Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Có người giành ở lại thế gian

Có người giành ở lại thế gian

Bà giành với ông nội sự sống để lo chu toàn mọi thứ. Bà giành sống vì sợ nếu bà đi trước sẽ không ai nấu ăn cho ông nội. Bà giành sống vì sợ ông khó tính sẽ không có ai đến giảng hòa. Bà giành sống vì sợ bà mất đi ông nội sẽ không nén được đau thương. Bà tôi vẫn giành giật sự sống từ tay thần chết từ xưa đến bây giờ…
Năm tôi còn nhỏ, vào một ngày trời chuyển lạnh, tôi cùng ba ngồi xem thời sự Đài Truyền hình Việt Nam. Trên tivi người ta chiếu hình ảnh hai bộ xương người đang ôm nhau. Theo kết quả giám định, hai bộ xương được phát hiện gồm một nam, một nữ. Người ta chưa xác định được chính xác hai bộ xương ấy đã nằm ở sa mạc bao lâu.
Phần tin tức điểm qua một cách nhanh chóng. Tự dưng, nỗi lo sợ không tên bỗng bắt đầu dậy sóng dạt vào lòng tôi. Không hiểu sao ký ức về bản tin ấy vẫn theo suốt tôi mãi đến bây giờ. Đó là một sự kiện đánh dấu ngày mà tôi biết cái chết thực sự có tồn tại. Ngày ấy tôi vẫn chưa lên 5 tuổi.
Từ đó, ý niệm về cái chết dần hình thành trong tôi, chúng chẳng còn mơ hồ nữa. Không nhờ ai giải thích tôi tự cảm nhận được nó một cách rõ ràng. Hoặc có lẽ là do sự tác động từ những câu chuyện của bà nội khiến tôi không còn cảm thấy mơ hồ.
Năm 24 tuổi bà gặp ông nội tôi thông qua cuộc mai mối. Ông bà tôi yêu nhau, cưới nhau, sống với nhau cho đến tận bây giờ. Tuyệt nhiên trong ký ức của tôi, ông bà nội chưa bao giờ cãi vã to tiếng. Mỗi khi ông nội tôi nóng giận, bà lại nói ít lời hơn. Mỗi khi bà tôi hơi nhiều lời, ông nội tìm cách lảng đi chỗ khác.
Ông bà tôi đã cùng nhau về chung một nhà được hơn nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian đó, vì chiến tranh xảy ra quá khốc liệt nên có đôi lúc ông bà đã phải chia xa. Thời đạn bom khói lửa, tưởng chừng cái chết đã xít lại gần với bà nội tôi trong gang tấc. May mắn thay, thần chết đã chưa gọi đến tên bà. Có lẽ thế hệ trẻ chúng tôi xem hòa bình là điều hết sức hiển nhiên. Chỉ có thế hệ cha ông đã trải qua, họ mới hiểu chiến tranh khốc liệt đến chừng nào. Bà nội tôi thường nằm trên võng đu đưa ca ngợi về hòa bình, dù đất nước đã thống nhất gần nửa thế kỷ.
Chiến tranh đã cướp đi rất nhiều người thân của bà tôi. Bà kể với tôi rằng bà vẫn nhớ như in về cái chết của từng người một. Hình ảnh về cái chết ấy luôn đeo bám trước mắt, một thước phim được bày ra trước mặt buộc bà phải xem nó.
Ngày đó ở trong nhà mà chẳng dám nằm ngủ trên giường. Ăn cơm xong cả gia đình chui xuống hầm để đề phòng đạn lạc. Có lần, vì chủ quan bà tôi nằm trên giường ngủ thiếp đi, thấy ngọn đèn dầu leo lét sáng, lính cộng hòa nghĩ đó là những người lính cộng sản nên xả súng liên tiếp vào nhà tôi. Đạn bay xuyên qua cánh cửa sổ, ghim thủng vào thanh giường. Nếu viên đạn lệch đường bay rất có thể bà tôi đã chẳng thể đón sinh nhật ở tuổi 20.
“Ngày 8.1.1968, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Khu 6 nhận được quyết định và mệnh lệnh của Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền về việc chuẩn bị bước vào “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” theo tinh thần Nghị quyết tháng 1-1968 của Bộ Chính trị. Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Khu 6 hạ quyết tâm, phối hợp với toàn miền thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, đánh vào các thị trấn, thị xã, khu vực quan trọng của đối phương; trong đó, tập trung đánh dứt điểm hai thị xã lớn là Phan Thiết và Đà Lạt mà Phan Thiết là trọng điểm số một”.
