Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Lý luận phê bình văn học trẻ: Một vài cảm nhận

Lý luận phê bình
văn học trẻ: Một vài cảm nhận

Tạp chí Xứ Thanh của Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức Hội thảo “Văn học trẻ Bắc miền Trung: Những thách thức và trách nhiệm”. Nhân dịp này, Vanvn xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Thy Lan về lý luận phê bình văn học trẻ, một vấn đề đang được nhiều người quan tâm…
Nói một cách ví von: Sáng tác và lý luận phê bình như là đôi chân phản ánh hình hài một “cơ thể” văn học. Một nền văn học phát triển cần “đôi chân” sáng tác và lý luận phê bình phát triển cân đối, lành mạnh nhịp nhàng làm trụ đỡ cho việc tiến lên phía trước, ngoái lại phía sau, sang phải, sang trái cho đích nhằm đến là giá trị thẩm mỹ.
Nếu ở lĩnh vực sáng tác: Một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ nhất định phản ánh khả năng cảm nhận, bề dày kinh nghiệm, chiều sâu chiêm nghiệm mang dấu ấn cá nhân của yếu tố tài năng bẩm sinh; thì sự thành công của tác phẩm ở lĩnh vực lý luận phê bình mang yếu tố tài năng phản ánh trình độ học vấn, kiến thức được đào tạo, được tích lũy, khả năng tổng hợp của người sáng tạo. Nói một cách khác, thành công của lĩnh vực lý luận phê bình văn học cần có thời gian cho công tác chuẩn bị và không tách rời công tác trang bị cho các tài năng vốn kiến thức, kỹ năng tư duy đủ sức thẩm định các giá trị văn học. Cũng có nghĩa là việc hình thành kế hoạch dài hạn cho công tác đào tạo các cây viết trẻ là công việc cần được đặc biệt quan tâm. Từ việc phát hiện đến việc quan tâm giúp đỡ họ công bố tác phẩm, tổ chức các cuộc thi, trao giải thưởng, đến việc bồi dưỡng kiến thức dành cho các cây bút có nhiều triển vọng, các cuộc Hội thảo tọa đàm nhằm mục tiêu tìm ra phương hướng giải pháp thúc đẩy, thu hút tài năng trẻ…
Nghiên cứu lý luận phê bình, tôi nhận thấy đây là một lĩnh vực khó, nếu không quyết tâm thì rất dễ nản lòng. Thứ nhất, đây là lĩnh vực khoa học của rất nhiều các học thuật, khái niệm, định nghĩa… không đam mê, chịu khó học và đọc thì khó có thể tiếp cận thấu đáo. Nhất là tiếp cận thế nào để lĩnh hội, chuyển hóa một cách tự nhiên, trở thành chìa khóa cho mọi sự tìm hiểu, khám phá trong lĩnh vực học thuật. Quá trình này đòi hỏi sự học có trường lớp đến nơi đến chốn. Nhưng vẫn là chưa đủ nếu người làm lý luận phê bình không chủ động tích cực trong việc học hỏi tiếp thu cái mới, các khuynh hướng sáng tác,…chủ động tự nghiên cứu, sáng tạo, biến đổi cho phù hợp với thực tế. Vì thế, người viết lý luận phê bình cần có một quãng thời gian đủ để tiếp cận, thể nghiệm, rút kinh nghiệm trong quá trình viết. Chẳng hạn có một số lý thuyết hôm qua có lý, hôm nay lại bất ổn. Tiếp thu những luồng gió mới là cần thiết nhưng phải phù hợp với văn hóa Việt Nam. Thực tế, có những thứ lý thuyết chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa tân hình thức, chủ nghĩa hậu hiện đại…đã từng thâm nhập, từng ồn ào, nhũng nhiễu đời sống văn học nước ta. Tâm thế, bản lĩnh của người viết phê bình cần thiết hơn ai hết để đo đếm, dự báo, định lượng các giá trị nghệ thuật.
