác cảm xúc hóa các suy niệm triết học bằng thi ảnh, tình điệu, bài thơ có khả năng thấm sâu vào tâm hồn người đọc. Như một ngụm nước mát, lan tỏa, dư vị.
Tôi muốn nói thêm về bài thơ “Một lần nữa”.  Thoạt đọc, cứ ngỡ đó là bài thơ tình. Nhưng ngẫm kỹ, hóa ra không hẳn. Điều này khá giống với nhiều bài thơ khác trong tập trước. Trương Đăng Dung không có thơ tình, hiểu theo nghĩa thông thường. Dĩ nhiên trong mỗi bài thơ vẫn rất nhiều yêu, nhớ, bản năng tính dục, nhưng nhà thơ không bao giờ dừng lại ở những cảm xúc có tính luyến ái đó, mà luôn đẩy lên bằng một/vài cảm nhận cay đắng về sự sống vốn rất diễm tuyệt. Đang nồng nàn những tiếng yêu hổn hển, tự tin, rất đàn ông, bỗng lẻn vào một bừng ngộ triết luận: “Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa/để kéo dài sự sống/anh vẫn muốn bị lừa/để chiếm chỗ bóng đêm/để có em vĩnh viễn!” (Anh chiếm chỗ bóng đêm – [Những kỷ niệm tưởng tượng]). Hay trong bài thơ “Anh không còn gì ngoài em” đứng cùng tập cũng vậy, đang tha thiết những vỗ về, an ủi ăm ắp yêu thương, bỗng cảm niệm triết luận dội cho một gáo nước lạnh ở phần kết: “Anh không còn gì ngoài hai bàn tay em/vuốt lên tóc anh trước cả ánh mặt trời/thời gian rơi/qua từng kẽ ngón tay em vất vả/không giữ được đâu em/anh nghe ngày một gần hơn tiếng lũ quạ”. Hầu hết những bài thơ kiểu như vậy mang thân xác thơ tình, nhưng hồn vía là một đắng cay triết luận. Đó là những vần thơ đi ra từ cách phục hiện cuộc tình, ngẫm về cuộc tình, chứ không phải biểu đạt một cuộc tình đang là. Cũng phải thôi, nếu đang là, có ai lại đi làm triết học!…Trở lại với thi phẩm “Một lần nữa”, nhân vật trữ tình tự đẩy mình vào giới hạn cuối cùng của thân phận: cái chết, dùng cái chết để đo mình, đo người. Hắn thấy “giới hạn” của kiếp người. Hắn thấy sự vô nghĩa của kiếp sống. Hắn dào lên nỗi thương xót người bạn chiếu chăn. Hắn tự giày vò. Bài thơ căng nhức một niềm sám hối, phả vào tâm can người  đọc những ngẫm ngợi về phận vị, về vị thế làm chồng/làm vợ, về công cuộc làm người trên mặt đất này. Hắn muốn ngả đời mình vào một an trú. Nhưng xem ra cũng hoàn toàn vô vọng…Bài thơ làm tan biến các suy niệm, suy nghiệm để trở thành cảm nghiệm trong từng câu chữ, thi ảnh, thi điệu. Một bài thơ như vậy, khó có thể nói là một bài thơ tình đơn thuần. Quảng tính hơn, sâu rộng hơn, đó là “nỗi khắc khoải phận người” phổ quát. Bài thơ giữ được cái chắc vững của cảm niệm triết học trên cao mà vẫn xanh rờn sự sống nơi mặt đất với những dung dị yêu thương vấn vít thường ngày.Tôi phải lòng những bài thơ như thế. Trong tập thơ “Em là nơi anh tị nạn” có hơn một nửa những bài thơ tầm vóc như thế!
