Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Khái Hưng - Những ngày tháng cuối

Khái Hưng - Những ngày tháng cuối

Khái Hưng khép lại cuộc đời hoạt động báo chí của mình sau khi tờ Việt Nam bị đóng cửa. Những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp báo chí của ông là vở kịch “Khúc tiêu ai oán” đăng nhiều kỳ trên tờ Chính Nghĩa từ số 21 (ngày 28.10.1946) đến số 28 (ra ngày thứ hai 16.12.1946). Trước đó là truyện ngắn “Tiếng người xa” đăng trên tuần báo Chính Nghĩa số 20 ngày 21.10.1946.
Chúng ta sẽ không nói đến Khái Hưng lừng lẫy thập niên 1930 với địa vị vững chắc trên văn đàn và ngoài xã hội, mà chỉ tìm lại những những năm tháng cuối cùng của Khái Hưng trước khi ông đến với cái chết đầy bí ẩn.
Khái Hưng làm gì từ năm 1945 cho đến ngày cuối đời? Cũng như Nhất Linh, Khái Hưng tham gia hoạt động chính trị, từng bị thực dân Pháp bắt giam và quản thúc. Tháng 3.1945, Nhật lật đổ quyền cai trị của người Pháp, do có chân trong Đại Việt Dân chính Đảng, một đảng phái thân Nhật, nên Khái Hưng được trả tự do. Giai đoạn này Khái Hưng làm chủ bút là nhật báo Bình Minh của Nguyễn Giang. Tờ Bình Minh tồn tại từ tháng 3.1945 đến tháng 8.1945, xuất bản được khoảng 130 số, có trụ sở ở 51 phố Hàng Bồ- Hà Nội. Đến cuối tháng 5.1945, Khái Hưng rời tờ Bình Minh, nhường vị trí chủ bút cho Phan Huy Đán. Dấu ấn của Khái Hưng trên Bình Minh là chuyên mục “Chuyện vụn vặt”, thỉnh thoảng trình bày bằng lối chữ Quốc ngữ mới- phát kiến tâm huyết nhưng thất bại của ông chủ tờ báo Nguyễn Giang. Sau khi Khái Hưng không cộng tác với tờ Bình Minh thì chuyên mục “Chuyện vụn vặt” cũng chấm dứt.
Ngày 02.9.1945, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa được thành lập, báo chí Hà Nội thành một “vùng trắng” tạm thời. Trong khoảng thời gian này người ta không thấy Khái Hưng đâu. Đầu tháng 10.1945, Khái Hưng xuất hiện với vở kịch “Chống ngoại xâm” của tờ Thiếu sinh- một tờ báo dành cho thiếu nhi. Cũng trong tờ báo này, ông còn viết chuyện dài “Bốp và Bíp”- truyện kể về một con chó tên Bốp và con mèo Bíp.
Xuất hiện trên tờ báo thiếu nhi sau ít ngày Việt Minh giành chính quyền, có vẻ như Khái Hưng chấp nhận và sẵn sàng cho sự thay đổi, hòa nhập mới. Nhưng thêm một lần nữa Khái Hưng lại bỏ đi. Ấy là khi tờ Việt Nam Thời Báo ra mắt vào ngày 23.10.1945 và sau đó là nhật báo Việt Nam. Cả hai tờ báo này đều do Việt Nam Quốc dân Đảng điều khiển. Có vẻ như đây mới chính là không gian sống quen thuộc của Khái Hưng.
Tờ Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc dân Đảng, là tờ báo công khai của phe Quốc gia – xuất bản số 1 vào ngày 15.11.1945. Về danh nghĩa, nhật báo Việt Nam theo đuổi mục tiêu độc lập, tự do và chống đế quốc nhưng thực tế lại chống chính quyền Việt Minh. Tờ báo này do Hoàng Thúc Gị làm chủ nhiệm. Ông Hoàng Thúc Gị thuộc lớp đầu tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học. Năm 1929, sau vụ ám sát Bazin, Hoàng Thúc Gị bị bắt và bị kết án 10 năm tù đày đi Côn Đảo. Sau khi được tự do, ông Hoàng Thúc Gị quản lý tờ Việt Nam.
Tờ Việt Nam tồn tại đến hết tháng 10 năm 1946 thì mất hút. Cho đến nay, tờ báo này ra được bao nhiêu số thì cũng chỉ là sự phỏng đoán. Nhưng chắc chắn là báo này ra xấp xỉ 300 số. Trong tư liệu của các nhà sưu tầm thì đến ngày 31.10.1946, tờ báo này ra đến số 286. Tờ Việt Nam bị đóng cửa là hệ quả từ các xung đột đảng phái thời điểm đó. Độc giả chỉ biết tờ Việt Nam chính thức dừng hoạt động qua một thông báo ngắn ngủi đăng trên tờ Vì Nước ngày 2.12.1946:
“Kính cáo độc giả. Vì chưa đủ điều kiện mới thuận tiện về phương diện ấn loát, báo Việt Nam đã phải tạm ngừng xuất bản ít lâu. Vậy xin có lời thanh minh mong các độc giả thể tình cho.
