Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Người phụ nữ nghèo giàu lòng nhân ái đến kỳ lạ

Người phụ nữ nghèo
giàu lòng nhân ái đến kỳ lạ

Một người phụ nữ nghèo khó cứ chạy đi giúp đỡ những người có cuộc sống ổn định hơn mình. Ở đâu có thuốc từ thiện, bác đi xin về chia cho những bà con khác cùng bị căn bệnh. Ở đâu có cơm từ thiện bác cũng mang về phát cho làng xóm xung quanh. Tấm lòng bác thật bao la…
Tôi vừa đi bộ ra chợ mua vài túi thịt và rau về để cùng mẹ chuẩn bị bữa cơm. Nơi con hẻm nhỏ tọa lạc tại một quận của thành phố lớn, tôi đã đi chợ qua lại nơi đây không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào đi ngang qua một căn nhà màu xanh lụp xụp, tôi lại có cảm giác vừa vui vừa thấy thương thương, buồn buồn làm sao.
Tiến gần lại căn nhà nhỏ ấy, tôi nghe tiếng máy may kêu è è một quãng dài thật lớn rồi vội im. Tiếng máy cứ đều đều lúc kêu, lúc tắt theo những đường đạp của một đôi chân đen, nhỏ và nhăn nhúm làn da đã về tuổi trung niên. Đôi chân dừng lại, một giọng nói hân hoan bước ra cửa khi trông thấy tôi. Ngước mắt lên, tôi lại thấy cái dáng vẻ quen thuộc ấy, dáng vẻ gầy ốm và đầy những vết đồi mồi của bác hàng xóm tôi – bác Viên ở giữa tuổi ngũ tuần.
Tôi đưa bác một túi thịt mà mẹ dặn tôi mua thêm để biếu bác. Đây cũng chẳng phải lần đầu mẹ tôi thể hiện tình làng nghĩa xóm của mình, nhưng lần nào tôi cũng thấy những nếp nhăn của bác co lại, môi mấp máy và đôi mắt ươn ướt, chần chừ cầm lấy túi thịt trên tay tôi. Bác hàng xóm của tôi là vậy đấy. Và nếu ai biết về quá khứ cuộc đời của bác cũng sẽ hiểu được lý do vì sao bác lại có cái dáng vẻ khắc khổ và lam lũ như vậy.
Bác Viên dọn về con hẻm nhà tôi ở đã hơn hai mươi năm, đằng đẵng một phần ba đời người của bác đã dành trọn cho nơi này. Khoảng thời gian ấy còn lớn hơn cả số tuổi từ lúc tôi chào đời. Bác còn có một mẹ già bị thương tật từ hồi chiến tranh, cùng một người anh trai và một em trai đều làm thợ hồ là những người lao động nghèo sống chung con hẻm. Thật ra cuộc sống của nhà tôi và những gia đình xung quanh cũng chẳng khá giả gì mấy nhưng ít ra thì không đến mức đi vào ngõ cụt như nhà bác Viên. Mà cũng có thể với tôi đó là ngõ cụt, nhưng bác Viên thì lúc nào cũng tìm được cánh cửa để bước tiếp.
Trước đây bác Viên đi nhặt chai nhựa về phân loại nắp để kiếm tiền mưu sinh qua ngày. Với những nắp chai ấy, bác phải nuôi hai người con và một ông chồng. Trong cái cuộc sống tận cùng cơ cực, bác Viên lại gánh vác thêm nhiều việc trong gia đình. Những đứa con của ba anh em bác đều trạc tuổi nhau, nên mỗi lần đi học thì bác lại chở hết. Tôi cứ nhớ hoài chiếc xe số tàn tạ đến đầu xe còn không có cái hộp đèn đàng hoàng, vậy mà lại tống đến bốn con người gồm một phụ nữ gầy còm và ba đứa trẻ cấp hai tròn trịa. Bác trở thành xe ôm chính hiệu cho hai người con của mình và một người cháu trai mỗi ngày.