3. Giới hạn và tự vượt: thơ dụ ngôn[IV]
Trong con người Trương Đăng Dung, cùng lúc tồn tại hai tư cách: một nhà thơ và một nhà nghiên cứu, một trí thức thực thụ. Những tri thức của ông không dừng lại trong địa hạt chuyên ngành, mà được mở ra trong tính liên ngành, cùng với văn học là triết học, đặc biệt là triết học nhân bản, triết học ngôn ngữ/ văn hóa. Các tri thức mang tinh thần triết học đó đã tham gia điều hành, chi phối công việc làm thơ. Nhờ vậy, như trên kia đã nói, nó làm cho thơ ông có phẩm chất triết luận, mỗi bài thơ đều khai triển, gợi ý một/vài khía cạnh nào đó về bản thể, thời gian, cái chết, sự vô nghĩa, tính phi lý, tự do…Có những trường hợp, tính triết luận mạnh đến nỗi đoạt quyền điều hành, lấn át những cảm xúc và chất liệu trực tiếp. Tôi muốn nói đến chùm thơ dụ ngôn (Sách của Giona, Sách của Gióp, Sách của Aylan Kurdi), hoặc bài “Sự phản bội ngọt ngào”. Ở các bài thơ này, quyền điều hành và tổ chức sáng tạo chủ yếu nhờ vào lý tính, lý tính quy định sự lựa chọn ngôn ngữ. Theo đó, như một trả giá, tính thơ bị suy giảm ít nhiều. Các câu thơ công khai đảm nhiệm những ý niệm có tính mệnh đề của triết học hiện đại được gợi lên từ Kinh thánh, hoặc được rút ruột từ các nhà văn – nhà tư tưởng như Kafka, Dostoievxky, hay từ các nhà triết học hiện sinh, triết học ngôn ngữ khác như F.Nietzsche,  M.Heidegger, Arthur Schopenhauer… Bài “Sự phản bội ngọt ngào” chính là sự cô lại bằng hình thức thơ cái tư tưởng cốt lõi của lý thuyết tiếp nhận văn học mà nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung là một chuyên gia. Trong các trường hợp này, mượn cách nói của Chế Lan Viên, tác giả đã  “làm thơ”, chứ không phải “bị thơ làm”. Tuy nhiên, bạn đọc cũng rất nên làm quen với dạng thơ dụ ngôn này, nhất là trong bối cảnh thơ hiện nay phần lớn đang lạm dụng cảm xúc, với những tỏ bày, phô diễn miên man, thiếu máu của tư tưởng.
Tôi nhớ ở đâu đó, có lần nhà NCPB Chu Văn Sơn  nói rằng, xét trên đại lượng lớn, có những tác phẩm văn chương được cất lên từ đời sống, và có những tác phẩm được cất lên từ văn hóa. Xét theo nghĩa ấy, chùm thơ dụ ngôn của Trương Đăng Dung (kể cả một số bài có cội nguồn cảm hứng từ một số nhà văn) chủ yếu được cất lên từ văn hóa: các tri thức bác học. Đây là một hướng tìm tòi mới mà ở tập thơ trước mới chớm phát lộ (Giấc mơ của Kafka, Đêm ở Roma, Nơi thi sĩ đến). Theo lý thuyết tiếp nhận, nhà văn khi sáng tạo, cùng lúc vừa thỏa hiệp độc giả, vừa có khả năng tạo ra độc giả. Hy vọng những bài thơ theo hướng tìm tòi này sẽ có khả năng đủ mạnh để tạo ra độc giả, nhóm độc giả riêng. Đối với thế giới, kiểu văn chương dụ ngôn không còn mới nữa, nhưng ở Việt Nam, đang còn ít, chưa được làm quen, chưa mấy thành tựu. Nhà thơ Trương Đăng Dung đã nỗ lực tạo ra vùng thẩm mỹ mới, và tạo ra kiểu bạn đọc mới của mình. Không dám nói tập thơ này của thi sĩ đã vượt tập thơ trước, nhưng chắc chắn một điều: đã khác trước. Không ngừng làm mới chính mình luôn là một thôi thúc thường trực đối với các nghệ sĩ chân chính.