Báo Việt Nam”
Quay trở lại với Khái Hưng.
Trên tờ Việt Nam, Khái Hưng giữ chuyên mục “Chuyện lẩn thẩn” phản ánh các vấn đề chính trị – xã hội qua góc nhìn hoạt kê, châm chích. Cũng trong giai đoạn này, Khái Hưng còn là cây bút chủ lực của tờ Chính Nghĩa (Một tờ báo khác của Việt Nam Quốc dân Đảng).
Ta có thể thấy, lúc này trên mặt trận báo chí có hai phe rõ rệt. Tờ Việt Nam và các tờ báo khác của Việt Nam Quốc dân Đảng như Thiết Thực, Chính Nghĩa, Kỷ Nguyên Mới là một phe. Bên kia là tờ Cứu Quốc do Việt Minh điều khiển có sự hợp lực của các tờ báo khác ủng hộ Việt Minh như Sự Thật (báo của Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác), Độc Lập (báo của Dân chủ Đảng), Đồng Minh (loại mới- báo của Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội). Hai phe nhóm này xung đột kịch liệt trên mặt báo với các bài viết tố cáo, đả kích, châm biếm lẫn nhau.
Sự xung đột không dừng lại trên mặt báo mà được thể hiện bằng các hành động bắt cóc, tống tiền, ám sát. Ngày 12.7.1946, sở Công an Bắc Bộ thực hiện chuyên án số 7, tổ chức bao vây khám xét trụ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều). Trụ sở của Việt Quốc tại đây bị vô hiệu hóa.
Ngày 20.10.1946, Toà soạn báo Việt Nam tại số 80 Quán Thánh bị Công an Hà Nội bao vây, khám xét. Khái Hưng cùng Phan Khôi, Vũ Đình Chí, Hồ Lê, Nguyễn Mộng Chương, Nguyễn Xuân Tùng và Hưng Việt bị bắt. Sau một tuần giam giữ, Khái Hưng và những người còn lại được trả tự do1.  Sau đợt khám xét ấy, báo Việt Nam hoạt động được một thời gian nữa thì vĩnh viễn đóng cửa.
Như vậy, Khái Hưng khép lại cuộc đời hoạt động báo chí của mình sau khi tờ Việt Nam bị đóng cửa. Những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp báo chí của ông là vở kịch “Khúc tiêu ai oán” đăng nhiều kỳ trên tờ Chính Nghĩa từ số 21 (ngày 28.10.1946) đến số 28 (ra ngày thứ hai 16.12.1946). Trước đó là truyện ngắn “Tiếng người xa” đăng trên tuần báo Chính Nghĩa số 20 ngày 21.10.1946.
Trong năm 1946, Khái Hưng còn xuất hiện trong vai trò khác. Tại Đại hội đồng Báo chí Việt Nam ngày 25.8.1946 – một tổ chức nghề nghiệp của những người làm báo lúc đó- để bầu Ban Trị sự mới, Khái Hưng trúng thành viên Ban Kỷ Luật thuộc Ban Trị sự Báo chí Việt Nam (Chủ tịch Hội Đồng báo chí là Nguyễn Tường Phượng). Tiếp đó, ngày 11.10.1946, Khái Hưng tham dự Đại Hội Văn hoá cứu quốc tổ chức tại Hà Nội.
Từ trung tuần tháng 12.1946, căng thẳng leo thang, nguy cơ cuộc chiến tranh Việt –Pháp ngày càng khó tránh. Quân Pháp thường xuyên khiêu khích, tấn công và tàn sát người dân vô tội. Ngày 17.12.1946, Pháp tấn công đội tự vệ, hàng chục người phố Hàng Bún- Yên Ninh bị tàn sát. Cũng trong ngày đẫm máu này, Khái Hưng và vợ con đều bị Pháp bắt khi đang ở nhà riêng tại số 80 Quán Thánh (Hà Nội). Đến sáng hôm sau (18.12.1946), nhờ sự can thiệp của Ủy ban Liên kiểm Việt Pháp, gia đình Khái Hưng mới được thả cho về. Ngay chiều hôm ấy, Khái Hưng đưa vợ con tản cư về quê vợ ở Trực Ninh- Nam Định.
Sau khi về quê được 3 ngày, Khái Hưng bị bắt đưa lên huyện (khoảng ngày 21.12.1946). Mấy ngày sau ông bị đưa đi Lạc Quần (cách Trực Ninh khoảng 10km). Trong thời gian bị giam ở Lạc Quần, Khái Hưng sống tương đối thoải mái, không bị tra tấn và không phải lao động cực nhọc. Thậm chí những người bắt giam ông luôn tỏ ra kính trọng và quý mến tài văn của Khái Hưng. Ở Lạc Quần đến qua rằm tháng Chạp Âm lịch (khoảng độ mùng 8 hoặc mùng 9.1.1947), Khái Hưng bị giải đi nơi khác.
