Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Cả một đời bà chỉ đủ để yêu một người

Cả một đời bà chỉ
đủ để yêu một người

Tôi từng hỏi bà nội rất nhiều lần về nguyên nhân tại sao bà không tái hôn, vì lúc ông nội mất bà vẫn còn rất trẻ. Nhưng bà chưa từng nói rõ với tôi hay bất cứ ai trong gia đình về nguyên nhân đó, bà chỉ nói cho qua loa rằng… mình đã qua một đời chồng ai mà muốn lấy! Khi tôi đủ lớn, tôi mới hiểu được vì cớ gì mà bà chẳng đi thêm bước nữa…
Khi tôi chào đời, ông nội tôi đã không còn nữa. Ông đã mất vào những năm bảy mươi khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam diễn ra ác liệt. Ông mất để lại một người vợ góa chồng ở tuổi 25 là bà tôi cùng với ba đứa con nhỏ, lớn nhất cũng chỉ vừa lên năm, nhỏ nhất còn chưa kịp chào đời. Nhưng hình ảnh về người ông nội là một chiến sĩ bộ đội cụ Hồ vẫn luôn được viết đi viết lại trong những trang nhật ký ngày tôi còn thơ bé.
Quê tôi ở xứ dừa Bến Tre. Tôi lớn lên không phải bằng những câu chuyện có tích có ông bụt, cô tiên mà những đứa trẻ khác vẫn hay được bà mình kể cho nghe. Tôi lớn lên bằng những ký ức đầy mưa bơm lửa đạn thời đất nước mình còn chinh chiến qua lời kể của bà nội. Bà kể…
Năm bà lấy ông, bà chỉ mới tròn 18 tuổi. Bà hay nói đùa, lúc đi hỏi cưới bà ông chẳng có gì cả, chỉ là một chàng thanh niên tay trắng, ông bà cố thấy vậy nên không cho nhưng bà vẫn nhất quyết đòi… bỏ nhà theo ông. Lúc đã về một nhà thành vợ thành chồng, ông với bà một ngày làm đến ba bốn công việc từ cấy lúa thuê, gánh lúa đến bốc vác, bắt đầu từ lúc gà chưa kịp gáy đến khi về trời đã vào đêm.
Làm lụng vất vả cả hai năm trời cũng xây đựng một cái nhà nhỏ, nhưng chưa được bao lâu ông lại có giấy gọi nhập ngũ. Thời ấy có giấy gọi là phải đi, đi rồi cũng chẳng biết được ngày về. Bà tôi khóc suốt mấy đêm liền, nhưng cũng chỉ khóc thôi chứ chẳng làm gì khác được. Ngày ông nhập ngũ, bà gói ghém đồ đạc ông mang theo, bà đưa cho ông một chai dầu gió phòng khi ốm đau, đưa cho ông một ít tiền dằn túi phòng khi cần đến, đưa cho ông một cái khăn tay giữ đó làm tin.
Sau khi nhập ngũ ông biệt tích suốt một năm trời không thư từ tin tức. Ba tôi khi ấy chỉ mới tròn một tuổi, bà vừa phải di làm kiếm sống vừa phải chăm con. Bà hay nhắc với tôi về nguyên nhân vì sao ba tôi lớn lên đen nhẻm đó là vì những ngày điệu bà cha trên lưng đi cấy lúa. Đến khi ông về, cha tôi đã chập chững biết đi. Bà không kể nhiều về cảm xúc của bà khi lần đầu ông về thăm nhà, nhưng tôi có thể hình dung sự vỡ òa của bà lúc đó. Tuy nhiên, lần ông về này chỉ ở được vài hôm rồi lại vào chiến khu tiếp tục hoạt động, và ông vận động bà trở thành “mẹ nuôi” cho giao liên, cũng để tiện cho ông liên lạc về nhà.
Rồi ông lại đi tiếp. Bà ở nhà vừa nuôi dạy con thơ, vừa nuôi giao liên, vừa cày cấy, có những lúc mất mùa, lúa gạo ở nhà không có, đói khổ phải lấy khoai thay cơm. Vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân giặc đi khắp nơi lùng sục những người làm cộng sản trong đó có cả ông tôi. Chúng kéo đến nhà mỗi ngày, đánh đập, tra hỏi bà xem ông có về không, bắt bà phải khai ra chỗ ở của cộng sản, nhưng bà tôi nhất quyết không hé nửa lời.