Tôi muốn nói thêm điều này: làm thơ như tác giả Trương Đăng Dung tốn rất nhiều năng lượng. Mỗi bài thơ, câu thơ kết tinh nhiều chất nghĩ, vốn liếng học thuật, nghiệm sinh đời sống và văn hóa, nghiệm sinh mỹ học và thơ ca, lao động viết cật lực, thậm chí hành xác; tự chịu trách nhiệm cao, tôn trọng bạn đọc…Nó rất khác với thơ thuần cảm xúc, thơ chỉ ăn nhờ vào năng khiếu, thơ mang tính “bản năng”, thơ của người không biết đến hoặc coi thường những tri thức đỉnh cao của nhân loại. Dĩ nhiên, chỉ nhờ vào tri thức không thôi, không hẳn đã có thơ. Một tri thức sâu rộng là điều kiện cần, rất cần để đi xa, không bị hụt hơi, và nhất là không để các sáng tạo thơ bị sa vào vũng lầy của sự tầm thường. Suy cho cùng, sáng tạo nghệ thuật, điều kiện tối thượng để đảm bảo cho sự thành công chính là ở tài năng. Cả vốn tri thức do dù lớn lao đến mấy, cả trực giác, cảm xúc bén nhạy bằng mấy, nếu không đi qua lò luyện đan tài năng sẽ không thể có tác phẩm hay được.
Trong những ngày này, con người đang lâm vào trạng thái bất an, đau đớn bởi thiên tai, nhân tai, những thứ đang hùa nhau hủy hoại sự sống, thơ Trương Đăng Dung thực sự là một cộng hưởng chiều sâu đối với đời sống tinh thần xã hội.
Có ai và ở đâu có thể trở thành địa chỉ an trú cho muôn kiếp nhân sinh?.
Chú thích:
[I] Xem các bài phê bình được tuyển in trong tập “Những kỷ niêm tưởng tượng-Tác phẩm và dư luận”, Nxb Văn học, 2014.
[II] Lời giới thiệu tập “Những kỷ niệm tưởng tượng”, Nxb Thế giới, 2011
[III] Hai từ “suy niệm” hay “suy nghiệm” (tương tự “cảm niệm” và “cảm nghiệm”) đôi khi được sử dụng cùng nghĩa, nhưng thực ra sắc thái nghĩa có khác: “niệm” gần với khái niệm, kết quả của ý thức; còn “nghiệm” tức là đã được sống trải, nghiệm sinh; “nghiệm” đạt đến chiều sâu và bền vững hơn “niệm”. Nói về thơ Trương Đăng Dung, tôi thấy dùng cặp chữ “cảm niệm/cảm nghiệm” thích đáng hơn.
[IV] Tôi hiểu khái niệm dụ ngôn hơi khác với nhà NCPB Trần Hoài Anh trong bài “Trương Đăng Dung và cảm thức triết luận trong sáng tạo thi ca”. Ông dẫn: “Theo Từ điển và Danh từ triết học do Trần Văn Hiến Minh, Tiến sĩ triết học, Nguyên Giảng sư Đại học Văn khoa Sài Gòn biên soạn thì Dụ ngôn (parabole) là “kiểu nói so sánh đi từ một truyện có thực để diễn tả một chân lý cao siêu”. Dựa vào ý này, ông cho rằng toàn bộ tập thơ thứ hai này của Trương Đăng Dung đi theo thi pháp dụ ngôn. Tôi thì cho rằng thơ dụ ngôn chính là kiểu thơ dựa vào các điển phạm đã ổn định trong văn hóa, tôn giáo nhân loại để cùng lúc hòa phối hai tầng thi liệu mang tính khái quát và cụ thể vào tác phẩm một cách có hiệu quả nghệ thuật (Xem bài “Dụ ngôn”, Người dịch: Lã Nguyên – Nguồn: Поэтика//Словарь актуальных терминов и понятий.- Изд. Кулагиной, Intrada.- 2008. Cтр. 187-188 [Tài liệu cá nhân].
Hà Nội, 14/10/2020
Văn Giá
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Công chứng chốn xa xôi Thơ Lê Tuân luôn ở khoảng giữa. Giữa cái ngỡ như không nắm bắt được và cái nắm bắt được. Giữa thực và hư. Giữa đờ...