Hồi ức của Trần Khánh Triệu, con nuôi Khái Hưng cho thấy lần gặp mặt cuối cùng của Khái Hưng với người nhà là qua tết Đinh Hợi (1947) chừng hơn một tháng, một buổi trưa Khái Hưng được đưa về nhà gặp vợ con trong dáng vẻ rất tiều tụy. Đối chiếu với dương lịch thời điểm đó thì lần cuối Khái Hưng gặp vợ con là khoảng cuối tháng 2.1947. Sau lần trở về nhà này, Khái Hưng bị đưa đi và vĩnh viễn không xuất hiện2.
Khái Hưng chết như thế nào, đến nay thật khó để phục dựng nguyên nhân và thời điểm cái chết bí ẩn của nhà văn này một cách chân xác nhất. Có rất nhiều đồn đoán xung quanh cái chết của ông. Người thì nói Khái Hưng bị chém tại địa điểm gần núi Gôi, người thì bảo ông bị quăng xuống sông ở bến đò Cựa Gà. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những tin đồn mà không có bằng chứng xác thực.
Một thông tin nữa về cái chết của Khái Hưng trên tờ Ngày Mới (số ra ngày 24.1.1948). Với tựa đề: “Cái chết của Khái Hưng: Phải giết chứ” thuật lại lời kể của một người hồi cư nói về giây phút cuối đời của ông. Qua lời người kể thì Khái Hưng bị bắt và giam cùng Lưu Ngọc Văn ở Lạc Quần (Nam Định), đây là nơi tập trung những người bị bắt vì tình nghi tham gia chính trị đối lập. Một buổi tối đầu tháng Chạp, Khái Hưng bị giải xuống Văn Lý và xử bắn tại đó. Cũng theo tờ báo này, nguyên nhân Khái Hưng bị giết bởi ông này là “phản động, là lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng”.
Sau mất tích mờ mịt đầy bí ẩn của Khái Hưng, vợ ông- bà Lê Thị Hòa vô cùng đau buồn. Bà mắc bệnh tim và từ trần sau một cơn đau nặng vào năm 1954. Hai ông bà không có con nên việc hương khói thờ phụng do người con nuôi là Trần Khánh Triệu đảm nhận3.
Đến nay người ta vẫn cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của Khái Hưng xuất phát từ mâu thuẫn đảng phái và việc Khái Hưng bị thủ tiêu do ông này tham gia quá nhiều vào các hoạt động chính trị chống đối.
Ở góc nhìn khác, nhà văn Hồ Hữu Tường cho rằng sở dĩ Khái Hưng bị thủ tiêu bởi trước đó ông đã dùng tiểu xảo viết bài trên báo Việt Nam gài chính phủ Việt Minh đến đường chiến tranh với Pháp, trong khi Việt Minh đang tìm mọi cách hòa đàm để không dẫn đến xung đột, đổ máu4.
Khái Hưng, tuy lừng lẫy trên văn đàn nhưng trong cơn tao loạn cũng không tránh khỏi kiếp nạn hẩm hiu dưới vòng quay tàn khốc của bánh xe lịch sử.
Một số tác phẩm của Khái Hưng trong những năm cuối đời
– Chống ngoại xâm (kịch vui bốn hồi – Tuần báo Thiếu Sinh 1945)
– Một Em bé khổ sở (Kịch ngắn – tuần báo Thiếu sinh 1945)
– Bốp và Bíp (truyện dài – tuần báo Thiếu sinh 1945)
– Khúc tiêu ai oán (kịch – Chính nghĩa 1946)
– Tiếng người xa (truyện ngắn – Chính Nghĩa tháng 10.1946)
– Gia đình và Xã hội (dịch – tiểu thuyết của Tagore)
Hoạt động báo chí:
– Chủ bút nhật báo Bình Minh ( từ tháng 3 đến tháng 5 – 1945)
– Phụ trách nội dung cho tờ Việt Nam, bút danh: Chàng lẩn thẩn
–  Chủ bút tờ Việt Nam Thời Báo (Chủ bút Trần Khánh Giư tháng 10. 1945)
Tài liệu tham khảo:
1. Công an Thủ đô những chặng đường lịch sử, NXB Công an Nhân dân, 1990. Tr.80.
2. Trần Khánh Triệu, Ba tôi, Tạp chí Văn (Sài Gòn), số 22. Tr.20.
3. Công an Thủ đô những chặng đường lịch sử, NXB Công an Nhân dân, 1990. Tr.80.
4. Trần Khánh Triệu, Ba tôi, Tạp chí Văn (Sài Gòn), số 22. Tr.20.
10/11/2021
Tạ Thu Phong
Nguồn: Văn Nghệ số 45.2021
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hồn từ đường cứ vọng thức về ta Dằng dặc nhớ/ Dằng dặc thương/ Nhịp thời gian nối bao canh trường/ Con cháu chuyển luân giờ đã là ba má/...