Dần dần, bác cũng trở thành chiếc đồng hồ báo thức của tôi khi cứ đến buổi trưa, nghe tiếng xe bác nổ máy chở các em đi học, tôi cũng tự giác sửa soạn đồ để ba đưa tôi đến trường. Tôi từng ngồi thử trên chiếc xe tống bốn ấy một lần khi mẹ tôi bận quá không đưa tôi đi học được. Tôi nhớ lúc ấy mẹ tôi ngại ngùng và chần chừ không biết phải làm sao. Thời ấy chưa có xe ôm công nghệ và mẹ cũng không trông thấy chú xe ôm nào, nên mẹ đành xem trong nhà có mấy khúc cá tươi mang qua biếu và nhờ bác đưa tôi đi học. Bác không nhận cá nhưng vẫn nhận chở giúp tôi. Lúc ấy tôi ngạc nhiên lắm!
Ở chung trong một xóm nên lâu dần tôi quen thuộc cái tiếng xe máy cà tàng cứ ì ạch nổ mỗi ngày. Nhưng tiếng xe đó chẳng là gì so với giọng nói của chồng bác mỗi buổi sớm đều đều la lên đe dọa nếu bác Viên không đưa ông tiền mua rượu. Đến chiều sau khi đưa các em đi học, nơi nhà bác lại phát ra những tiếng rột roạt của nắp và chai nhựa. Có lần sang nhà chơi, thấy nhà bác ngổn ngang là nắp được phân thành từng màu riêng trong từng cái xô riêng, tôi không khỏi thắc mắc: “Bác Viên phân nắp chai ra theo màu để làm gì vậy?”. Bác Viên cười tươi và trả lời tôi: “Mấy nắp nhựa cùng màu khi tái chế sẽ ra riêng được một màu đó, người ta có thể dễ dàng tạo thành những món đồ nhựa khác hơn con à!”. Tính tò mò trong tôi lại trỗi lên nên tôi hỏi tiếp bác rằng số tiền từ một xô nắp chai như vậy bác nhận được là bao nhiêu? Bác Viên trả lời tôi ngay mà không chần chừ: “Một ký mười nghìn con ạ. Một xô vậy là ba ký, có mấy em phụ bác thì một ngày cũng được cỡ ba xô.”
Lúc ấy tôi không hiểu sao bác Viên cứ phải lựa chọn công việc ve chai vì nó có mùi hôi bao quanh cả căn nhà nhỏ. Tôi chỉ biết đó là tiền sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình bác, là tiền học phí của hai người con mà bác chắt chiu từng đồng. Sau này lớn tôi mới hiểu bác không có công việc nào tốt hơn bởi bác không biết chữ nên hễ kêu gì thì bác làm nấy. Thế rồi bỗng một ngày, đứa con gái lớn của bác đổ bệnh động kinh thường xuyên và cậu con trai nhỏ bỏ học vì buồn chán, số tiền ấy không còn dùng để đóng học phí nữa và bác Viên cũng thôi cái nghề đi nhặt ve chai…
Để có thể canh chừng con gái bệnh, bác Viên đi xin được cái máy may và máy vắt sổ cũ về nhận đồ may cùng con gái, còn cậu con trai thì đi học sửa xe máy cùng bạn bè. Thoạt đầu, công việc mới bác chưa quen lắm, chưa biết thay kim như thế nào và đạp máy ra sao, nhưng vì gia đình mà bác học rất nhanh, thấm thoát cũng rành rẽ trong việc may đồ công nghiệp. Tôi nghĩ biết đâu nghề may có thể giúp cuộc sống gia đình bác đỡ vất vả hơn, nhưng rồi điều bất hạnh cứ ập đến người phụ nữ tội nghiệp. Đó là ngày mẹ già của bác lâm bệnh nặng!
Mẹ của bác vốn sống ở nhà người em, nhưng đến khi bà cụ bệnh đưa về cho bác Viên chăm nuôi. Nếu hồi trước nhặt ve chai để nuôi hai con và một chồng, giờ đây nghề may lại khiến bác gánh thêm một người mẹ ốm yếu. Vậy mà môi bác lúc nào cũng nở nụ cười. Bác chăm mẹ bằng tất cả những đủ đầy nhất trong cái nghèo của mình. Ngày bà cụ qua đời cũng là ngày tôi trốn trong nhà khóc thầm theo tiếng than bi thương của bác. Lần đầu tiên tôi thấy bác khóc và khóc một cách vô cùng sầu thảm. Một năm sau sự ra đi của người mẹ, anh trai bác cũng qua đời vì ung thư xương. Nỗi đau thương nối tiếp thương đau. Tôi trông bác tiều tụy thấy rõ. Giờ đây cứ đến mùa xuân, mùa của gia đình sum họp là bác lại gánh hai cái đám giỗ: mẹ và anh trai!