Tết Mậu Thân năm 1968, quân ta tiến công vào Phan Thiết, lúc bấy giờ còn là thị xã chứ chưa lên thành phố. Bà nội cùng bà cố tôi phải gom hết tất cả đồ đạc gạo thóc đặt chúng lên đôi giống rồi gánh đi chạy giặc. Không chỉ nhà tôi chạy, cả xóm đều chạy. Cả đoàn người chạy sang một xã của Huyện khác. Tàu bay của giặc “quần” trên đầu, bà tôi chạy ở dưới cùng nhiều người khác. Người gánh gạo, người gánh con, người gánh mẹ già chạy khỏi tiếng súng. Tiếng súng ở hướng Bắc bà tôi lại chạy về phía Nam, cứ thế cả đoàn người chạy mãi. Ngày đó, tiếng súng còn to hơn cả tiếng pháo, nhiều người lầm tưởng đó là âm thanh rộn rã chào đón năm mới sang. Chẳng ai nghĩ đến nó chính là “âm thanh rộn rã” của bi thương.
Bùng! Có hai mẹ con giẫm phải mìn chết ngay trước mặt bà tôi. Khi ấy bà tôi chỉ chạy kém hai mẹ con xấu số một bước chân. Sững người lại, phần vì quá sợ, phần vì quá thương. Bà tôi bật khóc! Nhiều người khác cũng bật khóc. Mùi máu tươi nhuộm khắp. Nhưng ai cũng cần phải chạy tiếp. Họ cố mang nỗi đau thương cùng chạy đi dù chẳng biết đích đến. Chạy để tìm cho mình một nơi trú ngụ an toàn. Chạy để sống. Còn sống là còn hi vọng. Có lẽ khi đối diện nhiều với cái chết người ta sẽ trân trọng sự sống. Bà cũng đoàn người di tản cứ thế chạy ngược về lối cũ chẳng dám đi sai lối cũ một bước chân nào. Cái chết khi nãy như một lời đe dọa nhấn chìm tất cả mọi người, khiến con người ta cẩn trọng từng giây từng phút. Trên đường chạy về lối cũ, bắt gặp nhiều xác chết, bà tôi cũng chỉ biết nhắm mắt chạy qua.
Cây bút trẻ Nguyễn Thị Khánh Tuyên ở Phan Thiết – Bình Thuận
Bà may mắn sống sót trong trận chiến ấy để đối diện với nhiều lần cận kề cửa tử về sau. Phước lớn mạng lớn bà tôi vẫn còn khỏe mạnh đến tận bây giờ. Kí ức về cái chết vẫn hằn sâu trong tâm trí bà, như một vết sẹo vĩnh viễn chăng chẳng thể xóa mờ. Nó hằn sâu đến nỗi bà có kể đi kể lại bao nhiêu lần đi chăng nữa thì cảm xúc vẫn nguyên vẹn cứ như đây là lần đầu tiên bà nhắc về câu chuyện ấy. Bà tôi chứng kiến cũng như đối diện với nhiều cái chết hơn thế. Chỉ là không biết tại sao bà cứ kể mãi câu chuyện vào năm 1968. Và tôi cũng chưa bao giờ hỏi bà tại sao.
Bà bảo tôi, tâm nguyện của bà trước khi mất là muốn thấy con của tôi chào đời. Tôi chẳng biết mình có thể hoàn thành tâm nguyện đó hay không? Hồi trước bà cố tôi cũng thế, bà cũng muốn thấy con của ba tôi ra đời mới ra đi nhưng tâm nguyện đó đã không thể thành hiện thực. Chiến tranh đã cướp đi những người thân những người bạn của bà nội. Vì vậy trong tâm tưởng của người già, chính là bà tôi, cái đỉnh sự thành công trong cuộc đời của con người không phải chúng ta sẽ có thật nhiều tiền, mà là lập gia đình rồi sinh cho mình những đứa con, để chẳng phải cô đơn nữa.
Và một ước ao lớn lao hơn cả, bà tôi mong bà sẽ đi sau ông nội. Bà giành với ông nội sự sống để lo chu toàn mọi thứ. Bà giành sống vì sợ nếu bà đi trước sẽ không ai nấu ăn cho ông nội. Bà giành sống vì sợ ông khó tính sẽ không có ai đến giảng hòa. Bà giành sống vì sợ bà mất đi ông nội sẽ không nén được đau thương. Bà tôi vẫn giành giật sự sống từ tay thần chết từ xưa đến bây giờ. Nhưng liệu bà có giành được với ông nội tôi hay không? Tôi chẳng còn muốn biết.
Chúc ông bà luôn mạnh khỏe. Con yêu ông bà nhiều lắm!.
11/11/2021
Nguyễn Thị Khánh Tuyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm truyện ngắn của Y Nguyên Nếu như Phố núi mù sương chỉ đơn giản là một chuyện tình. Một mối tình ngang trái, thì ở truyện thứ hai, Đ...