Dù đã trôi qua hơn bốn mươi năm nhưng những vết tích bà tôi bị giặc hành hung vẫn in đậm trên khắp thân thể bà. Mắt cá chân của bà đã bị địch dùng bán súng đập nát. Vai bà bị chúng dùng dao găm rạch lên… Ánh mắt bà khi nhắc lại những nỗi đau xé da cắt thịt ấy vẫn không có chút gì dao động và sợ hãi.
Bà tôi cam chịu như thế suốt mấy năm trời. Bà nói “bà không sợ bị chúng đánh đập, bà chỉ sợ ông không về nữa”. Vậy là nỗi sợ của bà cũng đã xảy ra. Cái ngày hòa bình lập lại, cả nước chung một niềm vui chiến thắng thì bà nhận tin ông đã hy sinh ở chiến trường. Suốt mấy năm ròng rã đợi chờ, từng ngày mong ngóng, thứ cuối cùng bà nhận lại chỉ là một tờ giấy báo tử của ông. Tôi chẳng biết lúc ấy bà đã tuyệt vong như thế nào, bà có khóc nhiều không, nhưng tôi chắc rằng khi nhắc lại về nỗi đau ngày đó lòng bà vẫn chưa nguôi ngoai.
Tôi từng hỏi bà nội rất nhiều lần về nguyên nhân tại sao bà không tái hôn, vì lúc ông nội mất bà vẫn còn rất trẻ. Nhưng bà chưa từng nói rõ với tôi hay bất cứ ai trong gia đình về nguyên nhân đó, bà chỉ nói cho qua loa rằng… mình đã qua một đời chồng ai mà muốn lấy! Khi tôi đủ lớn, tôi mới hiểu được vì cớ gì mà bà chẳng đi thêm bước nữa.
Bà tôi có nếp sống rất kì lạ. Mỗi sáng uống trà bà đều chuẩn bị hai cái ly. Mỗi bữa ăn đều có một cái chén và một đôi đũa để sẵn trên bàn. Sau này ba nói tôi mới biết bà vẫn luôn chuẩn bị cho ông, mấy chục năm trời như thế lại thành thói quen. Xung quanh nhà, bà tôi trồng rất nhiều đậu rồng, nhưng nhà tôi chẳng ai thích ăn nó ngoại trừ ông, đến giỗ ông mỗi năm đều có một món đậu rồng xào tóp mỡ. Mấy chục năm qua đi, nhưng những món đồ của ông lúc sinh thời bà vẫn giữ nó nguyện vẹn như mới. Từ cái nón cối ông đội đi hành quân, đến đôi dép râu ông mang ra chiến trận, tất cả đều được bà cất giữ cẩn thận trong một chiếc tủ kính. Bà tôi rất hay nói “ông con thích cái này, ông con thích cái kia” nhưng ít khi nào tôi nghe thấy bà nói thích một thứ gì. Lúc đó tôi lại dường như hiểu ra, bà không phải đang sống cho cuộc đời bà, mà chính là bà đang sống cho cuộc đời của ông tôi.
Đôi lúc, tôi thật sự không hiểu, rốt cuộc bà tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ như thế nào để có thể vượt qua được những năm tháng nghèo đói, một thân một mình nuôi con, làm hậu phương vững chắc cho chồng ra chiến trận? Rốt cuộc bà yêu chồng thương con đến đâu mới còn thể cam chịu làm một kiếp góa phụ suốt hơn nửa đời người phụ nữ như thế? Nhưng đến khi bà mất tôi cũng thật sự hiểu được rồi.
Trước lúc lâm chung, bà không trăn trối gì nhiều, bà chỉ dặn hãy chôn cất bà cùng với đồ đạt của ông, dặn rằng đến giỗ ông thì làm gì cũng được nhưng phải có món đậu rồng xào tóp mỡ ông thích. Đến lúc mất đi, dường như trong lòng bà vẫn chỉ có ông, dường như tình yêu của bà dành cho ông, cả một đời người vẫn không đủ!.
10/11/2021
Cao Thị Thúy Quyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Giải túc cầu “Sao Kê” Người hâm mộ cả nước đang hào hứng đón đợi những trận đấu của Đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Giải vô địch bóng đ...