Còn với người sáng tác thì sao? Bất kỳ sự thành công nào bắt đầu bao giờ cũng cần đến sự học vì học tập nhân lên khả năng vốn có của con người. Nhưng thành công của người sáng tác còn có yếu tố bẩm sinh, trời cho năng khiếu. Bởi thế họ có thể xuất hiện từ khi còn rất trẻ như Trần Đăng Khoa, tám tuổi đã làm thơ, Hà Thị Cẩm Anh (người dân tộc Mường) 13 tuổi đã viết truyện ngắn… lại có những người thời trẻ làm thơ, viết văn hay hơn cả lúc đã chín về độ tuổi và bề dày chiêm nghiệm. Điều này hoàn toàn có lý vì sáng tác là sự cộng hưởng của tài năng, vốn sống nhưng quan trọng là độ nhạy cảm của người viết trước đời sống. Khi người sáng tác mất đi sự rung cảm cần thiết, nặng tính làm nghề, tác phẩm sẽ mất sinh khí tự nhiên vốn có.
Người viết lý luận phê bình thiết nghĩ cũng rất cần có tài năng, năng khiếu. Điều này nó tiếp sức cho người viết. Nhưng cái thiếu ban đầu của người viết lý luận phê bình trẻ là năng lực thẩm mỹ, khả năng đánh giá, định lượng, bề dày kiến thức tích lũy còn hạn chế, kinh nghiệm hạn hẹp nên hầu hết các bài viết, các nhận định, đánh giá còn sơ sài, dàn trải, thiếu chiều sâu học thuật cần thiết, nặng về cảm tính chủ quan, lỏng lẻo về cơ sở khoa học, đó là điều dễ hiểu. Thành công của các tác giả viết lý luận phê bình thường trễ hơn về độ tuổi so với người sáng tác có cùng năng lực. Một vài trường hơp như Belinxki hay Hoài Thanh ở nước ta là của hiếm. Bởi vì giá trị của tác phẩm lý luận phê bình nằm ở chỗ khả năng kiến thức của người thẩm định, khả năng cô kết, tổng hợp khách quan của người viết. Viết cho đúng, cho hay để người được ca tụng phải nể, bị phê phải phục và độc giả ưng ý vì khen đúng, chê đúng là một việc khó. Bởi vậy nhiều người đánh đồng độ tuổi của người sáng tác và lý luân phê bình là không thực tế khách quan. Nếu so sánh tương quan như thế sẽ là thiên lệnh, sai lầm.
Một số phẩm chất cần có để viết lý luận phê bình
Trước hết người viết lý luận phê bình phải trung thực, lấy văn hóa làm gốc cho mọi sự xem xét, mọi sự lựa chọn. Nhà thơ Hữu Thỉnh có lý khi đánh giá: “Không dựa vào căn bản văn hóa thì dễ chết yểu, gây ồn ào tức thời. Đặc biệt văn hóa phải gắn với dân tộc và hiện đại. Hiện đại trong văn học là xu hướng phẩm chất tiến bộ vượt qua các giá trị truyền thống nhằm tư duy sáng tạo, vượt ra cái hữu hạn chiếm lĩnh cái vô hạn, vượt qua cái khu biệt để đạt được cái phổ quát. Hiện đại cả hình thức và nội dung, tinh thần nhân văn, dân chủ được đề cao. Đi đến tận cùng dân tộc gặp nhân loại”.
Đồng thời người viết lý luận phê bình cần rèn luyện khả năng tư duy lý luận, kiến thức văn hóa, năng lực thẩm mỹ… Đặc biệt nhà văn hay nhà lý luận phê bình đều cần hiểu sâu sắc đời sống. Nhưng nhà văn hiểu nó ở bình diện với tất cả tính đa dạng, phức tạp, cụ thể, chi tiết để làm nên da thịt cho những vấn đề tư tưởng mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm của mình; còn nhà phê bình hiểu căn bản trong hình thức tư duy lý tính để lý giải vấn đề đặt ra trong tác phẩm, lý giải mối quan hệ giữa tác phẩm và đời sống, giữa nhà văn và tác phẩm, từ đó có cái nhìn khách quan, đánh giá đúng giá trị cũng như hạn chế của tác phẩm. Vốn sống là vô cùng, vô tận, càng hiểu sâu sắc nó chừng nào, người phê bình càng giải quyết tốt mối quan hệ giữa lý trí và tình cảm trong phê bình. Chế Lan Viên nói: “Ra biển lớn không thể bằng lòng làm kẻ đứng trên bờ. Đứng trên bờ chỉ vớt được bọt biển, không thể nào câu được cá lớn”. Đó là kinh nghiệm máu thịt rút ra từ những trải nghiệm của người viết.