Nỗi bất hạnh của bác Viên chưa dừng ở đó. Vào một ngày mùa thu, chồng của bác đi hai hôm không thấy về nhà. Dù bị chồng luôn uống rượu chửi mắng mà chẳng giúp được việc gì cho vợ nhưng bác Viên vẫn yêu thương chồng lắm. Bác bồn chồn đi kiếm chồng ở khắp nơi. Bà con lối xóm tôi cũng chia nhau đi tìm nhưng mãi không thấy ông đâu. Đến ngày hôm sau, nghe ai gọi báo, bác Viên phóng vội ra con mương gần nhà để xem thì thấy xác chồng chết đã sình lên xém không còn nhận ra hình dạng. Cũng một kiếp người, sao có cái chết nhẹ nhàng tựa lông hồng, có cái chết lại thê thảm đến thế?
Bác Viên đã khóc gần như cạn hết nước mắt. Đã tàn tạ, người phụ nữ bất hạnh nay còn tàn hơn. Nhiều ngày liền bác cứ trốn trong nhà, không ăn không uống. Chiếc máy may nằm đó vẫn còn bám đầy bụi vải, không ai quét dọn. Căn nhà xanh lụp xụp trống vắng giờ đây có một tấm hình thờ. Cái dáng người gầy ốm của bác lại càng gầy đến lộ cả xương sườn. Bác Viên vẫn ngồi đó, trước di ảnh của chồng từ ngày này sang ngày khác mà kể, hết kể rồi lại khóc. Tôi chẳng nghe được những lời tâm sự của âm dương cách biệt nhưng tôi biết cả hai đang dặn dò nhau, đang buông bỏ, đang tha thứ cho nhau, yêu thương nhau và hứa hẹn một kiếp người sau sẽ tròn đầy, viên mãn hơn!
Thời gian thật sự là liều thuốc chữa lành tổn thương hữu hiệu. Đau khổ nào rồi cũng sẽ qua đi. Tôi rất vui mừng giờ đây cuộc sống gia đình bác Viên đã dần dần ổn định lại, mọi thứ trở lại với quỹ đạo vốn có của nó. Tiếng máy may trong căn nhà màu xanh lại rè rè kêu đều đặn. Người phụ nữ khắc khổ ấy lại tiếp tục cuộc sống cùng hai đứa con thân yêu trưởng thành của mình. Tôi lại thấy nụ cười nhiệt tình, hăng hái như trước đây trên khuôn mặt đàn bà đen sạm đầy nếp nhăn. Tôi lại thấy cái dáng người nhỏ bé chạy đi khắp nơi, ai nhờ gì bác giúp đó.
Bác Viên kỳ lạ đến vậy. Một người phụ nữ nghèo khó cứ chạy đi giúp đỡ những người có cuộc sống ổn định hơn mình. Ở đâu có thuốc từ thiện, bác đi xin về chia cho những bà con khác cùng bị căn bệnh. Ở đâu có cơm từ thiện bác cũng mang về phát cho làng xóm xung quanh. Tấm lòng bác thật bao la! Có lần tôi hỏi bác cứ đi xin cái này cái kia về cho người khác như vậy để làm gì cho tốn thời gian. Bác Viên trả lời tôi kèm theo một nụ cười: “Bây giờ không cần nhưng sau này sẽ cần. Mấy cái thuốc này cứ để dành trong tủ, lỡ có bệnh uống liền cho mau khỏi chứ đừng để lâu mới phát hiện rồi bị nặng như con bé nhà bác”.
Người phụ nữ nghèo giàu lòng nhân ái là thế! Bác Viên, một chiếc lá rách cứ đi đùm bọc những chiếc lá dập dập. Bác Viên, cái tên “đoàn viên” nhưng chẳng được viên mãn bao giờ. Bác Viên, một kiếp người kỳ lạ nhưng cũng thật là Bồ Tát sống giữa thế gian.
13/11/2021
Võ Lê Thùy Trang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Giải túc cầu “Sao Kê” Người hâm mộ cả nước đang hào hứng đón đợi những trận đấu của Đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Giải vô địch bóng đ...