Thái độ của người viết phê bình nên chăng phải chân tình, cởi mở trên tinh thần xây dựng; tránh khắt khe thái quá, tránh nể nang, bốc thơm, … Cần lấy văn bản tác phẩm làm gốc cho mọi sự đánh giá. Đã có ý định viết phê bình về tác phẩm nào đó cần đọc và đọc rất kỹ để phát hiện ưu điểm và chỉ ra hạn chế. Biết tôn trọng mỗi thành tựu dù là nhỏ nhất trong sáng tác; chia sẻ với những khó khăn của người sáng tác. Khi viết phê bình nếu có thể nên tìm hiểu tác giả, lắng nghe họ cho dù viết thế nào do chính kiến của mình để tránh sai lầm, không hiểu nhau dẫn đến ganh ghét, thù oán. Cao hơn nghệ thuật là tấm lòng, chính tấm lòng người viết là yếu tố quan trọng cấu thành giá trị chân thiện mang dấu ấn của yếu tố tài năng.
Nhiệm vụ, vai trò của người viết lý luận phê bình:
Gần đây có rất nhiều người sính viết phê bình nhưng lại viết lan man, dàn trải, không có trọng tâm. Viết ngắn gọn, cần trau dồi kiến thức, hình thức biểu đạt. Đặc biệt cần tránh lối viết “rau muống” lằng nhằng, “trường giang đại hải”, “đo bò làm chuồng”.
Tình hình lý luận phê bình hiện nay
Mặc dù đang phát triển bình thường song hành với sáng tác văn học nhưng phải thừa nhận một thực tế là mấy chục năm qua thiếu vắng tác giả, tác phẩm phê bình lớn như “Nghệ thuật thi ca” của Arixtot, “Văn tâm điêu long”của Lưu Hiệp đối với thế giới hay như “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân đối với Việt Nam.
Tính thụ động trong lý luận phê bình, chỉ vận dụng phê bình theo “kiểu” phương Tây vẫn là hạn chế đang tồn tại, cơ chế thị trường cũng theo chân len lỏi vào lý luận, phê bình văn học, đó là “phê bình” bốc thơm, “phê bình” cực đoan làm rối loạn các giá trị, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong công chúng.
Một số hình thức phê bình hiện nay mang tính tranh luận trao đổi đôi khi là luận chiếnvẫn tồn tại những bất cập, đôi khi còn nặng tính cá nhân dẫn đến mất đi tính khách quan, tính văn hóa, tính thẫm mỹ cần có. Những người viết phê bình trẻ như chúng tôi rất cần lấy đó làm kinh nghiệm cho mình.
Có thể nói tài năng nghệ thuật là sự hội tụ của nhiều yếu tố, đó là thế giới quan lành mạnh tích cực, có vốn sống phong phú, vốn văn hóa được trau dồi tích lũy thường xuyên, khả năng tư duy, khả năng làm chủ ngôn ngữ… Nhưng với người viết lý luận phê bình còn cần hơn một tư chất là tính khách quan, trung thực và bản lĩnh nghề nghiệp. Do đó phát hiện bồi dưỡng tài năng lý luận phê bình văn học trẻ là công việc thường xuyên, lâu dài cần được định hướng cụ thể. Nhất là cần trang bị một cách hệ thống kiến thức về mọi mặt, trong đó có hệ thống lý luận văn học là nền tảng cho người viết phê bình trẻ.
21/4/2021
Thy Lan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn tỉnh lẻ

Nhà văn tỉnh lẻ Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, đi...